Người dân kêu cứu vì mua nước sạch mà bẩn như "nước cống"

Chủ Nhật, 12/08/2018, 09:05
Gần đây, người dân xã Thụy Lôi (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) bàng hoàng khi mở vòi nước sạch do Nhà máy cấp nước Thụy Lôi để dùng thì có màu đen, đục như nước cống. Đã rất nhiều đơn thư phản ánh nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết, xử lý.


Khi được hỏi thì lãnh đạo nhà máy cho rằng, đó chỉ là cặn của mangan bám vào thành ống lâu ngày trôi đi, chỉ vặn vòi một lúc nước sẽ trong trở lại. Có mục sở thị, tìm hiểu ngọn ngành mới thấy những bức xúc của người dân là hoàn toàn có cơ sở.

Thời gian vừa qua, người dân xã Thụy Lôi đứng ngồi không yên vì nước họ đang dùng xả ra có màu đen kịt như nước cống. Từ khi có hiện tượng đó, không ai dám sử dụng, có chăng họ phải lọc qua bể nhiều lớp. Bà Lê Thị M (50 tuổi, người dân xóm Mới) chia sẻ: "Như nhà tôi đây, làm hàng nên mỗi tháng hết 200 - 300 nghìn tiền nước nhưng có dám ăn trực tiếp đâu. Nước xả ra từ vòi đen kịt, rửa chân còn không dám nói gì đến ăn. Con nhà tôi nó phải lọc qua mấy lớp cả nhà mới dám dùng đấy. Người dân phản ánh tình hình này tới nhà máy nước nhưng cũng chẳng có gì thay đổi gì. Chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan cấp trên về tìm hiểu, kiểm tra nhà máy nước thế nào chứ, cứ để vậy chúng tôi không thể chịu nổi".

Nhiều người dân nghi ngại trạm cấp nước Thụy Lôi được đặt cạnh khu nghĩa trang nên nước hay có váng màu vàng nổi lên.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, nước của người dân đang sử dụng là do Nhà máy cấp nước Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cung cấp. Nhà máy này được xây dựng từ năm 2003, Dự án do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện. 

Sau đó, nhà máy này được chuyển về cho UBND xã quản lý. Không được bao lâu thì UBND xã trả lại vì theo như ông Vũ Viết Hùng- Chủ tịch UBND xã thì không biết cách vận hành mặc dù đã đưa người đi đào tạo.

Mới đây, Nhà máy Cấp nước Thụy Lôi một lần nữa lại được chuyển giao cho Công ty TNHH Xây dựng thủy lợi An Huy (trụ sở tại số 482 đường Triệu Quang Phục, phường Hiến Nam, TP Hưng Yên) quản lý và sản xuất. Trong báo cáo thì Nhà máy Cấp nước Thụy Lôi có công suất thiết kết 1.000m3/ngày đêm; 80% tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch. 

Nhưng con số này là không chính xác bởi thực tế chỉ có 750 hộ sử dụng nước máy. Thực trạng nguồn nước không được đảm bảo đã được người dân phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng vẫn không có kết quả. Ông Hùng cho hay: "Chúng tôi đã báo cho phía nhà máy cấp nước và Công ty An Huy hiện đang vận hành, sản xuất để khắc phục và xử lý tình trạng này. Có thể nguyên nhân là do quá trình làm đường, đường ống nước bị vỡ". Còn khi làm việc với ông Trần Văn Đoàn, Giám đốc Công ty An Huy lại có cách lý giải khác.

Nước đóng chai tại đây xuất ra thị trường với cái tên rất kêu "Aquavina".

Theo ông Đoàn thì công nghệ lọc thông thường không hết mangan, sau này nó sẽ bám vào thành đường ống, lâu ngày sẽ bị bong ra rồi dồn về một điểm cuối nào đó. Các hộ dân ở điểm cuối đó xả ra một tí là hết, nước lại trong như bình thường. 

"Nước trong nhà máy rất trong, được xử lý cẩn thận. Hiện tại nhà máy chỉ dùng mỗi CloraminB để xử lý, chất này chỉ có tác dụng khử trùng, diệt khuẩn trong nước, ở một nồng độ nhất định. Còn việc xử lý các hợp chất khác như sắt, magan, asen đã không được thực hiện" - ông Đoàn cho hay.

Chúng tôi có một buổi mục sở thị cơ sở hạ tầng của Nhà máy Cấp nước Thụy Lôi. Hiện tại nhà máy này đã xuống cấp nghiêm trọng, về vệ sinh theo quy định không thực hiện, trong khu vực còn nuôi nhốt cả động vật. Chính tại khu vực nhà máy, ngửi nước có mùi rất tanh. Vị giám đốc lý giải là vì nhà máy  không dùng Clo nên có mùi tanh.

Nhìn khu vực xử lý, sản xuất nước thế này có lẽ không ai dám khẳng định đảm bảo an toàn, vệ sinh.

Bộ Y tế đã có Thông tư 50/2015/BYT về việc thực hiện chế độ nội kiểm, ngoại kiểm và có hiệu lực vào tháng 12 - 2015. Tuy nhiên, theo ông Đoàn thì công ty mới được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên mời lên để tập huấn về việc này. Chính vì thế nhà máy chưa thể triển khai được. 

Tuy nhiên ông Đoàn cung cấp cho chúng tôi kết quả phân tích mẫu nước của nhà máy lại nằm trong giới hạn cho phép. Trước thực tế nước đang sử dụng với kết quả trong phiếu xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng hồi tháng 3 - 2018 đã khiến người dân đặt ra nghi vấn. 

Đối với các cơ sở khai thác nước ngầm bắt buộc phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đó là những quy định cụ thể trong Luật Tài nguyên môi trường nước. Ông Đoàn cho biết từ khi tiếp nhận nhà máy không thấy cơ quan nào nhắc nhở việc này.

Cho dù không có cơ quan nào nhắc nhưng không lẽ Công ty An Huy không nắm được quy định của Nhà nước về chế độ kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng nước trước khi cung cấp cho người dân. Đồng thời đó là các quy định pháp luật bắt buộc đối với cơ sở cung cấp nước sinh hoạt. Việc người dân địa phương cho rằng, Công ty An Huy chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích của người tiêu dùng là có cơ sở. 

Bà M bức xúc: "Chúng tôi không biết luật thế nào, cũng chẳng vào được tận nhà máy mà xem họ làm thế nào. Chúng tôi chỉ cần nhìn mắt thường cũng đủ biết là không đảm bảo vệ sinh rồi. Ai đời nhà ai mang tiếng dùng nước sạch, nước nhà máy mà đen kịt thế này?"

Nước sinh hoạt của người dân không được đảm bảo, hàng loạt quy định của pháp luật và nhà nước trong việc sản xuất nước cung cấp cho người dân đều vi phạm. Nhà máy nước này còn thực hiện nước đóng bình để xuất ra thị trường với nhãn hiểu rất kêu là "Aquavina". 

Khu vực nước được đóng bình, chai xuất ra thị trường.

Ông Đoàn cũng không thể cung cấp được giấy phép, cũng như các giấy tờ liên quan như giấy đăng ký kinh doanh, giấy an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận quy chuẩn. Khi phóng viên muốn được tiếp cận với những giấy tờ đó thì ông Đoàn xin được chuyển qua email. Sau 10 ngày khi chưa nhận được email của ông Đoàn, chúng tôi có điện thoại nhiều lần nhưng vị giám đốc này không nghe máy.

Rõ ràng, việc sản xuất nước đóng chai, đóng bình sử dụng trực tiếp cần rất nhiều thủ tục khắt khe, cơ sở hạ tầng đảm bảo trong quá trình sản xuất. Không hiểu những bình nước, chai nước đã được đóng và bán ra thị trường có đảm bảo được chất lượng hay không? Liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người tiêu dùng hay không? Cái này chỉ có những người làm ra chai nước, bình nước ấy biết.

Một số người dân đặt ra nghi vấn, liệu có phải nhà máy cung cấp nước đặt cạnh khu vực nghĩa trang nên bị ảnh hưởng đến nguồn nước? Khiến nguồn nước ở đây bị đổi màu? Ông M (người dân địa phương) bức xúc: "Có lúc nó lên váng màu vàng, chúng tôi chỉ dùng để rửa thôi chứ ăn thì ăn nước mưa. 

Chúng tôi kêu nhiều lắm nhưng đâu vẫn vào đấy, tình trạng này chưa được giải quyết. Tôi cũng không hiểu nhà máy xử lý kiểu gì mà xe lớn, xe bé chở nước đóng bình, đóng chai đi bán cho người ta uống. Ở địa phương chúng tôi không ai dám uống cả, họ chỉ để ở các cây xăng để bán cho cánh tài xế, hoặc chuyển đi các vùng khác".

Những vi phạm tại Nhà máy Cấp nước Thụy Lôi do Công ty An Huy quản lý là rõ ràng. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ để lấy lại quyền lợi hợp pháp và sức khỏe của nhân dân.

Theo quy định tại điểm 3 điều 45 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 của Chính phủ quy định:. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp nước sạch cho sinh hoạt không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quy định; b) Không cung cấp nước theo đúng các hợp đồng cấp nước đã ký kết với hộ dùng nước.

Theo điểm b, khoản 5, Điều 6 Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24-10-2013 quy định rõ: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau: Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 800 m3/ngày đêm đến dưới 1.000 m3/ngày đêm.

Phong Anh
.
.
.