Sách giáo khoa dùng 1 lần: Hơn cả lãng phí
Những kiến thức đó là khá ổn định, không biến động nhiều trong một khoảng thời gian nhất định. Việc bắt buộc học sinh phải thay mới SGK hàng năm là một sự vô lý, một sự lãng phí không cần thiết trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Nhiều bậc cha mẹ lo cho con học hành vẫn là một gánh nặng lớn, cộng thêm tiền SGK phải chi hàng năm sẽ tạo thêm áp lực tài chính cho họ.
Hiện nay, phần lớn những cuốn SGK của học sinh đều có thêm phần câu hỏi, bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền luôn vào SGK. Như vậy, học sinh chỉ học sách 1 lần rồi cất hoặc bỏ đi rất lãng phí.
Rất nhiều bậc phụ huynh đã lên tiếng trên các diễn đàn, cho rằng đây chính là một "tiểu xảo" để đơn vị phát hành SGK bán sách hàng năm cho học sinh.
Anh Triệu Tấn Phương (Hà Nội) chia sẻ trong nhóm Cha mẹ học sinh trên mạng xã hội: "Ngày xưa tôi còn nhỏ, gia đình nghèo lại đông con, nên cha mẹ tôi không có nhiều tiền mua SGK cho chúng tôi. 6 anh em chúng tôi học chung một bộ sách giáo khoa. Anh cả cứ học xong lên lớp cao hơn thì được bố mẹ mua cho bộ sách mới, bộ sách cũ anh vừa học qua tiếp tục được cất giữ để lại cho chị thứ 2 của tôi học, rồi chị lại giữ gìn cho các em sau này tiếp tục học bộ SGK đó.
Tính ra, cha mẹ tôi đã đỡ được một khoản tiền rất lớn mua sách cho các con, nếu không thử hình dung, cứ đầu năm 6 bộ SGK mới tinh thì chắc chắn những gia đình nghèo như cha mẹ tôi không thể nào cho con đi học đầy đủ được. Nay tôi chỉ có 2 đứa con, cháu lớn lớp 3, cháu thứ 2 vào lớp 1, nhưng lớp 1 không thể học lại sách của lớp 3 để lại, vì cuốn nào cũng kín chữ của đứa lớn ở những phần điền bài tập bắt buộc ngay trên sách.
Tôi nghĩ, việc bắt các em làm bài tập trắc nghiệm hay các đoạn luận ngay trên SGK là vô lý. Tại sao không để học sinh làm bài tập riêng trên các cuốn vở bài tập như trước đây thế hệ chúng tôi vẫn học? Phải chăng đây là tiểu xảo để học sinh không thể dùng lại SGK cũ, mà buộc phải mua sách mới vào mỗi đầu năm học. Lãng phí như vậy có cần thiết không, có phù hợp với một đất nước nghèo như chúng ta không?".
Sách giáo khoa chỉ dùng 1 lần là sự lãng phí lớn (Ảnh minh họa). |
Mỗi cuốn sách giáo khoa luôn có một tuổi thọ nhất định. Cho dù cải cách giáo dục có "liên tục" đến đâu cũng không thể mỗi năm một kiểu kiến thức mới, một kiểu sách mới.
Vậy thì việc tái sử dụng SGK là hoàn toàn bình thường và nên làm, ngay cả ở các nước giàu có, phát triển chứ không riêng gì nước nghèo như Việt Nam chúng ta. Việc in bài tập vào SGK rồi bắt học sinh làm luôn bài trên đó là không chấp nhận được, không nên, bởi nó đã tạo ra một sự lãng phí rất lớn trong xã hội.
Báo cáo của ngành xuất bản Việt Nam, sản lượng SGK năm 2015 là 101 triệu bản, năm 2016 là 108,8 triệu bản, năm 2017 là 107,8 triệu bản và năm 2018 dự kiến là 104 triệu bản. Nghĩa là mỗi năm, lượng SGK được in ra không hề giảm, có lúc còn tăng lên.
Tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2015 là 1.041 tỷ đồng, năm 2016 là 1.147 tỷ đồng, năm 2017 là 1.203 tỷ đồng và năm 2018 dự kiến là 1.173 tỷ đồng. Theo một thống kê đáng chú ý khác, năm 2016, số lượng SGK phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam chiếm 56,4% của toàn ngành xuất bản. Năm 2017, con số này là 50,4%.
Đấy mới chỉ là SGK chứ chưa kể các ấn phẩm khác của NXB này. Như vậy có thể thấy, số lượng phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam chiếm một nửa số sách của toàn ngành xuất bản mỗi năm. Chưa kể NXB này còn in các ấn phẩm khác dạng tài liệu, sách tham khảo hay lịch, áp phích, tờ rơi...
Mỗi năm, hơn 1 triệu bản SGK được NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản. |
Tìm hiểu giá sách giá SGK các cấp năm học 2018-2019 chúng ta thấy, mỗi lớp ở cấp tiểu học đều có ít nhất 6 cuốn, giá mỗi cuốn dao động từ 45.300 đến 78.300 đồng/ cuốn. Bộ SGK ở cấp THCS cùng môn Tiếng Anh từ 7 đến 13 cuốn, giá dao động từ 97.700 đến 144.500 đồng/ cuốn.
Bộ SGK ở cấp PTTH còn có giá cao hơn với số lượng cuốn nhiều hơn. Nghĩa là, chi phí mua SGK của mỗi gia đình cho con em đi học tăng dần theo từng cấp. Năm học 2018 - 2019 NXB Giáo dục tiếp tục đưa ra thị trường hơn 100 triệu bản SGK. Và 100 triệu bản SGK này vào năm học 2019-2010 sẽ lại bị bỏ đi hoặc lại bán đồng nát.
Một phép tính đơn giản nhất người ta có thể tính được, là mỗi năm, khoảng hơn 1.000 tỷ đồng các bậc phụ huynh đã phải chi ra mua SGK cho con em mình. Số sách này hoàn toàn không được dùng lại, và năm sau lại tiếp tục chi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng tiếp để mua SGK. Đây là một con số lớn, tương đương một sự lãng phí lớn trong điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo, nhiều gia đình thu nhập chưa đủ để nuôi sống các thành viên, nhất là các gia đình ở nông thôn hay miền miền núi, vùng sâu vùng xa.
GS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, trước đây học sinh đi học rất ít khi được dùng sách mới, chủ yếu là dùng lại sách từ các khóa trước. Khi đó, sách cũng ít có sự điều chỉnh, nếu có tái bản, thông tin sẽ được đính chính dưới chân trang nên sử dụng lâu dài được.
Ông cũng cho rằng, NXB Giáo dục cần xem xét lại việc phát hành sách có luôn phần làm bài tập, vì như vậy sách chỉ sử dụng được một lần. Dư luận bức xúc cho rằng đây là một thủ thuật vì lợi ích thương mại, cụ thể là để bán được nhiều SGK phần nào có lý.
Nhiều phụ huynh bức xúc vì sách giáo khoa của con em chỉ dùng được 1 lần (Ảnh minh họa) |
Trước đây, khi chưa có chuyện làm bài tập ngay trên SGK, thì các phong trào quyên góp sách cũ, tặng sách cũ cho các em học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa rất sôi nổi. Thực tế, ở nhiều nơi, việc cho con em đến trường là cả một nỗi lo của cha mẹ, vì điều kiện kinh tế eo hẹp.
Việc thu gom sách cũ để tái sử dụng, tặng lại cho các học sinh vùng khó khăn là một hoạt động nghĩa tình, giàu tính nhân văn, đậm tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Nay thì việc này khó rồi, dù cho mỗi năm có hàng ngàn tấn sách bị bỏ đi làm phế liệu, nhưng những nơi cần sách, những gia đình nghèo vẫn không thể tận dụng tái sử dụng sách cho con em họ đến trường.
Cô giáo Phạm Ngân Bình, giảng dạy ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Việc giữ gìn những cuốn SGK cho sạch đẹp còn là một nét văn hóa đẹp của các em học sinh. Học xong rồi, dành tặng sách cũ cho bạn nghèo cũng là một cách để chúng ta dạy trẻ về tinh thần lá lành đùm lá rách. Các em sẽ có ý thức sống tiết kiệm, trách nhiệm hơn từ việc nhỏ này".
Cô Bình cũng chia sẻ thêm, khi dạy học sinh, cô rất hạn chế yêu cầu các em điền trực tiếp vào SGK. Cô vẫn để các em chép bài tập và làm bài tập trên vở viết bình thường. Bằng cách đó, SGK vẫn có thể được tận dụng cho học sinh các khóa sau học, nếu muốn, để không tốn tiền của cha mẹ học sinh nữa.
Theo cô Bình, nếu các thầy cô phối hợp với cha mẹ học sinh thống nhất để các em làm bài tập vào vở, thay vì điền trực tiếp trên SGK thì sẽ đẩy lùi được việc lãng phí. Tuy nhiên việc này cũng không dễ thực hiện, nhất là với các học sinh thành phố, vì việc chép lại bài tập vào vở mất thời gian, nhiều em không muốn thực hiện, nhất là với những em gia đình không có nhu cầu giữ lại SGK cũ.
SGK là nhu cầu thiết yếu của học sinh và hoàn toàn có thể tái sử dụng. |
Câu chuyện cuối cùng vẫn là ngành Giáo dục, NXB Giáo dục phải nghiêm túc xem xét lại câu chuyện độc quyền SGK, công khai minh bạch việc kiểm duyệt, in ấn SGK làm sao vừa ích nước vừa lợi nhà. NXB Giáo dục Việt Nam nên xem xét lại trách nhiệm của mình về việc đưa phần bài tập giải trực tiếp vào SGK.
Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến "tuổi thọ" SGK ở Việt Nam rất ngắn so với nhiều nước trên thế giới. Hội đồng thẩm định SGK cũng có trách nhiệm trong câu chuyện này. Nếu Hội đồng thẩm định không đồng ý với phương án đưa bài tập vào giải trực tiếp trên SGK thì sách không được phép in ra.
Ngoài ra, tiếng nói phản biện kịp thời, đúng lúc của các nhà chuyên môn, các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng là vô cùng cần thiết. Theo đó, các giáo viên, phụ huynh và cả các em học sinh có quyền từ chối những cách thức học tập không hợp lý, như làm bài tập trực tiếp trên SGK.