Nhà thờ Đức Bà Paris và lời tiên tri ám ảnh của Victor Hugo

Ba ngày sau đám cháy kinh hoàng khiến ngọn tháp nhọn biểu tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sập, chôn vùi theo nó nhiều dấu ấn của một toà thánh nổi tiếng nhất thế giới, không chỉ người Pháp mà hàng tỉ người trên trái đất này vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự mất mát quá lớn.

Ngày 17-4, Pháp đã chính thức mở cuộc điều tra hình sự để tìm ra người chịu trách nhiệm cho thảm kịch. Tuy nhiên, cuộc điều tra này hiện không phải tâm điểm chú ý của người Pháp. Người Pháp hiểu rằng việc tìm ra người chịu trách nhiệm cho vụ hỏa hoạn không khiến thánh đường hơn 850 tuổi của họ hồi sinh được. Điều cần nhất lúc này chính là sự đoàn kết, để từ đó cùng nhau xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà một cách nhanh nhất.

Ngược lại lịch sử, vào giai đoạn giữa thế kỷ 12, khi thủ đô Paris nổi lên như một trung tâm quyền lực của nước Pháp và rộng hơn là của cả châu Âu dưới thời vua Louis VII (1120-1180), vị vua này đã nuôi khát vọng sở hữu một công trình tôn giáo xứng tầm với địa vị của Paris và mang ý nghĩa biểu tượng về sức mạnh kinh tế, chính trị và tri thức.

Giữa năm 1163, ý tưởng này chính thức được hiện thực hoá. Sau nhiều ngày đêm tính toán, Vua Louis VII quyết định chọn địa điểm xây dựng nhà thờ tại Île de la Cité, một trong hai cù lao nổi trên sông Seine chảy ngang thủ đô. Để nhường không gian cho công trình vĩ đại, nhà vua thậm chí quyết định phá huỷ một đại giáo đường hàng trăm năm tuổi.

Dưới sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III, lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công Nhà thờ Đức Bà có chiều dài 130 m, rộng 48 m diễn ra cùng năm đó. Tuy nhiên, Vua Louis VII đã không được chứng kiến khoảnh khắc nhà thờ khánh thành, bởi nước Pháp phải mất tới gần 200 năm mới hoàn tất công trình vĩ đại vào năm 1345 rồi tiếp tục được xây dựng thêm trong suốt 7 thế kỷ sau đó.

Khi hoàn thành, Nhà thờ Đức Bà Paris được coi là viên ngọc quý nhất châu Âu của kiến trúc Gothic thời Trung cổ, song được pha trộn bởi những nét tinh tuý nhất từ các nền văn minh khắp nhân loại. Khu lễ đường của nhà thờ khi đó có thể chứa cùng lúc 6.000 người. Phần khung nhà thờ được xây dựng từ những phiến đá quý, trong khi các cấu trúc từ cổng vào đến từng hạng mục phía trong đều được tiến hành tỉ mỉ, chứa đựng đầy tâm huyết của những người thợ lành nghề nhất.

Cấu trúc nổi bật của nhà thờ chính là các kết cấu mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên cùng những mái trần cao vút với những ô cửa kính sắc màu. Phía ngoài nhà thờ nổi bật ở tháp gỗ cao gần 100m ở chính giữa cùng những mái vòm xương cá và các máng nước mặt quỷ nổi tiếng. Phần chính của nhà thờ là hai tòa tháp ở hướng về phía Tây, cao 69 m. Tòa tháp phía Bắc có tổng cộng 387 bậc thang và cho phép du khách viếng thăm. Tòa tháp còn lại nằm về phía Nam là nơi đặt 10 chuông lễ.

Xung quanh nỗ lực dựng lên trình vĩ đại này cũng có những câu chuyện khiến người ta từ "lạnh người" vì khó tin, đến ngả mũ thán phục bởi những kỹ năng vượt trên lịch sử. Vào cuối thế kỷ 13, khi công trình sắp hoàn thành, chính quyền Paris chợt nhận ra nhà thờ cần một cánh cửa xứng tầm.

Nhưng tìm đâu ra một người thợ có đủ năng lực chế tạo một khung sắt cỡ lớn đến thế? Sau khi lùng sục khắp nơi, cuối cùng, họ đã tìm được một người thợ rèn trẻ có tên Biscornet. Biscornet không hề lưỡng lự mà lập tức chấp nhận lời đề nghị. Sau nhiều tháng miệt mài bên những lò lửa khổng lồ, Biscornet đã hoàn thành kiệt tác của riêng ông.

Khi Biscornet mang những cánh cổng đến công trường, người ta đã sửng sốt bởi không ai có thể tin một người thợ, dù lành nghề như Biscornet, lại có thể rèn ra những tác phẩm đẹp đến vậy. Nhiều người thậm chí đã nói rằng Biscornet hẳn đã bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy tác phẩm nghệ thuật để đời. Ngày nay, không ai rõ thực hư câu chuyện cách đây nhiều thế kỷ, nhưng các chuyên gia về kim loại cũng đều công nhận những cánh cửa Nhà thờ Đức Bà chính là tuyệt tác "có một không hai" từ sắt.

Hơn 850 năm qua, Nhà thờ Đức Bà là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó phải kể tới lễ đăng quang của vua Henry VI của nước Anh đăng quang trở thành vua nước Pháp năm 1431, theo đó mở ra có hội lập lại hoà bình lâu dài giữa Pháp và Anh sau Chiến tranh Trăm Năm. Năm 1537, nhà thờ là nơi vua xứ Scotland James V làm lễ cưới với công chúa Madeleine, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoà bình giữa Anh, Pháp và Scotland.

Vào giai đoạn Cách mạng Pháp đầu thế kỷ 19, Nhà thờ Đức Bà bị hư hại nặng nề và một nửa kiến trúc bên trong thánh đường chỉ còn là phế tích. Tuy nhiên, vào năm 1844, nhà vua Pháp Louis Phileppe quyết định tiến hành đại trung tu nhà thờ dưới bàn tay của kiến trúc sư lừng danh gốc Áo Eugene Viollet-le-Duc.

Trong vòng 2 thập niên, toàn bộ nhà thờ được hồi sinh. Các cửa sổ hoa hồng nổi tiếng được phục hồi. Các ngọn tháp ban đầu đã được trang trí thậm chí còn tỉ mỉ, công phu hơn trước. Cũng chính Eugene Viollet-le-Duc là người chịu trách nhiệm việc xây dựng ngọn tháp nhọn bị đổ sập trong đám cháy hôm 15-4 với 500 tấn gỗ và 250 tấn chì.

Địa danh này cũng chứng kiến ngày Napoléon lên ngôi Hoàng đế nước Pháp vào năm 1804. Hơn một thế kỷ sau, năm 1909, đây là nơi Giáo hoàng Pius X đã phong chân phước cho Joan of Arc, nữ anh hùng người Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm giữa Pháp và Anh.

Đến thế kỷ 20, nhà thờ là nơi chứng kiến những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Có những thời điểm, thủ đô Paris thậm chí đã bị kẻ địch chiếm đóng, tàn phá. Trong những năm loạn lạc, không ít lần có những kẻ muốn kéo đổ Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng may thay, ý tưởng đó chưa từng được tiến hành.

Tờ Guardian mới đây đăng tải câu chuyện cho hay, khi Thế chiến II vào giai đoạn ác liệt nhất, khi Paris nằm trọn trong vòng kiềm toả của Đức Quốc Xã, một viên tướng Đức có tên Dietrich von Choltitz đã không tuân mệnh Adolf Hitler đòi phá hủy Paris vì "đầu hàng" vẻ đẹp của công trình được gọi là trái tim của nước Pháp. Choltitz được cho là đã mạo hiểm mạng sống của bản thân để ngăn chặn chiến dịch "san bằng Paris" của Adolf Hitler.

Sau những biến cố lịch sử, Nhà thờ Đức Bà Paris vài thập niên gần đây trở thành nơi mà nó vốn được xây dựng lên: nơi hành hương và cầu nguyện của nhiều thế hệ người Công giáo khắp châu Âu. Nhà thờ Đức Bà vẫn luôn được xem là "trái tim không bao giờ ngừng đập" của giáo hội Công giáo Pháp khi mở cửa mỗi ngày cho người dân đến cầu nguyện. Ở thủ đô Paris, Nhà thờ Đức Bà Paris có lẽ chỉ xếp sau Tháp Eiffel về độ thu hút, khi có tới 13 triệu khách tới thăm địa danh này hàng năm.

Bên cạnh giá trị kiến trúc, công trình 856 năm tuổi lưu giữ nhiều báu vật vô giá, trong đó có những thánh tích thiêng liêng của người Công giáo như . Trong đám cháy tối 15-4, những người lính cứu hoả quả cảm của Pháp đã kịp đưa ra ngoài những thánh tích thiêng liêng này.

Tuy nhiên, báo Guardian nói rằng, nhiều thánh tích và cổ vật vô giá khác như khu lưu giữ xương, răng và tóc của Thánh Denis và Thánh Genevieve, hai vị thánh bảo hộ cho Paris, đã không thể cứu ra ngoài. Đám cháy cũng làm hư hại nhiều tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật mang đặc trưng của kiểu kiến trúc Gothic, ba cửa sổ hoa hồng lớn với các ô kính từ thời Trung cổ, đèn chùm, tháp chuông, lễ phục nhà thờ.

Từ nhiều thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà luôn là một trong những biểu tượng cho tinh thần văn hóa Pháp. Nhiều người nói rằng ngọn lửa đã thiêu rụi đi phần nào Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris, nhưng không thể khiến Nhà thờ Đức Bà biến mất trong các tác phẩm văn học nghệ thuật bất hủ.

Marcel Proust, nhà văn nổi tiếng đầu thế kỷ 20 với tác phẩm "Đi tìm thời gian đã mất" để lại ấn tượng mạnh cho bất kì độc giả nào với những dòng miêu tả vẻ hùng vĩ của Nhà thờ Đức Bà Paris, theo QZ.com. Trong cuốn sách viết về Marcel Proust xuất bản năm 2014, nữ nhà văn Mary Bergman tiết lộ, hàng đêm, ông Proust từng đứng lặng yên suốt hai giờ đồng hồ trước cổng vòm St. Anne ở mặt tiền nhà thờ chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mĩ của công trình nổi tiếng.

Không chỉ mê hoặc những người con của nước Pháp, Nhà thờ Đức Bà cũng khiến những nhà văn trên khắp thế giới phải ngả mũ trước vẻ đẹp.  Sigmund Freud - nhà văn, nhà triết học có ảnh hưởng lớn của Đức - bị công trình quyến rũ ngay từ lần đầu đến Paris năm 1885. "Tôi chưa bao giờ thấy điều gì trang nghiêm và mộng mị đến vậy", Sigmund Freud nói.

Tuy nhiên, tác phẩm đồ sộ nhất về Nhà thờ Đức Bà chắc chắn không ngoài "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo. Trong tác phẩm của mình, ông miêu tả nhà thờ như một chứng nhân lịch sử, vượt qua thời gian và những biến cố, nơi số phận các nhân vật gắn chặt chẽ với nhau và với nhà thờ.

Tờ Euro News cho hay, vụ cháy vừa xảy ra ở Nhà thờ Đức Bà Paris cũng gợi liên tưởng đến một chi tiết trong tác phẩm của Hugo. Công trình kiến trúc nổi tiếng Paris đã từng bốc cháy tương tự như vậy trên những trang văn của ông: "Mọi cặp mắt đổ dồn về phía đỉnh nhà thờ. Những gì chúng nhìn thấy thật ghê gớm. Ngay tại phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cả cửa sổ hình hoa hồng, một ngọn lửa lớn bốc lên ngay giữa hai tháp chuông với những ngọn lửa cuồn cuộn, lửa hỗn loạn và giận dữ...Bên dưới ngọn lửa này, bên dưới hành lang tối tăm hai máng nước như hai con quái vật không ngừng phun ra trận mưa bạc bỏng rẫy…".

Tuy nhiên, đó không phải là một đám cháy thực sự. Đoạn văn chỉ là cách Hugo mô tả cách "thằng gù" Quasimodo dùng chiêu đánh lạc hướng những tên ăn mày, những tên cướp tấn công nhà thờ. Dù vậy, với những ai đã chứng kiến và đang theo dõi những diễn biến của vụ cháy, đây vẫn là một đoạn văn gây ám ảnh. Victo Hugo dường như đã linh cảm về biến cố xảy ra với nhà thờ Đức Bà cách đây gần 200 năm.

Theo Reuters, tác phẩm "Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà" thành công vang dội, với những trang mô tả về sự xập xệ, xuống cấp sau năm tháng của công trình vĩ đại, đã phần nào khiến giới chức Pháp đẩy dự án cải tạo nhà thờ, để nó có thể tồn tại được tới ngày nay. Victor Hugo chưa từng nói ông viết tác phẩm bất hủ trên để kêu gọi cứu nhà thờ, song, trên thực tế, ông từng bày tỏ lo sợ trong lời tựa cuốn tiểu thuyết rằng "sự chia rẽ đến từ mọi phía, từ bên trong lẫn bên ngoài. Nhà thờ sẽ sớm biến mất khỏi trái đất".

Không lâu sau khi thảm kịch xảy ra, nước Pháp đã mở cuộc điều tra để tìm ra người chịu trách nhiệm cho thảm kịch cháy Nhà thờ Đức Bà. Giới chức Pháp khẳng định họ cần vài ngày để xác định sơ bộ nguyên nhân. Tuy nhiên, những thông tin về cuộc điều tra này hiện lại không phải là điều mà người Pháp bàn tán nhiều nhất. Thứ khiến cả nước Pháp nghĩ tới, là làm cách nào để phục dựng lại Nhà thờ Đức Bà một cách nhanh nhất.

Từ Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ nỗ lực xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm “bởi đó là những gì người Pháp mong đợi”. Ông cũng kêu gọi những người biểu tình mặc “áo gile vàng” tạm thời dừng các hoạt động chống chính phủ vì “lúc này không phải thời điểm dành cho chính trị”.

Hôm 17-4,Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo sẽ mời các kiến trúc sư từ khắp thế giới gửi bản thiết kế nhằm xây dựng lại chóp nhọn của Nhà Thờ Đức Bà. Phát biểu họp báo tại thủ đô Paris, ông nhấn mạnh mục tiêu là xây dựng lại một chóp nhọn mới cho Nhà thờ Đức Bà, phù hợp với các điều kiện kỹ thuật và những thách thức của thời đại hiện nay.

Cùng lúc, hàng chục tổ chức văn hoá, xã hội của Pháp đã đứng ra vận động quỹ để xây dựng lại nhà thờ. Stephane Bern, đại diện của chính phủ Pháp về di sản nói rằng, đến thời điểm hiện tại, họ đã nhận được cam kết quyên góp vượt 1 tỷ USD để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà.

Với quyết tâm vượt trên nỗi đau của người Pháp cùng những cam kết giúp đỡ từ cả cộng đồng quốc tế, những người lạc quan tin rằng quá trình dựng lại nhà thờ chắc chắn diễn ra suôn sẻ.