Nỗ lực chống “cát tặc” trên sông Đồng Nai

Chủ Nhật, 10/06/2018, 14:20
Sông Đồng Nai có chiều dài 586km bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Đồng chảy qua các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và đoạn sông chính chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai (85km) là nơi lắng đọng nhiều cát sạch nhất. 


Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua, bất chấp các quy định của pháp luật, một số đối tượng thường xuyên tổ chức những đội thuyền thực hiện việc bơm hút cát trái phép (cát tặc) làm thay đổi dòng chảy, gây nguy hiểm cho tàu thuyền lưu thông trên sông, đặc biệt gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ, cuốn trôi nhiều nhà cửa, ruộng vườn của người dân tại nhiều khu vực thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Tôi đến Phòng PC49, Công an tỉnh Đồng Nai trong lúc cán bộ chiến sỹ của đơn vị đang tất bật với việc thực hiện nhiệm vụ về công tác chống “cát tặc”. Bởi mùa mưa ở Nam bộ đã bắt đầu, cũng là lúc dòng nước chảy xiết cuốn theo lượng lớn cát sạch từ thượng nguồn sông Đồng Nai về lắng tụ nơi hạ lưu dọc theo địa bàn các huyện Vĩnh Cửu kéo qua TP. Biên Hòa đến tận Nhơn Trạch…

Bắt quả tang một chiếc ghe đang bơm hút cát trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.

Thượng tá Lương Đại Thủy - Phó Trưởng phòng phụ trách PC49 Công an tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Mấy hôm nay đơn vị liên tục bàn phương án chống “lâm tặc”, “cát tặc”, xả thải ra môi trường, chống thực phẩm bẩn…”. 

Theo Thượng tá Lương Đại Thủy, với 85km sông chính chảy qua địa bàn tỉnh cùng hàng trăm cây số sông nhánh chảy luồn lách qua nhiều khu vực khác, ngoài ra còn có khúc sông khá dài tiếp giáp với các quận 9,7 và huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh nên công tác phòng chống “cát tặc” trên sông Đồng Nai thực sự là thách thức không nhỏ. 

Trước đây, khi mức chế tài còn nhẹ dân khai thác cát thường sử dụng các loại máy bơm hút công suất cao lắp đặt kiên cố trên sà lan có tải trọng lớn và trực tiếp chỉ huy việc hút trộm cát nên chỉ cần phối hợp với CSGT đường thủy và một số cơ quan chức năng khác trong tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra là có thể phát hiện, xử lý được. 

Hơn chục năm trở lại đây, khi mức chế tài tăng nặng với trường hợp khai thác trái phép dưới 50m3 cát thì bị xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện, còn từ 50m3 trở lên sẽ tịch thu phương tiện và có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự tùy theo số lượng cát khai thác trái phép nên “cát tặc” lập tức tìm mọi thủ đoạn để đối phó. 

Họ tìm mua những ghe (thuyền) loại nhỏ có tải trọng khoảng từ 20-30m3, trang bị máy hút công suất nhỏ rồi đứng từ xa chỉ đạo bằng điện thoại để những người làm công thực hiện việc hút trộm cát. Đặc biệt, trên mỗi ghe, “cát tặc” thiết kế một lỗ có nắp đậy ở phần đáy (dân trong nghề gọi là lỗ lù) để khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra sẽ cho rút lù (mở nắp đậy) xả toàn bộ cát xuống lòng sông rồi đánh chìm ghe để phi tang, khiến cho công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. 

Có trường hợp bắt quả tang cũng chỉ có thể tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện chứ không thể xử lý tận gốc được bởi các đối tượng cầm đầu thường không bao giờ xuất hiện tại hiện trường mà trên ghe toàn là những công nhân làm thuê.    

Các lực lượng phối hợp kiểm tra một sà lan của “cát tặc”.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Trung, Đội trưởng Đội 3, Phòng PC49 Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: là người trực tiếp chỉ huy ngoài hiện trường, hầu hết các đợt cao điểm truy quét “cát tặc” do Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo và những chuyên đề do đơn vị đề ra, anh nhận thấy việc truy bắt rất khó khăn, vất vả mà còn tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ trinh sát.

Cụ thể vào đầu tháng 1-2017, nhận lệnh từ chỉ huy đơn vị, anh cùng một đồng đội tự điều khiển 1 chiếc xuồng nhỏ theo nhánh chính của sông Đồng Nai đến địa bàn huyện Nhơn Trạch nắm tình hình. Vừa đến nơi thì phát hiện hai chiếc ghe của “cát tặc” đang bơm hút cát nên anh quyết định cập mạn để kiểm tra. 

Tuy nhiên, khi vừa nhảy sang ghe của “cát tặc” thì một đối tượng đã kịp rút lù xả cát xuống sông tạo thành xoáy nước rất mạnh. Trong đêm tối không nhìn thấy đường, lại bị mất thăng bằng do đám công nhân chủ động lắc lư cho thuyền chòng chành, Thiếu tá Trung đã bị trượt chân té ngã vào sát miệng lỗ lù. 

Cũng may đồng đội của anh là người có nhiều kinh nghiệm về các hoạt động trên sông nước đã nhanh chân đá tấm ván bắc ngang ghe làm cầu rồi nằm lên đó với tay túm lấy lưng quần kéo anh ra khỏi xoáy nước. “Dày kinh nghiệm như tôi mà có lúc còn gặp nguy hiểm thì đối với anh em mới vào nghề còn ít được trải nghiệm thực tế sông nước thì mức độ nguy hiểm còn cao biết nhường nào…”- Thiếu tá Trung chia sẻ.   

Trong công tác trinh sát, thành công cũng nhiều, nhưng thất bại cũng không ít do các đối tượng cầm đầu thường dùng đủ mọi thủ đoạn để đối phó. Có thời gian bỏ ra cả tháng phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy đi trinh sát nắm tình hình nhưng lần nào cũng thất bại.

Rà soát lại toàn bộ quy trình, các trinh sát phát hiện dân “cát tặc” thường hoạt động về đêm tại các khu vực hẻo lánh và cài cắm “vệ tinh” cảnh giới cách điểm bơm hút cát ít nhất 1km. Trên bờ, họ bố trí các đối tượng giả làm người chạy xe ôm hoặc người bán hàng rong tại tất cả các ngả đường dẫn đến khu vực lòng sông, dưới nước là các đối tượng giả làm người đi giăng câu sẵn sàng thông báo nhất cử nhất động xung quanh.

Nắm được phương thức, thủ đoạn và quy trình hoạt động của giới “cát tặc”, các trinh sát tiến hành biện pháp đột kích bất ngờ thì lại bị các đối tượng chống đối bằng cách dùng sào dài chọc vào ca nô hoặc dùng 3-4 ghe khác chạy vòng quanh tạo sóng lớn khiến ca nô không thể cặp mạn cho các trinh sát nhảy lên ghe hút trộm cát để kiểm tra được, và trong thời điểm này chúng tranh thủ rút lù xả cát, nhận chìm ghe xuống lòng sông.

Điển hình như vụ vệc xảy ra vào lúc 1h40 ngày 21-4-2017. Thời điểm ấy, các trinh sát của đơn vị đã bắt quả tang 3 ghe đang hoạt động bơm hút, vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai và bơm hút cát từ ghe lên bến thủy nội địa của Công ty TNHH Chí Dũng tại ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Phát hiện Công an đến kiểm tra, các đối tượng trên ghe đã rút lù nhận chìm ghe và nhảy sông bỏ trốn. 

Ghe thu giữ của “cát tặc” chất ngổn ngang.

Mặc dù trước khi đột kích bất ngờ, các trinh sát đã bí mật ghi lại toàn bộ hình ảnh quá trình hút trộm cát, nhưng khi làm việc với cơ quan Công an, ông Đoàn Chí Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc bến thủy nội địa của Công ty TNHH Chí Dũng cho rằng, trước đó đã ký hợp đồng cho DNTN Trường Nguyên thuê lại nên không liên đới trách nhiệm. 

Trong khi đó người đại diện của doanh nghiệp Trường Nguyên cũng không công nhận việc tổ chức bơm hút trộm cát mà chỉ nhận việc mua bán cát trôi nổi mang về bán lại kiếm lời.

Để xử lý được trường hợp này, Ban chỉ huy Phòng đã phải mời một đơn vị trục vớt chuyên nghiệp từ Vũng Tàu lên để trục vớt 3 chiếc ghe rồi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan trước khi xin ý kiến Ban giám đốc Công an tỉnh ra quyết định tịch thu phương tiện. Ngoài ra còn có văn bản kiến nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa của Công ty TNHH Chí Dũng.

Một vụ khai thác cát khác xảy ra vào tháng 12-2017 tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch cũng đã khiến cho các trinh sát Đội 3, Phòng PC49 Công an tỉnh Đồng Nai phải rất vất vả mới xử lý được. Vẫn theo lời kể của Thiếu tá Nguyễn Hữu Trung, những ngày đầu tháng 11-2017, nhận thấy tình hình khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch diễn biến hết sức phức tạp. 

Mặc dù đang phải căng sức đấu tranh với “lâm tặc” ở rừng Nam Cát Tiên, nhưng các trinh sát vẫn cố gắng dành thời gian thực hiện các chuyến đi nắm tình hình để lên phương án ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép. Trải qua gần một tháng liên tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, đến 10h00 ngày 9-12-2017, các trinh sát phát hiện 3 ghe gỗ đang hoạt động bơm hút cát trái phép và 2 ghe khác đang lấy cát sang mạn để vận chuyển đi tiêu thụ nên tổ chức truy bắt.

Mặc dù khi tiếp cận hiện trường, đa số công nhân trên 5 chiếc ghe đã kịp rút lù nhận chìm ghe để phi tang rồi nhảy xuống sông trốn thoát, nhưng hai đối tượng cầm đầu là Nguyễn Tấn Thuyết (32 tuổi) và Lê Thành Công (35 tuổi) cùng ngụ huyện Nhơn Trạch đã bị các trinh sát tóm gọn. 

Khi đưa về cơ quan Công an để lấy lời khai ban đầu, Thuyết và Công liên tục né tránh trả lời những câu hỏi rồi quanh co cho rằng, mình cũng như những công nhân khác, thông qua các đối tượng môi giới để được nhận vào làm công ăn lương và không biết kẻ cầm đầu là ai. Chỉ đến khi lần lượt từng chiếc ghe được trục vớt đưa lên bờ thì hai đối tượng này mới chịu khai nhận hành vi khai thác cát trái phép của mình, và chuyển giọng năn nỉ được giảm nhẹ hình phạt…

Thiếu tá Nguyễn Hữu Trung cho biết: “Dù có khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy, nhưng anh em trong đơn vị đã thống nhất phải quyết tâm đánh tận gốc “cát tặc” để bảo vệ tài nguyên của đất nước, bảo vệ môi trường, vì cuộc sống bình yên của nhân dân …”.

Đức Cương
.
.
.