Sai phạm của Ban Quản lý chợ Long Biên từ phiên tòa xét xử: 5 đối tượng "bảo kê"

Thứ Ba, 30/07/2019, 11:14
Trong phiên tòa xét xử 5 đối tượng trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" xảy ra tại chợ Long Biên ngày 25-7, dư luận có thể thấy rõ sự thiếu trách nhiệm của Ban Quản lý (BQL) chợ Long Biên trong công tác quản lý nhà nước.


Có mặt tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Loan - Phó BQL chợ liên tục nói không biết, không nắm rõ về các văn bản bổ nhiệm, công tác thu chi của chợ. Từ những câu hỏi của luật sư bảo vệ cho bị hại cùng diễn biến tại phiên tòa, bức tranh về một nhân vật "bảo kê" ở cấp cao hơn cũng dần dần lộ rõ…

Tiền án đầy mình vẫn làm Tổ trưởng

Trong phiên tòa sơ thẩm, sau khi nghe đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đọc cáo trạng, Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") cho rằng có nội dung không đúng. Bị cáo cho biết, tất cả các hộ kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc là cho nhân viên của BQL chợ bốc xếp hàng và mình không "bảo kê" hay chèn ép tiểu thương. Tuy nhiên, khi trả lời trước tòa, đàn em của Hưng lại nhận tội và cho biết mình làm theo lệnh của Tổ trưởng Nguyễn Kim Hưng.

Cũng tại phiên tòa, nhiều người bất ngờ khi nghe được thành tích "bất hảo" của Tổ trưởng tổ bốc xếp Hưng "kính" với các tội danh như "Hiếp dâm", "Gây tổn hại sức khỏe của người khác", "Gây rối trật tự công cộng", "Cưỡng đoạt tài sản". Và không biết bằng một "phép màu" nào đó, Hưng "kính" lại được BQL chợ Long Biên phân công nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ dịch vụ bốc dỡ hàng hóa số 2, tại quyết định 64 ký ngày 5-11-2013 do ông Đàm Đình Dũng (nguyên Trưởng BQL chợ) ký.

Đứng trên bục bị hại, chị Nghiêm Thúy Nga khóc nức nở khi nhắc lại những ngày tháng bị chèn ép, đe dọa. Trong thời điểm đó, đã nhiều lần chị Nga làm đơn "cầu cứu" BQL chợ nhưng sự việc vẫn không dừng lại. Sau một cuộc họp có mặt các bên liên quan, BQL chợ yêu cầu tổ bốc dỡ thực hiện đúng quy định, nhưng nhóm của Hưng "kính" chỉ làm như cam kết được 5 ngày, rồi mọi việc lại đâu vào đó. Thậm chí, hành vi chèn ép còn nặng hơn cả trước khi BQL chợ tổ chức họp.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi, thiệt hại của chị Nga là bao nhiêu? Bị hại Nghiêm Thúy Nga tiếp tục khóc nức nở và nói: "Tôi đã bị chèn ép đến mức tự tử 2 lần không thành. Suốt 1 năm không biết kêu ai cho thấu? Đơn đi đến đâu bị dìm đến đó. Khách hàng thấy tôi bị như thế bèn chạy cho xa. Trưởng BQL chợ thì nghiêng hẳn về phía nhóm bảo kê. Suốt thời gian qua, chưa một ai đong đếm được tôi đã khốn khổ đến thế nào?".

5 bị cáo bị đưa ra xét xử.

Cũng giống như chị Nga, dư luận xã hội vô cùng bức xúc về sự việc này và quan tâm đến mức án mà các đối tượng phải chịu. Vì lý do đó mà các luật sư bảo vệ cho bị hại đã cho rằng, cáo trạng của VKS truy tố các bị cáo theo khoản 1 Điều 170 - BLHS là không thỏa đáng. Có 3 yếu tố quan trọng để xem xét truy tố theo khoản 2 đã bị bỏ qua. 

Đầu tiên, đó là "Phạm tội có tổ chức", việc tổ chức đã được thể hiện từ lời khai của các đối tượng trước tòa, về việc thống nhất thu và ăn chia ra sao, quản lý nhau như thế nào và việc hợp thức hóa bảng kê nộp cho BQL. Thứ hai, đó là "Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp", sự việc được ghi nhận từ tháng 2 đến tháng 8, các đối tượng chèn ép tiểu thương bằng nhiều cách để thu tiền như đổ cá thối, chặn xe, chửi bới. Cuối cùng là "Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội".

Tuy nhiên, đến cuối phiên tòa, HĐXX cho rằng luận điểm trên của các luật sư là không có căn cứ và vẫn phán xử tội danh các bị cáo theo khoản 1 Điều 170. Theo đó, mức án dành cho Nguyễn Kim Hưng là 48 tháng tù giam; Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương cùng chịu mức án 42 tháng tù giam; Nguyễn Hữu Tiến nhận 36 tháng tù giam. Mức án này thấp hơn so với đề nghị của VKS trước đó.

Nguyễn Kim Hưng - tức Hưng "kính".

Có bỏ lọt tội phạm?

Sự bức xúc của phiên tòa không chỉ dừng lại ở mức án của nhóm đối tượng "Cưỡng đoạt tài sản" do Nguyễn Kim Hưng cầm đầu. Trong quá trình xét xử, qua lời khai của các bị cáo và những người liên quan, một mối liên kết giữa Hưng "kính" và BQL chợ đã dần được lộ rõ. Phải chăng đã có sự ăn chia số tiền "bảo kê" giữa Hưng "kính" và BQL chợ Long Biên?

Có mặt tại phiên tòa, đại diện BQL chợ là ông Nguyễn Văn Loan đã không trả lời được bất cứ câu hỏi nào do các luật sư đặt ra. Câu trả lời thường trực của ông Loan chỉ là "không biết", "không nắm rõ" và "do trưởng ban Đàm Đình Dũng". 

Cụ thể khi được hỏi về lý do tại sao không có tên Nguyễn Kim Hưng trong bảng phân công nhiệm vụ năm 2018, vậy mà đối tượng này vẫn ngang nhiên sắp xếp chỗ đỗ xe, sai "xử" đàn em thu tiền của tiểu thương một cách công khai mà không có sự can thiệp của BQL chợ.

Vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga, bị hại của vụ việc.

Với một đối tượng không có nhiệm vụ, chỉ là một gã bốc xếp có hưởng lương, tại sao có thể ngang nhiên lộng hành trước mắt BQL chợ? Là một trong những lãnh đạo của chợ vào thời điểm xảy ra sự việc, ông Loan nói "không nắm rõ" trước tòa quả thật là một điều vô lý. Đây phải chăng là sự cố tình quay lưng với những khó khăn mà tiểu thương gặp phải.

Theo như cáo trạng của VKS, trong số tiền mà nhóm Hưng "kính" đã cưỡng đoạt của hộ kinh doanh nhà chị Nghiêm Thúy Nga, Hưng "kính" trích ra 10 triệu 770 ngàn để cho Nguyễn Hữu Tiến nộp lên BQL Long Biên cùng bảng kê mà các đối tượng này đã lập với nội dung là tiền bốc xếp từ nhà chị Nga. Nhưng đáng nói trước đó, chị Nghiêm Thúy Nga không hề kí một hợp đồng hợp tác bốc dỡ nào cùng BQL chợ với số tiền nói trên. Hợp đồng chị Nga đã kí sau này chỉ là một hợp đồng mang tính nguyên tắc khi cần bốc dỡ thì sẽ thuê, còn trường hợp nào cần bốc dỡ thì sẽ phải kí riêng từng cái.

Vậy số tiền 10 triệu 770 ngàn được nộp lên cho BQL là tiền gì, sẽ được hạch toán vào khoản nào trong hoạt động của chợ? Việc ông Nguyễn Văn Loan không trả lời được những câu hỏi của luật sư càng làm rõ sự lúng túng trong việc thu những khoản tiền có dấu hiệu sai phạm đó. 

Phải chăng BQL đã được chia lợi nhuận trực tiếp từ nhóm "bảo kê" như Hưng "kính". Các luật sư cho rằng, 10 triệu 770 ngàn đó cũng nằm trong tổng số tiền "Cưỡng đoạt tài sản" phải nộp lại cho nhà nước và phải xem xét tính chất "đồng phạm" của những cá nhân có trách nhiệm quản lý, vận hành ở chợ Long Biên.

Ông Nguyễn Văn Loan trả lời tại tòa.

Sự thiếu minh bạch của BQL chợ Long Biên còn thể hiện ở chi tiết khi luật sư đặt câu hỏi: "Căn cứ vào đâu để thành lập tổ bốc dỡ hàng hóa". Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Loan cho biết, việc thành lập dựa vào chỉ đạo của UBND quận Ba Đình. 

Nhưng sau đó luật sư đã trích dẫn bút lục số 84, Công văn 2225 ngày 10-10-2018, trả lời cơ quan điều tra của UBND quận Ba Đình cho thấy, quận không chỉ đạo tổ chức hoạt động của tổ bốc xếp tại chợ Long Biên. Đến lúc này, ông Loan lại cho biết mình "không nắm được" nội dung này.

Kết thúc phần xét hỏi, với những tình tiết đáng phải đặt dấu hỏi về trách nhiệm của BQL chợ Long Biên, các luật sư bảo vệ cho bị hại đều nêu quan điểm đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung và làm rõ trách nhiệm của BQL chợ Long Biên.

Nhóm PV
.
.
.