Vấn đề đảm bảo an ninh trong các lễ hội âm nhạc
- Giám đốc tổ chức đêm nhạc Hồ Tây được trả tự do
- Thêm thông tin gây sốc vụ 7 người tử vong tại Công viên nước Hồ Tây
- Báo cáo về vụ 7 người tử vong sau đêm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây
Lễ hội âm nhạc là hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động, thường có quy mô lớn. Vì diễn ra ngoài trời, trong những không gian có sức chứa hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người, nên công tác bảo vệ an ninh cho các hoạt động này không hề đơn giản.
Luôn có nhiều nguy cơ về mất an ninh an toàn tại các lễ hội âm nhạc, như bạo lực, quá khích, đặc biệt là ma túy. Hiểm họa ma túy trong các lễ hội âm nhạc đã được cảnh báo từ lâu, ở nhiều lễ hội âm nhạc quốc tế lớn.
Ở Việt Nam, các lễ hội âm nhạc lớn được tổ chức chưa nhiều và chưa xảy ra những vấn đề lớn trong công tác an ninh, an toàn. Nhưng vụ việc 7 người chết vì ma túy trong lễ hội âm nhạc mùa Thu "Du hành tới mặt trăng" ở Hồ Tây vừa qua là một hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng.
Một con số đáng báo động về việc giới trẻ sử dụng các chất ma túy được nêu trong Lễ ký kết chương trình phóng chống tệ nạn xã hội giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Công an hồi tháng 6 vừa qua cho thấy, cả nước hiện có hơn 222 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó số sử dụng ma túy tổng hợp chiếm hơn 70%.
Cá biệt có những địa phương tỷ lệ rất cao như Trà Vinh 96%, Đà Nẵng 86%, Quảng Trị 84%. Qua khảo sát ở nhiều địa phương, lứa tuổi thanh niên dùng ma túy tổng hợp có tỷ lệ cao.
Tại các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, người sử dụng ma túy tổng hợp tập trung phần lớn ở lứa tuổi 17- 18. Đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên từ 13-17, chiếm đến 3% trong số người nghiện ma túy tổng hợp của cả nước. Đó là những con số vô cùng đáng lo ngại.
Việc bảo vệ giới trẻ khỏi hiểm họa ma túy đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, do tình hình các loại ma túy ngày càng phong phú, đa dạng, khó phát hiện, khó kiểm soát.
Nếu trước đây các loại ma túy chỉ đơn giản là cần sa, heroin, thuốc phiện, thì nay là vô số các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần. Loại ma túy này thường được gọi với tên "lóng" là: đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, ngọc điên, cỏ Mỹ.
Một số nhân chứng kể lại, tại Lễ hội âm nhạc "Du hành tới mặt trăng", loại "đồ chơi mới" của giới trẻ là bóng cười được bày bán công khai. Việc kiểm soát người mang ma túy vào lễ hội để sử dụng còn thiếu sự chặt chẽ, dẫn đến thảm họa khó lường.
Hiểm họa ma túy trong các lễ hội khiến nhiều người lo lắng. |
Tại sao các lễ hội âm nhạc luôn hấp dẫn người chơi ma túy? Điều này thật dễ hiểu. Những lễ hội âm nhạc thường là nơi tập trung rất nhiều khán giả trẻ, đặc biệt là các lễ hội âm nhạc điện tử.
Giới trẻ cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong số những người sử dụng ma túy ở hầu hết các nước. Âm nhạc, bản chất của nó là mang đến cho người nghe sự phấn khích, cuồng nhiệt. Một bộ phận người mê âm nhạc tự cho rằng phải sử dụng chất kích thích, ma túy mới đủ độ "phê", độ "phiêu". Thực tế, ở không ít các phòng trà, việc hút cỏ, hút shisha được các khán giả cho là bình thường.
Việc người sử dụng chất cấm, chất kích thích, các loại ma túy tổng hợp bị tử vong trong các lễ hội âm nhạc không hiếm. Nhìn ra thế giới, nhiều lễ hội quốc tế đã phải chứng kiến cảnh này.
Năm 2017, lễ hội "Road to Ultra" ở Hong Kong có một thanh niên tử vong vì sốc thuốc. Mới đây, lễ hội "Defqon" ở Úc cũng có 2 người tử vong và nhiều người nhập viện vì sốc thuốc.
Ở Mỹ, đối diện với thực tế nhiều người sử dụng chất cấm trong các lễ hội âm nhạc đã khiến cho nhà chức trách từ lâu phải hợp tác chặt chẽ với các đơn vị tổ chức, nỗ lực các giải pháp an ninh, an toàn để ngăn chặn tình trạng này.
Theo đó, quy trình kiểm soát thường thấy ở các lễ hội âm nhạc thường thực hiện qua ba bước an ninh. Mỗi người tham dự sự kiện phải được kiểm tra bằng máy dò kim loại ở ngay lối vào, nhằm phát hiện chất gây nổ, chất gây nghiện.
Nhân viên soát vé thực hiện thêm một bước kiểm tra túi, vật dụng mang theo, gói thuốc lá, kẹo cao su bóc dở không được phép mang vào. Người xem bị kiểm tra cơ thể kỹ trước khi qua cổng. Xung quanh khu vực sự kiện, chó nghiệp vụ được cảnh sát dẫn đi nhằm tìm chất cấm, thuốc phiện...
Ở lễ hội "Road to Ultra", nhà chức trách Hong Kong thậm chí còn trang bị máy dò kim loại và dụng cụ kiểm tra ma túy. Người đi xem ca nhạc phải cọ sát quần áo và đồ đạc vào một tờ giấy nhỏ để đội an ninh phân tích chất nổ, kim loại, tìm ra ma túy ở ngay lối vào.
Nạn nhân sốc thuốc trong Lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây. |
Quay lại lễ hội âm nhạc ở Hà Nội "Du hành tới măt mặt trăng" xảy ra sự cố đáng tiếc 7 người tử vong vì sốc ma túy vừa rồi có thể thấy rõ, việc giám sát an ninh những khán giả vào khu vực lễ hội chưa được chặt chẽ. Mặc dù đây là năm thứ 3 lễ hội này được tổ chức nhưng chưa có sự chu đáo, an toàn cần thiết.
Giới bầu sô từ lâu thừa nhận, việc sử dụng ma túy, các chất kích thích không còn là chuyện hiếm trong các sự kiện âm nhạc tập trung đông người. Khán giả thường đi theo nhóm, họ uống chất có còn rồi quây bên nhau, khi tiếng nhạc nổi lên họ cởi áo, "quẩy" tưng bừng.
Chưa đã, họ cắt thuốc và giật lắc điên cuồng. Không ít sư kiện đã phải tạm dừng ít phút khi có người nằm vật ra đất vì phê thuốc, khiến cho bảo vệ phải nhanh chóng đưa họ đi cấp cứu.
Một bầu sô chuyên tổ chức sự kiện âm nhạc (giấu tên) chia sẻ: "Vụ việc vừa rồi ở Hồ Tây đáng tiếc ở chỗ là có đến 7 người chết. Nhưng nó không phải là vụ việc cá biệt. Tôi đã từng chứng kiến nhiều sự kiện âm nhạc, khán giả say thuốc đến mức cởi đồ hú hét.
Việc sử dụng chất ma túy thì chẳng nói ra, ai cũng biết là như cơm bữa. Rất nhiều người trẻ khi cắn thuốc có nhu cầu đến các tụ điểm âm nhạc, quán bar, phòng trà. Vì âm nhạc sẽ giúp cho cơn "bay" của họ trở nên phê hơn, thăng hơn".
Vụ việc nghiêm trọng vừa xảy ra ở lễ hội âm nhạc "Du hành tới mặt trăng" , mặc dù cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, những người có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng rõ ràng đang để lộ một lỗ hổng lớn trong công tác an ninh, an toàn lễ hội.
Việc sử dụng chất ma túy trong các lễ hội âm nhạc đã không được nhà tổ chức khuyến cáo khán giả từ trước khi chương trình diễn ra. Việc kiểm soát khán giả vào xem lễ hội còn đơn giản, nên những người có nhu cầu dễ dàng mang được ma túy vào phía bên trong lễ hội.
Lực lượng chức năng cũng thừa nhận không loại trừ khả năng có các đối tượng đưa chất ma túy vào lễ hội để bán cho dân chơi. Như vậy, có thể thấy, chúng ta đã quá dễ dàng bỏ qua cho những việc sử dụng chất ma túy tại các sự kiện âm nhạc lớn.
Nhiều nạn nhân sốc thuốc đêm 16 tháng 9 tại Lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây được đưa về cấp cứu gấp tại Bệnh viện E Hà Nội. |
Vụ việc nghiêm trọng này cũng đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với cơ quan cấp phép và đơn vị tổ chức sự kiện. Theo đó, đi cùng với cấp phép tổ chức, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có sự phối hợp kiểm soát, răn đe, ngăn chặn tệ nạn có thể xảy ra bằng những biện pháp cụ thể.
Ðơn vị tổ chức sự kiện cần lường trước những biến cố có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời báo cáo, phối hợp các cơ quan chức năng bảo đảm an toàn sự kiện. Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tạm thời dừng việc cấp phép cho các lễ hội âm nhạc.
Tuy nhiên, sâu xa hơn, công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy cần được làm tốt, để có tác động đến giới trẻ nhiều hơn. Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, từ chính quyền đến đoàn thể, lực lượng công an.
Phải đề xuất một nguyên tắc nghiêm ngặt trước khi diễn ra các sự kiện âm nhạc lớn. Việc cấm sử dụng chất ma túy phải được khuyến cáo rộng rãi, đi kèm với đó là các giải pháp triệt để trong kiểm tra, giám sát khán giả tham gia lễ hội, tránh buông lỏng quản lý để mặc cho đơn vị tổ chức muốn làm gì thì làm.
Về phía đơn vị tổ chức, phải cam kết với đơn vị cấp phép về việc quảng bá chương trình, nâng cao nhận thức không được sử dụng ma túy trong lễ hội cho khán giả. Chỉ có như vậy chúng ta mới hạn chế được những vụ việc đáng tiếc tương tự như ở Hồ Tây vừa qua, làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động âm nhạc.
Nếu lễ hội âm nhạc trở thành nơi chứa chấp những người sử dụng ma túy, thì những khán giả yêu âm nhạc thực sự sẽ rất ngại lui tới, tham gia vào.