Tình phụ tử từ những ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam

Thứ Tư, 19/04/2017, 09:30
Hai người cha ở hai thời điểm khác nhau nhưng đều hiến một phần cơ thể để tái sinh sự sống cho con. Đó là anh Nguyễn Văn Phòng, người đã hiến gan cho con gái Nguyễn Thị Diệp cách đây 13 năm và anh Ly Cù Giàng hiến phổi cứu con vào đầu năm 2017. Đây là hai ca ghép gan và ghép phổi thành công đầu tiên ở Việt Nam, đánh dấu mốc son của ngành ghép tạng nước nhà vào nền y học thế giới.

13 năm tái sinh thần kỳ từ gan của cha

13 năm sau ca ghép gan đầu tiên, trong khuôn viên Bệnh viện Quân y 103, tôi gặp cha con anh Nguyễn Văn Phòng (quê ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) khi họ tới đây tái khám.

Nở nụ cười đôn hậu, anh Phòng khoe: "Tháng nào bố con tôi cũng lên Hà Nội, có tháng khám hai lần". So với 13 năm trước, anh Phòng đã già đi khá nhiều bởi vất vả mưu sinh và chăm sóc cho con gái. Nhưng điều làm anh hạnh phúc nhất là con gái vẫn khỏe mạnh.

Cách đây 13 năm, ca ghép gan cho bé gái 10 tuổi Nguyễn Thị Diệp được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm vì đây là ca ghép gan đầu tiên của y học Việt Nam. Tôi cũng là phóng viên theo dõi sự kiện này ngày ấy, dù qua màn hình tivi tại Học viện Quân y, nhưng sự xúc động lan tỏa khó nói thành lời về thành công của ca ghép tạng. Cuộc sống, sức khỏe của hai cha con anh Phòng ra sao sau 13 năm không chỉ gây tò mò cho tôi mà còn cho rất nhiều người.

Được nhìn bước trưởng thành của cháu Diệp hôm nay, tôi thầm cảm ơn những thành tựu của y học, của tình phụ tử đã biến con người bên bờ vực của cái chết được tái sinh. Anh Phòng hiến cho con 33% lá gan của mình. Miếng gan đó đã theo cơ thể của bé Diệp mà lớn lên, để hôm nay cháu đã là một cô gái trưởng thành với bao hoài bão.

Gương mặt của Diệp vẫn như 13 năm trước, vừa nhìn tôi có thể nhận ra, chỉ khác là các đường nét thiếu nữ đã làm cô bé xinh lên rất nhiều. Suốt 13 năm qua, người cha này đi cùng con từng bước trên con đường học tập, chữa bệnh và trưởng thành. Dù ca ghép gan vô cùng thành công, sức khỏe của cháu Diệp ổn định, nhưng chứng kiến những việc người đàn ông này đã làm, đã hy sinh vì con, tôi lại dâng tràn cảm động.

Từ khi 3 tháng tuổi, cháu Diệp đã phải làm phẫu thuật do bị chứng teo đường mật bẩm sinh. Sau phẫu thuật cháu bị biến chứng dẫn tới xơ gan. Theo thời gian, lá gan đó xơ lại thành một cục nhỏ, sự sống chỉ còn tính bằng tháng. 10 năm ròng rã chạy chữa cho con, vợ chồng anh Phòng gần như "sức cùng lực kiệt". Đúng lúc ấy gia đình anh nhận tin con gái được chọn để ghép gan.

Nhắc đến đây, trong đáy mắt mờ hơi nước, anh Phòng trầm giọng: "Bố tôi là người đầu tiên tình nguyện hiến gan cho cháu nội. Nhưng ông đã ngoài 50 tuổi, bác sĩ khuyên tôi hiến gan cho con gái là tốt nhất, vì còn trẻ và sức khỏe tốt. Suốt từ ngày ghép gan đến 4 năm trước, ông một tay lo liệu giúp tôi rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe cho cháu, đưa cháu đi viện tái khám để tôi có thời gian đi làm. Nhưng ông mất đã 4 năm nay rồi".

Diệp cùng bố ở chùa Bái Đính.

Theo lời kể của anh Phòng thì sau khi thay toàn bộ gan, sức khỏe của Diệp tiến triển rất tốt. Cháu khỏe mạnh và đi học bình thường. Tuy nhiên, Diệp là người phải chăm sóc đặc biệt nên cả gia đình đều dồn tất cả tình thương yêu cho cô bé. "Chúng tôi không dám cho cháu ở một mình, vì hệ miễn dịch của cháu không như người bình thường, trời rét phải giữ gìn cẩn thận, đi học mà trời đang nắng gặp mưa là ốm ngay hoặc nắng mà gặp rét cũng ốm" - anh Phòng không giấu được lo lắng kể lại.

Sau khi học hết cấp ba, Diệp đỗ vào trường Trung cấp Quân y (nay là trường Cao đẳng Quân y 1) ở Sơn Tây, Hà Nội. Mừng đấy, nhưng lo nhiều hơn bởi sức khỏe của con không thể không có người ở bên chăm sóc. "Suốt thời gian cháu đi học, mỗi tháng tôi lên thăm cháu 2-3 lần. Có khi vừa về nhà, cháu chỉ gọi điện kêu mệt là tôi lại quay lên. Chưa kể tháng nào tôi cũng lên đón cháu xuống BV Quân y 103 tái khám cho cả hai bố con, loay hoay chờ xét nghiệm, mang đơn đi gặp bác sĩ kê thuốc, rồi đưa cháu về trường cũng mất 2 ngày" - anh Phòng kể lại.

Dù quan tâm thế nào đi chăng nữa nhưng do ở xa, những lúc trái nắng trở trời, con gái thuê nhà trọ ở bên ngoài nên đã không tránh được ốm. Diệp bị nhiễm khuẩn dẫn tới men gan tăng, cháu phải nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 mất 6 tháng. Anh Phòng nghỉ hẳn việc làm thuê điện nước ở quê để lên chăm sóc con. Do nghỉ quá nhiều nên các mối việc của anh đều có người khác thế chỗ, khi con ra viện thì anh cũng không tìm được việc nữa.

Cho con 1/3 lá gan, vài năm trước với sức trẻ, anh Phòng là trụ cột chính của gia đình nên ai thuê việc gì, ở đâu anh đều gánh vác hết. Nhưng 2 năm trở lại đây, sức khỏe của anh đã giảm sút do mắc bệnh thoái hóa, công việc lại khan hiếm, gia cảnh càng thêm khó khăn. Dưới Diệp còn 2 em trai, một đang học trung cấp điện ở Bắc Ninh, một học lớp 6. Mẹ Diệp ngoài cấy 3 sào lúa còn thuê thêm 4 sào để tăng gia, nuôi gà, lợn để có tiền nuôi các con.

"Thuốc chống thải ghép cháu được tài trợ đến năm 19 tuổi. Hàng ngày ngoài thuốc chống thải ghép, cháu phải uống thuốc sắt, thuốc bổ thần kinh. Cũng may là cháu có bảo hiểm y tế người nghèo nên đỡ chi phí rất nhiều" - Diệp chia sẻ.

Trong đôi mắt đen láy của Diệp thoáng một chút buồn, do uống quá nhiều thuốc cháu đã bị kháng thuốc và ảnh hưởng tới thần kinh. Nhưng cũng may cháu đang điều trị và có tiến triển tốt.

Anh Phòng đi làm thuê ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang nhưng đến ngày tái khám của hai bố con là lại trở về. Những hôm nào thời tiết thuận lợi, hai bố con đi xe máy lên Hà Nội, hôm nào trời trở gió thì con đi ôtô khách, bố phóng xe máy theo sau. "Lên đây phải đi lại nhiều, tôi đi xe máy cho tiện và đỡ tốn tiền xe ôm"- anh Phòng cười cho biết.

Dù đã ngoài 20 tuổi, nhưng Diệp vẫn như trẻ nhỏ quấn quýt bên cha. Anh Phòng yêu thương con gái, thân thiết với con như người bạn. Với các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 103 thì bố con anh Phòng thân thuộc như người nhà, Diệp còn gọi nhiều bác sĩ ở đây là bố, mẹ. Diệp kể với tôi, khi còn nhỏ, em ước mơ sau này trở thành cô giáo. Nhưng quá trình theo dõi bệnh của mình, em mong sau này trở thành dược sĩ, được biết nhiều loại thuốc để chăm sóc tốt sức khỏe cho mình và cho mọi người. Mơ ước của em đã thành hiện thực.

 Em đã tốt nghiệp Khoa Dược, trường Cao đẳng Quân y 1. Sau khi ra trường, em ở nhà chăm sóc sức khỏe vài tháng cho thật tốt để chuẩn bị đi làm. "Tháng 5 này em sẽ nộp hồ sơ xin việc vào Bệnh viện Quân y 103" - Diệp cho biết.

Sau 13 năm ghép gan, cháu Diệp đã trở thành thiếu nữ xinh xắn với đầy hoài bão.

Thiêng liêng tình phụ tử

Nếu như cháu Diệp hồi sinh sự sống là nhờ vào một phần gan của bố hiến tặng thì với cháu Ly Chương Bình, ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang lại được cứu sống nhờ vào một phần phổi của bố và bác ruột. Cháu Bình bị mắc chứng giãn phế quản lan tỏa bẩm sinh, phải cắt toàn bộ 2 phổi bệnh để ghép một phần phổi của bố và bác ruột. Ca phẫu thuật kéo dài 13 tiếng, và không lâu sau đó, hai lá phổi của cháu đã bắt đầu hoạt động. Sự sống của tình phụ tử đã hồi sinh trong cơ thể của cậu bé 8 tuổi người dân tộc Dao.

Gặp anh Ly Cù Giàng và vợ tại Bệnh viện Quân y 103 sau gần 1 tháng diễn ra ca ghép phổi cho con trai thành công, chúng tôi bất ngờ bởi vợ chồng anh Giàng còn khá trẻ. Năm nay đều ngoài hai mươi tuổi nhưng đã có hai cậu con trai, Bình là con thứ hai. Với vốn tiếng Kinh lơ lớ, anh Giàng cho biết mình rất vui khi thấy con khỏe mạnh, chạy nhảy vui vẻ, không giống như trước đây luôn thở khò khè, người thường xuyên tím tái. Cháu Ly Chương Bình là ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam đã thành công vượt ngoài mong đợi.

Nhớ lại vài tháng trước khi con đang trong giai đoạn cận kề giữa sự sống và cái chết, ngực anh Giàng lại đau nhói. Bác sĩ bảo sự sống của con anh chỉ được tính bằng tháng, cùng lắm là 1 tới 2 năm.

Cháu Bình đã vui chơi khỏe mạnh sau ca ghép phổi.

Nỗi tuyệt vọng đã khiến vợ chồng anh chỉ biết ôm nhau mà khóc. Rồi cơ may đến, con anh được chỉ định ghép phổi. Bác sĩ khuyên anh hiến phổi cho con. Vì cháu Bình phải thay toàn bộ hai bên phổi nên tìm thêm người nhà cùng huyết thống cho phổi là tốt nhất.

Nghe được tin này, người nhà vốn chịu nhiều hủ tục của người dân tộc vùng cao đã phản đối gay gắt. Họ cho rằng mổ xẻ sẽ khó mà sống thọ. Vợ anh lúc đó vì muốn cứu con đã đến gặp bác sĩ đề nghị hiến phổi của mình. Nhưng bác sĩ khuyên nếu được bố và bác ruột cho phổi là tốt nhất. Bác sĩ về tận Quản Bạ, phối hợp với chính quyền địa phương đến gia đình vận động, cuối cùng nút thắt đã được gỡ.

"Đó là quyết định sáng suốt nhất mà tôi từng làm, nếu không tôi sẽ vô cùng ân hận"- anh Giàng nói. Điều khiến mọi người ngưỡng mộ hơn nữa là bác ruột của cháu Bình. Sau khi nghe những lời phân tích khoa học, có tình, có lý, bác ruột đã sẵn sàng hiến phổi để cứu cháu. Tình phụ tử đã thay lời tất cả, bởi trong cơ thể đang dần khỏe mạnh của cháu Bình có một phần phổi của cha và bác.

Anh Giàng bình phục nhanh chóng sau khi cho phổi cứu con.

Anh Giàng và anh ruột đã bình phục sức khỏe được ra viện. Cháu Bình ngày một khỏe mạnh hơn. Cháu đã chạy nhảy, vui chơi, nô đùa và ăn uống tốt dù vẫn đang trong phòng vô trùng. Niềm vui dâng tràn trong đáy mắt, hiện lên khuôn mặt của đôi vợ chồng trẻ. Họ không thể ngờ rằng, với tài năng của bác sĩ, với thành tựu của y học, con họ đã sống.

"Trước đây chưa bao giờ cháu thở được như người bình thường mà nay cháu đã làm được điều đó. Chúng tôi vui mừng không biết nói gì hơn"- chị Phàn Thị Tâm (vợ anh Giàng) xúc động cho biết.

Đây là hai ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện thành công từ người cho sống cùng huyết thống. Sự kỳ diệu của y học và tình phụ tử đã đem đến cuộc sống hồi sinh cho những con người bé nhỏ tưởng chừng bên bờ tuyệt vọng trong cuộc đấu tranh giành sự sống.

Trần Hằng
.
.
.