Putin - Macron: Bỏ qua hiềm khích, tiến tới tương lai

Thứ Sáu, 09/06/2017, 12:24
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp đồng cấp nước Nga Vladimir Putin hôm 29-5 vừa qua tại Ðiện Versailles, mở ra những kỳ vọng mới cho mối quan hệ giữa Paris - Moscow cũng như giữa Nga và Liên minh châu Âu.


Ông Macron, người mới nhậm chức cách đây 2 tuần, đã tuyên bố đối thoại với Nga là cực kỳ then chốt để giải quyết nhiều vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, quan hệ giữa đôi bên đã sức mẻ khá nhiều, với Paris và Moscow ủng hộ các bên đối lập ở cả Syria và Ukraine.

Tổng thống Pháp đã mời Tổng thống Nga đến Cung điện Versailles, nhân khai mạc một cuộc triển lãm về Sa hoàng Nga Pierre Đại đế. Cuộc triển lãm mang ý nghĩa biểu tượng, kỷ niệm 300 năm ngày mở Đại sứ quán Nga tại Pháp, nhờ chính sách của Sa hoàng Pierre Đại đế của Nga muốn hợp tác với châu Âu. Báo chí Pháp đánh giá đây là cơ hội không thể tốt đẹp hơn, để thúc đẩy trở lại mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đón Tổng thống Nga Vladimir Putine trước sân Cung điện Versailles.

Tổng thống Pháp 39 tuổi, ngôi sao mới nổi của chính trường quốc tế, và là một chính trị gia lão luyện; Tổng thống Nga 64 tuổi, đã trao nhau một cái bắt tay thân mật và những nụ cười xã giao khi ông Putin bước xuống xe trước Điện Versailles.

Quan hệ giữa Paris và Moscow đã ngày càng căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Francois Hollande. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Putin đã hủy một chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Pháp, vì ông Hollande chỉ trích vai trò của Nga ở Syria.

Sau đó, trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, có nghi án các tin tặc Nga đã hack tài khoản email của đội bầu cử Macron và công bố trên mạng. Bản thân ông Putin cũng công khai ủng hộ bà Marine Le Pen, đối thủ chính của ông Macron, khi hội kiến bà này một tháng trước khi vòng bầu cử thứ nhất diễn ra. Nhưng thực tế cho thấy, rõ ràng Tổng thống Macron là người có tư duy mới, cởi mở về quan hệ quốc tế.

Vì vậy, Đại sứ Nga tại Paris, ông Alexander Orlov nói ông tin tưởng cuộc gặp giữa 2 vị tổng thống sẽ “đầy nụ cười và đánh dấu sự khởi đầu của một mối quan hệ rất tốt và lâu dài”. Phát biểu trên Đài phát thanh Europe 1, ông Orlov cho rằng ông Macron “linh hoạt hơn nhiều” về vấn đề Syria, và Tổng thống Putin chắc chắn sẽ mời ông Macron đến thăm Moscow.

Trên thực tế, cả phía Nga và EU đều hiểu rằng căng thẳng chỉ gây hại cho cả hai bên. Khác với Mỹ, châu Âu và Nga có không gian sinh tồn chung, nếu đối đầu cả hai bên đều chịu thiệt thòi và rủi ro lớn.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung ngay sau cuộc hội đàm tại Cung điện Versailles, Tổng thống Pháp Macron khẳng định, cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là ưu tiên hàng đầu của Nga và Pháp: "Ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi là chống khủng bố và tiêu diệt các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS. Đây là nguyên tắc để định hướng các hành động của chúng tôi ở Syria. Thông qua việc phối hợp trong liên minh chống khủng bố, chúng tôi có thể củng cố quan hệ đối tác với Nga".

Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh Nga và Pháp cần thúc đẩy quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Syria, đồng thời vạch ra giới hạn đỏ là việc sử dụng vũ khí hóa học, bất kể do bên nào thực hiện. Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định lập trường rõ ràng của Moscow trong việc tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố: "Liên quan đến tình hình Syria, lập trường của chúng tôi là rõ ràng và tôi đã giải thích với Tổng thống Pháp. Tôi chắc chắn rằng, nếu đoàn kết với nhau chúng ta có thể chiến đấu chống khủng bố và đạt được những kết quả tích cực".

Theo nhà phân tích Nga Andrei Kortunov của Viện Russian Council, Tổng thống Putin là một chiến thuật gia xuất sắc, đi đến Versailles là thông điệp tỏ thiện chí hợp tác với Macron. Động thái mang tính tiên phong của Tổng thống Pháp Macron, mời Tổng thống Nga Putin thăm Pháp và đối thoại về các vấn đề bất đồng, có thể đem lại hiệu ứng tích cực, giúp ông tạo được “dấu ấn” trên trường quốc tế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đón Tổng thống Nga Vladimir Putine trước sân Cung điện Versailles.
Kim Sang
.
.
.