Những lát cắt khốc liệt và tinh vi khi bắt đối tượng truy nã quốc tế

Chủ Nhật, 23/07/2017, 11:09
Ở khách sạn sang, xài đồ hiệu, trong vai doanh nhân thành đạt, khách du lịch, cũng có khi chỉ là người làm thuê, xâm nhập qua đường tiểu ngạch, đường hàng không, đường biển... nhiều đối tượng có lệnh truy nã quốc tế quốc tịch Trung Quốc đã chọn Việt Nam làm nơi trú ẩn. Bởi vậy mỗi câu chuyện "tầm nã" đều mang tính thời sự nóng hổi.


Đối mặt với họng súng

"Cuộc truy bắt  lần này vô cùng nguy hiểm" - nhấn mạnh điều này nhiều lần để dặn dò anh em khi làm nhiệm vụ phải hết sức cẩn trọng nhưng lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn lo lắng. Các anh ra quân vào thời điểm đầu năm 2017, khi Công an tỉnh Quảng Ninh nhận được công văn hợp tác điều tra của Cục Công an thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề nghị về việc phối hợp bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Tô Phong.

Nhìn vào thông tin do Công an Quảng Tây cung cấp cho thấy Tô Phong là đối tượng cộm cán, nguy hiểm. Tô Phong sinh năm 1985, dù còn trẻ tuổi, nhưng đã mang trên mình lệnh truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy. 

Ngày 29-4-2016, khi bị lực lượng chống ma túy Công an thành phố Phòng Thành Cảng vây bắt, để thoát thân, đối tượng đã chọn con đường đấu súng, sử dụng súng tiểu liên AK47 chống trả quyết liệt rồi tẩu thoát, nghi vấn trốn sang Việt Nam. 

Như thường lệ, trước khi truy bắt đối tượng, Phòng PC52 Công an tỉnh Quảng Ninh lại bắt tay vào xây dựng một kế hoạch thật tỷ mỷ, cụ thể, chi tiết, đảm bảo tuyệt đối an toàn để báo cáo Ban Giám đốc phê duyệt. 

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo công tác truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã trong thực hiện cao điểm lần 3.

Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh được chọn là điểm rà soát đầu tiên của các tổ công tác truy nã tội phạm bởi đây là vùng đất giáp ranh với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nhiều ngày quần thảo tại khu vực biên giới để thu thập thông tin, các trinh sát đã có tin về việc đối tượng đã xâm nhậm trái phép vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Quá trình truy bắt, phát hiện đối tượng đã di chuyển từ Quảng Ninh sang địa bàn Hải Phòng, Tổ công tác Phòng PC52 Công an tỉnh Quảng Ninh và Công an thành phố Móng Cái lập tức lên đường, xuất phát đi Hải Phòng.

Quá trình rà soát, phát hiện đối tượng nghi vấn đang thuê trọ cùng với bạn gái tại tổ An Khê 1, phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng, Công an tỉnh Quảng Ninh đã hiệp đồng chiến đấu với Công an TP Hải Phòng. Cuộc vây bắt nghẹt thở diễn ra đầy bất ngờ khiến đối tượng không kịp trở tay. 

Đối tượng truy nã Tô Phong đã bị tóm gọn với số vũ khí nóng khủng giấu trong phòng trọ, gồm: 3 khẩu súng, 88 viên đạn các loại, 1 quả lựu đạn, 1 quả mìn tự chế, 5 túi nilon chứa ma túy, 1 bộ dụng cụ sử dụng ma túy và hơn 57 triệu đồng. Số vũ khí này được Tô Phong cho biết luôn mang theo mình, sẵn sàng chống trả lực lượng vây bắt đến cùng nhưng chưa kịp hành động thì đã bị các trinh sát vô hiệu hóa, bắt giữ.

Chặn đứng âm mưu tẩu thoát ngay tại sân bay

Một ngày cuối tháng 3 năm 2017, dòng người tấp nập đi lại làm thủ tục mua vé máy bay trong ga của Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh không hề biết rằng một kế hoạch vây bắt tội phạm sắp diễn ra ngay trong nhà ga này. Lực lượng của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) phối hợp với lực lượng an ninh sây bay đang siết chặt lại vòng kiểm soát, đón lõng đối tượng.

Đối tượng nữ mà các anh chuẩn bị bắt giữ chính là Huang Lin Bin (tên gọi khác là Hoàng Lâm Bân), 48 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại đường Bắc Luân, thị trấn Đông Hưng, Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; tạm trú tại TP Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây. 

Huang Lin Bin đã làm giả hợp đồng xuất khẩu phân u rê sang Việt Nam với xưởng phân u rê thuộc Tổng Công ty dầu mỏ Hải Dương, Trung Quốc. Lấy lý do thiếu kinh phí để ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư xuất khẩu phân u rê, Huang Lin Bin đã mời chào hai người đàn ông cho vay 1 triệu nhân dân tệ để kinh doanh. Theo thỏa thuận, mỗi tháng, hai người này sẽ nhận 150.000 nhân dân tệ tiền lợi nhuận và được thực hiện trong vòng 6 tháng nhưng Huang Lin Bin chỉ trả tiền trong tháng đầu tiên, sau đó bỏ trốn. Quá trình điều tra, Công an đã ra lệnh truy nã Huang Lin Bin.

Theo cơ quan chức năng, đối tượng hiện giữ giấy thông hành sang Ma Cao, Hồng Kông và có thể di chuyển đến nhiều địa điểm trên đường trốn chạy. Văn phòng Sĩ quan liên lạc Cảnh sát Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã trao đổi thông tin với Cục Đối ngoại đề nghị thông qua kênh hợp tác quốc tế, Công an Việt Nam xác minh, truy bắt đối tượng truy nã và bàn giao cho phía cơ quan chức năng Trung Quốc, có kèm theo Công hàm, lệnh tạm giam và ảnh nhận dạng của đối tượng nêu trên.

"Thời điểm đó, chúng tôi phát hiện trong số người Trung Quốc mới đến địa bàn có một người nữ tự xưng là doanh nhân sang Việt Nam du lịch và tìm đối tác làm ăn. Người này có đặc điểm giống đối tượng truy nã do Công an Trung Quốc cung cấp. Tuy nhiên, chị ta di chuyển khá nhiều địa điểm, khi chúng tôi đến nhà trọ thì chị này vừa dọn đồ đạc đi..." - trinh sát Phòng 5 Cục C52 cho biết.

Cục C52 đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị kiểm soát chặt vùng biên, các đường mòn dẫn qua biên giới sang các nước Lào, Trung Quốc và đường hàng không, phòng ngừa đối tượng bỏ trốn sang nước thứ ba. Quá trình rà soát, phát hiện đối tượng đang di chuyển ra sân bay Tân Sơn Nhất nên lực lượng truy bắt đã tiến hành phương án bắt giữ ngay tại sân bay. 

"Khi đối tượng vừa xách hành lý đến gần điểm mua vé, chúng tôi đã cử trinh sát biết tiếng Trung Quốc tiếp cận và dùng kế "điệu hổ ly sơn, tách đối tượng ra khỏi khu vực hành khách, đưa đến nơi an toàn mới bắt giữ" - trinh sát kể lại. 

Chính vì chủ động trong việc bắt giữ đối tượng một cách bí mật, bất ngờ nên dù việc bắt giữ được tiến hành ngay tại khu vực sân bay nhưng vẫn không ai biết, không gây ồn ào và đảm bảo an toàn cho các hành khách tại nhà ga.

Đó chỉ là 2 vụ điển hình trong số các vụ truy bắt đối tượng truy nã quốc tịch Trung Quốc từ đầu năm 2017 đến nay mà lực lượng Cảnh sát truy nã phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ thành công, an toàn và trao trả đối tượng cho Công an Trung Quốc đúng pháp luật.

Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục C52 cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc, Cục Đối ngoại Bộ Công an Việt Nam và Cục hợp tác quốc tế Bộ Công an Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về triển khai cao điểm truy nã tội phạm 3 lần (thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 30-6-2017). Các lực lượng thuộc Công an Việt Nam, Công an Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xác minh, truy bắt và bàn giao đối tượng truy nã lẩn trốn giữa hai nước.

Sau 3 đợt cao điểm, từ 2015 đến nay, Công an Việt Nam - Trung Quốc đã phối hợp với các lực lượng liên quan bắt giữ, vận động đầu thú 130 đối tượng, trong đó Công an Việt Nam đã bắt và trao trả cho Trung Quốc 49 đối tượng truy nã người Trung Quốc lẩn trốn tại địa bàn Việt Nam. Công an Trung Quốc đã bắt và bàn giao cho Công an Việt Nam 38 đối tượng truy nã và một thi thể đối tượng truy nã. Hai bên đã phối hợp xác minh, truy quét 43 đối tượng truy nã của Việt Nam trốn sang Trung Quốc, buộc trốn ngược về Việt Nam bị Công an Việt Nam đón lõng, truy bắt ngay từ khu vực biên giới. 

Kết quả bước đầu đó đã góp phần quan trọng trong hợp tác phòng, chống tội phạm giữa hai nước; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc...

Anh Hiếu
.
.
.