Nhiều khuất tất cần làm rõ sau vụ nhập thuốc giả điều trị ung thư

Thứ Ba, 29/08/2017, 15:01
Vụ án Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và đồng bọn buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra ở lĩnh vực dược phẩm, y tế liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Hành vi phạm tội của các đối tượng được cơ quan An ninh điều tra xác định là rất nghiêm trọng, chỉ vì lợi nhuận kinh doanh đã bất chấp mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe, tính mạng người bệnh khi sử dụng thuốc kém chất lượng…

Cần làm rõ hành vi của cán bộ Cục Quản lý Dược

Phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma (Công ty VN Pharma) đã khép lại. Tòa tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng - nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma và Võ Mạnh Cường - người môi giới cho VN Pharma nhập lô thuốc trị ung thư không rõ nguồn gốc cùng mức án 12 năm tù về tội buôn lậu...

Tuy nhiên, đằng sau vụ án này còn khá nhiều điều chưa được làm rõ. Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao một số lượng thuốc giả lớn như thế với khá nhiều khuất tất lại được cấp phép dễ dàng và trách nhiệm quản lý của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đến đâu trong vụ án này?

Đặc biệt, điều gì đã khiến một công ty chỉ mới thành lập chưa lâu như VN Pharma lại được trúng thầu nhiều gói cung cấp thuốc hàng trăm tỷ đồng cho nhiều bệnh viện như vậy? Và còn một số thông tin khác gây nhiều sự chú ý của dư luận như vấn đề nâng giá thuốc cao ngất hay chuyện chi "hoa hồng" cho bác sĩ…

Theo kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, ông Nguyễn Tất Đạt (khi đó là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, hiện là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế), ông Phan Công Chiến (khi ấy là Phó Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, hiện là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng Pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) là những người trong tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet của Công ty VN Pharma.

Điều đáng nói là sau khi nhận được các giấy tờ, hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu của Công ty VN Pharma, tổ thẩm định lại không phát hiện Công ty Austin (Hồng Kông) - đơn vị bán thuốc cho Công ty VN Pharma đã hết hạn giấy phép hoạt động, một số nội dung không thống nhất với hồ sơ như: màu sắc tiêu chuẩn của lô thuốc phải là màu đỏ nhưng viên thuốc thành phẩm lại có màu hồng.

Tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc trên thực tế có nội dung không đúng với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc. Lô thuốc H-Capita 500mg Caplet trên thực tế, có hộp chứa 2 tờ hướng dẫn sử dụng, có hộp không có hướng dẫn sử dụng, có hộp chứa vỉ rỗng không có viên thuốc nào, quy cách đóng 3 vỉ/hộp nhưng thực tế có hộp đóng 4 vỉ…

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khám xét, thu giữ nhiều tài liệu tại trụ sở Công ty VN Pharma.

Với những sai phạm nghiêm trọng như vậy nhưng tổ thẩm định vẫn đề xuất Cục trưởng Cục Quản lý Dược ký duyệt, cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập hàng.

Qua công tác điều tra vụ án, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong việc quản lý, kinh doanh dược phẩm của Bộ Y tế; trong đó có việc thẩm định, cấp phép, quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động đối với các công ty nước ngoài và các công ty kinh doanh, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam.

Những sơ hở này đã giúp cho các đối tượng lợi dụng nhập lậu các loại thuốc giá rẻ, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và nâng khống giá thuốc tại các bệnh viện, nhà thuốc, gây thiệt hại về kinh tế và sức khỏe của người bệnh.

Từ đó, cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế rà soát, chấn chỉnh, khắc phục các sơ hở, thiếu sót trên, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời siết chặt lại trật tự quản lý kinh doanh dược phẩm để bảo vệ sức khỏe người dân.

Về vấn đề trách nhiệm của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, theo tìm hiểu, ngay trong quá trình thụ lý vụ án xảy ra tại Công ty VN Pharma, TAND TP Hồ Chí Minh từng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trong việc cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc trị ung thư kém chất lượng về Việt Nam.

Và đến khi tuyên án ngày 25-8-2017, Hội đồng xét xử cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền làm rõ hành vi của một số đối tượng là cán bộ Cục Quản lý Dược, nếu có sai phạm sẽ khởi tố thành một vụ án khác.

Bên cạnh đó, Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao làm rõ việc chi, nhận hoa hồng của Công ty VN Pharma cho bác sĩ tại các bệnh viện. Lý do là vì theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, bị cáo Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty VN Pharma) đã nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà Công ty VN Pharma có quan hệ cung cấp thuốc, tổng cộng gần 7,5 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Ai giúp VN Pharma phát triển "thần tốc"?

Có thể nói, kết quả điều tra cũng như những gì diễn ra ở phiên tòa sơ thẩm đã cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, đó là chưa nói có thể đã có sự tiếp tay của cơ quan quản lý nhà nước cho những hành vi vi phạm pháp luật của Công ty VN Pharma.

Về "lý lịch" của Công ty VN Pharma, được thành lập ngày 25-10-2011, có trụ sở tại 666/10/3 đường 3/2 phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh, do Nguyễn Minh Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, ngành nghề chính kinh doanh, buôn bán thuốc chữa bệnh. Và chỉ sau khi thành lập không lâu, công ty này đã phát triển chóng mặt, "sinh sôi" hàng loạt công ty con ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Theo đó, dù chỉ mới thành lập được mấy tháng nhưng Công ty VN Pharma đã thành lập thêm Công ty VN Pharma An Giang (27-2-2012). Khoảng 8 tháng sau, Công ty VN Pharma tiếp tục có thêm công ty con - VN Pharma Cà Mau (18-6-2012).

Đà phát triển của công ty này tiếp tục khi thành lập một chi nhánh tại Hà Nội để mở rộng hệ thống phân phối ra miền Bắc. Sau đó, Công ty VN Pharma vẫn tiếp tục thành lập thêm nhiều công ty thành viên khác như Công ty TNHH MTV dược Nam Anh (Nguyễn Minh Hùng làm Phó Tổng giám đốc), Công ty cổ phần dược Nam Hùng, Công ty TNHH MTV dược VN Pharma.

Chưa dừng lại, để thực hiện mục tiêu hoạt động đa lĩnh vực trong ngành y tế, công ty này còn liên tiếp thành lập các đơn vị thành viên như VN Medicare (tháng 11-2012) hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh và sinh hóa phẩm y tế, VN Logistics (tháng 3-2013) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi và hậu cần ngành dược, VN Clinic (tháng 7-2013) hoạt động trong lĩnh vực phòng khám.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở lĩnh vực dược phẩm, y tế liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người dân.

Công ty VN Pharma cũng có doanh thu "khủng". Được thành lập vào cuối năm 2011 với vốn điều lệ chỉ có 2 tỷ đồng, nhưng ngay trong năm đầu, Công ty VN Pharma đạt 7,4 tỷ đồng doanh thu. Năm 2012, doanh thu của VN Pharma tăng vọt lên 328 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2,2 tỷ đồng. Năm 2013, VN Pharma đạt doanh thu 779 tỷ đồng với hơn 10,6 tỷ đồng lợi nhuận.

Tại đại hội đồng cổ đông lần 3 (nhiệm kỳ 1-2014), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Minh Hùng đã dự kiến năm 2014 doanh thu bán hàng của VN Pharma có thể đạt 1.077 tỉ đồng... Cùng với đó, công ty này đã chiếm lĩnh thị trường dược phẩm rất nhanh, trúng thầu nhiều hợp đồng cung ứng thuốc cho các bệnh viện với giá trị hợp đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Điển hình vào năm 2014, trong đợt tham gia đấu thầu tập trung của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Công ty VN Pharma đã trúng thầu 46 mặt hàng thuốc với trị giá lên tới hơn 267,8 tỉ đồng vào gói thầu thuốc.

Đồng thời, Công ty Dược Nam Anh cũng do Nguyễn Minh Hùng làm Phó Tổng Giám đốc cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc trị giá hơn 208,4 tỉ đồng cho gói thầu thuốc tập trung của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.

Tổng cộng, hai công ty nói trên đã trúng thầu cung ứng thuốc cho Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng. Có thể nói, với một công ty chỉ mới thành lập chưa lâu, các lần trúng thầu với tổng số tiền lên tới gần 500 tỷ đồng khiến nhiều người nghi ngờ có người đứng sau... “chống lưng”.

Chính PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí xung quanh vụ án này cũng bức xúc cho rằng, cơ chế đấu thầu tập trung đã lộ ra những lỗ hổng lớn.

Thời điểm năm 2014, Công ty VN Pharma là một công ty rất mới, năm 2014 mới đủ thâm niên 3 năm để tham gia đấu thầu. Vậy nhưng nó đã đường hoàng trúng thầu lớn ở Sở Y tế. Chưa kể, trước đợt đấu thầu tập trung, công ty này còn trúng thầu ở nhiều địa phương khác, kể cả một số bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh.

Vì sao Công ty VN Pharma chiếm lĩnh thị trường dược nhanh chóng và được ưu ái trúng thầu số lượng lớn đến vậy? Có hay không sự "chống lưng"? Vì sao "lý lịch" thuốc H-Capita 500mg caplet và một số mặt hàng khác của công ty này có những điểm không rõ ràng, mâu thuẫn... nhưng vẫn qua mặt được các chuyên gia thẩm định của Cục Quản lý Dược? Những câu hỏi nàyhiện đang được dư luận rất quan tâm  

Phú Lữ
.
.
.