Sách lậu đang trở thành "quốc nạn"

Chủ Nhật, 23/06/2019, 19:06
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News trong buổi gặp mặt báo chí công bố bằng chứng tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu. Nhiều năm nay, sách lậu đã ngang nhiên len vào cả thị trường kinh doanh sách online như Shopee, Sendo và Lazada…


Đây không phải lần đầu tiên vấn đề sách lậu được đặt ra một cách gay gắt mà nhiều năm gần đây, sách lậu đang giết chết sách giả, thậm chí làm thui chột nền xuất bản, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam khi làm việc về vấn đề bản quyền với các đối tác nước ngoài.

“Nhiều đối tác nước ngoài đã hỏi tôi, tại sao Việt Nam lại để tình trạng sách lậu, sách giả tràn lan như vậy. Họ e ngại khi chuyển giao bản quyền cho các đơn vị làm sách Việt Nam. Đó không còn là câu chuyện cá nhân hay đơn vị xuất bản nữa, mà là câu chuyện, hình ảnh của một quốc gia” - Ông Nguyễn Văn Phước khẳng định. Theo ông Phước, hiện tại First News giữ hơn 500 bằng chứng về sách lậu, sách giả ở Việt Nam. Và mới đây nhất là vụ sách giả trên thị trường kinh doanh sách online.

Sách lậu.

"Mới hai tuần trước, sau nhiều lần viết trên mạng xã hội cảnh báo mức độ cao, tôi quyết định cho anh em trong công ty đặt 128 đơn hàng mua ngẫu nhiên từ tất cả các sàn, công ty thương mại điện tử bán sách online, quay video từ khâu đặt sách đến khi nhận hàng.

Mời văn phòng thừa phát lại đến tiến hành mở bao hàng và lập vi bằng. Thật bất ngờ, tất cả 128 đơn hàng đó đều là sách in lậu, sách giả. Chúng tôi chọn ba công ty bán sách online có số lần vi phạm phân phối sách giả tiếp tay in lậu nhiều nhất để công bố", ông Nguyễn Văn Phước cho biết.

Hàng trăm tựa sách bị làm giả như “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, “Hạt giống tâm hồn”, “Không bao giờ thất bại”, “Hành trình về phương Đông”, “Dám nghĩ dám làm”, “Quà tặng diệu kỳ”, “Nghĩ giàu làm giàu”, “Bảy thói quen cho bạn trẻ thành đạt”... cùng hàng loạt tựa sách best-seller khác của First News bị in lậu, làm giả trong thời gian qua.

Có những tựa sách có đến 16 phiên bản in giả vi phạm bản quyền. Theo ông Phước, First News hiện có khoảng 1000 đầu sách có giá trị, trong đó những đầu sách bán chạy khoảng 400 cuốn và gần 700 đầu sách bị in giả, làm lậu, bị xâm phạm bản quyền dưới mọi hình thức. Có rất nhiều tựa sách bị nhiều nơi in lậu cùng lúc. Nhiều trùm in lậu còn để giá sách giả cao hơn giá sách thật rồi giảm giá để đánh lừa bạn đọc.

First New là đơn vị tiên phong trong cuộc đấu tranh với sách giả và đây không phải là lần đầu tiên First News lên tiếng. Ngoài First News thì sách của các đơn vị như Nhã Nam, Alpha Book, Thái Hà Book, Nhà xuất bản Trẻ… những đơn vị xuất bản có nhiều tựa sách bán chạy đều bị làm giả.

Mức độ vi phạm mỗi lúc một gia tăng, lan rộng, gây thiệt hại lớn và thậm chí sách giả ngày càng được sản xuất với mức độ tinh vi hơn. Mặc dù đã có nhiều cách để phân biệt sách thật - sách giả, nhưng nhiều đầu sách giả hiện nay còn khiến những người làm trong ngành sách-xuất bản phải đau đầu mới nhận biết được.

Thực tế, qua khảo sát cho thấy tâm lý người đọc muốn mua sách giá rẻ, được chiết khấu cao. Sách vẫn là món hàng  chưa được ưu tiên ở Việt Nam, vì thế phải giảm giá thì mới mua.

Những đầu sách giả được công ty First New phát hiện.

Sách giả với công nghệ in lậu hiện đại khiến độc giả rất khó phân biệt thật giả, lại được giảm giá kịch sàn nên đó vẫn là một nguồn lợi lớn của các đầu nậu sách. Ở Hà Nội có rất nhiều sách đại hạ giá, chiết khấu 50-80% tại các vỉa hè, cửa hàng khiến người dân dễ dàng rút hầu bao mua sách mà không hề quan tâm đó là sách giả hay thật.

Vì sao vấn nạn sách lậu được đề cập đến nhiều năm nay, thậm chí Bộ Luật Hình sự đã quy định rất rõ và chi tiết về các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan cùng mức xử phạt tương ứng với từng hành vi, giá trị vi phạm. Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định cũng đưa ra đầy đủ các mức phạt lẫn những hình phạt bổ sung. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có vụ in lậu, làm giả xuất bản phẩm nào bị xử lý ở mức độ đủ răn đe.

Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, sách lậu đã trở thành một vấn nạn, song chưa tìm được giải pháp ngăn chặn. Một trong những lý do đó là chế tài xử phạt còn nhẹ, tiền phạt nếu bị phát hiện chỉ bằng một phần nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in lậu sách thu được.

Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở nên có thể phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Do đó, nhiều cơ sở nộp phạt rồi hoạt động quy mô và tinh vi hơn.

Thậm chí nhiều đơn vị còn liên kết với nhau thành một “đế chế” sách lậu. Ngoài ra, còn yếu tố người đọc. Khi dân trí cao hơn, người dân biết nói không với sách lậu, coi việc mua sách và đọc sách thật là một hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật thì vấn đề sách lậu mới được giải quyết triệt để. Một khi nguồn cầu vẫn có thì chắc chắn nguồn cung sẽ biết cách len lỏi ra thị trường.

Mặt khác, pháp luật thực thi trong lĩnh vực sách lậu chưa được nghiêm minh. Vấn đề sách lậu chỉ dừng lại ở những xử phạt hành chính chứ chưa được coi đó là một quốc nạn cần dẹp bỏ vì đó là hình ảnh, văn hóa của một quốc gia. Còn nhớ năm 2011, First News phát hiện cơ sở Huy Thi in lậu hơn 10.000 bản sách.

Vụ việc được đưa ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử, nhưng cuối cuối cùng Huy Thi trắng án. Năm 2015, một xưởng gia công sách lậu của Công ty TNHH in Dương Khánh tại Hà Nội bị phát hiện làm giả hơn 7.000 bản sách “Đắc nhân tâm”, nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý. Trong khi đó, sách giả từ khắp các “lò in lậu” vẫn tỏa ra khắp nơi, về các tỉnh, thành, đi thẳng vào các nhà sách và xuất hiện tràn lan trên các trang kinh doanh sách trực tuyến.

Trở lại chuyện bán sách giả của Sendo, Lazada, Shopee, luật sư Võ Ngọc Dao cho rằng: “Với các mức phạt nhẹ, không đủ mức răn đe như trên, các sàn thương mại điện tử không hề sợ hãi trong việc làm ngơ hay tiếp tay cho việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thậm chí, trên thực tế khi tiếp nhận thông tin phản ánh bán hàng nhái, một số sàn thương mại điện tử còn yêu cầu người tiêu dùng các nội dung như thể mình là cơ quan cấp phép, mà không thực hiện ngay các trách nhiệm của sàn Thương mại điện tử theo quy định của pháp luật (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP)”.

Cũng theo luật sư Võ Ngọc Dao: “Chúng ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời dẫn đến sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa phát huy được hiệu quả. Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại điện tử, cơ quan quản lý thị trường và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ai là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát?”.

Luật sư Võ Ngọc Dao - Giám đốc Công ty Luật ATD - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Cần thay đổi nhận thức của mọi người

Sách giả nói chung và các hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói riêng hiện vẫn là một vấn nạn chưa giải quyết được. Chi phí sản xuất, kinh doanh thấp + Lợi nhuận cao: dẫn đến vi phạm tràn lan, phổ biến, có thể gọi là quốc nạn.

Hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc thực thi chưa hiệu quả: Lý do cũng giống như hầu hết các ngành, lĩnh vực hiện nay của Việt Nam, hệ thống các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa làm tốt.

Cụ thể là do trình độ năng lực của cán bộ thực thi yếu kém, do đạo đức cán bộ thực thi xuống cấp; do chưa có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: quy định cụ thể các  tội liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, tội sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và vi phạm các quy định của Luật Xuất bản.

Trong khi đó, hệ thống tòa án chưa đủ nhân lực được đào tạo và có kinh nghiệm để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vụ việc phức tạp về sở hữu trí tuệ. Trong 10 năm qua, tỷ lệ xử lý xâm phạm về sở hữu trí tuệ thông qua tòa án chỉ chiếm có 2% cả về dân sự và hình sự.

Các quy định pháp luật về hành vi và chế tài để xử lý vấn đề này là tương đối cụ thể. Đặc biệt là hành vi sao chép lậu được coi là một loại hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ được quy định tại Khoản 3 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ.

Về quy định của pháp luật, tôi cho là tính răn đe chưa nghiêm bởi: Với việc xử lý bằng biện pháp hành chính hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 (Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan) so với lợi nhuận khổng lồ từ hành vi xâm phạm; Trong khi đó, việc đề nghị cơ quan chức năng xử lý trong vấn đề này không phải là dễ (Ví dụ: Cơ quan quản lý thị trường, Thanh tra Văn hóa Thể thao Du lịch ...).

Họ thường đùn đẩy trách nhiệm xử lý cho nhau, hoặc yêu cầu phải giám định xâm phạm quyền tác giả. Trong thực tế, Trung tâm Giám định Quyền tác giả, quyền liên quan thuộc Cục Bản quyền tác giả ra đời đã lâu, nhưng theo tôi được biết, cho đến nay hoạt động chưa tương xứng với vị trí, vai trò và chức năng của mình. 

Với việc xử lý bằng biện pháp hình sự thì có vẻ các cơ quan chức năng rất ngần ngại trong việc sử dụng biện pháp này. Họ có thể vin vào nhiều lý do để không khởi tố vụ án như chưa chứng minh được lỗi "cố ý", quy mô thương mại, hoặc thu lợi bất chính, hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả.

Còn nhớ, năm 2013, chính First News đã bị HĐXX phúc thẩm đã bác yêu cầu của First News đòi cơ sở vi phạm bồi thường 550 triệu đồng với lý do số sách sao chép lậu chưa được đưa ra thị trường và buộc First News chịu 26 triệu đồng án phí. Về vấn đề này, tôi cho rằng cả 2 yếu tố, trong đó yếu tố con người là cơ bản nhất.

Lan Tường
.
.
.