Nuôi chim yến tự phát ở Bình Định - Khổ tiếng ồn, lo dịch bệnh

Thứ Ba, 10/11/2015, 23:14
Từ năm 2015 đến nay, phong trào xây nhà nuôi chim yến ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) phát triển rầm rộ, nhưng tự phát, thiếu kiểm soát nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn loay hoay không biết phải quản lý như thế nào, khiến người dân lo lắng.

Đổ xô nuôi yến

Theo ghi nhận của PV, hiện tại ở xã Tam Quan Bắc có khá nhiều hộ dân đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng những ngôi nhà cao tầng hoặc tận dụng tầng thượng để nuôi chim yến. Có nhà đang xây để ở nhưng thấy yến bay về, chủ nhà lại thay đổi thiết kế bằng cách giảm một phần diện tích nhà ở để “dành đất” nuôi yến. Thậm chí, có nhà nghỉ cũng tranh thủ “kiếm thêm” bằng cách xây chuồng nuôi yến ngay phía trên phòng lưu trú của du khách.

Tỉ như dọc tỉnh lộ 639 đoạn qua các thôn như: Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2 hoặc thôn Tân Thành 2, chúng tôi đếm có gần 40 ngôi nhà tường xây kín mít chi chít lỗ thủng theo đúng kiểu nhà dành riêng cho chim yến ở. Điều đáng nói ở đây là do không được quản lý nên việc nuôi yến ở các địa phương diễn ra khá lộn xộn; các nhà nuôi yến được xây dựng xen lẫn trong các khu dân cư. Việc lắp đặt hệ thống âm thanh để dẫn dụ chim yến gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt hàng ngày của người dân. Chưa kể mùi hôi từ phân chim yến thải ra khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm.

Khi PV đề cập về câu chuyện nuôi yến ở địa phương, một hộ dân ở thôn Tân Thành 2, kể khổ: “Mấy đứa trẻ nhà tôi, không lúc nào nó ngủ được tròn giấc cả, chỉ dăm mười phút tụi nó lại thức giấc. Trong bán kính vài chục mét mà có tới hai nhà nuôi chim yến, tờ mờ sáng là họ mở loa rồi. Người lớn như tôi cũng chịu không nổi huống chi là con nít. Dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan nào đưa ra hướng xử lý. Những người nuôi thì có cơ hội làm giàu, còn chúng tôi ở gần đó thì ngày đêm liên tục bị tra tấn bởi âm thanh phát ra”.

Nhiều ngôi nhà xây dựng dang dở chỉ đích là để nuôi chim yến.

Cần quy hoạch vùng nuôi

Theo thống kê của UBND xã Tam Quan Bắc, toàn xã hiện có 56 hộ nuôi chim yến. Dự tính thời gian tới, số hộ nuôi yến sẽ tiếp tục tăng. Ông Trương Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, nói: “Giá trị kinh tế từ nghề nuôi yến mang lại khá cao, song việc phát triển ồ ạt loài vật nuôi này đang chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, địa phương cũng không thể cấm bà con nuôi; bởi lâu nay, vẫn chưa có quy định cụ thể, chính thức nào hướng dẫn về việc quản lý, cấp phép cho loại hình này hoạt động. Xã chỉ có thể khuyến cáo người dân không nên phát triển tràn lan nghề nuôi này vì chim yến rất dễ mắc phải virus cúm, nguy cơ lây truyền rất nhanh, rất khó phòng tránh”.

Liên quan đến vấn đề này, năm 2013 Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Theo đó, Thông tư hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho phòng NN&PTNT các huyện, thành phố và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở phối hợp triển khai thực hiện công tác quản lý nuôi chim yến trên địa bàn. Tuy nhiên, theo UBND huyện Hoài Nhơn, công tác này hiện mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, rà soát và nhắc nhở các chủ cơ sở đảm bảo công tác vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh.

Còn theo Sở NN&PTNT Bình Định, việc nuôi chim yến ở các địa phương trong tỉnh nói chung và xã Tam Quan Bắc nói riêng thời gian qua còn mang tính tự phát, chưa có sự quản lý của các ngành chức năng. Vì vậy, việc quản lý các hộ nuôi yến còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là vấn đề phòng dịch bệnh cho chim yến. Trước mắt, để đề phòng hiểm hoạ dịch bệnh có thể phát sinh và lây lan từ các địa điểm nuôi yến, biện pháp cần thực hiện là tiến hành ngay việc giám sát các nhà nuôi yến. Những người có trách nhiệm phải thường xuyên lấy mẫu chim yến sống, tổ yến và phân yến tại tất cả hộ nuôi và tiến hành xét nghiệm để phát hiện kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, tại các nhà nuôi yến phải thực hiện thường xuyên việc tiêu độc, khử trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan ra bên ngoài. Đồng thời, các hộ nuôi yến cần theo dõi đàn chim ở nhà mình, nếu phát hiện chim mắc bệnh phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài, thiết nghĩ UBND tỉnh Bình Định và ngành chức năng liên quan cần tiến hành quy hoạch phát triển việc nuôi chim yến ở xa khu dân cư, không được nuôi ở những khu đông dân cư như hiện nay. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên làm nhà theo kiểu vừa nuôi chim yến ở tầng trên, vừa để con người sinh sống ở bên dưới vì ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi có dịch bệnh xảy ra. Có như vậy, nghề nuôi chim yến mới phát triển bền vững, không gây ra những hệ lụy xấu tác động đến môi trường và đời sống của người dân ở địa phương.

Hoàng Nguyên
.
.
.