Nước Mỹ đối mặt với khủng hoảng kép
- Biểu tình quá dữ đội, Mỹ huy động hàng ngàn binh sĩ đến thủ đô Washington DC
- Cựu Tổng thống Bush: Đã đến lúc nước Mỹ xem xét lại sự thất bại thảm hại
Ngày 30-5, Thị trưởng TP Minneapolis (bang Minnesota) Jacob Frey đã phải ban hành lệnh giới nghiêm sau các cuộc biểu tình và bạo động liên tục, theo sau cái chết của ông George Floyd, 46 tuổi, người đã bị 4 cảnh sát vây bắt và tử vong sau khi dùng tiền giả để mua hàng vào hôm 25-5.
Đoạn phim được công bố sau đó cho thấy viên cảnh sát tên Derek Chauvin dùng đầu gối ghì cổ ông Floyd xuống đất trong gần 9 phút, bất chấp người này van xin và nói không thở được. Ông Floyd bất tỉnh và được thông báo tử vong tại bệnh viện.
Cái chết của Floyd được xem đã châm ngòi cho sự giận dữ bùng phát, dẫn tới biểu tình, đập phá, cướp bóc diễn ra ở nhiều thành phố của Mỹ. Nước Mỹ đang phải đói mặt với khủng hoảng kép khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì giờ đây làn sóng biểu tình có thể xoá sạch nỗ lực chống dịch thời gian qua.
Sự giận dữ quá đà của đám đông
Cả 4 cảnh sát bị sa thải, trong đó ông Chauvin hôm qua bị truy tố tội giết người cấp độ 3 và tội ngộ sát, đối diện mức án tổng cộng 35 năm tù. 3 cảnh sát còn lại đang bị điều tra và sẽ sớm bị truy tố. Tuy nhiên, bản cáo trạng này đã không làm dịu cơn giận dữ của cộng đồng. Nhiều tòa nhà tại Minneapolis và TP.St.Paul kế bên đã bị đốt phá.
Cảnh cướp bóc cũng diễn ra ở một số nơi buộc chính quyền bang phải huy động vệ binh quốc gia để tuần tra và khôi phục trật tự. Tuy vậy, nhiều người biểu tình đeo khẩu trang bất chấp lệnh giới nghiêm vẫn xuống đường phản đối, trong khi cảnh sát đáp lại bằng hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng.
Thống đốc bang Minnesota Tim Walz lo ngại người biểu tình sẽ rơi vào tình trạng rất nguy hiểm nếu họ tiếp tục phi phạm lệnh thiết quân luật. Chính quyền cho biết, cho đến nay, lực lượng cảnh sát vũ trang chưa trực tiếp tham gia trấn áp, một phần do không muốn làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, phần khác do quân số không đủ.
Thống đốc Minnesota cho biết đã huy động 13.000 binh sĩ thuộc lực lượng cảnh sát chống bạo động quốc gia, và yêu cầu quân đội can thiệp.
Tuy nhiên, làn sóng biểu tình tiếp tục lan rộng ra nhiều thành phố khắp nước Mỹ như New York, Philadelphia, Los Angeles, Atlanta.... Nhiều cuộc tập hợp phản kháng tại Dallas, Las Vegas, Seattle, Memphis...
Tại Atlanta, nhiều xe tuần tra của cảnh sát bị đốt. Tại Los Angeles, 5 cảnh sát bị thương, hàng trăm người bị câu lưu, sau khi một cuộc biểu tình ôn hoà biến thành bạo động, với nhiều cửa hàng bị đốt cháy, cướp phá.
Người biểu tình bị cảnh sát bắt ở Los Angeles ngày 30-5 - Ảnh: Reuters. |
Ở thủ đô Washington D.C, lệnh phong tỏa được ban hành tại Nhà Trắng trong một thời gian ngắn vào tối 29-5 sau khi hàng trăm người tập trung đòi công lý cho ông Floyd.
Thống đốc các bang Georgia, Kentucky, Ohio và Texas cũng đã điều động Vệ binh quốc gia sau khi các cuộc biểu tình trở thành bạo động vào ban đêm cũng như người biểu tình bất tuân lệnh giới nghiêm.
Tại New York, tình hình càng căng thẳng hơn khi một đoạn video cho thấy một chiếc xe của Sở Cảnh sát TP New York tông vào đám đông biểu tình hôm 30-5.
Đoạn video dài khoảng 27 giây được đăng tải trên mạng xã hội Twitter cho thấy cảnh đám đông biểu tình đang ném các vật thể vào một chiếc của Sở Cảnh sát TP New York, phía trước chiếc xe có một rào chắn được đặt ngăn cách. Chiếc xe này sau đó đã tông qua rào chắn và lao vào nhóm biểu tình.
Khi đám đông đang hò hét và kêu la, có một người được trông thấy đã nhảy lên nóc chiếc xe ô tô. Thị trưởng TP New York Bill de Blasio cho biết đang điều tra vụ việc nhưng nhấn mạnh rằng các nhân viên cảnh sát không còn lựa chọn khác tại thời điểm đó.
"Tôi sẽ khiển trách các nhân viên cảnh sát, những người đã giải quyết vấn đề như thế trong tình huống hoàn toàn bất khả kháng đó. Người dân vây quanh chiếc xe cảnh sát đã sai và họ đã gây ra một tình huống khó khăn. Tôi ước các nhân viên cảnh sát có thể tìm cách khác", ông Bill de Blasio nói.
Theo các chuyên gia, tình hình bạo lực ở Mỹ có thể còn tồi tệ hơn khi các nhóm quá khích, cánh tả và cánh hữu nhân cơ hội lao vào đấu nhau. Theo Thống đốc Tim Walz, tham gia vào các bạo động đốt phá những ngày qua có nhiều thành phần thuộc "các băng đảng buôn lậu ma tuý", "các nhóm chủ trương chủng tộc da trắng thượng đẳng".
Chính quyền bang Minnesota cáo buộc những kẻ quá khích từ bên ngoài đã trà trộn vào các cuộc tuần hành hòa bình. Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey cho biết các cuộc tuần hành trong thành phố chủ yếu ôn hòa và được tổ chức bởi cư dân địa phương, nhưng tình hình đã thay đổi trong vài ngày gần đây.
"Tôi khẳng định những kẻ gây ra điều này không phải cư dân Minneapolis", ông Frey nói. "Có những kẻ cơ hội, những kẻ theo thuyết da trắng thượng đẳng, những kẻ vô chính phủ", bà Peggy Flanagan, Phó Thống đốc Minnesota, nói.
Một cảnh sát bị thương được đồng đội di chuyển khỏi hiện trường vụ biểu tình ở Brooklyn, New York (Ảnh: Reuters). |
Bà Pamela Oliver, chuyên gia xã hội học của Đại học Wisconsin-Madison, giải thích các chính trị gia đôi khi đổ thừa cho những kẻ bên ngoài gây rối để che giấu vấn đề thực sự trong cộng đồng, nhưng trường hợp này không phải như vậy.
"Giới lãnh đạo thừa nhận cái chết của Floyd lôi kéo sự chú ý trở lại với các vấn đề đã có từ xưa... Khi cảnh sát đàn áp biểu tình ôn hòa quá trớn, người dân có xu hướng leo thang thành bạo lực. Tôi có đọc thông tin về việc một số cư dân Minneapolis cáo buộc cảnh sát đã hành xử quá tệ mới dẫn đến phản ứng như vậy", bà Pamela nói.
Trong động thái hiếm thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho lực lượng quân cảnh sẵn sàng đến Minneapolis. Lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ 2, bang Minnesota huy động Vệ binh Quốc gia ở quy mô toàn diện, một số địa phương tại Mỹ ra lệnh giới nghiêm trước nguy cơ biểu tình leo thang bạo lực.
Các đơn vị cảnh sát quân sự tại ba căn cứ của Mỹ (bao gồm Fort Riley ở Kansas, Fort Bragg ở Bắc Carolina và Fort Drum ở New York) đã nhận được lệnh "chuẩn bị triển khai" đến Minneapolis nếu Thống đốc bang Minnesota Tim Walz yêu cầu liên bang hỗ trợ.
Lệnh điều động vệ binh diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump yêu cầu các địa phương phải có biện pháp "cứng rắn hơn", nếu không chính quyền liên bang sẽ vào cuộc và có khả năng sẽ điều động quân đội.
Ước tính sơ bộ đến sáng 1-6, đã có 1.400 người biểu tình đã bị bắt tại 17 thành phố kể từ ngày 28-5. Cho đến nay đã có ít nhất 25 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra.
Nhiều người biểu tình không mang khẩu trang, không tuân thủ giãn cách xã hội khi tụ tập đông người (Ảnh: Reuters). |
Nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát diện rộng
Làn sóng biểu tình tại nhiều thành phố ở Mỹ khiến giới chuyên gia y tế lo ngại các đám đông tụ tập sẽ dẫn đến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, khi mà số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 6 triệu; Mỹ vẫn đang là vùng dịch lớn nhất toàn cầu với hơn 1,7 triệu ca bệnh và trên 103.000 người chết.
Ngay tại Minnesota, Thống đốc Tim Walz đã cảnh báo nguy cơ các bệnh viện tại bang bị quá tải trong bối cảnh họ đã có 1.000 ca tử vong vào lúc này.Các chuyên gia y tế lo ngại những người mang virus nhưng không có triệu chứng có thể biến những đám đông biểu tình thành các "ổ dịch" mới.
Thống đốc bang Minnesota Tim Walz cho biết có quá nhiều người biểu tình không giữ khoảng cách xã hội hay đeo khẩu trang. Trong khi đó, một số người đeo khẩu trang chỉ để tránh bị nhận diện khi tham gia biểu tình. Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey cho rằng người dân đang đối diện với khủng hoảng kép từ tình trạng bạo lực và đại dịch COVID-19.