Ngân hàng “xì đểu”

Thứ Hai, 07/11/2016, 16:09
Các ngân hàng tư nhân Singapore chia sẻ với cảnh sát nước này tên tuổi những khách hàng Indonesia đang “ôm lấy” một chương trình miễn thuế của Indonesia, theo Reuters ngày 15-9.


Chuyện bắt đầu từ việc năm 2016, chính quyền Indonesia đưa vào cuộc sống luật gọi là “ân xá thuế”, nhằm kêu gọi dân nhà giàu trả về nước hoặc nộp thuế số tiền ước tính có 200 tỉ USD (273 tỉ đô la Singapore - SGD) mà họ đã gởi vào các tài khoản ngân hàng tư nhân Singapore.  

Vụ chuyển tiền đến đảo sư tử này từ sau những vụ tấn công vào các doanh nghiệp người Hoa ở Indonesia hồi năm 1988, khi những vấn nạn kinh tế đã kích động bạo loạn và làm sụp đổ chính quyền Tổng thống Suharto. 

Nhiều người Indonesia đã sử dụng ngân hàng tư nhân ở Singapore để đầu tư vào tiền tệ, chứng khoán khu vực, được khuyến khích vì khung pháp lý chặt chẽ và an ninh của đảo quốc sư tử, một trung tâm tài chính của châu Á.

Lo trách nhiệm hình sự

Theo các nguồn tin của Reuters, hồi năm 2015,Đơn vị Cảnh sát xử lý tội phạm tài chính Singapore (CAD) đã khuyến cáo các ngân hàng nên báo cáo mỗi khi có khách hàng tham gia chương trình miễn thuế của Indonesia. Ban đầu, các ngân hàng không chịu vì sợ mất khách, nhưng khuyến cáo của CAD được Cục Tiền tệ Singapore (MAS) nhắc lại trong năm nay. 

Hồi năm 2013, Singapore đã xếp việc trốn thuế là tội hình sự, và đang siết luật này sau cuộc điều tra chống rửa tiền đối với Quỹ Phát triển Malaysia (1MDB) ở Malaysia, vốn đã vạch trần vài ngân hàng lơi lỏng, không kiểm soát dòng tiền đáng ngờ. 

Khối tài sản Indonesia trị giá 200 tỷ USD được cất giữ ở Singapore. Ảnh: Reuters.

Một nguồn tin biết rõ sự việc cho biết: Các ngân hàng tư nhân đã bắt đầu gởi đến cảnh sát cái gọi là “báo cáo chuyển tiền đáng ngờ” (SRT) liên quan khách hàng Indonesia có tham gia chương trình “ân xá thuế” của chính quyền Indonesia. 

Nguồn tin này nói các khách hàng không được thông tin về chuyện nộp báo cáo SRT. Trang web của CAD nói họ dùng báo cáo SRT để phát hiện tội phạm tài chính, điều có nghĩa nếu có bất kỳ chứng cứ sai phạm nào trong báo cáo này, chính quyền có thể điều tra các khách hàng hoặc ngân hàng tư nhân.

Việc “soi” thuế ở Singapore diễn ra trước khi có báo cáo về Singapore của Tổ đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) - một tổ chức cấp toàn cầu chuyên đánh giá định kỳ về các qui chuẩn chống rửa tiền của các quốc gia.

Phá bĩnh

Nhưng theo Reuters, động thái yêu cầu các ngân hàng báo cáo SRT có thể làm hỏng chương trình “ân xá thuế” của Indonesia, cũng như gây tổn thất cho các ngân hàng tư nhân có giao dịch với nhóm khách hàng đông nhất của họ. 

Nỗi sợ bị điều tra có thể khiến người Indonesia không dám tham gia chương trình “ân xá thuế” vốn sẽ kéo dài đến tháng 3-2017 và cho đến nay đã có hiệu quả: ngành thuế Indonesia cho biết cho đến ngày 13-9, đã có sự kê khai số tài sản trị giá 393 ngàn tỉ rupiah (tiền Indonesia, tương đương 40,7 tỉ đô-la Singapore) gồm ít nhất 30 ngàn tỉ rupiah đang ở Singapore. 

Thống đốc Ngân hàng Indonesia, ông Agus Martowardojo ngày 14-9 nói rằng có thể chương trình “ân xá thuế” sẽ chỉ đạt 11% chỉ tiêu thu hồi tài sản trong năm nay.

Theo trang Bloomberg ngày 14-9, người trốn thuế Indonesia sẽ không thể giấu giếm tài sản trong bất động sản ở Singapore. Hiện nay, người giàu Indonesia là nguồn đầu tư lớn nhất vào thị trường bất động sản Singapore, vốn đang chịu đựng một trong những vụ ế ẩm nhất trong lịch sử. Nhu cầu mua nhà hạng sang đột nhiên tăng từ nguồn khách hàng này. Năm 2016, người Indonesia chi khoảng 3,7 triệu USD (5 triệu SGD) để  mua nhà, trùng với việc chính quyền Indonesia công bố chương trình “ân xá thuế”.

Ang Kok Leong, một quan chức cấp cao của Công ty bất động sản SLP Realty Pte nói: “Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng số người Indonesia mua nhà sang nhất”, và nói rằng người Indonesia mua nhà “quyết liệt” là vì lo ngại việc chính quyền Singapore chia sẻ thông tin tài chính.

Chỉ tính tiền, không tính nhà

Việc người Indonesia mua nhà là vì chỉ tính đến tài sản có trong ngân hàng, không tính đến nhà cửa, các nhân viên nhà đất cho biết. Họ mua khoảng 30 tài sản trị giá 5 triệu SGD từ đầu năm đến ngày 17-8, so với chỉ có 7 vụ mua trong cả năm 2015, theo Cục Tái phát triển đô thị thuộc Chính phủ Singapore. 

Trong quý 1-2016, người Indonesia mua 189 bất động sản các hạng ở Singapore, cao hơn 23% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Cushman & Wakefield Inc. Trong quý 2, dù hoạt động mua nhà của người Trung Quốc và Malaysia giảm, lượng giao dịch của người Indonesia tăng 19%.

Không phải tất cả người Indonesia mua bất động sản đều nhằm né thuế, một số người có thể nhìn thấy cơ hội ở một thị trường đang chạm đáy ở các khu vực đắc địa vào cuối năm 2015. 

Người Indonesia đang bị cuốn hút bởi các trung tâm bất động sản ở Singapore, đặc biệt là khu vực đường Orchard, nơi tòa tháp đôi OUE Twin Peaks tọa lạc. Giá căn hộ đã tăng 0,6% so với mức đáy hồi cuối năm 2015, theo Cushman & Wakefield. 

Tại tòa tháp đôi OUE Twin Peaks, các nhà phát triển cho biết đã bán được gần một nửa trong tổng số 86 căn hộ đầu tiên được chào bán, với giá tổng cộng 4 triệu SGD, trong đó người Indonesia là người nước ngoài mua nhiều nhất, theo Propnex Realty Pte.

Một nhà môi giới của Propnex cho biết nhu cầu tăng đột biến của người Indonesia khá bất ngờ, vì trước đó khi những dự án hạng sang như Marina One Residences được bán hồi năm ngoái, người Indonesia chỉ mua 3 trong tổng số 200 căn được bán. Chương trình ân xá thuế có thể lôi kéo 5-9 tỷ SGD tiền gửi của người Indonesia ở Singapore, theo các nhà phân tích Kevin Kwek và Norbert Topouzoglou của Sanford C. Bernstein & Co.

Những khách hàng giàu có thường phân bổ khoảng 20% tài sản vào bất động sản, theo Evrard Bordier - đối tác quản lý tại Singapore của Ngân hàng Thụy Sĩ Bordier & Cie. Tỷ lệ này có thể tăng do những tiêu chuẩn minh bạch thuế mới của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cả Singapore và Indonesia đều đã phê chuẩn. 

“Việc tăng cường minh bạch toàn cầu này không nghi ngờ gì sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong danh mục phân bổ tài sản của các cá nhân giàu có”, Bordier nói và lưu ý xu hướng chia sẻ thông tin toàn cầu sẽ càng làm cho việc giấu tiền bạc trong bất động sản càng trở nên khó hơn.

Singapore và Indonesia đã nhất trí những cơ chế cần thiết cho trao đổi thông tin tự động theo chuẩn thuế OECD, sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Cho đến lúc đó, những thông tin được chuyển giao bao gồm thông tin về chủ sở hữu bất động sản. 

Những đại gia giàu có ở Indonesia đã giấu khối tài sản khoảng 250 tỷ USD ở nước ngoài, trong đó 80% được lưu giữ tại Singapore, theo thông tin được Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati tiết lộ vào hôm 20-9.

Hòn Rồng
.
.
.