Một cán bộ xã giả chữ ký người chết để "ăn chặn" tiền thờ cúng
- Vụ ăn chặn tiền quà tết của hộ nghèo: Điều động Bí thư Đảng ủy xã
- Cán bộ xã ăn chặn quà tết của người nghèo 12
Thông tin Lê Văn Thành (SN 1979, trú thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng), nguyên cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH của xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam "ăn chặn" tiền thờ cúng liệt sĩ đã bị cơ quan CSĐT khởi tố khiến dư luận nhiều ngày qua không khỏi bất bình.
Theo kết quả điều tra của cơ quan CSĐT Công an thị xã Điện Bàn thì: Khoảng giữa năm 2016, lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn đã tiếp nhận được đơn, thư của nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh tố cáo bị vị cán bộ xã phụ trách LĐ-TB&XH Lê Văn Thành làm giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt tiền chế độ chính sách.
Trong đó, hầu hết đều bày tỏ sự bức xúc, thất vọng sau khi phát hiện cán bộ xã Thành đã giả chữ ký, chiếm đoạt tiền chế độ của gia đình họ suốt 3 năm qua… Nhận thấy đây là một sự việc đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, đến chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta… ngay lập tức Công an, UBND thị xã Điện Bàn đã vào cuộc điều tra làm rõ.
Riêng chính quyền xã Điện Hồng, sau khi nhận chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn cũng đã thành lập một hội đồng thẩm tra, xác minh làm rõ sự việc sai phạm của vị cán bộ xã này. Đồng thời tổ chức cuộc họp cán bộ để kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc sau sự việc của ông Lê Văn Thành. Qua đó, nắm rõ những sai phạm có hệ thống của cán bộ xã Lê Văn Thành và báo cáo toàn bộ sự việc lên Phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn cũng như UBND thị xã.
Lê Văn Thành, vị cán bộ xã giả mạo chữ ký người chết để chiếm đoạt tiền chế độ chính sách. |
Qua điều tra, Công an thị xã Điện Bàn cũng làm rõ: Không những tự ý ký giả các giấy tờ liên quan đến chế độ của liệt sĩ, người có công, với vai trò là cán bộ LĐ - TB&XH của xã, đối tượng Thành còn giả chữ ký của người chết để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 54 triệu đồng.
Cụ thể, từ năm 2013, Nhà nước bắt đầu có chế độ trợ cấp 1 lần tiền thờ cúng liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ không nhận tiền tuất hằng tháng với mức trợ cấp 500.000 đồng/liệt sĩ/năm và sẽ được truy lĩnh từ thời điểm này. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thành đã tự ý ký giả vào danh sách nhận tiền của 33 thân nhân thờ cúng 40 liệt sĩ và đã quyết toán với Phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn để chiếm đoạt số tiền 38 triệu đồng.
Ngoài ra, năm 2015 Thành còn chiếm đoạt tiền điều dưỡng của các đối tượng chính sách, người có công. Kết quả xác minh cho thấy, hầu hết các đối tượng thuộc diện điều dưỡng mỗi năm 1 lần thì Thành thực hiện đúng quy định. Còn các đối tượng được nghỉ dưỡng 2 năm 1 lần thì Thành đã tự ký giả vào danh sách, quyết toán 13 trường hợp để chiếm đoạt số tiền hơn 14 triệu đồng.
Việc quyết toán số tiền này đã hoàn thành vào năm 2015. Liều lĩnh hơn , có nhiều trường hợp, đối tượng chính sách đã chết năm 2014 như ông Lê Văn Lưỡng (thôn Ba, xã Điện Hồng) hay ông Lê Công Yêm (thôn Đa Hòa Nam, xã Điện Hồng)… nhưng Lê Văn Thành vẫn cố tình "lờ đi" và mặc nhiên giả chữ ký của những người này để nhận tiền điều dưỡng bỏ túi.
Không dừng ở đó, tiếp tục mở rộng điều tra, Công an thị xã Điện Bàn còn phát hiện, ngoài chiếm đoạt tiền thắp hương liệt sĩ, Thành còn lợi dụng quyền hạn và nhiệm vụ của mình để "làm luật" và nhận tiền của một số gia đình đang xin xác nhận chế độ gia đình liệt sĩ, có công cách mạng...
Đã hơn 2 tháng sau khi sự việc vỡ lở, người dân trong khu vực xã Điện Hồng nói riêng và thị xã Điện Bàn nói chung vẫn chưa hết xôn xao, bàn tán về việc cán bộ xã Lê Văn Thành ngang nhiên giả chữ ký để chiếm đoạt tiền chế độ của người dân.
Chị N. T. H. (trú xã Đại Hồng, một nạn nhân) bức xúc chia sẻ với PV Chuyên đề CSTC: "Gia đình chúng tôi cũng như rất nhiều gia đình, bà con ở thị xã Điện Bàn anh hùng ni vốn có truyền thống cách mạng kiên cường. Nhiều thế hệ cha, anh đã ngã xuống, đã phải hy sinh một phần máu thịt vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Và hiện nay, cuộc sống chúng tôi vẫn chỉ đơn giản, bình dị, gắn chặt với quê hương và nghề nông thuần túy. Vậy mà, chỉ khoảng 1 triệu đồng, một số tiền tuy không lớn nhưng đó là chính sách của Nhà nước để tri ân những gia đình đã hy sinh người thân cho cách mạng như chúng tôi, lại bị chiếm đoạt bởi chính một vị làm cán bộ LĐ - TB&XH của xã. Thật là chua xót!".
Cùng chung sự thất vọng này, khi tiếp xúc với chúng tôi nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ bị Lê Văn Thành giả chữ ký, chiếm đoạt tiền thờ cúng đã không tránh khỏi phẫn nộ: "Cán bộ LĐ - TB&XH của xã mà làm những việc kể trên thì thất đức lắm. Chúng tôi đều là nạn nhân của trò lừa đảo của ông Thành, và chỉ vỡ lẽ khi thấy sự vô lý trong việc ký nhận tiền chế độ chính sách. Bất đắc dĩ lắm, chúng tôi mới phải phản ánh lên lãnh đạo chính quyền để trông cậy các cấp giúp người dân tìm lại sự công bằng"…
Trưa nắng, quanh co trên còn đường làng tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Châu (SN 1953 - thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hữu Khoa) ở thôn 6 xã Điện Hồng, một trong những nạn nhân của cán bộ xã Thành. Tìm hỏi nhà mãi, chúng tôi mới gặp được chị Trần Thị Trang (con dâu ông Châu) đi làm đồng về sẵn sàng dẫn chúng tôi đến gia đình thân nhân liệt sĩ Khoa.
Dọc đường, chị Trang đã chia sẻ: "Chính tôi là người đại diện gia đình, mới ra UBND xã nhận số tiền 1 triệu còn thiếu hồi đầu tháng 7 ni đó. Đây là số tiền mà gia đình chúng tôi bị cán bộ xã Thành chiếm đoạt bằng cách giả chữ ký rồi nhận thay. Lúc đó, chúng tôi thấy mãi qua 3 năm mà chỉ có nhận được 5 trăm ngàn, thay vì số tiền 1,5 triệu, nên ra thắc mắc ngoài trụ sở UBND xã.
Cũng theo chị Trang: Gia đình phát hiện có dấu hiệu bất thường từ khi ra xã ký nhận duy nhất có 1 tờ giấy nhận tiền 500, nhưng cán bộ xã Điện Hồng lại cho biết gia đình đã ký đủ 3 tờ giấy và nhận đủ 1,5 triệu đồng. Lúc ấy gia đình tôi ngỡ ngàng, bức xúc bởi mới có nhận 1 lần chứ làm gì nhận ba lần. Bố mẹ chồng tôi cũng khẳng định có người giả chữ ký, chứ không thể có chuyện nhận tiền mà quên được. Cho đến khi chính quyền xã đưa hồ sơ về kiểm tra, gia đình tôi phát hiện có 2 hồ sơ bị làm giả chữ ký, mới vỡ lẽ ra sự việc bị "mạo danh ký chặn ăn tiền".
Cách đó không xa, cụ Nguyễn Cao Sơn (SN 1938 - thân nhân liệt sĩ Nguyễn Tăng) cũng rơi vào cảnh tương tự: Năm nay cụ Sơn đã hơn 70 tuổi, sức khỏe suy yếu, bản thân cụ Sơn là thương bệnh binh hạng ¾, và do tuổi đã cao cụ không còn minh mẫn, nên mọi chế độ, tiền thờ cúng liệt sĩ của người thân đều trông cậy vào các con cháu nhận giúp.
Cụ Sơn cho biết: "Lần các con của tôi nhận giúp duy nhất mà tôi nhớ là vào cuối 2015 và số tiền chỉ 5 trăm ngàn đồng. Mãi hôm rồi, khoảng cuối tháng 5/2016, các con tôi đã dìu tôi ra xã để nhận 1 triệu. Tôi cũng chẳng biết gì, mãi sau cán bộ xã với Công an thị xã làm việc rồi nhờ tôi kiểm tra hồ sơ, tôi mới phát hiện bị giả mạo chữ ký, giả mạo giấy tờ của tôi".
Còn ông Tưởng Văn Tức (thôn Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng) cho biết, năm 2013 và 2014, gia đình ông không được nhận 1 triệu đồng thờ cúng liệt sĩ như quy định, nhưng trong giấy tờ nhận tiền lại có chữ ký của ông. Cũng về sự việc này, ông Lê Đắc Ba (SN 1960, trú thôn 6 xã Điện Hồng) nói, gia đình ông không được ông Thành công khai thông tin quy định trợ cấp: "Cha tôi là ông Lê Bổ là liệt sĩ hy sinh vào năm 1971. Tuy nhiên, gia đình tôi chưa được ông Thành nói việc gia đình được quyền nhận tiền chế độ thờ cúng liệt sĩ.
Khi nghe PV cho biết thông tin vụ việc, gia đình tôi khẳng định chưa nhận bất cứ khoản chế độ hay việc có quy định trợ cấp 5 trăm ngàn/năm, như gia đình ông Châu, ông Sơn hay các gia đình thân nhân khác đã nhận trong xã". Không riêng gì ông Tức, cụ Sơn, ông Ba… hàng chục gia đình đang thờ cúng liệt sĩ và thương binh trên địa bàn xã Điện Hồng cũng gặp phải trường hợp tương tự…
"Thật sự, nếu Công an, chính quyền địa phương không nhanh chóng vào cuộc, điều tra, phát hiện những sai phạm của cán bộ xã Thành, thì "tiền xương máu" của những cán bộ lão thành, thương bệnh binh và thân nhân liệt sĩ như chúng tôi chắc chắn sẽ còn bị chiếm đoạt" - nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ bức xúc cho biết.
Về vụ án liên quan đến cán bộ xã Lê Văn Thành giả chữ ký người chết, chiếm đoạt tiền chế độ chính sách…, Đại tá Lê Trung Hai - Trưởng Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) khẳng định: Ông Lê Văn Thành có nhiều sai phạm nhằm chiếm đoạt tiền cấp phát cho các đối tượng ở xã.
Khi biết tin cơ quan chức năng vào cuộc mở rộng điều tra, ông Thành vội vã cấp phát số tiền đã chiếm đoạt cho các gia đình chính sách trong xã vào cuối tháng 5/2016. Khi làm việc tại cơ quan điều tra, ông Thành thường quanh co chối tội, phủ nhận mình không chiếm đoạt tiền chế độ. Tuy nhiên, Công an thị xã Điện Bàn đã có đầy đủ chứng cứ, xác định hành vi sai phạm của ông Lê Văn Thành.
Và không chỉ giả chữ ký, trong lúc làm việc Thành không công khai thông tin quy định trợ cấp của Nhà nước hoặc bắt các đối tượng chính sách làm hồ sơ nhiều lần, để chiếm đoạt tiền. Hiện, Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Thành về hành vi tham ô tài sản. Thành cũng bị cấm ra khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra.