Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2:

Ghép tạng từ người chết não, những kỳ tích ở Bệnh viện Việt Đức

Chủ Nhật, 26/02/2012, 13:15
2 lần tiến hành hoàn hảo cùng lúc 4 ca ghép tạng từ người chết não trong vòng 9 tháng, do các bác sĩ Việt Nam thực hiện, Bệnh viện (BV) Việt Đức đã thực sự tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam, xứng với Giải thưởng Nhân tài đất Việt vừa được trao. Cho đến nay, tất cả người bệnh đều khỏe mạnh, đã khẳng định, các thầy thuốc nước ta hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất.

Theo Bộ Y tế, cả nước có khoảng 10.000 người cần ghép thận, hơn 1.000 người cần ghép gan, tim, đủ thấy được giá trị to lớn từ thành công của đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép thận, gan, tim lấy từ người cho chết não” của BV. Hơn nửa thế kỷ trước, việc ghép tạng đã được các bậc tiền bối của BV Việt Đức như Giáo sư Tôn Thất Tùng đặt ra vì tính nhân văn. Nhưng vì nhiều lý do, kể cả vấn đề pháp lý, mà ước mơ khoa học này phải lùi lại mãi đến những năm đầu thế kỷ XX, khi thế hệ tiếp nối là các giáo sư danh tiếng của BV quyết tâm biến khát vọng của những người đi trước thành hiện thực.

Để chuẩn bị cho việc này, từ nhiều năm trước, các bác sĩ giỏi, có chung niềm đam mê khoa học đã được đưa đi đào tạo ở nhiều nước, tiếp thu những thành tựu y học tiên tiến nhất cả về phẫu thuật, lẫn gây mê, hồi sức. Để rồi, BV đã có tới hơn 60 phẫu thuật viên cắt khối tá tụy và gan đều còn trẻ, nhưng có tay nghề cao. BV cũng tập trung đầu tư các máy móc, trang thiết bị hiện đại. Khi Pháp lệnh về hiến tạng được thông qua thì BV đã sẵn sàng về mọi mặt.

Những khó khăn lớn đã khắc phục, nhưng vẫn còn không ít rào cản. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức tâm sự: Chúng tôi từng tưởng không thể tiếp tục đề tài, vì không tìm được nguồn cho tạng từ người chết não, bởi quan niệm của người Việt. Nhưng rồi, hình ảnh sự sống mong manh của những người bệnh suy tạng đã ám ảnh và thôi thúc chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được đề tài.

Thế rồi, cũng nhờ có những người hiểu biết, hy sinh vì khoa học, mà tháng 3/2010, BV đã tiến hành ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não. Tháng 4/2011, BV tiếp tục ghi dấu bằng bước phát triển vượt bậc khi cùng lúc tiến hành 4 ca ghép tạng thành công.

Ca ghép tim ở Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ: “Đề tài BV Việt - Đức đăng ký chỉ cho phép ghép gan, thận, nhưng chúng tôi quyết tâm vượt qua giới hạn của đề tài để tiến hành ghép tim, bởi chúng tôi tự tin có các phẫu thuật viên giỏi, từng thực hành tại các BV lớn ở nước ngoài. Dĩ nhiên, điều này khiến chúng tôi phải chịu trách nhiệm nhiều hơn và áp lực cũng lớn hơn”.

Ca ghép tim đầu tiên do BV Việt Đức thực hiện rất đặc biệt. Thời gian chuẩn bị chỉ hơn 10 tiếng, từ tìm bệnh nhân, đến làm các xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân được ghép không chỉ suy tim nặng, lại ở độ tuổi cao mà trên thế giới thường không ghép tim nữa và bị suy thận độ 2, nên rất khó lường trong việc gây mê, thời gian phẫu thuật, hậu phẫu.

Nhưng với sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, đặc biệt là tay nghề hơn 20 năm của PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực, người được tu nghiệp nhiều năm ở Pháp, êkip phẫu thuật gần 30 người đã tự tin tiến hành. Cuộc phẫu thuật kéo dài 2h đã thành công ngoài mong đợi. Chỉ sau vài tháng được ghép tim, ông Nguyễn Văn Giáp đã hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí, còn tự đi xe máy từ Hải Phòng lên BV Việt - Đức tái khám hàng tháng.

Thành công này là bước tiến vượt bậc của các thầy thuốc BV Việt Đức ở lĩnh vực vô cùng khó khăn trong y học thế giới là tim mạch. Nhiều chuyên gia ghép tạng trên thế giới cũng bày tỏ sự thán phục khả năng ghép tạng của các thầy thuốc Việt Nam, bởi theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, tỷ lệ thành công còn cao hơn một số nước vì những quy định khắt khe của BV trong sàng lọc trước khi ghép.

Năm 2012 lại mở đầu với thành công lần 2 của BV khi tiến hành cùng lúc 4 ca ghép tạng, trong đó, ca ghép tim là bệnh nhân Dương Văn Nhiệm, 37 tuổi, bị suy tim nặng có nguy cơ tử vong nếu không được ghép. Chỉ sau 1 tháng rưỡi, từ Vĩnh Phúc, ông Nhiệm cho chúng tôi biết: “Sức khỏe tôi đã tốt hơn rất nhiều. Trước đây tôi chỉ có thể ngồi mà thở, giờ đã đi bộ được vài cây số và ăn 3-4 bát cơm. Các thầy thuốc của BV Việt Đức đã sinh ra tôi lần thứ 2”.

Thành công của BV Việt Đức mở ra cơ hội sống cho những người bị suy tạng. Nhưng để thành tựu y học của BV Việt Đức sớm được nhân rộng, phải có nguồn tạng. Điều này đòi hỏi phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, để hiến tạng trở thành nghĩa cử phổ biến trong cộng đồng. Dĩ nhiên, vai trò rất quan trọng của Nhà nước và Bộ Y tế trong việc có các chế độ thích hợp với thân nhân người chết não hiến tạng, sẽ có ý nghĩa quan trọng để động viên những người khác đăng kí hiến tạng, tạo cơ hội sống cho bao người bệnh.

Đến nay, BV Việt Đức đã ghép tim cho 2 trường hợp, ghép gan cho 3 người, ghép thận 12 người và 2 người được ghép van tim. Điều kỳ diệu của đề tài này là không chỉ ghi tên Việt Nam vào bản đồ ghép tạng trên thế giới, khẳng định sự phát triển của y học Việt Nam, vị thế của các bác sĩ Việt Nam, mà còn với chi phí rẻ bằng 1/3 ở nước ngoài: ghép thận chỉ từ 200 - 230 triệu (so với 700 triệu đồng ở nước ngoài) hay chi phí ghép gan chỉ 500 triệu (ở nước ngoài từ 1- 1,5 tỷ đồng). Trình độ, kỹ thuật cao, chăm sóc người bệnh chu đáo mà chi phí thấp, chính là lý do để nhiều bệnh nhân từ Nhật, Mỹ xin đăng ký ghép tạng tại BV Việt Đức.

Thanh Hằng
.
.
.