Vai trò của cử tri Hồi giáo trong Bầu cử ở Indonesia

Chủ Nhật, 21/04/2019, 15:48
Kết quả thăm dò dư luận sau bỏ phiếu cho thấy, đương kim Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang tạm thời dẫn trước trong cuộc tổng tuyển cử "siêu phức tạp" ngày 17-4.


Dựa trên các kết quả kiểm phiếu đầu tiên, các cơ quan thăm dò cho biết trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Joko Widodo thu được ít nhất 55% số phiếu, trong khi đối thủ chính của ông là cựu Trung tướng Prabowo Subianto chỉ được 44%.

Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ công bố vào tháng 5. Trước cuộc bầu cử, phe đối lập đã cảnh báo có thể họ sẽ phản đối kết quả nếu phát hiện có những trường hợp gian lận và sẽ xuống đường biểu tình. Vào năm 2014, tổng thống Widodo, biệt danh "Jokowi" cũng đã giành chiến thắng sát nút trước cùng đối thủ, ông Prabowo Subianto đã phản đối kết quả, trước khi chấp nhận thua cuộc.

Ngoài bầu cử tổng thống, hơn 190 triệu cử tri Indonesia hôm 17-4 cũng đã bỏ phiếu bầu Quốc Hội và các hội đồng địa phương. Với con số kỷ lục 245.000 ứng cử viên, đây là cuộc tổng tuyển cử lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử Indonesia, một quốc gia quần đảo với tổng cộng 17.000 đảo, trải dài 4.800 km, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trong cuộc bầu cử hôm 17-4, Tổng thống Joko Widodo đã chọn nhân vật đứng liên danh Phó tổng thống là giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ Ma’ruf Amin. Việc chọn lựa này nhằm giúp ông thu hút thành phần cử tri Hồi giáo bảo thủ. Trong khi đó, đối thủ của ông là cựu Trung tướng Prabowo Subianto cũng đã kết thân với các nhóm Hồi Giáo cực đoan nhất. Điều này cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của xu hướng bảo thủ tại quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới này.

Cho tới nay, Hồi giáo ở Indonesia vẫn được xem là ôn hòa, thế nhưng, giờ đây các thành phần Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua âm lượng ngày càng lớn của các loa phóng thanh từ các nhà thờ Hồi giáo vào những giờ cầu kinh. Vào năm 2018, tại Sumatra, một nữ Phật tử Indonesia đã bị kết án 2 năm tù vì đã dám lên tiếng phản đối âm lượng quá lớn của các loa phóng thanh đó. Đây chỉ là một trong số nhiều ví dụ phản ánh chuyển biến của Hồi giáo Indonesia theo hướng ngày càng cứng rắn hơn.

Trước đó, vào năm 2017, Thống đốc vùng Jakarta theo Thiên Chúa giáo, ông Basuki Purnama, đã bị kết án 2 năm tù giam vì tội báng bổ đạo Hồi. Vào lúc đó, ngay chính tổng thống Jokowi, đồng minh và cũng là bạn thân của ông Purnama, đã bị cáo buộc thông đồng với thống đốc vùng Jakarta.

Ở Indonesia hiện nay thậm chí đã hình thành lực lượng cảnh sát tôn giáo, gọi là Mặt trận những nhà bảo vệ Hồi giáo, hoạt động song hành với cảnh sát thường, nhất là tại Jakarta, cũng như tại nhiều thành phố lớn ở các tỉnh. 

Vai trò và vị trí của Hồi giáo trong xã hội Indonesia là một trong những chủ đề trọng tâm trong cuộc bầu cử lần này, tại một quốc gia được dự báo sẽ là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ tư thế giới từ đây đến một phần tư thế kỷ tới.

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Indonesia coi như đã bị phân hóa thành hai phe rõ rệt, theo giải thích của ông Gus Yahya Staquf, Tổng thư ký tổ chức Hồi giáo ôn hòa Nahdlatul Ulama: "Đang có một lằn ranh phân chia giữa một bên là phe Hồi giáo bảo thủ, cực đoan và bên kia là những người chủ trương một Hồi giáo ôn hòa". 

Nhà nghiên cứu tôn giáo Akhmad Salal tỏ ra lo lắng: "Điều đáng lo ngại đó là ai cũng phải ve vãn thành phần cử tri Hồi giáo cực đoan. Cả hai ứng cử viên tổng thống đều cố chứng tỏ mình là tín đồ Hồi giáo nhiệt thành hơn người kia".

Nếu ông Jokowi tái đắc cử tổng thống, đây sẽ là thắng lợi mới của một nhân vật dầu sao vẫn là biểu tượng của một nước Indonesia đa sắc tộc và đa tôn giáo. Nhưng ông sẽ phải vất vả đối phó với sự lớn mạnh của xu hướng Hồi giáo cực đoan.

Nam Tiên
.
.
.