Thách thức chờ đợi ông Macron sau cánh cửa Điện Elysee

Thứ Hai, 08/05/2017, 19:40
Chiến thắng áp đảo trước đối thủ nặng ký để giành quyền làm chủ điện Elysee, ông Macron sẽ không có nhiều thời gian để ăn mừng chiến thắng mà sẽ phải sớm bắt tay ngay vào giải quyết hàng loạt thách thức trên cương vị mới.

Mặc dù chưa tuyên bố nhậm chức, ở tuổi 39, ông Macron chắc chắn đã đi vào lịch sử nước Pháp khi trở thành chủ nhân trẻ tuổi nhất của Điện Elysee và một trong những nhà lãnh đạo đất nước trẻ nhất Lục địa già.

Việc ông Macron giành chiến thắng mang kì vọng của người dân Pháp trong việc tạo ra một luồng sinh khí mới nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu vốn đang chia rẽ sâu sắc và vật lộn với những thách thức đang nổi lên về an ninh.

Chiến thắng áp đảo của ông Macron trước đối thủ đáng gờm- một gương mặt quen thuộc trên chính trường Pháp – bà Marine Le Pen mang tư tưởng cực hữu cho thấy cử tri Pháp dường như vẫn tin tưởng vào việc xây dựng một châu Âu cởi mở hơn và nặng động.

Ông Macron chiến thắng áp đảo trước đối thủ Le Pen. Ảnh: IPSOS

Sự lựa chọn của cử tri Pháp cũng đã khiến cả Liên minh châu Âu (EU) có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhiều chuyên gia nhận định lựa chọn của người Pháp có thể coi là tuyên bố mạnh mẽ cho làn sóng chủ nghĩa dân túy cực đoan và chống toàn cầu hóa ở châu Âu. Đặc biệt trong bối cảnh Anh và EU đang đối mặt với vụ ly hôn lịch sử mang tên Brexit cùng nhiều chỉ trích, cáo buộc dành cho nhau tới từ cả hai phía.

Một trận chiến khác

Tuy nhiên, trở thành Tổng thống Pháp không đồng nghĩa rằng con đường dẫn dắt nước Pháp phía trước của ông Macron sẽ trải hoa hồng, bởi lẽ nếu muốn các chính sách của mình được thông qua nhanh chóng, ông Macron sẽ cần sự ủng hộ đa số từ Quốc hội Pháp, vốn sẽ được bầu cử trong tháng 6 tới. Đáng chú ý, ông Macron không được một đảng phái chính trị lâu năm nào hậu thuẫn.

Đến nay, Quốc hội Pháp luôn bị chi phối bởi 2 đảng phái lớn nhất nước này là đảng Xã hội và đảng Những người Cộng hòa. Nếu 2 đảng phái này vẫn giành ưu thế tại cơ quan lập pháp trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Macron sẽ phải thỏa hiệp để đảm bảo việc điều hành quốc gia được suôn sẻ, nếu không muốn bị “trói tay” trong các vấn đề đối nội.

Quốc hội Pháp được chi phối bởi 2 chính đảng là đảng Xã hội và đảng Những người Cộng hòa.

Ông Macron cũng sẽ phải đối mặt với đối thủ Le Pen trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6. Ngay sau khi thừa nhận thất bại, ứng viên Le Pen cũng cho biết sẽ “thay máu” đảng Mặt trận Dân tộc để chuẩn bị cho “trận chiến” kế tiếp với ông Macron.

Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ hôm 7-5, bà Le Pen khẳng định cử tri Pháp vẫn sẽ đối mặt với cùng một sự lựa chọn trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới: trở thành “những người yêu nước” hay “những kẻ theo chủ nghĩa toàn cầu”, theo AP.

“Đảng Mặt trận Dân tộc phải làm mới chính mình để trỗi dậy trước cơ hội lịch sử này và đáp lại sự kỳ vọng của người Pháp. Tôi sẽ đề xuất một sự chuyển đổi mạnh mẽ nhằm tạo ra một thế lực chính trị mới” - bà Le Pen tuyên bố. Việc cải tổ có thể bao gồm cả việc đổi tên đảng, theo Reuters.

Và nhiều thách thức khác

Trong suốt quá trình tranh cử, ông Macron từng than phiền về thất bại của Pháp trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp là 10%, cao hơn so với mức trung bình là 8% ở EU và gần gấp 3 quốc gia láng giềng Đức (3,9%).

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho hay, muốn cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% vào năm 2022 bằng cách tự do hóa luật lao động, thuế doanh nghiệp và nới lỏng các hạn chế trong tuần làm việc 35 giờ của Pháp.

Giống như những người tiền nhiệm, ông Macron sẽ được đánh giá tập trung vào việc làm. Ông từng cam kết sẽ cải cách luật lao động cứng nhắc của Pháp bằng cách sử dụng các pháp lệnh hành pháp trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, giống cách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tác động vào các chính sách hiện thời của Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, các thủ tục tăng tốc bỏ qua nghị viện sẽ vấp phải các cuộc biểu tình của liên đoàn lao động trên khắp nước Pháp, giống như việc đã xảy ra với cựu Thủ tướng Manuel Valls.

Ngoài việc làm, khủng bố cũng sẽ là một vấn đề mà ông Macron phải sớm giải quyết. Việc một nhân viên an ninh bị giết ngay trên đại lộ Champs Elysees 3 ngày trước vòng bầu cử đầu tiên là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về mối đe dọa khủng bố đang ám ảnh nước Pháp, đặc biệt khi các chính sách về người nhập cư của ông Macron được đánh giá là “mềm mỏng” hơn so với đối thủ và cả chính sách của chính quyền đương nhiệm.

Trong gần 2 năm qua, hơn 230 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công, nhiều vụ được thực hiện dưới danh nghĩa Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chưa hề có kinh nghiệm về những vấn đề như vậy, ông Macron phải nhanh chóng hành động để chứng tỏ mình có thể đương đầu với thách thức này trong vai trò là “chỉ huy trưởng”. Cần lưu ý rằng, tình trạng an ninh không được đảm bảo mặc cho Paris áp dụng hàng loạt biện pháp là một trong những nguyên nhân chính khiến Tổng thống sắp mãn nhiệm Hollande không có cơ hội tái cử.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Pháp Francois Hollande. Ảnh: AP

Một thách thức lớn khác cho ông Macron là việc phải phục hồi liên minh Pháp - Đức, vốn đóng vai trò quan trọng để sốc lại EU sau cú sốc Brexit và cuộc khủng hoảng người nhập cư.

Theo truyền thông Pháp, tân Tổng thống Pháp sẽ có kế hoạch thăm các nước châu Âu trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ để đặt ra một "lộ trình 5 năm để xây dựng ngân sách phù hợp cho khu vực đồng Euro và tạo ra một châu Âu 27 vì môi trường, công nghiệp và di cư". Theo đó, một Nghị viện và một Bộ tài chính toàn châu Âu sẽ cần phải được thành lập.

Tuy nhiên, Vincenzo Scarpetta, nhà phân tích của Open Europe, cảnh báo nhà lãnh đạo trẻ tuổi có vẻ đang hơi lạc quan quá. "Trên lý thuyết, cải cách EU có vẻ tốt nhưng những ý tưởng của ông Macron quá táo bạo: Để có một ngân sách và một bộ trưởng chung cho khu vực đồng tiền chung Euro là quá khó vì nó đòi hỏi sự thay đổi của hàng loạt hiệp định đã kí kết”, ông Scarpetta nhận xét.

Phùng Nguyễn
.
.
.