Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em: Người lớn đừng thờ ơ
- Hiệu quả từ phong trào dạy bơi phòng tránh đuối nước cho học sinh
- Học thoát nạn dưới nước tại Trại hè lính cứu hỏa2
- Tăng cường đưa nội dung phòng chống đuối nước vào trường, lớp
Những con số báo động
Trẻ em là tương lai của đất nước, là hạnh phúc, niềm vui của mỗi gia đình. Dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em là một khẩu hiệu hành động sâu sắc, nhưng hãy bắt đầu bằng cách cho các em một môi trường sống an toàn. Có một thực tế là hàng năm hàng ngàn trẻ em bị mất đi mạng sống vì những tai nạn gây thương tích. Có quá nhiều nguy cơ rình rập xung quanh một đứa trẻ, chỉ cần một chút bất cẩn, sơ ý, thờ ơ, xem nhẹ của người lớn, các em sẽ vĩnh viễn mất đi cuộc sống hoặc phải chịu đựng thương tật suốt đời.
Tháng 6 là tháng hành động vì trẻ em, tháng để mỗi người lớn trong cộng đồng, mỗi phụ huynh trong gia đình nhận thức thêm một lần về trách nhiệm với con trẻ. An toàn cho trẻ là việc tối thượng mà người lớn cần ghi nhớ, hành động, bảo vệ con em mình.
Trong các tai nạn thương tích của trẻ em thì đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong cao nhất. Hàng năm, hơn 7.000 trẻ em bị chết vì tai nạn thương tích trên toàn quốc, trong đó có hơn 3.500 trẻ em chết vì đuối nước, gần 2.000 em chết do tai nạn giao thông. Còn lại là do các tai nạn khác như bom mìn, điện giật, ngộ độc, rắn cắn, dao đâm…
Đuối nước gây tử vong cao nhất, còn tai nạn giao thông thì tuy không gây chết nhiều bằng đuối nước nhưng gây thương tật, để lại thương tích tàn tật lớn nhất, thậm chí suốt đời.
Các em học sinh ở nông thôn khi tắm sông sẽ rất nguy hiểm nếu không có sự giám sát của người lớn (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa). |
Thiết nghĩ, bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ thì vấn đề quan trọng đầu tiên vẫn là con người. Đầu tiên là lãnh đạo các địa phương. Đừng đổ lỗi chính sách hay các chương trình hỗ trợ hạn chế thương tích cho trẻ em không triển khai được vì dân trí thấp, mà chính là do quan trí thấp. Một lời nói, một câu chữ, một chính sách của lãnh đạo ban hành có thể cứu được hàng triệu trẻ em và ngược lại. Việc tuyên truyền các chương trình, mô hình bảo vệ trẻ em không chỉ thông qua báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng, mà phải tuyên truyền đến từng gia đình, cộng đồng để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.
Thực tế ở Việt Nam ta những năm qua, công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em còn tồn tại nhiều bất cập. Sau quyết định giải thể hệ thống Ủy ban dân số về gia đình và trẻ em thì 162.000 cộng tác viên không còn ai làm việc. Không có đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên, những người "nằm vùng" trong các khu dân cư, hiểu về nguy cơ thương tích cho trẻ em của từng gia đình, khu phố, thì việc tuyên truyền giảm tác dụng đi rất nhiều.
Theo một cán bộ từng công tác tại Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thì tình trạng tai nạn thương tích liên tiếp xảy ra gần đây là do đội ngũ cộng tác viên hoạt động thưa thớt. Hiện mô hình này đang được khôi phục lại bởi vai trò của cộng tác viên rất quan trọng, phải phòng ngừa là chính.
Các địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình điển hình như mô hình học bơi bằng lưới di động ở An Giang được Chủ tịch tỉnh ủng hộ nhiệt tình, đồng thời còn trích một phần kinh phí của tỉnh để thực hiện. Còn tỉnh Quảng Ninh thì ghi rõ trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân là hàng năm trích 1% tổng chi ngân sách cho bảo vệ trẻ em. Điều này một lần nữa khẳng định nếu người lãnh đạo quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em thì hoạt động bảo vệ trẻ em sẽ thành công và ở đó trẻ em được bảo vệ an toàn. Nơi nào chỉ hô khẩu hiệu thì ở nơi đó trẻ em không được quan tâm bảo vệ.
Chúng ta cần phải có những sân chơi an toàn cho trẻ. Trước đây ở các địa phương, vào đầu hè nhà trường bàn giao các em bé về cho Đoàn thanh niên thôn xóm, tổ chức những buổi học múa, học hát, có sân chơi an toàn như thư viện đọc sách, sân chơi cầu lông, sân đá bóng, sân nhảy dây có các anh chị phụ trách để các em bé không đi chơi ở các nơi nguy hiểm, thậm chí còn giúp em không sa đà vào game, các trò bạo lực và các thói hư tật xấu từ Internet. Hết hè lại bàn giao về nhà trường có xác nhận của hai bên.
Bây giờ thì những hoạt động này không còn tồn tại ở các địa phương. Trẻ em ở thành phố thì bị nhốt trong nhà, trẻ em nông thôn thì không người quản lý, nhất là ở các gia đình nghèo, cha mẹ phải đi làm xa kiếm tiền. Vấn đề dạy kỹ năng sống sót cho trẻ đang được quan tâm hàng đầu hiện nay.
Hội Quân
Dành cho trẻ em môi trường sống an toàn
Là chuyên gia có nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Th.S, BS Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ, TB và XH), hiện nay Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) trả lời PV CSTC về vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ em.
- Xin ông có thể cho biết thực trạng thương tích trẻ em ở nước ta hiện nay và những chính sách cơ bản để giảm thiểu tình trạng thương tích cho trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước?
+Trong những năm gần đây, Nhà nước ta có nhiều chính sách để phòng chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Tuy nhiên tai nạn đuối nước chỉ giảm xuống một nửa trong 2 năm từ năm 2013 đến 2015 nhưng đến năm 2016 này lại tiếp tục bùng phát trở lại. Chỉ tính riêng đầu năm 2016 đã có hàng ngàn em bé bị đuối nước. Riêng trong tháng 4 vừa rồi, Cục BVCSTE thống kê có khoảng gần 80 em bé bị đuối nước, nhưng đó mới chỉ là thống kê sơ bộ qua các nguồn tin, các phương tiện thông tin đại chúng. Những tỉnh mà chúng ta tưởng là chết đuối nhiều như vùng đồng bằng sông Cửu Long, rồi các vùng nước ngập, thiên tai thì thực trạng đuối nước lại giảm.
Tôi vừa đi công tác An Giang về, khảo sát thấy, trước đây An Giang có hàng trăm em bé bị đuối nước mỗi năm, thì từ đầu năm 2016 đến giờ chỉ có hơn 20 trường hợp. Nghĩa là những tỉnh trước đây chúng tôi tập trung công tác phòng chống đuối nước với các chương trình học bơi, dạy bơi, mô hình nhóm trẻ chống lũ, nhà trẻ an toàn như An Giang, Đồng Tháp… thì tai nạn đuối nước đã giảm rõ rệt. Trong khi đó những địa phương tưởng như ít tai nạn đuối nước thì tỉ lệ lại rất cao nổi lên là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An. Ba tỉnh này luôn luôn dẫn đầu về tỉ lệ đuối nước từ năm 2008 đến giờ.
Trong đó nổi lên rất nhiều vụ nghiêm trọng như 9 em bé đuối nước ở Quảng Ngãi, 3 em bé đuối nước ở Nghệ An. Một câu hỏi lớn lại được đặt ra, làm thế nào để cảnh báo cho toàn dân, cho toàn xã hội, cho các bậc làm cha, làm mẹ, các bậc lãnh đạo bảo vệ trẻ em biết được để phòng ngừa.
Chính vì thế Cục BVCSTE đã tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) quyết định lựa chọn lại khẩu hiệu là "Vì sự an toàn của trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em" làm chủ đề cho tháng hành động vì trẻ em năm nay.
Chủ đề này đã được chọn trong năm 2008 nhưng sau đấy đã bị lãng quên và tai nạn thương tích lại tiếp tục bùng phát trở lại. Vì vậy năm 2016, Bộ LĐTB&XH quyết định lấy lại chủ đề này để tạo dư luận xã hội, để toàn dân dấy lên phong trào bảo vệ cho trẻ em.
- Theo ông, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trẻ em bị đuối nước nhiều như vậy là gì?
+ Nguyên nhân đầu tiên vẫn là do sự bất cẩn của các bậc cha mẹ. Vì đuối nước luôn rình rập trong gia đình, xung quanh nhà và ngoài cộng đồng. 60% trường hợp các em bé bị chết là trong gia đình và xung quanh nhà. Chum, hố, xô, chậu, bể tắm… chỉ cần có nước là đã có thể gây tai nạn đuối nước. Nguy cơ đuối nước trong gia đình chủ yếu xảy ra với các bé dưới 6 tuổi. Còn ngoài gia đình như giếng khơi, hố, rãnh… rộng hơn nữa là hồ, ao, sông, suối ngoài cộng đồng là với trẻ lớn hơn và đặc biệt là vào đầu hè.
Theo thống kê, số trẻ tử vong do đuối nước cao nhất là tháng 4, tháng 5. Vào tháng 6, trẻ nghỉ ở nhà thì lại giảm hơn. Thời điểm đầu hè nóng nực, chương trình đã học xong, học sinh đến lớp chỉ học 1 vài tiết rồi được cô cho về nhà. Nhưng về sớm thì bố mẹ vẫn còn đang đi làm, nhà không có ai, vậy là kéo nhau ra hồ, ao, sông suối. Và lúc này không biết bơi là nguyên nhân thứ 2 khiến trẻ lớn hơn bị chết. Mà kể cả biết bơi nhưng trẻ không có kỹ năng cứu đuối thì vẫn bị chết. Nhiều trường hợp anh nhảy xuống cứu em, bạn nhảy xuống cứu các bạn khác nhưng thiếu kỹ năng nên thành chết chùm luôn.
Nguyên nhân thứ 3 là do môi trường sinh thái ở Việt Nam không an toàn. Ở miền Nam thì nhiều sông, nước ngập rồi lụt, còn ở miền Trung thì do địa hình dốc nên lũ lụt, lũ quét ào tới bất ngờ, ở miền Bắc thì nhiều ao hồ, các hố công trình, hố đào lấy gạch, lấy đất…
Nguyên nhân thứ 4 là do kinh tế. Nhiều người nghèo quá phải để con ở nhà nhờ hàng xóm trông coi hay để chị trông em để ra ngoài kiếm sống. Lúc trở về thì mất con. Tôi nhớ trước đây có trường hợp ở Huế, một gia đình có ba người con, bố mẹ đi làm nhờ người chị họ trông em. Đến lúc về nhà gọi mãi không thấy con đâu, đi tìm thì chỉ thấy 4 đôi dép nhỏ xinh để trên bờ ao, còn 4 cái xác lạnh ngắt nằm dưới đáy. Mất một lúc cả 3 đứa con và 1 trẻ hàng xóm. Mọi sự chăm lo, mọi sự đầu tư của phụ huynh đều có thể bị mất trắng nếu những đứa trẻ ở nhà không được an toàn. Vậy chúng ta làm sao phải tuyên truyền được cho các bậc cha mẹ nhận thức rằng, việc họ bỏ con để đi kiếm sống, để con mất an toàn thì việc kiếm sống cũng chẳng để làm gì.
Nguyên nhân thứ 5 là do cơ chế, luật pháp của Việt Nam không nghiêm. Luật pháp quy định đi đò phải có áo phao, lái đò phải có bằng cấp, đò, ghe, thuyền… phải có độ an toàn cao. Nhưng thực tế nhiều vụ đuối nước thương tâm đều xuất phát từ những chiếc đò, ghe… không an toàn. Một chuyến đò quy định chỉ chở 20 người nhưng lại nhồi nhét đến 70 người trong khi đò đã mục nát thì tai nạn thương tâm sẽ xảy ra. Việc tuân thủ quy định pháp luật ở Việt Nam là rất kém.
Thêm vào đó, khi tai nạn xảy ra thì không quy trách nhiệm cho một ai hay một đơn vị nào xử lý. Như mới đây ngày 29-5, trường hợp 3 cháu bé chết đuối thương tâm tại hồ nước ngọt bỏ không ở Nghệ An thì hồ nước không có rào chắn, không có biển báo. Rồi nhiều tai nạn xảy ra ở chỗ nước xoáy, nước sâu, chỗ công trình, chỗ đào đất làm gạch, chỗ đào hố làm đường dây điện, chôn ống nước… tất cả đều không có ai chịu trách nhiệm. Nếu luật pháp nghiêm minh thì phải quy định những chỗ đó có biển báo, rào chắn, nếu không có mà tai nạn xảy ra thì phải quy trách nhiệm cho cá nhân, đơn vị nào không thực hiện điều đó.
- Thiết nghĩ, tính cấp bách của vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có những hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, đặc biệt trong mùa hè. Vậy giải pháp trước mắt cần làm là gì?
+ Nhiều năm nay, Cục BVCSTE đã có rất nhiều những chương trình để hỗ trợ giảm thiểu tai nạn đuối nước và phòng tránh đuối nước. Ví dụ như là chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, chương trình phòng chống tai nạn thương tích, chương trình xây dựng ngôi nhà an toàn, chương trình xây dựng cộng đồng an toàn, chương trình dạy bơi, học bơi cho trẻ em. Tuy nhiên chương trình này chưa đi vào cuộc sống.
Thứ nhất là do truyền thông giáo dục chưa tốt. Mô hình xây dựng ngôi nhà an toàn, tuyên truyền về những nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ trong gia đình như nguy cơ gây bỏng, gây cháy, gây giật điện chưa hiệu quả. Chẳng hạn, phích nước thì phải vặn chặt, buộc chắc chắn vào chân bàn, chân ghế thì nếu em bé có vấp té cũng không vỡ, không bị bỏng. Dùng dao, dùng kéo xong thì phải cẩn thận treo lên cao hoặc để gọn gàng trong ngăn kéo đóng chặt lại thì em bé không bị đứt tay, đứt chân.
Tiếp theo là chương trình xây dựng cộng đồng an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích do Bộ Y tế ký quyết định. Tất cả những hồ, hố, ao, chỗ trơn, trượt… phải có rào chắn, có biển cảnh báo. Thế nhưng chương trình này lại không được thực hiện nhiều nơi nên nhiều tai nạn thương tâm vẫn xảy ra.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm là xây dựng trường học an toàn phòng tránh tai nạn thương tích. Ví dụ như bàn ghế thì không được cong vênh, dễ bị ngã, nếu có hồ, ao thì phải có rào chắn, có biển báo, trong chương trình học thì phải có nội quy… nhưng cũng chỉ phát triển ở một số nơi mà chưa lan rộng trong cộng đồng.
Cần phải đưa mô hình dạy bơi, học bơi vào trong nhà trường như một môn thể dục, thể thao. Tuy nhiên mô hình này lại không hề được ủng hộ và nhân rộng. Nhiều nơi lấy lý do vì không có điều kiện, không có tiền nên không thể thực hiện được mô hình này vì học bơi cần phải có bể bơi, cần có nước sạch. Trong khi trẻ cần kỹ năng bơi thì lại đi dạy kỹ năng chạy, nhảy, ném bóng…
Thực tế chúng tôi đã làm được những mô hình học bơi, dạy bơi rất hiệu quả ở An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần thơ… Bể bơi của học sinh chỉ là những chiếc lưới mắt to di động, bên dưới có phên để các em không phải giẫm vào bùn, các góc được chắn bằng thanh tre, đem thả bất kì ở đoạn sông nào. Trẻ nhỏ thì cuộn dưới đáy cho ngắn lại, trẻ lớn thì lại hạ sâu xuống. Tuần này ở trường này, khúc sông này, tuần sau lại ở trường kia, khúc sông kia. Rất rẻ, rất cơ động mà an toàn cho trẻ.
Nhưng mô hình này khi đưa ra ngoài Bắc lại nhiều người phản đối vì ít sông, hồ, nước lại ô nhiễm. Nhiều người sợ con bị đau mắt, đau tai, viêm da… nên không cho đi học bơi. Vì vậy chúng ta càng cần phải tuyên truyền để cải thiện nhận thức của mọi người rằng kỹ năng bơi, kỹ năng sống, kỹ năng cứu đuối mới là quan trọng chứ không phải là chuyện đau mắt, đau tai… Làm sao khi trẻ bị rơi xuống nước, nó có thể sống sót được, tự cứu mình và cứu những người khác.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ngọc Trâm (thực hiện)
Đau lòng tai nạn đuối nước
Ngay trong Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, mở đầu cho tháng hành động vì trẻ em, xót xa thay, lại có thêm thông tin về 3 em nhỏ bị thiệt mạng vì tai nạn đuối nước ở Gia Lai. Theo đó, chiều ngày 31-5, khi người thân vắng nhà, 3 em là Nguyễn Đức C (13 tuổi), Hồ Sỹ H (13 tuổi) học sinh lớp 6 Trường THCS Phan Bội Châu, xã Ia Nhin và em Phan Thế B (11 tuổi, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Ia Nhi, huyện Chư Pãh rủ nhau đi tắm suối tại cầu Làng Bàng, cách nhà khoảng 1km và khi được người dân phát hiện vớt lên bờ, cả 3 em đã tử vong.
Đây là trường hợp tai nạn đuối nước mới nhất được đưa trên truyền thông. Những chúng ta biết rằng từ đầu năm đến nay, có rất nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên cả nước, khiến cho hàng trăm em nhỏ bị thiệt mạng. Thông thường những vụ đuối nước gây ra nỗi đau rất lớn vì trẻ nhỏ thường rủ nhau đi tắm theo nhóm, và khi có tai nạn bất thường xảy ra, vì không có kỹ năng cứu sống mình và bạn mình, thường là "chết chùm".
Giống như tai nạn hồi tháng 4, cả xã Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) trắng khăn tang vì 9 em nhỏ chết đuối trên sông Trà Khúc. Tai nạn đuối nước đang có xu hướng gia tăng, đòi hỏi các địa phương, các cơ quan chức năng phải có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ.
Tìm kiếm các thi thể học sinh bị đuối nước ở sông Trà Khúc ngày 15-4-2016. |
Có một vấn đề mà nhiều nhà hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em lo ngại, là hiện nay rất nhiều trẻ em ở nông thôn không biết bơi. Tình trạng nông thôn bị đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến cho rất nhiều ao hồ bị san lấp. Sông ngòi thì bị ô nhiễm nặng nên không còn chỗ cho trẻ em nông thôn học bơi. Vì vậy khi có sự cố xảy ra, các tai nạn đuối nước thường rất đau xót, tổn thất nặng nề về tính mạng trẻ nhỏ.
Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức chăm sóc trẻ em cần phải phổ cập việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ em các vùng nông thôn. Thực tế, trẻ ở thành phố, do có điều kiện tiếp cận các bể bơi, nên tỷ lệ biết bơi lại nhiều hơn trẻ em ở nông thôn. Trong khi đó, nguy cơ đuối nước ở các vùng nông thôn lại cao hơn thành phố. Đó là nghịch lý thiết nghĩ không thể làm ngơ. Các trường học ở nông thôn cần đưa việc dạy bơi cho học sinh vào chương trình giáo dục thể chất, đảm bảo rằng các học sinh đều có thể tự mình thoát hiểm, tự cứu mình trong những trường hợp ngàn cân treo sợi tóc.
Bên cạnh việc dạy kỹ năng sống của nhà trường, cần thiết nữa là tuyên truyền trách nhiệm của người thân, các bậc phụ huynh trong việc đảm bảo an toàn cho con em mình. Vấn đề quản lý, giám sát trẻ nhỏ trong mùa hè cần được từng gia đình quán triệt sâu sắc. Cha mẹ dù bận rộn đến đâu cũng không thể lơ là, xem nhẹ việc này.
Cùng với đó là ngăn chặn các nguy cơ đuối nước cho trẻ nhỏ từ môi trường xung quanh. Phải có những văn bản pháp luật quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan ví dụ như những bến đò ngang không đủ chất lượng tham gia giao thông đường thủy, người lên đò phải có áo phao, tuân thủ quy định. Những ông chủ của những hố công trình xây dựng, đào hầm, đào gạch, chôn dây điện, dây cáp… phải lấp khi làm xong, nếu đang làm thì phải có biển báo, rào chắn và phải truy trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề.
Các giải pháp cần phải đồng bộ thì mới mong có thể giảm thiểu những câu chuyện đau lòng liên quan đến tai nạn đuối nước ở trẻ em.