Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà và nỗi đau nước Pháp

Thứ Sáu, 19/04/2019, 21:04
Sẽ còn rất lâu, người dân Pháp mới có thể quên cái thời khắc tồi tệ 18h50 ngày 15-4 (giờ địa phương, tức 23h50 ngày 15-4 theo giờ Hà Nội), thời khắc Nhà thờ Đức Bà bốc cháy.


Tồn tại trong suốt hơn 8 thế kỷ giữa lòng thủ đô Paris hoa lệ, Nhà thờ Đức Bà Paris được xem là nhân chứng sống cùng những thăng trầm nước Pháp, là niềm cảm hứng vô tận cho thi ca và còn là điểm đến không thể thiếu của người Công giáo. Vậy mà chỉ trong chốc lát, đỉnh tháp Gothic - biểu tượng của Nhà thờ Đức Bà suốt 850 năm qua đã bị sụp đổ giữa biển lửa…

12 tiếng kinh hoàng

Cathy Widawska - một người dân đã sống tại Paris 15 năm kể: "Tôi đã chứng kiến ngọn tháp biểu tượng sụp đổ. Tất cả mọi người ở đó đều sợ hãi khi nhận ra tình hình đã nghiêm trọng đến mức nào. Đây không chỉ là một nhà thờ bình thường, đây là một tượng đài, là niềm tự hào của người dân Paris.

Điều này khiến chúng tôi không thể tin được. Trái tim tôi đã vỡ vụn khi nhìn nhà thờ sụp đổ. Rất nhiều người đã khóc. Bạn có thể nhìn thấy sự sợ hãi và tuyệt vọng trên gương mặt của những nhân chứng. Chúng tôi đều ở lại và cầu nguyện".

Tuy nhiên, do cấu trúc đặc biệt của nhà thờ gồm hệ thống kèo đỡ phần mái nặng tới 200 tấn, được tạo bởi nhiều loại gỗ khác nhau nhưng chủ yếu là gỗ sồi (một loại vật liệu dễ bắt lửa) cùng với mục đích bảo vệ nguyên vẹn nhà thờ sau vụ cháy, công việc chữa cháy càng trở nên khó khăn hơn. Lực lượng cứu hỏa Paris đã không thể sử dụng chiến thuật dập cháy đặc biệt do lo ngại làm hư hỏng thêm tòa nhà. Mặt khác, họ phải chạy đua với thần lửa và thời gian.

Bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris nói: "Chúng tôi đã tính đến phương án sử dụng chiến thuật có tên Canadair mô tả việc sử dụng "quả bom nước" để dập tắt đám cháy từ trên cao. Nhưng việc này có thể khiến những phần còn lại của công trình bị hư hại và khiến nhiều người bị thương".

Đại diện Cục An ninh Dân sự Pháp giải thích, không thể dùng vòi rồng lớn hoặc máy bay để dập tắt lửa, bởi lượng lớn nước được trút từ độ cao thấp có thể làm suy yếu cấu trúc khung của Nhà thờ Đức Bà, có thể khiến công trình này sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn và gây thiệt hại cho các công trình xung quanh. Phương án dập lửa từ bên trong hiệu quả hơn cho việc đưa các hiện vật ra ngoài và cứu công trình.

Do đó, 20 người trong khoảng 400 lính cứu hỏa có mặt tại hiện trường đã quên thân mình để vào trong 2 tòa tháp chuông vật lộn với đám cháy trong suốt 12 tiếng đồng hồ. Khi ngọn lửa được kiểm soát thì 2/3 đỉnh mái của Nhờ thờ Đức Bà đã bị phá huỷ hoàn toàn".

Nhưng lực lượng cứu hỏa đã cứu được chiếc rương đựng nhiều hiện vật quý của Nhà thờ Đức Bà, trong đó chiếc Mão gai vốn được Chúa Jesus đội trên đầu khi bị đóng đinh trên cây Thánh giá Đích thực, hay áo choàng St.Louis, được cho là thuộc sở hữu của Vua Louis IX, cùng với những mảnh Thánh giá và một chiếc Đinh Thánh. Bức tượng chú gà trống Gaulois - biểu tượng lâu đời của nước Pháp - cũng đã được tìm thấy, dù đã bị biến dạng bởi sức nóng.

Mặc dù không có yếu tố nào chứng minh vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris là hành động cố ý như lời khẳng định của công tố viên Paris Rémy Heitz, các bước điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân vụ hỏa hoạn vẫn được tiến hành.

Văn phòng công tố Paris đã huy động 50 điều tra viên và giao cho biệt đội hình sự nhiệm vụ thực hiện các bước điều tra tỉ mỉ để làm sáng tỏ nguyên nhân của thảm họa đã phá hủy di sản có niên đại hơn 850 năm này. Họ sẽ phải xem xét hàng loạt manh mối để xác định vụ cháy là do lỗi của con người hay do lỗ hổng kỹ thuật.

Ngay trong đêm 15-4, các điều tra viên đã lấy lời khai của hàng chục nhân chứng đầu tiên, trong đó có các công nhân làm việc tại công trường và các nhân viên của Nhà thờ Đức Bà Paris cùng những người tham gia dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD phần tháp của nhà thờ với 250 tấn chì.

Mỗi phiên lấy lời khai có thể kéo dài hàng giờ, các nhân chứng phải đưa ra một danh sách đầy đủ những người họ gặp, nêu lên những vấn đề không đúng chuẩn mà họ có thể đã gặp phải và mô tả chi tiết ngày làm việc của họ.

Các video bên trong và bên ngoài Nhà thờ cũng được thu thập từ tất cả mọi nguồn, kể cả người dân, khách du lịch và các kênh truyền hình đã ghi lại thảm kịch từ mọi góc độ… Mục tiêu của các nhà điều tra tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra khi tiếng chuông báo cháy lần đầu vang lên lúc 18h20 nhưng lại không có đám cháy nào được tìm thấy để rồi ngọn lửa tàn bạo thiêu rụi đỉnh mái nhà thờ chỉ 30 phút sau đó.

Lời nguyền thế kỷ?

Ngược lại lịch sử, vào giai đoạn giữa thế kỷ 12, khi thủ đô Paris nổi lên như một trung tâm quyền lực của nước Pháp và rộng hơn là của cả châu Âu dưới thời vua Louis VII (1120-1180), vị vua này đã nuôi khát vọng sở hữu một công trình tôn giáo xứng tầm với địa vị của Paris và mang ý nghĩa biểu tượng về sức mạnh kinh tế, chính trị và tri thức.

Giữa năm 1163, ý tưởng này chính thức được hiện thực hoá. Sau nhiều ngày đêm tính toán, Vua Louis VII quyết định chọn địa điểm xây dựng nhà thờ tại le de la Cité, một trong hai cù lao nổi trên sông Seine chảy ngang thủ đô. Để nhường không gian cho công trình vĩ đại, nhà vua thậm chí quyết định phá huỷ một đại giáo đường hàng trăm năm tuổi.

Bên trong nhà thờ sau đám cháy.

Việc xây dựng nhà thờ được hoàn thành trong suốt 200 năm. Hai tòa tháp chính của nhà thờ được hoàn thành vào năm 1245 và Paris phải mất thêm 100 năm nữa mới hoàn thiện toàn bộ kiến trúc của nhà thờ. Khi hoàn thành, Nhà thờ Đức Bà Paris được coi là viên ngọc quý nhất châu Âu của kiến trúc Gothic thời Trung cổ, song được pha trộn bởi những nét tinh tuý nhất từ các nền văn minh khắp nhân loại. Khu lễ đường của nhà thờ khi đó có thể chứa cùng lúc 6.000 người.

Đối với người Pháp nói riêng và thế giới nói chung, địa danh này cũng chính là trái tim của Paris, nơi từng tổ chức những sự kiện lịch sử đáng nhớ nhất như đám cưới hoàng gia, lễ đăng quang của Napoleon Bonaparte, lễ phong chân tước cho Joan of Arc.

Trong giai đoạn Cách mạng Pháp đầu thế kỷ 19, Nhà thờ Đức Bà bị hư hại nặng nề và một nửa kiến trúc bên trong thánh đường chỉ còn là phế tích. Tuy nhiên, vào năm 1844, nhà vua Pháp Louis Phileppe quyết định tiến hành đại trung tu nhà thờ dưới bàn tay của kiến trúc sư lừng danh gốc Áo Eugene Viollet-le-Duc. Trong vòng 2 thập niên, toàn bộ nhà thờ hồi sinh.

Các cửa sổ hoa hồng nổi tiếng được phục hồi. Các ngọn tháp ban đầu đã được trang trí thậm chí còn tỉ mỉ, công phu hơn trước. Đến thế kỷ 20, nhà thờ là nơi chứng kiến những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Có những thời điểm, thủ đô Paris thậm chí đã bị kẻ địch chiếm đóng, tàn phá. Trong những năm loạn lạc, không ít lần có những kẻ muốn kéo đổ Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng may thay, ý tưởng đó chưa từng được tiến hành.

Tờ Guardian mới đây đăng tải câu chuyện cho hay, khi Thế chiến II vào giai đoạn ác liệt nhất, khi Paris nằm trọn trong vòng kiềm toả của Đức Quốc Xã, một vị tướng Đức có tên Dietrich von Choltitz đã không tuân mệnh Adolf Hitler đòi phá hủy Paris vì "đầu hàng" vẻ đẹp của công trình được gọi là trái tim của nước Pháp.

Choltitz được cho là đã mạo hiểm mạng sống của bản thân để ngăn chặn chiến dịch "san bằng Paris" của Adolf Hitler… Sau những biến cố lịch sử, Nhà thờ Đức Bà Paris từ nhiều thập niên gần đây trở thành nơi mà nó vốn được xây dựng lên: nơi hành hương và cầu nguyện của nhiều thế hệ người Công giáo khắp châu Âu.

Và trong suốt 850 qua, Nhà thờ Đức Bà Paris đã đi vào các tác phẩm văn học nghệ thuật bất hủ. Trong đó, nổi tiếng nhất là tác phẩm "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo khi đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng.

Trong tác phẩm của mình, ông miêu tả nhà thờ như một chứng nhân lịch sử, vượt qua thời gian và những biến cố, nơi số phận các nhân vật gắn chặt chẽ với nhau và với nhà thờ. Tờ Euro News cho hay, vụ cháy vừa xảy ra ở Nhà thờ Đức Bà Paris cũng gợi liên tưởng đến một chi tiết trong tác phẩm của Hugo. Công trình kiến trúc nổi tiếng Paris từng bốc cháy tương tự như vậy trên những trang văn của ông. Victo Hugo dường như đã linh cảm về biến cố xảy ra với nhà thờ Đức Bà cách đây gần 200 năm.

Và niềm tin mới

Vượt lên nỗi đau, sự bàng hoàng và mất mát, người Pháp đã ngay lập tức lấy lại được cân bằng. Thời điểm ngọn lửa được dập tắt, những người lính cứu hỏa cuối cùng bước ra khỏi nhà thờ cũng là lúc Chính phủ Pháp chính thức có lời kêu gọi người Pháp cùng nhau đoàn kết để giải quyết những vấn đề lâu dài của việc xây dựng và tôn tạo lại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: "Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà tốt đẹp hơn và tôi muốn việc này sẽ được hoàn tất trong vòng 5 năm, chúng ta có thể làm được điều này". Tổng thống Macron cũng kêu gọi người dân đoàn kết "để biến thảm họa này thành một cơ hội để cùng nhau suy ngẫm về chúng ta trong quá khứ và cái chúng ta phải trở thành (trong tương lai), trở nên tốt đẹp hơn hiện tại, điều này phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta phải tìm ra lộ trình cho dự án quốc gia".

100 triệu Euro đầu tiên đã được tỉ phú Francois Pinault hiến tặng ngay khi ngọn lửa còn đang thiêu cháy mái vòm của nhà thờ. Và tính đến chiều 17-4, hơn 800 triệu Euro đã được những gia đình tỉ phú Pháp như: Bettancourt, chủ sở hữu của tập đoàn L'Oreal, Arnaul, chủ sở hữu của nhiều hãng thời trang lớn như LV và Dior cùng một số công ty tư nhân khác hứa tặng.

Các chuyên gia ước tính sẽ mất nhiều tháng trước khi xác định được toàn bộ hư hại và công việc tái thiết hoàn toàn nhà thờ sẽ mất 10-15 năm, dài gấp 3 thời hạn mà Tổng thống Pháp đưa ra. Tuy nhiên, mái và tháp nhọn được làm lại sẽ theo tiêu chuẩn hiện đại với những thiết kế chống hỏa hoạn tốt hơn.

Kiến trúc sư Francis Maude, Giám đốc công ty Donald Insall Associates, người từng tham gia công tác phục dựng lâu đài Windsor bị cháy năm 1992 gây chấn động nước Anh, cảnh báo tình trạng thiếu hụt thợ chế tác thủ công lành nghề có thể làm chậm tiến trình phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.

Tuy nhiên, ngoài nước Pháp, thế giới cũng đã lên tiếng sẵn sàng giúp đỡ khi nước Pháp cho biết nhu cầu. Bên cạnh đó, công cuộc tái thiết Nhà thờ Đức Bà thậm chí còn có thể thu nhận sự trợ giúp từ một nơi khó tin: đó là một trò chơi điện tử. Các nhà thiết kế trò chơi Assassin's Creed Unity từng tung ra trò chơi này từ năm 2014 và đặt bối cảnh trò chơi ở Paris. Để ra mắt được trò chơi này, họ đã phải nghiên cứu cấu trúc và vật liệu của Nhà thờ Đức Bà rất kỹ. Vì vậy đây được cho là một nguồn thông tin tham khảo tốt cho quá trình phục dựng.

Khánh Chi-Thiện Minh
.
.
.