Ngân hàng nỗ lực ngăn chặn nạn rửa tiền

Thứ Ba, 25/10/2016, 09:12
Trong Tuyên bố chung sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 8 nhóm BRICS kết thúc tại Ấn Độ tối 16-10, các nhà lãnh đạo đã thông qua kế hoạch hành động chung, trong đó có phối hợp trong hoạt động chống rửa tiền.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, các nước thành viên BRICS cần phối hợp trong cuộc chiến chống rửa tiền, tham nhũng. Và việc này diễn ra đúng thời điểm người đứng đầu Cơ quan giám sát thị trường tài chính của Thụy Sỹ (Finma) đưa ra cảnh báo đỏ về nạn rửa tiền trong hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ.

Bởi hiện có tới 15 ngân hàng của Thụy Sỹ đang ở mức báo động đỏ khi có những hoạt động liên quan tới rửa tiền. Theo giới truyền thông, tuy không nêu đích danh những ngân hàng có liên quan tới rửa tiền, nhưng Finma khuyến cáo, có tới 15 ngân hàng liên quan đến vấn đề quản lý tài sản và có lượng khách hàng thường xuyên từ các thị trường mới nổi.

Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia.

Và áp lực tìm kiếm đối tác và khách hàng mới đã khiến ngày càng nhiều ngân hàng mạo hiểm bước chân vào hoạt động rửa tiền. Được biết, 15 ngân hàng "lọt vào ống ngắm" sẽ được giám sát chặt chẽ và được yêu cầu cung cấp thêm thông tin phục vụ điều tra cho Finma.

Trước đó, Thụy Sỹ cũng mở cuộc điều tra hình sự đối với ngân hàng tư nhân Falcon Private Bank, có trụ sở tại Zurich, vì bị cáo buộc có liên quan tới Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB của Malaysia.

Ngoài việc điều tra hình sự đối với Ngân hàng Falcon, Singapore còn thông báo quyết định phạt Ngân hàng DBS và UBS của Thụy Sỹ từ 730.000 USD đến 940.000 USD với những vi phạm tương tự. DBS bị phạt 730.000 USD vì đã 10 lần vi phạm các quy định chống rửa tiền, còn UBS bị phạt 940.000 USD vì vi phạm các quy định chống rửa tiền tới 13 lần.

Theo giới truyền thông, nhiều ngân hàng lớn tại Singapore từng đàm phán để thiết lập hệ thống chia sẻ thông tin khách hàng tiềm năng nhằm giải quyết vấn nạn rửa tiền tại nước này. Theo đó, Ngân hàng DBS Group Holdings, OCBC và UOB đi đầu trong việc chống lại nạn rửa tiền.

Giới truyền thông cho biết, quyết định của Thụy Sỹ được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) ra lệnh đóng cửa ngân hàng thứ hai của Thụy Sỹ ở nước này.

Theo quyết định công bố hôm 11-10, Ngân hàng Falcon bị tình nghi dính líu đến hoạt động rửa tiền liên quan đến Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB. Được biết, Singapore bắt đầu điều tra về hoạt động rửa tiền liên quan đến Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB từ năm 2015 sau khi nhận được những "thông tin mật".

MAS đóng cửa Ngân hàng Falcon.

MAS tuyên bố, đã ra lệnh cho Ngân hàng Falcon chấm dứt mọi hoạt động ở Singapore bởi vi phạm luật chống rửa tiền và bị tình nghi dính líu tới bê bối tham nhũng tại Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB. Theo hãng Reuters, Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB hiện đang ôm số nợ lên tới trên 11 tỉ USD.

5 tháng trước (tháng 5-2016), MAS đã đóng cửa Ngân hàng BSI của Thụy Sỹ và đó là lần đầu tiên trong vòng 32 năm qua, một lệnh như vậy được thông qua. Điều đáng nói là mặc dù Singapore và Thụy Sỹ đã đóng băng các khối tài sản trị giá hàng triệu USD bị nghi có dính líu tới Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB, nhưng hiện mới có 2 người bị truy tố.

Theo thông báo của Văn phòng Bộ Tư pháp Singapore, 2 quan chức Ngân hàng BSI của Thuỵ Sỹ tại Singapore vừa bị truy tố vì bị tình nghi làm giả giấy tờ liên quan tới cuộc điều tra nhằm vào Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB. Đó là Yak Yew Chee, 57 tuổi, và Yvonne Seah Yew Foong, 45 tuổi.

Cả 2 người này (phụ trách các tài khoản của doanh nhân người Malaysia Low Taek Jho, người có liên quan tới các hành vi biển thủ tại Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB) đang phải đối diện với 7 cáo buộc vì làm giả giấy tờ và không thông báo các giao dịch đáng ngờ để nhà chức trách theo dõi.

Doanh nhân Low Taek Jho nằm trong danh sách đen của Bộ Tư pháp Mỹ vì bị kiện để "bốc hơi" 1 tỷ USD từ Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB. 3 tháng trước (21-7), Bộ Tư pháp Mỹ từng tuyên bố, sẽ tịch thu khối tài sản trên 1 tỉ USD tại Mỹ vì có liên quan đến vụ bê bối tại Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB.

Theo giới truyền thông, Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB là quỹ thịnh vượng độc lập do Thủ tướng Malaysia Najib Razak thành lập năm 2009 để đầu tư vào các dự án phát triển. Bộ Tài chính Malaysia hiện đang quản lý quỹ này sau khi ban lãnh đạo Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB để xảy ra nhiều tai tiếng.

Giới chức Anh cũng đã lên kế hoạch ngăn chặn ngân hàng thông đồng với khách hàng để rửa tiền. Theo đó, công ty nước ngoài sở hữu bất động sản tại Anh phải công khai danh sách tài sản của mình. Còn theo kết quả nghiên cứu của Đại học Martin Luther tại Đức, hoạt động rửa tiền ở Đức lên tới 100 tỷ euro/năm, cao gấp đôi so với con số được thống kê trước đó.

Mạnh Phong
.
.
.