Mở "lối tắt" trên con đường hoàn lương

Thứ Hai, 05/12/2016, 10:14
Với các phạm nhân đang thụ án sau bốn bức tường trại giam, hẳn ai cũng có một ước muốn được chuộc lại lỗi lầm mình đã gây ra, sớm trở về với xã hội để làm lại cuộc đời. Và mỗi năm, chủ trương đặc xá cho người phạm tội bị kết án tù như đã mở ra một tia hy vọng trên con đường hoàn lương cho những cuộc đời trót gây ra tội lỗi.


Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng thể hiện chính sách khoan hồng đặc biệt của Đảng và Nhà nước, thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc ta. Đó cũng là một động lực thúc đẩy những phạm nhân khác chưa đủ điều kiện cố gắng cải tạo để sớm tạo ra một "lối tắt" cho chính mình…

Trong buổi làm việc cùng trại giam Phú Sơn 4 - Bộ Công an về công tác đặc xá, Trung tá Nguyễn Sỹ Tâm - Đội trưởng đội giáo dục cho biết: "Sau khi Chủ tịch nước kí Quyết định về đặc xá năm 2016, tập thể cán bộ trại đã gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị, rà soát đối chiếu các tiêu chuẩn xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân theo quy định và hướng dẫn của cấp trên. Các cán bộ giáo dục, trinh sát, hồ sơ có kinh nghiệm chuyên môn được chọn để giúp công tác đặc xá hoàn thành tốt hơn…".

Ngay sau đó, nội dung Quyết định đặc xá và các điều kiện liên quan đã được công khai niêm yết tại các buồng giam, hội trường học tập, bảng tin, nhà thăm gặp và cùng với đó là các chương trình phát thanh nhằm phổ biến rộng rãi nhất tới các phạm nhân.

"Ngoài các chương trình cụ thể chúng tôi đã làm thì các cán bộ quản giáo còn tổ chức sinh hoạt đội, thảo luận kỹ các điều kiện, tiêu chuẩn được hưởng đặc xá và chọn ra những phạm nhân đủ tiêu chuẩn đặc xá thông qua bình bầu và bỏ phiếu kín. Sau đó cán bộ trại còn tổ chức cho phạm nhân viết đơn đề nghị đặc xá, cam kết sau khi được đặc xá trở về địa phương chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước", Trung tá Tâm cho biết.

Các phạm nhân được hưởng đặc xá đang được học kĩ năng sống sau khi hòa nhập cộng đồng.

Với những cán bộ ở Trại giam Phú Sơn 4 cũng như các trại giam chúng tôi từng đến vào mỗi đợt đặc xá, đây là quãng thời gian bận rộn vất vả nhất nhưng cũng vô cùng hăng hái của họ.

Bởi lẽ với những người chiến sĩ ấy, mỗi phạm nhân được đặc xá là họ lại có thêm một niềm vui. Vui vì mình đã hoàn thành trách nhiệm cải tạo một con người, vì đã giúp những con người lầm lỡ ấy có thêm một tia hy vọng, thêm kĩ năng sống và nhận ra đâu là đúng, là sai khi trở lại với xã hội.

Là một người nằm trong danh sách đặc xá năm 2016, Nguyễn Duy Hùng, một thanh niên trẻ mới chỉ ngoài đôi mươi không giấu được cảm xúc khi biết được tên của mình nằm trong danh sách đặc xá.

Với giọng nói run run, Hùng kể: "Trước đây khi còn là sinh viên của một trường đại học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, em cũng không nghĩ rằng có ngày mình phạm tội, trở thành phạm nhân như vậy. Ngày đó khi em vừa thi tốt nghiệp, do mải chơi cùng đám bạn xấu, em sa vào lô đề cờ bạc. Sau một thời gian thì nợ nần chồng chất, không còn khả năng trả nợ thì em với bạn tính đến chuyện đi cướp. Em và một cậu bạn cùng lớp cấp 3 rủ nhau đi cướp và bị Công an bắt ngay sau đó…".

Những ngày đầu, khi biết mình thuộc diện được đặc xá, Hùng không đêm nào ngủ yên bởi niềm vui đang nhen nhóm ngày càng lớn hơn khi sắp đến ngày tự do. Được biết, do thực hiện cải tạo tốt, Hùng được các quản giáo tin tưởng và giao cho nhiệm vụ viết bài để đọc trên sóng phát thanh mỗi ngày.

"Mỗi ngày em phải làm một bản thảo nói về hoạt động của trại, phạm nhân nhận thức thế nào, nêu tấm gương những phạm nhân cải tạo tốt để mọi người noi theo và phê bình những ai phạm lỗi", Hùng cho biết.

Sau hơn hai năm lao động cải tạo trong trại giam, Hùng cũng đã có rất nhiều kỉ niệm khó quên với các quản giáo. Cậu chia sẻ rằng trong một lần ra thăm gặp gia đình, trong lúc nói chuyện, mẹ của Hùng có nói nhiều điều làm cậu bức xúc tâm lý.

Thấy cậu ra khỏi buồng thăm gặp với vẻ mặt buồn phiền thì các cán bộ đã đến bên vỗ vai động viên, hỏi han rất tình cảm và cho cậu những lời khuyên chân thành. Nhờ đó mà cậu vượt qua được nỗi khó khăn về tâm lý những ngày đầu mới đi thụ án.

Nói về tương lai, Hùng cho biết, hiện tại cậu cũng có tấm bằng kế toán trong tay nhưng còn e ngại vì mình là một kẻ từng chịu tù tội nên Hùng sẽ đi lao động trước, sau đó ôn luyện kiến thức để làm lại từ đầu.

Phạm nhân Nguyễn Duy Hùng.

Một trường hợp khác đó là Đàm Thu Hiền, 18 tuổi, người dân tộc Nùng ở Cao Bằng trò chuyện với chúng tôi với dáng vẻ, cách nói vô cùng hồn nhiên của một cô gái chưa từng trải. Nhìn nụ cười ngây thơ trên khuôn mặt Hiền không ai nghĩ rằng cô gái này đã nghe theo người khác để bán một người em qua bên kia biên giới.

Hiền kể lại rằng, khi học đến lớp 11, em đã cảm thấy khó chịu trước sự bao bọc của gia đình. Muốn kiếm tiền để khẳng định mình và phục vụ cho những buổi ăn chơi của nhóm bạn và mua sắm làm đẹp, Hiền được một người bạn thân giới thiệu và chỉ cho cách đưa người sang Trung Quốc bán lấy tiền.

Thấy bạn mình có nhiều tiền để tiêu, Hiền cũng thích và dùng điện thoại gọi cho một người em hẹn đi chơi. Khi người em của Hiền lên tới nơi thì bị các đối tượng đã đợi sẵn đưa đi bán.

Với cách nói chuyện vẫn còn ngây thơ, Hiền khẳng định rằng mình đã biết hết mánh khóe để dụ dỗ bán người của người bạn thân và khẳng định rằng "họ chắc chắn sẽ không bán cháu!". Và chỉ khi giải thích cho Hiền hiểu rằng, những người bị bán đi sẽ rơi vào hoàn cảnh nào, cô bé mới cúi gằm mặt và thể hiện sự biết lỗi của mình.

Nói về cảm nghĩ sau gần hai năm thụ án, Hiền cho biết: "Cháu sợ lắm rồi, cháu không muốn vào lại đây nữa đâu. Những ngày mới ở đây, nghe thấy tiếng đóng cửa cháu cũng giật mình". Và những chia sẻ tiếp theo đó của cô bé cũng khiến chúng tôi phải bật cười trước sự hồn nhiên ấy, Hiền nói: "Khi nào cháu được ra khỏi trại, chắc cháu sẽ đi bán hàng online để kiếm tiền chứ không đi lao động đâu. Cháu biết hành vi của mình là sai rồi nên sẽ không tái phạm nữa. Cháu sợ đi tù lắm rồi...".

Còn với trường hợp của Hoàng Thị Dương, 41 tuổi,  không vào trại một mình mà còn mang theo một sinh linh bé nhỏ, đó là con gái chị. Bị bắt khi mới mang thai được hai tuần về tội môi giới mại dâm, Dương đi thụ án khi đang chuẩn bị làm mẹ.

Biết được lỗi lầm của mình không chỉ khiến mình chịu tội lỗi mà giờ đây, cô con gái bé nhỏ cũng theo mẹ vào sống trong trại giam, Dương nhiều đêm thao thức không yên vì ân hận.

Nhờ sự động viên giúp đỡ của cán bộ, những ngày thụ án một mẹ một con của Dương không có mấy nỗi khó khăn. Mỗi buổi sáng, Dương lại gửi cháu đến nhà trẻ dành cho con phạm nhân rồi sau giờ lao động lại đón về. Vượt qua bao nỗi khó khăn, vất vả và nhớ con, Dương đã cố gắng lao động, cải tạo thật tốt để rồi đủ điều kiện hưởng đặc xá của Nhà nước.

Hai mẹ con Hoàng Thị Dương tại lớp học.

Khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa hai mẹ con chị có thể trở về cuộc sống ở bên ngoài bốn bức tường trại giam, lau giọt nước mắt vui mừng, chị cho biết: "Tôi còn nhớ những ngày mùa đông lạnh, các cán bộ đã bỏ tiền túi mua cho con tôi quần áo ấm, rồi động viên tinh thần lúc tôi gặp khủng hoảng. Ngoài trách nhiệm của một người mẹ thì sự giúp đỡ của các cán bộ chiến sĩ cũng giúp tôi cải tạo tốt để được hưởng đặc xá trong đợt này".

Cũng giống như ba trường hợp điển hình nói trên, hơn 100 phạm nhân được hưởng đặc xá năm 2016 của trại giam Phú Sơn 4 đều mong mỏi từng ngày cho đến ngày nhận quyết định đặc xá. 

Bởi với họ, một cơ hội làm lại cuộc đời đã được mở ra sớm hơn, đồng nghĩa là có nhiều hy vọng hơn trong việc hòa nhập, trở thành một người có ích cho xã hội. 

Điều đó càng thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong chủ trương đặc xá của Nhà nước ta, mở một lối thoát, một "lối tắt" đến ngày mai tươi sáng hơn cho những con người đã một lần lầm lỡ.

Lê Phong-Diệu Linh
.
.
.