Những sai phạm quản lý hé lộ thêm sau vụ “bảo kê” tại chợ Long Biên

Chủ Nhật, 17/05/2020, 13:19
Sau khi vụ việc “bảo kê” tại chợ Long Biên bị phanh phui với nhiều đối tượng phải sa lưới pháp luật, quận Ba Đình đã tiến hành thanh tra các hoạt động tại chợ này và từ đó cũng phát hiện ra nhiều sai phạm.

Những sai phạm này là một phần trong sự buông lỏng quản lý nhà nước, đó cũng là mấu chốt để dẫn đến việc giang hồ lộng hành tại khu chợ này trong nhiều năm cho đến khi các đối tượng này bị xử lý.

Thiếu trách nhiệm quản lý

Đó là một trong những tình trạng xảy ra tại chợ Long Biên (Ba Đình, TP. Hà Nội) được báo chí nhắc đến trong vụ việc xảy ra năm 2018. Tại phiên tòa sáng 26-7-2019, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo có hành vi bảo kê tại chợ này, với mức án cao nhất lên đến 48 tháng tù giam.

HĐXX nhận định, các bị cáo có đủ nhận thức để biết việc cưỡng đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng các bị cáo vẫn thực hiện, gây ra hàng loạt khó khăn cho việc kinh doanh của hộ gia đình bị hại, buộc bị hại phải nộp một khoản tiền lớn trong thời gian dài. Với tính chất mức độ phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân, gây bất bình cho những hộ kinh doanh ở chợ Long Biên và dư luận.

Chợ Long Biên đã khang trang hơn so với trước đó.

HĐXX cũng cho biết trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến sai phạm của Ban Quản lý chợ Long Biên, tách ra tiếp tục điều tra xử lý sau.

Sau khi phiên tòa kết thúc, cùng với sự vào cuộc của cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội, UBND quận Ba Đình cũng thành lập đoàn thanh tra để làm rõ các vấn đề sai phạm liên quan đến  buông lỏng quản lý nhà nước hay các dấu hiệu sai phạm khác xảy ra tại khu chợ đầu mối Long Biên.

Qua kết quả thanh tra cho thấy, tại khu chợ đầu mối lớn của Hà Nội này còn nhiều vi phạm như tự phát sinh thêm tổ trông giữ xe đạp xe máy không được UBND quận Ba Đình phê duyệt; sắp xếp các vị trí kinh doanh tùy tiện; chưa có quy trình ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh; nhiều tiểu thương chưa đăng ký kinh doanh theo quy định…

Ngoài các tồn tại nói trên lãnh đạo BQL chợ Long Biên đã thiếu trách nhiệm quản lý trong việc kiểm tra giám sát dẫn tới vi phạm của tổ bốc dỡ số 2, từ đó xảy ra tình trạng “bảo kê”, thu tiền trái quy định.

Tổ bốc dỡ này được BQL chợ Long Biên ủy quyền cho thu tiền trực tiếp của các hộ kinh doanh, lập bảng kê nhưng không có phiếu thu biên nhận trái với quy định. Trong quá trình hoạt động của tổ bốc dỡ này thiếu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, đó cũng thể hiện sự thiếu trách nhiệm của BQL chợ Long Biên thời điểm đó. Đây cũng là lý do để các đối tượng giang hồ, không có quyền hạn đứng ra quản lý với quyền lực “ngầm” khiến nhiều người sợ hãi.

Bà P. bất ngờ khi biết kiot của mình sai phép.

Nhưng những hành vi sai phạm được thực hiện để tư túi ấy không thấm vào đâu so với các chiêu trò quản lý các “lốt” đỗ xe, mua đi bán lại các gian hàng phát sinh với giá lên tới hàng trăm triệu đồng mà báo chí đã phản ánh trước đó của nhóm “bảo kê”. Những kiot bán hàng đó nằm dưới sự quản lý của BQL chợ Long Biên với hợp đồng cho thuê được ký hàng năm nhưng sau đó được mua đi bán lại, chuyển giao giữa các tiểu thương với giá cao.

Đặc biệt, trong số những kiot phát sinh không đúng quy định ấy, có những kiot từng đứng tên các đối tượng bảo kê trong tổ bốc dỡ số 2 và cán bộ, nguyên cán bộ có trách nhiệm quản lý trên địa bàn.

62 kiot được ký hợp đồng sai phép

Theo kết luận thanh tra, trong thời gian từ năm 2015 đến 2018, chợ Long Biên đã phát sinh 62 điểm kinh doanh mới, nâng tổng số điểm kinh doanh tại khu chợ này lên đến con số 1.381 điểm, vượt xa so với quy hoạch của một khu chợ hạng 2 do thành phố quản lý là từ 200-400 điểm. Trong đó có 1 điểm kinh doanh nằm trên mặt bể nước phòng cháy chữa cháy, 1 điểm hiện đang kinh doanh nhà vệ sinh công cộng.

Theo giải trình của ông Đàm Đình Dũng - nguyên Trưởng BQL chợ Long Biên và các thành viên khác trong BQL, các điểm phát sinh này là những hộ kinh doanh từ trước. Các điểm kinh doanh này do các hộ dựng tạm tại các diện tích còn trống, giáp ranh giữa các khu vực trong chợ và được tiến hành thu vé theo ngày. Tuy nhiên các hộ kinh doanh này vẫn được ký hợp đồng thuê diện tích kinh doanh với BQL chợ.

“Trong quá trình cải tạo từ năm 2015-2017, các hộ kinh doanh tự đầu tư xây dựng để thuận tiện cho công tác quản lý, tăng nguồn thu cho ngân sách cán bộ ngành hàng đã đề xuất Thủ trưởng đơn vị xin ký hợp đồng. Cán bộ ngành hàng có đơn đề xuất và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan để trình Trưởng ban quản lý chợ ký hợp đồng thuê diện tích kinh doanh…", kết luận thanh tra nêu rõ.

Như vậy có thể hiểu, đã có những hợp đồng được ký sai quy định vì phần diện tích đất này không được phép sử dụng làm kinh doanh nhưng vẫn được BQL chấp nhận. Chưa kể, trong số những khu vực phát sinh này, có nhiều hộ kinh doanh nằm trên đường đi, hành lang phòng cháy chữa cháy.

Chỉ khi báo chí vào cuộc phanh phui vụ “bảo kê tại chợ Long Biên”, kiot nằm trên bể nước chữa cháy của toàn bộ khu chợ mới được giải tỏa và được quản lý theo đúng quy định.

Kiot sai phép của nhà ông H.

Đáng nói, dù được ký hợp đồng với BQL chợ Long Biên và kinh doanh trong nhiều năm, nhiều tiểu thương hoạt động trên các kiot phát sinh ngoài quy định vẫn không hề biết mình đang ngồi trên vị trí sai phép.

Theo bà N.T.P, một tiểu thương kinh doanh trên kiot phát sinh sai quy định cho biết: “Trước đây, tôi kinh doanh tại chợ dân sinh Nguyễn Thiệp và chuyển về đây từ năm 2012 khi người ta giải tỏa khu chợ đó. Khi về đây được BQL sắp xếp chỗ, họ xếp đâu thì mình ngồi đó chứ không biết là có phép hay không.

Lúc đó chỗ này là một khu đất trống dùng để để xe, cũng không có nhiều người ngồi. Cho tới gần đây khi xin ký hợp đồng với BQL do hợp đồng cũ đã kết, chờ được xét duyệt cho tiếp tục buôn bán thì mới biết chỗ mình đang ngồi là sai phép. Giờ chưa được ký duyệt làm tôi rất lo lắng, không biết có được buôn bán tiếp không vì mình ngồi đây đã lâu”.

Chuyển nhượng kiot giá hàng trăm triệu

Anh N.M.H, người kinh doanh tại chợ Long Biên từ những năm 1992 cho hay, bản thân mình không hề biết gì về việc kiot của mình thuộc diện không được cấp phép. Cho đến năm 2015, kiot của anh được BQL chợ ký hợp đồng đứng tên của người khác và anh H. phải bỏ vài trăm triệu để chuyển nhượng từ người đứng tên sang cho mình để tiếp tục đầu tư kinh doanh.

“Năm 2015, tôi bắt đầu ký hợp đồng với BQL chợ Long Biên nhưng đến năm nay không biết có vấn đề gì trục trặc mà chưa được ký hợp đồng tiếp. Việc không được ký hợp đồng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý kinh doanh. Nếu biết đây là kiot sai phép thì tôi đã không đầu tư nhiều và yêu cầu BQL phải làm rõ từ trước. Vì ai buôn bán cũng muốn được lâu dài, tôi rất muốn được ký lại hợp đồng để thuận tiện cho việc buôn bán”, anh H. nói.

Tiểu thương này cũng nhận định, mình và những người đang kinh doanh trên kiot sai phép như mình chỉ là nạn nhân của vụ việc. Bởi lẽ những người buôn bán tại chợ Long Biên sống dựa vào kinh doanh là chính, khi chưa có được một chỗ ngồi chính danh, đúng quy định là một sự thiệt thòi cho họ vì đã bỏ tiền đầu tư nhiều vào điểm bán hàng tại khu chợ.

Chỉ vì sai phạm trong quản lý, mà giờ đây, anh H. cũng như nhiều tiểu thương khác tỏ ra rất hoang mang và chỉ mong có thể được thu xếp cho tiếp tục kinh doanh tại chợ Long Biên.

Còn với số tiền chuyển nhượng lên đến vài trăm triệu cho một kiot được kí hợp đồng sai quy định như anh H. đã nói là thực trạng cần đặt dấu hỏi tại khu chợ này. Có hay không hành vi “buôn bán” các vị trí kinh doanh sai quy định và số tiền đó sẽ về túi ai?

Trong danh sách 62 kiot sai phép, ngoài tên của đối tượng “bảo kê” trong tổ bốc xếp số 2 thì còn có nhiều người thuộc BQL chợ và người nhà của một số cán bộ trên địa bàn thành phố. Đáng nói, các kiot đó hiện không do chính chủ kinh doanh mà được sang tên, cho thuê đi thuê lại qua nhiều người. Vụ việc này hy vọng sẽ được làm rõ trong thời gian tới, khi cơ quan điều tra Công an Hà Nội có kết quả sau khi kiểm tra các sổ sách, tài liệu đã thu giữ của BQL chợ Long Biên trong thời gian trước đó.

Trả lời về 62 kiot sai phép và trách nhiệm quản lý nhà nước tại chợ Long Biên, ông Nguyễn  Trọng Nghĩa - Trưởng BQL chợ cho biết, qua kết luận thanh tra cho thấy nhiệm kỳ trước đã buông lỏng quản lý trong việc cho thuê, ký các hợp đồng sai quy định. 

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng BQL chợ Long Biên.

Có nhiều hộ kinh doanh 20-30 năm mà vẫn nằm trong diện 62 kiot sai phép, điều đó cho thấy họ cũng chỉ là nạn nhân trong cách thức quản lý của nhiệm kỳ trước. Vì vậy điều cần thiết trước mắt là có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tạo cho họ môi trường kinh doanh ổn định tại chợ, tránh cho họ tình trạng nơm nớp lo điểm kinh doanh bị thu hồi.

“Chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho quận giải quyết các sai phạm và nhìn nhận rõ các kiot sai phép mà cán bộ đang sử dụng, quản lý, phải nêu rõ trách nhiệm của các cán bộ này, không thể sử dụng một cách thiếu pháp luật. BQL chợ cũng đã kiểm điểm và kỷ luật với các cán bộ khi sử dụng không đúng mục đích, trái pháp luật và qua vận động đã có 2 người trả lại diện tích kinh doanh. Tập thể và một số cá nhân thuộc BQL chợ cũng phải chịu trách nhiệm và cần xử lý nghiêm minh về những sai phạm trong góc độ quản lý nhà nước tại chợ trong thời gian qua”, ông Nghĩa cho biết.

Ông này cũng cho biết, đã có 23 cán bộ của BQL chợ bị xử lý, kiểm điểm và đưa ra mức kỷ luật. Với trưởng ban cũ là ông Đàm Đình Dũng và 2 Phó ban quản lý chợ, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Ba Đình cũng đã tập trung và chuyển hồ sơ giấy tờ để chuẩn bị đưa ra nhận xét và có hình thức kỷ luật phù hợp.

Trâm Hiền
.
.
.