Người làm dịch vụ du lịch homestay đầu tiên ở đảo Phú Quý
- Lên Sin Súi Hồ ngủ Homestay
- Nở rộ homestay “độc” hút khách ở Đà Lạt
- Du lịch homestay ở Lý Sơn (Quảng Ngãi): Cần đi vào nền nếp
- Khởi động loại hình du lịch "homestay" trên huyện đảo Lý Sơn
Cũng như hầu hết đám sinh viên, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Giỏi (28 tuổi) bám trụ lại thành phố tìm việc làm, mong có cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, sau 2 năm quăng quật đời mình vào một thứ mộng ước vô nghĩa lý mà lại chẳng có gì vui ấy, năm 2014, cậu theo tàu trở về quê hương làm du lịch homestay.
Từ đó đến nay, không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra như ý muốn. Cũng có những ngày chán nản muốn bỏ cuộc. Mỗi lần như thế, cậu lại tự nhắc mình nhớ lại lí do vì sao mình trở về.
Cậu bộc bạch: “Có những lúc buồn, tôi chỉ muốn ra trước homestay nhà mình ngắm hoàng hôn. Tự dặn lòng: Hôm nay có cảnh chiều tà bởi nó đang đón chờ cảnh bình minh ngày mai. Sao lại phải buồn? Quê hương mình đẹp như vậy mà”.
Biệt danh “Giỏi Phú Quý” có từ khi Giỏi về quê làm du lịch homestay. |
Từ một quyết định khác người
Giỏi đã ra đi nhưng cuối cùng, cậu lại quyết định quay về. Làm cái gì không làm, lại đi làm cái gọi là “homestay”. Cậu kể, ngày đó, người dân Phú Quý vẫn chưa hiểu như thế nào là “homestay”. Với họ, một người có ăn học đàng hoàng như cậu, phải làm một điều gì đó lớn lao hơn.
Tôi hỏi Giỏi, lúc đó cậu bị điều gì thôi thúc mà có một quyết định khác người như vậy? Cậu nhớ lại, không như bây giờ, mấy năm trước, thông tin về Phú Quý trên mạng rất ít ỏi.
Số lượng khách du lịch đến với Phú Quý cũng hạn chế do tình hình đi lại quá nhiều bất tiện. Trong khi đó, dịch vụ ở đảo còn nhiều hạn chế. Lịch tàu chạy không cố định, khách khó chủ động được lịch trình. Hôm nay bắt được tàu vào nhưng ngày mai tàu về lại đất liền hay không thì chưa biết trước được.
Là một người đi nhiều, đọc nhiều, Giỏi có điều kiện đến những hòn đảo khác. Cậu tự hỏi, các đảo khác phát triển tốt về du lịch, nhưng tại sao Phú Quý của mình lại không? Như chạm vào tự ái, năm 2014, cậu quyết định về quê và trở thành người làm dịch vụ du lịch homestay đầu tiên ở đảo Phú Quý. Mục đích là muốn nhiều người biết đến Phú Quý hơn.
Ngày trước, Giỏi không hiểu homestay là gì. Chuyên ngành chính mà cậu học là Tài chính – Ngân hàng, đâu có phải là Du lịch. Lúc mới bắt đầu cũng nhiều bỡ ngỡ. Cậu lên mạng, tìm kiếm các thông tin xem các nơi làm homestay thế nào. Cậu tham khảo mô hình của người Thái, người Singapore rồi áp dụng homestay của mình. Cứ thế, kinh nghiệm càng ngày càng nhiều.
Hiện nay, homestay của Giỏi là một địa chỉ quen thuộc cho bất cứ ai đến đảo Phú Quý. Ngoài mức giá bình dân 50.000 đồng/ngày, cộng với các dịch vụ du lịch thân thiện, khách còn có cơ hội cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ với dân địa phương, qua đó tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của người dân trên đảo.
Với sức chứa tối đa 12 người/ngày, vào mùa cao điểm, homestay của Giỏi đón từ 3 nhóm người trở lên, mỗi nhóm nghỉ lại từ 2-3 đêm. Khách gần như gối nhau liên tục, không có chỗ trống. Theo thống kê trung bình, hằng năm, cậu đón khoảng 400 - 500 lượt khách.
Nhưng nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, Giỏi sẽ giống như bao nhiêu người thức thời khác trong thời đại internet bùng nổ này. Điều đặc biệt là, cậu dùng trải nghiệm của mình, dùng những điều mình học hỏi được giúp ích cho quê hương.
Cậu nói, vẫn là lý do ban đầu khi trở về đây, cậu không muốn quê hương cậu là hòn đảo bị lãng quên trong ký ức của nhiều người. Qua công việc của mình, cậu muốn nói cho mọi người biết Phú Quý đẹp như thế nào.
Mục đích của Giỏi lập ra trang fanpage “Phượt đảo Phú Quý” là muốn nhiều người biết đến Phú Quý hơn. |
Đến du lịch sinh thái
Ngoài kinh doanh homestay, Giỏi còn lập trang fanpage “Phượt đảo Phú Quý” cung cấp mọi thông tin về Phú Quý để mọi người có thể biết. Đã có một thời, trang fanpage gần như là chiếc cầu duy nhất nối liền những người ở đất liền với hòn đảo tiền tiêu này.
Song song với việc cập nhật lịch tàu chạy và thời tiết trên đảo để du khách có thể chủ động được lịch trình, Giỏi còn chịu khó viết bài, chụp ảnh những địa danh, thắng cảnh đẹp, giới thiệu ẩm thực, con người, phong tục, văn hóa Phú Quý đăng tải trên fanpage cũng như các diễn đàn du lịch, các trang mạng zalo, viber, instagram… Nhờ vậy mà thông tin về Phú Quý được nhiều người biết đến hơn.
Hiện tại, fanpage của cậu có lượt tiếp cận hơn 10.000 lượt like (yêu thích) và theo dõi trên mạng xã hội facebook. Với nội dung thông tin hấp dẫn, Phượt đảo Phú Quý nằm trong Top 10 tìm kiếm về Phú Quý trên Google. Thông qua fanpage, hằng năm, có khoảng 2.000 - 3.000 người đến với mảnh đất này. Giỏi nói, hơn 10.000 lượt like đó là con số thực. Cậu không muốn chạy “like ảo”. Những thông tin mà cậu cung cấp, cậu muốn có ích với những người có nhu cầu tìm hiểu về Phú Quý thật sự.
Ảnh lưu niệm một nhóm khách của Giỏi. |
Tôi hỏi Giỏi, cậu làm nhiều như thế để làm gì? Homestay của cậu cũng chỉ chứa tối đa được 12 người. Người ta biết đến Phú Quý nhờ cậu nhưng khi đến đảo, chắc gì người ta đã ở lại homestay nhà cậu? Giỏi cười, chẳng sao cả: “Đúng là dù có giới thiệu nhiệt tình thì homestay cũng chỉ chứa tối đa được 12 người. Nhưng Phú Quý được một điều, người ta biết đến Phú Quý nhiều hơn. Chính vì thế, khách ra đảo, nghỉ chỗ homestay cũng được, nghỉ chỗ khác cũng xong. Quan trọng là người ta có lòng ra tới Phú Quý”.
Như một quy luật, hễ nơi nào hoang sơ mà được người ta biết và kéo nhau đến ầm ầm, nơi đó sẽ mọc lên nhiều khu resort, những vẻ đẹp mà Giỏi tôn thờ có nguy cơ biến mất. Giỏi nói, phong cảnh có thể thay đổi nhưng con người dễ gì? Cậu tin con người là vấn đề cốt lõi trong câu chuyện này. Sau khi đi nhiều nơi rồi về quê mình, Giỏi nhận ra bên cạnh hương biển, hương đất, hương trời Phú Quý, con người Phú Quý cũng là một đặc sản có một không hai. Dân sống trên đảo chủ yếu là dân bản địa, sống bên nhau từ nhiều đời. Họ hiền lành, tử tế và đặc biệt mến khách.
Khi được hỏi về hướng phát triển của mình, Giỏi muốn đi theo con đường du lịch sinh thái bền vững. Tiền thì có nhiều cách để kiếm, nhưng một khi hệ sinh thái, hệ văn hóa bị đảo lộn, khó khôi phục lại. Trong trường hợp, nếu một ngày nào đó, các khu resort mọc lên không cách gì cản được của quy luật thị trường, cậu hi vọng những khu resort hiện đại, cao cấp đó sẽ tránh những điểm chơi của Phú Quý ra, để ai cũng có thể đến với Phú Quý, để ai cũng có thể “chạm” được tâm hồn Phú Quý – một thứ tâm hồn mặn mòi, dung dị nghĩa tình.
Hỏi cậu, trải nghiệm của một người đi làm công ăn lương 2 năm ở TP. Hồ Chí Minh với trải nghiệm của việc về quê làm homestay khác nhau như thế nào? Giỏi cười, cậu muốn đóng góp một chút nhiệt huyết tuổi trẻ của mình cho quê hương và cậu mong muốn, mình giữ được ý chí đó bền bỉ, lâu dài.
Có cậu bạn người New York qua ở homestay của Giỏi một tuần. Giỏi nhớ lại, nửa đêm, bạn rủ đi câu cá. Bữa đó có mấy bạn người Việt Nam đi nữa. Ra đó ngồi chơi, lúc sau đám kia ngủ hết, hai đứa hai lon bia ngồi nói chuyện trước biển. Giỏi nghêu ngao hát bằng tiếng Việt, bạn hát bằng tiếng Anh. Sau đó, cậu này về nước và có nhắn trên mạng cho Giỏi rằng, đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, cậu ấy dám bước chân xuống biển. Hai cậu làm bạn cách nhau nửa vòng trái đất từ đó. Giỏi nói, cậu có nhiều khách như vậy lắm. Những người lúc đầu cũng chỉ là khách thôi, nhưng sau khi trở về, trở thành anh em, bạn bè của cậu, và năm nào họ cũng ra đây chơi một – hai lần.
Cuối năm 2016, tại Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp”, Giỏi là đại biểu duy nhất của Phú Quý (trong số 19 thanh niên toàn tỉnh) được Tỉnh đoàn Thanh niên Bình Thuận tuyên dương “Gương thanh niên tiêu biểu đã có những nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên lập thân, lập nghiệp”.