Tự nhiên như… vi phạm bản quyền ở nước ta

Thứ Tư, 14/12/2016, 15:46
Qua bạn bè, một tác giả biết được tác phẩm của mình “tự nhiên” được trích in trong 2 cuốn sách dành cho học sinh lớp 3. Tác giả vội vàng chạy ra nhà sách để xem thực hư thế nào thì phát hiện, không chỉ bản thân mình mà nhiều tác giả khác cũng gặp phải trường hợp tương tự. Một tác giả khác cũng nhờ bạn bè thông tin mới biết, cuốn sách của mình đang được bán trên các trang bán sách online… Có lẽ, chưa bao giờ việc vi phạm bản quyền lại… “tự nhiên” như ở nước ta.


Tự nhiên… chình ình không được báo trước

Tác giả Hồ Huy Sơn vừa gửi thư tới báo chí phản ánh về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam  (NXBGDVN) tự ý sử dụng 2 bài viết khi chưa có sự cho phép của tác giả. Cụ thể, 2 bài viết gồm “Con đường rơm” và “Hãy can đảm lên” (từng đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong)  xuất hiện trong 2 cuốn sách “Luyện tập Tiếng Việt 3 trình bày trên giấy ô li” và “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3”.

Động thái này của tác giả Hồ Huy Sơn xuất phát từ việc trao đổi qua lại với đơn vị này từ ngày 19-11 đến nay vẫn chưa có kết quả.

Cũng theo lời của tác giả này, không chỉ có bản thân anh gặp phải hoàn cảnh này. Anh dẫn ra nhiều cây bút quen thuộc trên văn đàn Việt Nam như nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, nhà thơ Ngô Thị Hạnh, nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh… cũng chung số phận trong cuốn “Ôn luyện và kiểm tra tiếng Việt lớp 5”, “Bài tập thực hành tiếng Việt 2 - Tập 1” (đều của NXB Giáo dục). PV có liên hệ với một trong những tác giả trên là nhà văn Nguyễn Xuân Thủy thì được anh cho biết, anh không hề biết về việc này.

Tác giả Hồ Huy Sơn bức xúc khi bài viết của mình bị xem là “của chùa”.

Ở một câu chuyện liên quan khác cũng đang ầm ĩ mấy hôm nay, tác giả Võ Thu Hương cũng ngạc nhiên khi cuốn sách “Lạc giữa thanh xuân” được bán trên Tiki, Waka. Chị Hương đã yêu cầu Waka và Công ty cổ phần Lim – Hà Nội (Limbooks) - công ty phát hành gỡ bỏ vì chị là tác giả và chưa ai từng liên hệ, thông qua chị về việc phát hành kinh doanh ebook cuốn sách này. Tuy nhiên, yêu cầu của tác giả Võ Thu Hương không được đáp ứng vì đối tác của chị - Limbooks cho rằng theo hợp đồng đã kí, họ có quyền kinh doanh ebook.

“Trong hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, có một nội dung đó là phía Limbooks có quyền được chuyển thành sách điện tử ebook. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Limbooks được kinh doanh cuốn sách dưới dạng ebook. Tôi nghĩ rằng có thể đối tác của tôi cố tình lập lờ câu chữ để bẫy sự thiếu cẩn trọng về các điều luật (vốn thường có) ở những người viết văn”, chị Thu Hương nhớ lại.

Trong trao đổi qua email giữa PV với bà Nguyễn Thị Thu Thủy, PGĐ Limbooks, bà Thủy khẳng định, “Limbooks không vi phạm gì cả!”. Về sự “lập lờ câu chữ” mà tác giả Võ Thu Hương nói, PGĐ Limbooks cho rằng: “Trước khi đặt bút ký, chị ấy (tác giả Võ Thu Hương – PV) đã được Phòng Biên tập của Limbooks chuyển hợp đồng dạng file mềm để kiểm tra, đối chiếu và có quyền đề xuất thay đổi”.

Phía Limbooks cũng đưa ra quan điểm: “Ebook là một dạng sản phẩm dùng để kinh doanh - đây là luật bất thành văn mà tác giả hay phía làm sách nào cũng rõ”.

Bà Thủy thừa nhận: “Quá trình soạn thảo hợp đồng này có mắc sai sót. Vì khi Limbooks đã có quyền ebook thì không cần phải thông báo cho tác giả”. 

Bà tiếp lời: “Đúng là chúng tôi đã mặc định việc này đã được thỏa thuận nên khi sai sót so với hợp đồng, chúng tôi đã không rà soát lại để thông báo với tác giả Võ Thu Hương. Limbooks không hoàn toàn đúng trong trường hợp này, nhưng đó là cái sai của sự sơ suất trong việc thông báo với tác giả, chứ nói sai về mặt pháp lý thì không”.

Tác giả Võ Thu Hương.

Nhờn luật, mãn tính và chưa có "thuốc giải"

Nhìn từ nhiều vụ vi phạm bản quyền diễn ra trong mấy năm qua, ta dễ nhận thấy rằng các cá nhân, tổ chức, đơn vị vi phạm hình như đang ngày càng nhờn luật.

Rõ ràng, chúng ta có luật để xử lý vi phạm khi xảy ra tranh chấp nhưng rồi đâu rồi lại vào đó. Nhiều vụ tranh chấp diễn ra lôi kéo được sự quan tâm của cộng đồng nhưng rồi cũng chỉ được lúc ồn ào đó thôi. Không ai biết họa sỹ Bùi Đình Thăng và chương trình “Quà tặng cuộc sống” xôn xao một thời đã đi đâu về đâu.

Cuộc tranh cãi Sơn Tùng – MTP cho đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ. Và có thể kể ra nhiều câu chuyện tranh cãi liên quan đến tác quyền khác nữa, để thấy thực trạng vi phạm bản quyền ở nước ta đang là một vấn đề “mãn tính”, chưa có “thuốc giải”. Chưa có “thuốc giải” hay không muốn “giải”?

Trong khi đó, tình trạng vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ, trong đó có vi phạm bản quyền có xu hướng tăng cao với quy mô ngày càng nghiêm trọng, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà ở nhiều lực vực khác nhau.

Việc cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền một cách phổ biến đặc biệt là các đơn vị có hiểu biết, nhận thức tốt như các đài truyền hình, nhà xuất bản, công ty sách là một thực trạng đáng báo động. Tự bản thân những đơn vị đó không có ý thức tuân thủ luật nên khi xảy ra tranh chấp hoặc truyền thông vào cuộc, họ mới đưa ra “thỏa hiệp” hoặc nói theo kiểu... lý sự “cùn”.

Trong vụ việc liên quan tới phản ánh của tác giả Hồ Huy Sơn, để có cái nhìn khách quan, ngày 5-12, PV đã liên lạc qua điện thoại với đại diện NXBGDVN là ông Nguyễn Văn Tùng. Theo đó, ông Tùng khẳng định “đã nắm được sự việc”, “hai bên vẫn đang trong quá trình giải quyết”.

Đến ngày 10-12, PV liên lạc lại, ông Tùng cho biết qua email, phía NXBGDVN đã “ghi nhận có những nội dung trích sử dụng như tác giả phản hồi” và “Quan điểm giải quyết của NXBGDVN là thực hiện nghiêm túc việc chi trả bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách theo đúng quy định”.

Ông Tùng thừa nhận: “Đúng là các tác giả biên soạn 2 cuốn sách nêu trên chưa có sự đồng ý về việc cho phép sử dụng ngữ liệu của tác giả Hồ Huy Sơn. Tuy nhiên, khi đưa vào sách dưới 2 bài văn của Hồ Huy Sơn tên anh vẫn được ghi rất rõ ràng”. Câu trả lời này của ông Tùng không biết nên được hiểu như thế nào cho đúng?

Khi được hỏi về trách nhiệm của NXB trong câu chuyện này, vị đại diện NXBGDVN dường như muốn “đá quả bóng trách nhiệm” khi cho rằng: “Trách nhiệm xin phép sử dụng ngữ liệu cũng như chi trả tiền bản quyền thuộc về các tác giả biên soạn 2 cuốn sách.

Theo báo cáo của 2 đơn vị thành viên trực thuộc NXBGDVN tổ chức bản thảo 2 cuốn sách nêu trên, các đơn vị đã phối hợp với các tác giả biên soạn sách viết thư xin lỗi tác giả Hồ Huy Sơn đồng thời sẽ thực hiện việc trả tiền bản quyền cho tác giả Hồ Huy Sơn theo quy định”. Tuy nhiên, tác giả Hồ Huy Sơn cho biết, gần nửa tháng đã trôi qua kể từ lần cuối trao đổi với ông Tùng (vào ngày 24-11) đến nay, anh không hề nhận được phản hồi, cũng như lời xin lỗi nào từ phía NXBGDVN.

Tại sao khi sử dụng tác phẩm của người khác lại không thông báo? Tại sao phải đợi tới lúc tác giả lên tiếng thì NXB mới có một hành động... được cho là hình thức, “chữa cháy” là đề xuất mức nhuận bút. Giả sử tác giả Hồ Huy Sơn không biết mà lên tiếng, câu chuyện nên được hiểu như thế nào cho đúng? Ngoài Hồ Huy Sơn còn có nhiều đồng nghiệp của anh, NXB sẽ làm thế nào đây?

Làm thế nào bây giờ? Câu hỏi khó quá! 

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật - Hiệp hội Chống Hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam:

NXB Giáo dục Việt Nam và Limbooks đều vi phạm bản quyền

Cả hai đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản trên đều vi phạm bản quyền. Theo quy định tại Điều 18 và Điều 19, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 thì quyền nhân thân và quyền tài sản là quyền cơ bản của tác giả đối với tác phẩm.

Theo quy định tại Điều 18, bất cứ tác phẩm nào khi hình thành thì có hai quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân là các quyền đặt tên tác phẩm, tên của người sáng tạo ra tác phẩm…

Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tự ý biên tập, xuất bản tác phẩm mà không được tác giả cho phép là xâm phạm vào Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2009.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 thì tác giả hoặc chủ sở hữu độc quyền mới là người có quyền cho phép tổ chức cá nhân khác được thực hiện các quyền khai thác về khía cạnh tài sản của tác phẩm. Việc một nhà xuất bản tự  ý xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu  -  ngoài xâm phạm quyền tác giả còn có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Xuất bản và cần phải xử lý nghiêm minh mới đủ tính răn đe, đồng thời làm minh bạch hoá các quyền Sở hữu trí tuệ mà trong thời gian qua có dấu hiệu nhờn thuốc.

Đối với vụ Limbooks, với các thông tin được cung cấp cũng như xem xét hợp đồng ký kết giữa 2 bên, cho thấy đơn vị này đã xâm phạm Điểm A và C, Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ. Việc khai thác tác phẩm phải được lập thành hợp đồng và có quy định cụ thể về số bản tác phẩm phát sinh hoặc số bản sao chép. Việc phát hành các sách, tác phẩm dưới dạng một tác phẩm số thì cần phải có sự chấp thuận của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền. Dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ, chúng tôi cho rằng việc đơn vị này đưa ra các lập luận là ngụy biện và lấp liếm.

Khi tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra vô tội vạ như hiện nay, các tác giả nên tự bảo vệ chính mình, bảo vệ những đứa con tinh thần của mình. Trước hết là đăng ký công bố tác phẩm. Thứ nữa, tác giả cũng nên có hiểu biết về luật để tránh bị lợi dụng hoặc bất lợi khi tham gia hợp đồng. Trong trường hợp tác giả không làm được, có thể ủy quyền cho các tổ chức đại diện quyền tập thể hoặc nhờ luật sư tư vấn để không bị thiệt thòi.

Đậu Dung

.
.
.