Vi phạm bản quyền âm nhạc tiếp tục "gây sốt" dư luận

Thứ Ba, 05/08/2014, 10:39
Ngay sau việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) quyết liệt đòi tác quyền âm nhạc đối với chương trình "Khánh Ly in Hanoi" gây xôn xao dư luận, ngày 4/8, ca sĩ Đăng Khôi đại diện Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ quảng cáo Việt Giải Trí (Công ty Việt Giải Trí) lên tiếng tố cáo Công ty cổ phần VNG - Zing MP3 về việc vi phạm bản quyền nhạc Hàn Quốc mà Việt Giải Trí đã được sử dụng, khai thác kinh doanh và độc quyền phân phối tại Việt Nam. Số tiền yêu cầu bồi thường được đưa ra là 4 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần đã có đến 2 vụ việc liên quan đến tranh cãi về phí tác quyền âm nhạc khiến vấn đề này tiếp tục "gây nóng" các diễn đàn.

Ca sĩ Đăng Khôi cho biết: Tháng 6/2013, KT Corporation - đơn vị được nhượng quyền sử dụng các sản phẩm âm nhạc từ các nhà sản xuất âm nhạc của Hàn Quốc và Công ty Truyền hình Viettel ký kết hợp đồng về việc Viettel được quyền kinh doanh và phân phối nội dung nhạc K-Pop (sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc) tại thị trường Việt Nam. Tháng 8/2013, Công ty Truyền hình Viettel đã ký kết hợp đồng với Công ty Việt Giải Trí (VGT) của Đăng Khôi. Theo đó, VGT được sử dụng, khai thác kinh doanh và độc quyền phân phối nội dung nhạc Hàn Quốc theo phạm vi kênh phân phối bao gồm mạng viễn thông di động, viễn thông cố định (các dịch vụ hộp thư âm nhạc, quà tặng âm nhạc của các bưu điện tỉnh thành phố trên toàn lãnh thổ Việt Nam), viễn thông băng thông rộng Internet (website, wapsite) trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam đối với các nội dung K-Pop mà Viettel được chuyển quyền sử dụng từ KT Corporation. Nội dung K-Pop bao gồm các tác phẩm âm nhạc của các hãng SM Entertainment, JYP Entertainment, KT Music (KTM), bao gồm gần 10.000 tác phẩm âm nhạc Hàn Quốc của hơn 750 nghệ sĩ Hàn Quốc…

Từ thời điểm đó, VGT cũng đã tiến hành gửi văn bản đến các công ty, đơn vị đang sử dụng các tác phẩm âm nhạc này đề nghị chi trả bản quyền, trong đó có VNG - Zing MP3. Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi bằng văn bản và ngồi lại bàn bạc không có kết quả, ngày 28/7, thông qua Công ty Luật TNHH Việt Long Thăng, VGT đã nộp đơn khởi kiện VNG tại TAND TP Hồ Chí Minh, yêu cầu VNG bồi thường 4 tỷ đồng, gỡ ngay các tác phẩm âm nhạc mà VGT được ủy quyền khỏi Zing MP3. Nếu tiếp tục sử dụng, VNG phải ký hợp đồng sử dụng với VGT.

Theo luật sư Lê Quang Vy, hiện nay, các quy định pháp luật của nhà nước Việt Nam về sở hữu trí tuệ, trong đó có tác quyền âm nhạc đã khá đầy đủ. Thế nhưng, trong thực tế còn khá nhiều vấn đề. Thời điểm phát hiện tác phẩm âm nhạc của Lệ Quyên bị VNG - Zing MP3 sử dụng không trả phí, luật sư đã đề nghị thanh tra Sở VH, TT&DL TP Hồ Chí Minh vào cuộc nhưng vụ việc bị đẩy qua sở thông tin truyền thông với lý do sản phẩm lưu hành trên mạng trực tuyến - "địa hạt" quản lý của Sở Thông tin Truyền thông. Qua bên Sở Thông tin Truyền thông thì lại bị trả về Sở VH, TT&DL. Chính việc đẩy qua đẩy lại như thế gây khó khăn, cản trở trong thực thi các quy định luật pháp về sở hữu trí tuệ.

Quay trở lại vụ việc nhạc sĩ Phó Đức Phương quyết liệt đòi phí tác quyền âm nhạc trong chương trình “Khánh Ly in Hanoi” gây xôn xao dư luận mấy ngày này, thiết nghĩ cũng đừng trách nhạc sĩ. Bởi lẽ, như người xưa vẫn nói "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

N.H.
.
.
.