Trị liệu cho trẻ tự kỷ bằng nghệ thuật
- Trần Mạnh Tuấn cùng con gái diễn cùng trẻ tự kỷ
- “Ông tiên” và lớp học đặc biệt cho trẻ tự kỷ
- Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu và hành trình nuôi con tự kỷ 1
Tháng Tư có rất nhiều hoạt động vì trẻ tự kỷ. Tháng có ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ. Ðây là chứng bệnh ngày càng xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ. Những gia đình có trẻ tự kỷ thường phải vượt qua rất nhiều khó khăn, gian nan. Có khi cả cha và mẹ phải nghỉ việc để đồng hành cùng với con.
Hiện chưa có phương pháp giáo dục nào có thể chữa khỏi hoàn toàn chứng tự kỷ, nhưng người ta thừa nhận rằng, nghệ thuật là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất đưa trẻ tự kỷ hội nhập tốt hơn với đời sống xung quanh.
Mở trường dạy âm nhạc cho trẻ tự kỷ
Ở Hà Nội, nhiều cha mẹ có con bị tự kỷ đều biết đến một ngôi trường đặc biệt có tên là Sunrise for Art school, có địa điểm tại quận Bắc Từ Liêm. Đây là ngôi trường được thành lập năm 2015, dưới sáng kiến của một người mẹ có con tự kỷ, đồng thời là một nghệ sĩ.
Chị Nguyễn Nguyệt Thu, một nghệ sĩ chơi đàn viola, một người đã dành nhiều giải thưởng âm nhạc khi còn theo học Nhạc viện Tchaicovsky (Liên Xô cũ). Vừa là một nghệ sĩ, một vị hiệu trưởng, chị cũng đồng thời là đại sứ đầu tiên của chương trình “Bình minh cho em”, một chương trình hành động vì trẻ tự kỷ.
Chị Nguyệt Thu cũng là người có rất nhiều hoạt động thiện nguyện dành cho trẻ tự kỷ, đặc biệt là các chương trình biểu diễn đường phố quyên góp cho trẻ tự kỷ?
Vì sao chị Nguyệt Thu lại quyết tâm mở trường dạy nhạc cho trẻ tự kỷ?
Đầu tiên, chị là một người mẹ hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, lo lắng của một gia đình có con tự kỷ. Câu chuyện của chị rất buồn. Khi còn học tập và công tác ở Nga, chị lập gia đình rồi sinh con. Cậu con trai kháu khỉnh ra đời là niềm vui bất tận của vợ chồng chị. Nhưng con chị lớn lên có những biểu hiện không bình thường. Cháu ít nói, hay cáu kỉnh. Chị thì bận đi biểu diễn nên ít quan tâm đến tâm lý của con. Khi đó chị chưa có kiến thức nhiều về chứng tự kỷ.
Khi biết con mình thực sự mắc chứng tự kỷ, chị đã rất sốc. Để cứu con, chị tìm đủ mọi cách. Gửi con đến những ngôi trường chuyên biệt để con theo học. Kết quả không mấy khả quan, chị mang con đến Hà Lan, đến Malaysia, đến Singapore để chữa trị. Vẫn không hiệu quả, chị đưa con về Việt Nam. Và cuộc chiến đẩy lùi chứng tự kỷ của mẹ con chị vẫn gian nan vô cùng.
Một lần đọc tài liệu, chị phát hiện ra trẻ tự kỷ thường có năng khiếu âm nhạc. Chị như bừng tỉnh. Là nghệ sĩ, chị hiểu sức mạnh của âm nhạc đối với con người lớn như thế nào. Chị muốn thử phản ứng của con với âm nhạc. Chị dạy con chơi đàn, chuẩn bị cho con một môi trường sống ngập tràn âm nhạc. Những bản nhạc nhẹ nhàng, có tiết tấu chậm, du dương đã làm biến chuyển cậu bé. Chị Thu nhận thấy từ khi tiếp xúc với âm nhạc, con chị tiến bộ lên nhiều. Ðó thực sự là một phép màu.
Nhận thấy cần thiết phải có một ngôi trường dạy nhạc chuyên biệt cho trẻ tự kỷ, như một phương pháp chữa bệnh để giúp các em tái hòa nhập cộng đồng, chị Nguyễn Nguyệt Thu đề xuất với Viện Khoa học Đông Nam Á về ý tưởng này. Và chị được Viện đồng ý cho thành lập Trường Sunrise for Art school.
Ngôi trường này không chỉ dạy các em môn âm nhạc mà còn nhiều môn nghệ thuật khác nữa như hội họa, múa, kỹ năng sống...Tuy nhiên, phần lớn thời gian nhà trường vẫn dành để dạy các em các bộ môn năng khiếu như piano, guitar, violon, thanh nhạc.
Từ thời điểm thành lập đến nay, Trường Sunrise for Art school được nghe các giáo viên chơi nhạc, được tự mình chơi đàn, được các thầy cô uốn nắn từng nốt nhạc, được nhảy múa theo nhạc...
Tất cả các thầy cô của Trường Sunrise for Art school và các bậc phụ huynh có con tự kỷ đều thừa nhận rằng trẻ tự kỷ luôn có nhiều tài năng bẩm sinh. Với âm nhạc, các em tiếp thu khá nhanh, chỉ cần 1 đến 2 tuần là các em biết cách đánh đàn hay làm quen với nhạc cụ.
Trường Sunrise for Art school không có nhiều học sinh như các trường học bình thường khác, chỉ khoảng chừng 30 em học sinh thôi, nhưng phương pháp giáo dục của trường đã giảm thiểu gánh nặng cho các gia đình có con tự kỷ.
Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ
Giữa tháng Ba vừa rồi, công chúng Hà Nội được thưởng thức một triển lãm tranh vô cùng đặc biệt. Triển lãm mang tên “Chạm”, trưng bày các bức vẽ của 6 họa sĩ nhí, là trẻ tự kỷ. Những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ thường ít nói, không thích giao tiếp với mọi người, hay lầm lì hoặc có những phản ứng bất thường. Số khác thì tăng động, nói cười nhiều và thất thường tính khí. Bởi vậy, giao tiếp với trẻ tự kỷ là rất khó. Nhiều bậc phụ huynh vô cùng khổ sở khi không biết con nghĩ gì trong đầu, không biết làm gì để trò chuyện, đối thoại với con.
Việc vẽ tranh là cách mà những đứa trẻ tự kỷ chuyển thông điệp của chúng đến cuộc sống xung quanh. Ở rất nhiều trung tâm dạy trẻ tự kỷ, dạy trẻ vẽ, nặn tượng là điều không thể thiếu. Một số trẻ tỏ ra mình có khả năng đặc biệt trong hội họa. Những bức tranh của các em đẹp và có hồn làm giới chuyên môn phải ngạc nhiên.
Trong triển lãm “Chạm” của trẻ tự kỷ vừa qua, không ít họa sĩ tên tuổi tới xem và thán phục tài năng của các em. Thực sự có những bức tranh vô cùng ấn tượng về màu sắc, bố cục cũng như cảm xúc. Họa sĩ Lê Thiết Cương, người giám tuyển tranh cho triển lãm cho biết anh rất xúc động khi đứng trước tranh của các em. Qua hội họa, trẻ tự kỷ “mở đường” để người lớn hiểu được các em nhiều hơn, lựa chọn phương pháp điều trị tốt hơn cho các em. Qua nghệ thuật, các em từng bước hòa nhập vào thế giới rộng lớn.
Người cảm thấy hạnh phúc hơn cả chính là các phụ huynh, những người đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức để theo sát từng bước đi của đứa con mình dứt ruột đẻ ra mắc chứng tự kỷ. Khi những trẻ tự kỷ không biết cách giao tiếp ngôn ngữ, những gì ẩn chứa trong tâm hồn các em có thể sẽ được bung ra với sắc màu, mớ giấy, bút. Các em bày tỏ khát khao hòa nhập của mình trong tranh. Các em bày tỏ vui buồn của mình trong tranh. Các em thể hiện tình yêu cuộc sống của mình qua tranh.
Chị P, một người mẹ có con tự kỷ ngậm ngùi chia sẻ: “Khi biết con có thể vẽ tranh tôi vui lắm. Tôi đọc thấy đứng trước màu sắc, con biến thành một người bình thường. Mọi vui buồn, cảm xúc của con ức chế bấy lâu như được bung tỏa. Tính cách của con cũng trở nên dịu dàng hơn. Cha mẹ và con cũng gần gũi nhau hơn. Phải nói rằng, nghệ thuật đã xoa dịu và kéo trẻ tự kỷ về phía cuộc đời bình thường tốt hơn”.
Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?
Bằng việc đưa trẻ tự kỷ đến gần với nghệ thuật, không ít gia đình phát hiện ra rằng con họ có tài năng thiên bẩm một loại hình nghệ thuật nào đó. Thống kê của Mạng lưới sáng kiến sức khỏe và dân số cho thấy, có một bộ phận người mắc chứng tự kỷ có tài năng nghệ thuật. Ở một số nước, đã có những họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng là người tự kỷ. Tác phẩm của họ có đông đảo công chúng hâm mộ. Và họ có thể dùng nghệ thuật để kiếm sống, thậm chí giàu có.
Bà Nguyễn Tuyết Hạnh - Phó Chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam chia sẻ rằng, việc trị liệu cho trẻ tự kỷ bằng nghệ thuật bên cạnh giúp các em có hiệu quả trị bệnh tốt còn giúp người lớn phát hiện tài năng thiên bẩm của một số em và có định hướng tốt cho tương lai của các em. Trong tương lai không xa, những triển lãm tranh của người tự kỷ vẽ, những đêm biểu diễn của người tự kỷ cũng sẽ được tổ chức nhiều hơn. Thậm chí, có thể bán đấu giá tranh của họa sĩ tự kỷ. Vì đó là các tác phẩm đẹp, có ý nghĩa không khác gì các nghệ sĩ bình thường.
Như vậy, chứng tự kỷ có thể được đẩy lùi nếu mỗi gia đình có con em mắc chứng này kiên nhẫn tìm các biện pháp giáo dục phù hợp. Nghệ thuật, với sức mạnh vô biên của nó, không chỉ nâng đỡ đời sống tinh thần của những người bình thường, mà còn làm thay đổi cuộc đời của người tự kỷ. Mong sao ngày càng có những ngôi trường đăc biệt cho trẻ tự kỷ như Trường Sunrise for Art school.
Đồng thời toàn xã hội sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến trẻ tự kỷ cũng như các gia đình đang phải vượt qua cảnh ngộ khó khăn có người tự kỷ. Làm thế nào để tương lai luôn là tươi sáng với những người không may mắc phải chứng bệnh này. Để họ có thể hòa nhập cộng đồng, sống và lao động, cống hiến sức mình, không trở thành gánh nặng cho cha mẹ cũng như các thành viên khác trong gia đình.