Hiệu quả từ phong trào dạy bơi phòng tránh đuối nước cho học sinh

Thứ Tư, 22/06/2016, 10:12
Cứ mỗi dịp hè đến lại dấy lên nỗi lo trẻ em đuối nước. Câu chuyện không mới nhưng những vụ đuối nước của trẻ em liên tục xảy ra vẫn luôn nhắc nhở trách nhiệm của người lớn đối với sự an toàn của trẻ. Năm 2016, ngành Giáo dục Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước cho học sinh và triển khai hiệu quả các phong trào dạy bơi.

Khuyến khích xây dựng bể bơi và dạy bơi cho học sinh

Ngay từ đầu tháng 5-2016, khi chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ động chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trực thuộc thực hiện các giải pháp phòng tránh đuối nước cho học sinh. Sở khuyến khích các trường tổ chức các lớp dạy bơi chính khóa và ngoại khóa cho học sinh; vận động cha mẹ cho con em tham dự các lớp học bơi trong dịp hè. Cơ quan này cũng đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu với địa phương đầu tư xây dựng bể bơi tại các trường, cụm trường với quy mô phù hợp.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để thực hiện hiệu quả công tác này, các địa phương cần tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi, bán vé giá ưu đãi, miễn phí cho học sinh nghèo, phục vụ dạy và học bơi cho học sinh.

Với công tác phòng tránh đuối nước cho học sinh, không phải bây giờ ngành Giáo dục Thủ đô mới quan tâm, nhưng những năm gần đây công tác này được đặc biệt chú trọng. Với hai yếu tố quyết định cho công tác phòng chống đuối nước là lực lượng giáo viên dạy bơi và cơ sở vật chất, Hà Nội đều cơ bản chủ động được.

Giáo viên trực tiếp hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Lôi các động tác bơi đầu tiên những ngày đầu tháng 5-2016. Ảnh: Anh Tuấn.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Tất cả các trường học ở Hà Nội hiện nay đã đủ cán bộ để giảng dạy, hướng dẫn về phòng tránh đuối nước cho học sinh. Hằng năm, Sở đều tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán dạy bơi. Còn về vấn đề cơ sở vật chất, trước đây trên địa bàn Hà Nội còn khó khăn nhưng từ 2 - 3 năm trở lại đây, bể bơi tư nhân, bể bơi tại các trường học được xây dựng nhiều.

Riêng tại địa bàn quận Cầu Giấy, những năm gần đây, khi xây dựng trường mới đều xây dựng bể bơi đạt chuẩn. Vì vậy, lượng học sinh ở Cầu Giấy học bơi rất đông. Còn tại huyện Thanh Trì, đến thời điểm này, địa phương đã đầu tư xây dựng tới 14 bể bơi trong các trường học, tạo điều kiện cho học sinh được học bơi. Mô hình của huyện Thanh Trì được nhiều tỉnh, thành phố khác đến học tập. Cũng chính vì đầu tư đúng hướng nên huyện Thanh Trì không chỉ nhiều học sinh biết bơi, mà có cả học sinh đoạt thành tích cao trong phong trào bơi lội của thành phố và toàn quốc.

Nhiều mô hình dạy bơi cho học sinh

Vài năm trở lại đây, đặc biệt vào hè 2016, phong trào dạy bơi cho học sinh tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội phát triển rộng. Nhiều địa phương tổ chức mô hình dạy bơi phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh tham gia, nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.

Tại quận Thanh Xuân, mặc dù là quận nội thành, khó khăn về quỹ đất đầu tư xây dựng bể bơi, nhưng với sự vào cuộc tích cực của UBND quận và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, Thanh Xuân trở thành quận đầu tiên phổ cập bơi cho học sinh.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết, với mục tiêu 100% học sinh sau khi hoàn thành chương trình tiểu học phải biết bơi, ban đầu quận Thanh Xuân gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nhận thức của giáo viên, học sinh cũng như dư luận xã hội. Tuy nhiên, sau khi quận tuyên truyền, đa phần mọi người đều ủng hộ. 

Sau đó, quận Thanh Xuân tiến hành điều tra học sinh, phân loại học sinh biết bơi và chưa biết bơi. Với những học sinh biết bơi, quận kiểm tra, nếu chưa đạt chuẩn đều được dạy lại. Tuy nhiên, cơ sở vật chất để dạy bơi là vấn đề nan giải vì toàn quận chỉ có bể bơi của Trung tâm Thể dục Thể thao quận. Chính vì vậy, quận Thanh Xuân đã họp với các doanh nghiệp có bể bơi trên địa bàn đề nghị phối hợp liên kết và nhận được sự đồng thuận cao. Với 7 trường ở xa trung tâm, quận tiến hành lắp bể bơi thông minh trong nhà thể chất của trường, thuận lợi cho việc đi lại của học sinh.

Ông Phạm Gia Hữu cũng cho biết, hiện nay chương trình dạy bơi đợt 1 cho toàn bộ học sinh lớp 5 trên địa bàn quận đã kết thúc; sau kiểm tra có tới 90% học sinh biết bơi, số còn lại tiếp tục được học đến khi biết bơi. Tiếp đó, quận sẽ triển khai tiếp cho học sinh khối lớp 4 trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2016. Riêng về kinh phí học bơi, mỗi học sinh đều được quận hỗ trợ 30%, số còn lại phụ huynh phải đóng tương đương 800 - 900 nghìn đồng/học sinh, thấp hơn nhiều so với đi học nơi khác.

Còn tại quận Cầu Giấy, hè 2016 là năm thứ 2 quận dạy bơi miễn phí cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Ngoài việc đầu tư xây dựng các bể bơi trong trường học để học sinh được học bơi trong các giờ thể thao theo chương trình tự chọn, quận Cầu Giấy cũng nâng cấp khu thể thao của quận nhằm thu hút các cháu học bơi. Riêng năm nay, quận tổ chức dạy bơi miễn phí cho hơn 2.500 học sinh, chia thành ba đợt, từ 31-5 đến 19-7. Học sinh sẽ được học theo nhóm, mỗi nhóm có từ 25 - 30 học sinh. Tại các lớp học này, các huấn luyện viên sẽ hướng dẫn các em biết bơi ít nhất một kiểu; đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Kết thúc khóa học, học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ.

Cũng theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bơi trong trường học là môn thể dục tự chọn, không bắt buộc và tùy từng địa phương lựa chọn để giảng dạy. Tuy vậy, Sở luôn khuyến khích các địa phương, các trường học chú trọng dạy bơi cho học sinh để phòng tránh đuối nước. Với mô hình lắp đặt bể bơi thông minh trong nhà thể chất trường học để dạy bơi cho học sinh của quận Thanh Xuân đang triển khai, Sở sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ để khuyến khích các quận, huyện, thị xã, các trường học triển khai mô hình này. Bởi mô hình này không những phù hợp với các quận nội thành, mà còn thuận lợi đối với cả các huyện ngoại thành Hà Nội.

TK
.
.
.