Trung Quốc - Ấn Độ: Phía sau những họng súng

Thứ Hai, 20/07/2020, 10:05
Cuộc xung đột bất thường ở thung lũng Galwan hồi giữa tháng 6 tưởng như đã làm bùng nổ của một cuộc chiến thì lúc này lại đang nguội lại rất nhanh, bởi phía sau những họng súng, vẫn còn rất nhiều điều để tính đến.


Cơn "nóng giận" bất thường

Dù có lịch sử xung đột kéo dài gần 60 năm, nhưng những căng thẳng tại khu vực tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ chưa bao giờ bùng phát thành những cuộc giao tranh trực tiếp. Những hoạt động "so kè" nhau giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới trong phần lớn là xây dựng các cơ sở vật chất, những cuộc di chuyển lực lượng quân đội giữa đôi bên.

Tính chất phức tạp của vùng núi cao trên 4.000m cũng như những nguy cơ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh quy mô giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân khiến cho cả hai đều có những sự kiềm chế nhất định. Chính vì thế, những gì xảy ra ở thung lũng Galwan hôm 15 tháng 6 vừa qua làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng thực sự khiến cho nhiều người bất ngờ. Một cuộc chiến tranh có thể bùng phát bắt nguồn từ cuộc giao tranh bằng gậy gộc và ném đá giữa những nhóm binh sĩ của hai bên?

Ngay sau cuộc giao tranh này, cuộc điện đàm giữa hai người đứng đầu ngành ngoại giao đã được mô tả là "cực kỳ căng thẳng" và hai bên thậm chí "không muốn nhìn mặt nhau nữa". Những phát ngôn sau đó xuất phát từ lực lượng vũ trang cũng rất quyết liệt khi hai bên tỏ ra cứng rắn và đổ lỗi cho nhau. Đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua, có những thiệt hại nhân mạng được ghi nhận bởi cả hai phía.

Hàng ngàn binh sĩ hai bên sau đó đã được điều lên khu vực biên giới tranh chấp này, thùng thuốc súng ở Nam Á đã bùng phát vào một thời điểm vô cùng nhạy cảm của bối cảnh toàn cầu. Một cuộc chiến tranh nổ ra vào lúc này là thảm họa với cả đôi bên, nhưng khi niềm tự hào bị tổn thương, chủ nghĩa dân tộc đang lên cao thì không thể nói trước được điều gì.

Xe quân sự Ấn Độ di chuyển dọc theo đường cao tốc dẫn tới Ladakh. (Ảnh: Reuters)

Rất may, với sự can thiệp rất nhanh chóng của Nga, một đối tác lớn của cả hai bên, tình hình đã nhanh chóng hạ nhiệt. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj chỉ vài ngày sau đã lại cùng tham dự một cuộc họp bàn trực tuyến ba bên Nga - Ấn - Trung (gọi là nhóm RIC) để tìm cách gỡ rối vấn đề. Bởi thực tế, cả hai bên đều hiểu rằng không thể để một cơn nóng giận nhất thời phá hỏng đi mối quan hệ giữa hai nước vốn đang phụ thuộc vào nhau rất lớn. Phía sau họng súng vẫn còn nhiều điều phải tính toán.

Sự phụ thuộc của hai cường quốc

Là hai quốc gia có diện tích và dân số lớn nhất châu lục, đều đang sở hữu nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, Trung Quốc và Ấn Độ có sự tác động qua lại rất lớn về mặt kinh tế thương mại. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới với GDP 13.600 tỷ USD trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ 3 châu Á với GDP 2.700 tỷ USD.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai chiếm hơn 5% tổng sản lượng xuất khẩu và 14% lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Ấn Độ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, trong khi đó Ấn Độ là khách hàng lớn thứ bảy của Trung Quốc. Lượng hàng Ấn Độ mua từ Trung Quốc tăng 45 lần kể từ năm 2000. Từ tháng 3/2018 đến 3/2019, Ấn Độ mua hơn 70 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Ngược lại, đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đạt 4,14 tỷ USD trong năm 2019 tập trung vào các ngành sản xuất điện, điện tử và những công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng. Những tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc đều đang có hoạt động đầu tư ở Ấn Độ, đây thực sự là thị trường quan trọng của họ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngăn Trung Quốc đầu tư ra thế giới.

Những mặt hàng nguyên nhiên liệu và cả công nghệ giá rẻ xuất phát Trung Quốc cũng đang là nguồn sống, động lực của nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng trong những năm qua. Con số tăng trưởng 7% của Ấn Độ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cuộc xung đột giữa hai bên bùng phát. Có thể thấy rất rõ, cả hai đều cần có nhau trong công cuộc phát triển của mình.

Thiệt hại nặng nề

Chỉ vài ngày sau khi những thông tin về cuộc xung đột nơi biên giới khiến binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng bùng phát, Trung Quốc đã thấy ngay những áp lực nặng nề mà mình vấp phải. Làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc vốn âm ỉ trong xã hội Ấn Độ từ lâu được dịp thổi bùng khi hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm đến các doanh nghiệp Trung Quốc được chính quyền Ấn Độ công khai.

 Việc chặn đứng 59 ứng dụng công nghệ nguồn gốc Trung Quốc như TikTok, WeChat, Weibo… được chính quyền Thủ tướng Narendra Modi viện dẫn lý do rủi ro bảo mật quốc gia là đòn đánh trực tiếp đến những thương hiệu đang vươn tầm thế giới này của các hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc.

Liên hiệp các thương nhân Ấn Độ, một tổ chức đại diện cho hơn 70 triệu thương nhân và 40.000 hiệp hội thương mại của quốc gia này cũng cổ vũ một chiến dịch tẩy chay các mặt hàng Trung Quốc. Trên đường phố, người dân Ấn Độ công khai bày băng rôn biểu ngữ phản đối Trung Quốc. Thị trường 1,3 tỷ dân đang quay lưng với Trung Quốc trong bối cảnh họ cũng đang bị khóa cánh cửa vào những thị trường lớn khác do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Dĩ nhiên, Ấn Độ cũng không thể cảm thấy thoải mái với những gì đang diễn ra trong đất nước mình. Chuỗi cung ứng của Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, hàng tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc chính là động lực tăng trưởng của Ấn Độ những năm qua. 65% điện thoại di động đang lưu hành tại quốc gia Nam Á này mang nhãn hiệu Trung Quốc, tỷ lệ còn cao hơn cả ở chính quốc. Ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc đang thu hút đến 120 triệu thanh niên Ấn Độ sử dụng và đây là thị trường ngoại lớn nhất của hãng công nghệ này.

Ngành công nghệ đang phát triển của Ấn Độ phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, nói một cách đơn giản, không có xe hơi Ấn Độ nếu không có linh kiện của Trung Quốc. Với con số nhập siêu tới hơn 50 tỷ USD, tưởng như việc tẩy chay hàng Trung Quốc có hại cho phía Bắc Kinh hơn nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại bởi vì 14% hàng của Ấn Độ làm ra để bán cho Trung Quốc, nếu người Trung Quốc cũng trả đũa bằng cách ngừng mua hàng của Ấn thì các công ty Ấn Độ sẽ mắc kẹt.

Trung Quốc là đối tác thương mại thứ nhì của Ấn Độ chỉ sau Mỹ. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là hai mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng của toàn cầu. Về thương mại, hai nước đông dân nhất thế giới này rất cần lẫn nhau. Về kinh tế, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang phụ thuộc lẫn nhau. Ấn Độ cần hàng hóa của Trung Quốc. Còn với Bắc Kinh, Ấn Độ là một thị trường quá lớn để bỏ qua mà ngay lúc này cần giữ để lấp đầy khoảng trống khi các thị trường Âu - Mỹ đang bị thu hẹp lại.

Chính vì thế, một cuộc xung đột nổ ra sẽ phá hỏng tất cả những thành quả kinh tế mà hai nước đã tạo dựng được trong thời gian qua. Một thảm họa kinh tế vượt ra ngoài những tính toán của đôi bên khi những người lính nơi biên giới ném đá và dùng gậy tấn công nhau đã hiện ra trước mắt khiến cả hai phải chùn bước.

Chính quyền của Thủ tướng Modi nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ này nên dù phát động một cuộc tẩy chay nhằm vào Trung Quốc để thỏa mãn niềm tự hào dân tộc trong nước thì cũng đồng thời tìm cách xoa dịu tình hình nhanh chóng. Phía Trung Quốc cũng rất nhẹ nhàng đưa ra những tuyên bố làm giảm căng thẳng khi mới đây Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ là Tôn Vệ Đông đã nhanh chóng lên tiếng cho rằng hai bên nên trở thành đối tác, thay vì đối thủ và giải quyết các bất đồng một cách thỏa đáng để đưa quan hệ song phương quay trở lại quỹ đạo đúng đắn. Rõ ràng, chính quyền ở cả Bắc Kinh và New Delhi đều ý thức được những thiệt hại và muốn tránh nó.

Chính vì thế, bất chấp những căng thẳng bùng phát, tình trạng căng thẳng giữa hai nước cũng được xoa dịu rất nhanh. Quân đội hai bên sau những cuộc chuyển quân ồ ạt lên biên giới đã lùi lại phía sau. Cuộc chiến tranh chực bùng nổ nơi biên giới hai nước lại một lần nữa bị đẩy lùi. Rõ ràng, phía sau những họng súng vẫn còn rất nhiều điều quan trọng hơn cần phải bảo vệ.

Tử Uyên
.
.
.