Phòng chống khủng bố trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Thứ Bảy, 08/08/2020, 07:59
Cơ quan Phòng chống khủng bố Liên hợp quốc (UNOCT) gần đây đã tổ chức thành công, quy mô, chu đáo Tuần lễ phòng chống khủng bố (PCKB) Liên hợp quốc (LHQ) trực tuyến với chủ đề "Các thách thức chiến lược và thực tế về phòng chống khủng bố trong môi trường đại dịch toàn cầu".


Tuần lễ PCKB nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày thành lập LHQ. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Tuần lễ PCKB trực tuyến là nỗ lực quan trọng, kịp thời và ý nghĩa của LHQ nhằm duy trì đà đấu tranh và hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm khủng bố (TPKB). Chương trình quy tụ khoảng 1.000 đại biểu từ 134 quốc gia thành viên LHQ, 47 tổ chức quốc tế và khu vực, 88 tổ chức tư nhân và xã hội dân sự.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres nhận định, "Giống như vi-rút, TPKB không tôn trọng biên giới quốc gia. TPKB ảnh hưởng tất cả các quốc gia và chỉ có thể được giải quyết bằng nỗ lực chung. Do đó, chúng ta cần phải tập trung sức mạnh đa phương để tìm ra các giải pháp thực tế".

Phó TTK LHQ phụ trách UNOCT Vladimir Voronkov khẳng định khủng bố vẫn là mối đe dọa chính đối với hòa bình và an ninh quốc tế, một số nhóm khủng bố đang mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực mới; đồng thời thông báo UNOCT đã triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ các quốc gia thành viên đấu tranh hiệu quả với TPKB, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cụ thể, UNOCT cùng với 42 cơ quan LHQ và đối tác thuộc Khối PCKB toàn cầu đang tiến hành hơn 300 dự án phát triển năng lực PCKB trên toàn thế giới cho 72 quốc gia thông qua hướng tiếp cận toàn cầu, toàn diện.

Nội dung thảo luận chính

Tuần lễ PCKB LHQ kéo dài 01 tuần, gồm có 10 hội thảo trực tuyến (webinar) và buổi thảo luận tương tác đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với công tác PCKB. Các nội dung thảo luận chính gồm: tầm quan trọng của hợp tác đa phương PCKB trong giai đoạn hậu COVID-19, phương thức đối phó với các mối de dọa nổi lên từ khủng bố mạng và khủng bố sinh học, các nguy cơ và xu hướng của TPKB (bao gồm chủ nghĩa cực đoan bạo lực cánh hữu và phát ngôn gây thù hận trong môi trường đại dịch), công tác hỗ trợ nạn nhân của TPKB, các chương trình hỗ trợ quan trọng của LHQ về hồi hương các chiến binh khủng bố nước ngoài, công tác đảm bảo an ninh trong di chuyển quốc tế, truy tố TPKB, bảo vệ nhân quyền trong PCKB, vai trò của thanh niên, các tổ chức phi chính phủ, báo chí trong PCKB, vấn đề giới trong PCKB, các ưu tiên quốc gia trong PCKB giai đoạn hậu COVID-19...

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 với PCKB

Hội thảo thống nhất đánh giá đại dịch Covid-19 đã gây ra tác hại chưa từng có cho cộng đồng quốc tế trong lịch sử 75 năm của LHQ mặc dù trong thời gian đại dịch số lượng các vụ tấn công khủng bố và thương vong giảm so với giai đoạn ISIL trỗi dậy trước đây. COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Bà Ghada Fathi Waly, Giám đốc điều hành của Tổ chức Phòng chống Ma túy và Tội phạm LHQ (UNODC) nhận định, việc thế giới trở nên nghèo hơn và ít được bảo vệ hơn dưới tác động của COVID-19 gia tăng bất bình đẳng xã hội và cản trở nỗ lực quốc tế thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, duy trì hòa bình, an ninh và nỗ lực quốc tế PCKB.

Theo Ngân hàng thế giới, khoảng từ 71 đến 100 triệu người trên thế giới có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực. Tổ chức Lao động thế giới (ILO) ước tính thu nhập của 1,6 tỷ lao động tại khu vực kinh tế không chính thức giảm 60%. Số liệu trên là đáng báo động do có đến 77% lao động trẻ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế không chính thức.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc Tuần lễ Phòng chống khủng bố trực tuyến.

Trong thời gian dịch COVID-19, những người lao động trẻ tuổi này không thể làm việc từ xa và không được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. ILO nhận định việc suy giảm thu nhập và chính sách an sinh xã hội khiến người lao động dễ bị TPKB và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng để truyền bá tư tưởng cực đoan và lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2019 về gia tăng lực lượng của IS, tình trạng thiếu việc làm tỉ lệ thuận với số lượng người bị tuyền bá tư tưởng cực đoan.

Tác động của đại dịch COVID-19 cũng nâng cao quan ngại về khả năng TPKB sử dụng các tác nhân sinh học nhằm vào cộng đồng quốc tế do vi khuẩn, vi-rút và các chất độc tương đối rẻ, dễ sản xuất, lưu trữ và vận chuyển nhưng lại khó bị phát hiện và kiểm soát. Như TTK LHQ đã cảnh báo hồi tháng 3/2020, "sự yếu kém và thiếu chuẩn bị như đã thấy ở đại dịch COVID-19 cho thấy mức độ nghiêm trọng mà tấn công khủng bố sinh học có thể gây ra - và do đó gia tăng các nguy cơ. Các nhóm phi nhà nước có thể tiếp cận với các dòng vi-rút độc hại có tác động phá hoại tương tự với các xã hội trên toàn thế giới".

Đại dịch COVID-19 gia tăng quan ngại về mối liên hệ giữa TPKB và tội phạm có tổ chức ở cấp quốc gia và xuyên quốc gia như đã đề cập tại Nghị quyết số 2482 (2019) của LHQ. Đại dịch cản trở việc tương tác, phối hợp và hợp tác trao đổi thông tin đấu tranh phòng chống TPKB và các loại tội phạm khác giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước do các biện pháp hạn chế đi lại, hội họp và giãn cách xã hội. Đồng thời, đại dịch đặt ra thêm nhiều thách thức mới cho công tác đấu tranh PCKB như gia tăng bức xúc trong người dân, làn sóng mới về những phát ngôn gây thù hận, chia rẽ, phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài ngoại, hoạt động tung tin thất thiệt...

Đáng lo ngại hơn là TPKB có thể tăng cường cấu kết với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nhằm mở rộng lực lượng và tăng nguồn lực tài chính. TPKB có thể hợp tác với các tổ chức tội phạm có tổ chức lợi dụng tình trạng thiếu việc làm và bức xúc trong các cộng đồng dân cư để kích động bạo lực, tuyển lựa thêm thành viên tham gia các hoạt động tội phạm như mua bán trái phép các chất ma túy, buôn lậu hàng hóa, tài nguyên thiên nhiên và cổ vật, bắt cóc tống tiền, rửa tiền...

Vào đầu tháng 7/2020, giới chức Ý bắt giữ 14 tấn ma túy tổng hợp amphetamines dạng viên được cho là do các phần tử khủng bố IS sản xuất tại Syria. Ngoài ra, tội phạm có tổ chức có thể hỗ trợ TPKB trong việc huấn luyện, cung cấp vũ khí và nơi trú ẩn an toàn.

Các tổ chức khủng bố như ISIL, Al-Qaida, các chi nhánh khủng bố khu vực, các chiến binh khủng bố nhiều kinh nghiệm, các nhóm phát xít mới, những người ủng hộ thuyết cho rằng người da trắng là ưu việt, các nhóm thù hận… đã lợi dụng sự chia rẽ, xung đột địa phương, yếu kém trong công tác quản trị và tình trạng khốn cùng của người dân trong bối cảnh đại dịch để thúc đẩy các mục tiêu bất chính của mình. Đại dịch cũng làm lộ ra các phương thức hoạt động mới của TPKB như lạm dụng công nghệ kỹ thuật số, tấn công mạng và khủng bố sinh học.

Theo nghiên cứu của Liên minh truyền thông quốc tế (ITU), số lượng vụ việc liên quan đến tội phạm mạng và tấn công mạng nhằm vào dân thường tăng đáng kể từ 40 đến 80% chỉ riêng trong Quý I/2020. Số lượng trang điện tử (website) tấn công lừa đảo (phishing) đã tăng 350%. Đặc biệt đáng lo ngại là số lượng lớn các vụ tấn công vào các hệ thống máy tính bệnh viện, cơ sở y tế của một vài quốc gia như Pháp, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...

Các tổ chức khủng bố đang lợi dụng việc người dân dành nhiều thời gian hơn trên không gian mạng để truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển mộ lực lượng, lên kế hoạch tổ chức các vụ tấn công khủng bố trong bối cảnh chính quyền các nước đang phải dồn lực kiểm soát sự lan tràn của dịch bệnh COVID-19... Theo Đại sứ Tunisia, Kais Kabtani, TPKB nhằm vào đối tượng đang bị cách ly xã hội, lợi dụng tâm lý sợ hãi, bị cô lập và giảm niềm tin đối với chính quyền địa phương... để lan truyền các thuyết âm mưu và kích động tư tưởng cực đoan.

Mặt tích cực của đại dịch Covid-19 đối với công tác PCKB

Hội thảo đánh giá đại dịch COVID-19 cũng mang lại cơ hội cho công tác PCKB. Các biện pháp giãn cách xã hội tạm thời hạn chế các hoạt động tấn công khủng bố nhằm vào đám đông, các mục tiêu mềm, hạn chế việc di chuyển, nguồn lực và chuỗi cung ứng của TPKB.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên bế mạc Tuần lễ Phòng chống khủng bố trực tuyến.

Đại diện của tổ chức UN Women cho rằng đại dịch là cơ hội để cải tổ các nỗ lực PCKB và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực bằng cách ghi nhận và đánh giá vai trò của phụ nữ tại địa phương trong thời kỳ khủng hoảng và tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia quá trình đưa ra quyết định trong các kế hoạch tình trạng khẩn cấp. Nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần xã hội (chính phủ, giới doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự...) trong công tác PCKB.

Nạn nhân của TPKB trong bối cảnh COVID-19

Tuần lễ trực tuyến PCKB 2020 có chương trình hội thảo riêng về nạn nhân của tội phạm khủng bố. Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết để nạn nhân của tình trạng khủng bố trao đổi về những khó khăn, thách thức, tình trạng thống khổ của mình. COVID-19 gây thêm nhiều gánh nặng, tổn thương tinh thần cho các nạn nhân và những người trốn chạy khỏi bàn tay của TPKB. Cộng đồng quốc tế cần có các chính sách bảo vệ quyền lợi, chống hiện tượng phân biệt đối xử, hỗ trợ công tác tái hòa nhập cộng đồng và đáp ứng nhu cầu chính đáng của nạn nhân; đồng thời cần xác định họ là đồng minh quan trọng chống lại các luận điệu mua chuộc, dụ dỗ của TPKB, nâng cao nhận thức của cộng đồng tránh bị tuyển lựa tham gia các tổ chức khủng bố hoặc trở thành nạn nhân của TPKB trong tương lai.

Triển lãm trực tuyến lần đầu tiên về PCKB:

Bên cạnh đó, Trung tâm PCKB LHQ (UNCCT) đã tổ chức chương trình triển lãm trực tuyến lần đầu về công tác PCKB. Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, UNCCT chọn môi trường kỹ thuật số để gắn kết với đông đảo những người quan tâm đến công tác PCKB trên thế giới. Triển lãm cung cấp thông tin về lịch sử hoạt động và các nỗ lực nâng cao năng lực PCKB và phòng chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực của UNCCT thông qua việc thực hiện tổng thể và cân bằng 04 trụ cột của Chiến lược PCKB toàn cầu của LHQ (gồm: Giải quyết các điều kiện cho phép chủ nghĩa khủng bố lan rộng, Các biện pháp PCKB, Các biện pháp nâng cao năng lực quốc gia để PCKB và tăng cường vai trò của hệ thống LHQ trong vấn đề này, Coi các biện pháp đảm bảo tôn trọng nhân quyền và quy định pháp luật là nền tảng thiết yếu trong công tác PCKB).

Đồng thời, Triển lãm nêu bật quan hệ đối tác UNCCT đã xây dựng với các quốc gia thành viên, các tổ chức khu vực và quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự; giới thiệu tổng thể về chương trình toàn cầu hỗ trợ nạn nhân của TPKB; nỗ lực của UNCCT trong việc giải quyết các vấn đề mới như khủng bố trên không gian mạng, khủng bố sinh học, liên lạc quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng và an ninh biên giới. Đặc biệt, Triển lãm nhấn mạnh tầm quan trọng của hướng tiếp cận "Toàn LHQ" và "Tất cả xã hội" nhằm đấu tranh hiệu quả với các tổ chức khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Định hướng PCKB thời gian tới

05 định hướng cho công tác PCKB được thảo luận trong Tuần lễ PCKB gồm: (i) duy trì đà đấu tranh PCKB, bao gồm việc đầu tư cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu nâng cao năng lực PCKB, đặc biệt ở các nước cần sự hỗ trợ nhất; (ii) giám sát chặt chẽ sự tiến triển của các nguy cơ khủng bố, xu hướng của tội phạm khủng bố và cách tiếp cận sáng tạo để xử lý, bao gồm các công nghệ, công cụ và khái niệm đúng đắn để đi trước các đối tượng khủng bố; (iii) công tác PCKB cần lưu ý đến vấn đề giới, nhiều nhóm khủng bố có xu hướng ghét phụ nữ hoặc sử dụng phụ nữ, trẻ em tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

Do đó, luật PCKB và các biện pháp an ninh cần chú trọng đến bảo vệ các quyền con người cơ bản, tuân thủ luật nhân đạo và người tị nạn; (iv) có hướng tiếp cận tổng thể PCKB trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gia tăng các căng thẳng về tâm lý xã hội, kinh tế và chính trị; và (v) tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm PCKB. Về giải pháp hiệu quả đấu tranh PCKB trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19, hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế dựa trên nhu cầu thực tế của mỗi quốc gia, đầu tư chiến lược vào công tác phòng ngừa và chuẩn bị quốc gia đối với các tình huống khó lường trước.

Ngoài ra, hội thảo đánh giá cao các sáng kiến của giới thanh niên, đóng góp của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, các tổ chức truyền thông, các doanh nghiệp tư nhân, quan hệ đối tác công - tư trong công tác PCKB. Các nỗ lực PCKB cần phải lưu ý đến vấn đề giới, nhân quyền, bảo vệ phụ nữ và trẻ em (nhóm đối tượng dễ bị tổn thương) và đảm bảo quyền tự do biểu đạt.

Các đại biểu tham luận và trao đổi tại Tuần lễ phòng chống khủng bố trực tuyến.

Ý kiến đóng góp của Chủ tịch ASEAN 2020:

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020 đã phát biểu tại Phiên bế mạc cùng với đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Liên minh châu Phi, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ.

Đại sứ Đặng Đình Quý đánh giá cao việc UNOCT kịp thời tổ chức Tuần lễ PCKB trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội thế giới; khẳng định vai trò trung tâm của LHQ trong việc tập hợp sức mạnh đa phương để đối phó với các thách thức do TPKB gây ra; cho rằng hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin về di chuyển của các đối tượng khủng bố, kinh nghiệm đấu tranh PCKB, hỗ trợ kỹ thuật, ngăn chặn tài trợ cho TPKB và nâng cao năng lực PCKB quốc gia đóng vai trò thiết yếu trong việc phát hiện, nhận diện, điều tra và xử lý TPKB và các tội phạm nghiêm trọng khác; khuyến nghị tập trung vào công tác phòng ngừa thông qua giải quyết cội gốc của TPKB là tình trạng không có việc làm, bất công, bất bình đẳng xã hội, phân biệt chủng tộc, xung đột chưa được giải quyết...; khẳng định ASEAN ưu tiên cao cho công tác PCKB và đã thực hiện hiệu quả, nghiêm túc Kế hoạch hành động của ASEAN về PCKB và ngăn chặn việc truyền bá tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa cực đoan bạo lực giai đoạn 2018-2025.

Thay cho lời kết

Kết quả, nội dung đạt được thông qua các hội thảo của Tuần lễ PCKB trực tuyến lần này là tiền đề cho Tuần lễ cấp cao PCKB, dự kiến tổ chức trong nhiệm kỳ thứ 75 của Đại hội đồng LHQ (tính từ tháng 9/2020 - 9/2021). Tuần lễ cấp cao PCKB sắp tới sẽ đánh giá lần thứ 7 Chiến lược PCKB toàn cầu, Hội nghị lần thứ 2 Người đứng đầu các Cơ quan PCKB các quốc gia thành viên và Hội nghị toàn cầu về nạn nhân của tội phạm khủng bố.

Việt Nam là một điểm sáng trên thế giới về công tác PCKB. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa xảy ra các vụ tấn công khủng bố do cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện, chưa phát hiện "cơ sở", "chân rết" khủng bố quốc tế. Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (LLCAND) đã đấu tranh hiệu quả với hàng loạt âm mưu, hoạt động khủng bố của các tổ chức khủng bố người Việt như "Việt Tân", "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", "Triều đại Việt"...

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục được thế giới ca ngợi do đã kiểm soát hiệu quả không để dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Tính đến ngày 21-7, đã 96 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Những thành công kể trên có được là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, hiệu quả, quyết liệt của các cấp lãnh đạo, quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân. Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh và âm mưu, phương thức hoạt động mới của TPKB trong bối cảnh đại dịch COVID-19, LLCAND cần tiếp tục theo sát tình hình để kịp thời báo cáo, tham mưu đối sách phù hợp, hiệu quả. Trước mắt cần tập trung làm tốt (i) công tác đảm bảo an ninh biên giới, sân bay, hải cảng nhằm ngăn chặn việc vận chuyển người và hàng hóa bất hợp pháp; (ii) có giải pháp hiệu quả để hạn chế các nội dung độc hại trên môi trường mạng, đồng thời đảm bảo quyền tự do thông tin của nhân dân; (iii) nâng cao năng lực điều tra tội phạm rửa tiền và việc sử dụng tiền mã hóa để tài trợ khủng bố; (iv) khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, duy trì tốt công tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các đối tác thực thi pháp luật nước ngoài nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

TS. Lục Anh Tuấn (tổng hợp)
.
.
.