Du lịch homestay ở Lý Sơn (Quảng Ngãi): Cần đi vào nền nếp

Thứ Sáu, 06/05/2016, 16:16
Xuất hiện cách đây khoảng 3 năm, mô hình du lịch nghỉ tại nhà dân hay còn gọi là “homestay” đang trở thành sự lựa chọn của nhiều khách du lịch tới huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên, homestay tự phát mọc lên ngày càng nhiều, đòi hỏi phải đưa hoạt động này từng bước chuyên nghiệp hơn.


Homestay rẻ và thân thiện

Bên cạnh những khách sạn, nhà nghỉ tiện nghi, trong vài năm trở lại đây, homestay đang dần trở thành sự lựa chọn của nhiều lượt du khách tới xứ tỏi Lý Sơn. Do lượng khách từ đất liền ra ngày một đông nên để có được một chỗ nghỉ tại homestay, khách phải liên lạc đặt phòng trước. Đặc biệt là trong dịp lễ, Tết hoặc cao điểm mùa hè, lượng khách tăng đột biến, nếu không đặt trước thì không có chỗ nghỉ.

“Cháy vé tàu từ cảng Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn”, “khách sạn, nhà nghỉ tại Lý Sơn hết phòng”… là những điều người ta hay nói vào mùa du lịch (từ tháng 5 tới tháng 9) ở nơi đây. Khách có thể tìm địa chỉ homestay thông qua sự giới thiệu của người quen hoặc lượm lặt thông tin từ các diễn dàn du lịch lớn của Việt Nam và liên hệ với chủ homestay đặt phòng trước, nhằm chủ động cho hành trình của mình. Khi ra đến đảo, khách liên hệ theo số điện thoại có từ trước, chủ homestay sẽ cho người ra tận bến đón.

Lý Sơn ngày càng hấp dẫn khiến nhiều du khách chọn lựa.

Tùy diện tích mà mỗi homestay có thể được chia làm 3 – 4 phòng lớn, mỗi phòng chứa được 10 – 20 người (chưa kể phòng riêng). Do chỉ cần một chỗ nghỉ ngơi và tắm rửa sau một ngày đi chơi nên nhiều khách cũng không câu nệ chuyện ở chung một phòng, cẩn thận chú ý đồ đạc là được, ở chung để tiết kiệm. Giá phòng nghỉ tại các homestay dao động từ 50 -70.000 đồng/người/ngày, thích hợp với các bạn trẻ hoặc đoàn đông người. So với nhiều địa điểm du lịch khác như Cô Tô, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt…, đây là một sự lựa chọn tối ưu để tiết kiệm chi phí.

Mặc dù giá rất mềm nhưng không có nghĩa phòng ốc tại các homestay không đảm bảo. Những yêu cầu tối thiểu như phòng sạch sẽ, chăn màn, điều hòa, quạt, nóng lạnh đều được đáp ứng. Ăn uống khách tự túc. Song, nếu khách có nhu cầu ăn uống cùng gia đình chủ nhà, chủ homestay cũng sẵn lòng nấu cơm cho mọi người. Mỗi bữa ăn thường có giá 30.000 đồng/người. Đây là số tiền quá bèo để có thể cùng ở, cùng ăn với người dân, thông qua đó hiểu hơn về văn hóa vùng đất này.

Chưa kể, nếu khách có nhu cầu cần một người dân bản địa làm hướng dẫn viên, đưa đón thì các homestay cũng có luôn cả dịch vụ này. Họ sẽ chở khách đi thăm và kiêm luôn cả việc giới thiệu những địa điểm đẹp nổi tiếng của Lý Sơn với giá 90.000 đồng/người/ngày.  Tuy nhiên, để chủ động thời gian, lịch trình, khách thường chọn phương án thuê xe máy để đi. Giá thuê xe máy dao động 120 - 150.000 đồng/ ngày, đã bao xăng.

Nhiều du khách chọn nghỉ tại các homestay vì rẻ, thân thiện.

Gia đình anh Nhật - chị Phụng ở xã An Vĩnh là một trong những gia đình kinh doanh homestay sớm nhất của Lý Sơn. Chị Phụng kể, gia đình anh chị bắt đầu mở dịch vụ homestay từ năm 2013, khi đó, du lịch Lý Sơn đang ở dạng tiềm năng, hoang sơ và ít khách. Cả đảo chỉ có vài ba nhà rủ nhau mở loại hình này. Đến nay, khắp đảo đâu đâu cũng có homestay. Đến nay, làm du lịch trở thành nguồn thu nhập chính của người dân ở huyện đảo Lý Sơn.

“Tiết kiệm chi phí, thân thiện và cởi mở là những ưu thế của những homestay ở đây. Mình làm ăn mà, khách là thượng đế. Rất nhiều khách nghỉ ở nhà tôi, sau về giới thiệu cho bạn bè nên nhà tôi lúc nào cũng có khách. Mình làm tốt, tự khắc người ta nhớ đến mình và tìm đến mình thôi. Chứ trước giờ, mình cũng đâu có biết xài facebook mà quảng bá như người khác đâu”, chị Phụng nói.

Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 4 ngày nên số lượng tour du lịch đi Lý Sơn tăng đột biến. Theo tìm hiểu, hiện nay trên huyện đảo Lý Sơn, tất cả các khách sạn và homestay đều được khách đặt kín phòng. Chị Phụng cũng cho biết, homestay nhà chị cũng không còn chỗ nữa, nếu khách muốn ở, chị có thể liên hệ giúp qua chỗ người quen trên đảo ở tạm, vài ngày vãn khách lại về lại chỗ chị.

Vì những ưu điểm mà các loại hình nhà nghỉ khác không có nên homestay đang ngày càng chiếm được cảm tình và trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến tham quan tại đây. Bên cạnh nguồn thu nhập từ việc trồng tỏi và khai thác hải sản, trong thời gian qua, nhiều hộ dân chọn hình thức này để kinh doanh. Số lượng homestay mọc lên ngày càng nhiều.

Một bữa cơm dân giã cùng gia đình chủ homestay.

Vẫn còn hoạt động tự phát

Thượng tá Phạm Kết, Phó Trưởng Công an huyện Lý Sơn cho biết: “Hiện nay, An Vĩnh là nơi tập trung nhiều homestay nhất của đảo Lý Sơn với 38 hộ kinh doanh. Song mới chỉ 19/38 hộ tại đây đăng ký giấy phép kinh doanh với chính quyền. Số còn lại vẫn hoạt động theo kiểu tự phát, trôi nổi. Cơ quan chức năng đang vận động người dân tuân thủ và hoàn thiện hồ sơ đăng ký kinh doanh homestay, nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại địa phương, cũng như đưa loại hình kinh doanh này trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Cụ thể, ngoài giấy đăng ký kinh doanh, chủ homestay phải đăng ký giấy đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, phải có sơ đồ nhà nghỉ, phòng ốc đảm bảo vệ sinh thì mới được cấp phép”.

Thượng tá Phạm Kết kể thêm, vì hoạt động của các homestay còn ở dạng trôi nổi, tự phát nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng phần nào. Vì tính chất đặc thù biển bao quanh nên những vụ trộm cắp lớn hầu như không có. Các đối tượng trộm cắp thường chọn những tài sản nhỏ gọn cho dễ tẩu tán. Song vì điều này mà Lý Sơn ít nhiều bị mất điểm trong mắt khách du lịch từ các nơi về. 

Thượng tá Phạm Kết cho biết, hoạt động kinh doanh homestay vẫn đang ở tình trạng tự phát, cần đi vào nền nếp hơn.

Tháng 4-2015, một đoàn khách du lịch gồm 10 người có ngủ qua đêm tại một homestay ở thôn Tây, xã An Vĩnh. Do quá mệt mỏi và bất cẩn, các thành viên trong đoàn quên đóng cửa trước khi ngủ. Rạng sáng hôm sau, đoàn khách phát hiện bị mất 2 chiếc điện thoại di động iPhone 4 và 5 cùng 8 triệu đồng tiền mặt. Khách cứ khăng khăng chủ homestay lấy đồ.

Vụ việc được báo đến cơ quan Công an. Thượng tá Phạm Kết cho biết, sau khi điều tra, mới hay thủ phạm “tiện tay” ăn cắp, nhờ người thân đưa ra đất liền bán lấy tiền. Ngoài vụ này, cũng có một số vụ mất trộm tại các homestay, song vì thời gian mất và báo mất cách xa nhau quá nên cơ quan Công an cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm ra thủ phạm. Việc chấn chỉnh và đưa các homestay hoạt động kinh doanh dưới sự quản lý của Nhà nước trở thành điều cần và đủ, nhằm đảm bảo mô hình du lịch “sạch” của huyện đảo Lý Sơn.

Với quan điểm “du khách như người nhà”, du lịch – khám phá – trở lại, homestay đang trở thành một điểm nhấn trong phát triển du lịch ở đây. Việc đưa người dân cùng làm du lịch thông qua homestay đang mở ra những hứa hẹn mới, làm nên nét hấp dẫn của vùng đất này. Lý Sơn đang là điểm đến hấp dẫn, được xác định là một trong 40 điểm đến hấp dẫn của nước ta. Sau ngành thủy sản, du lịch và dịch vụ là hướng đột phá đưa Lý Sơn phát triển về kinh tế và vững chắc về quốc phòng – an ninh.

Đ. Dung
.
.
.