Lính thợ Lilama

Thứ Ba, 05/02/2019, 12:01
Giờ đây, Lilama không chỉ làm nhà thầu phụ cho các tập đoàn nước ngoài mà còn làm tổng thầu nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực dầu khí, nhiệt điện, thủy điện, xi măng ở Việt Nam và bắt đầu tham gia các dự án ở nước ngoài…


Tôi muốn gọi những kỹ sư, công nhân của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) bằng cái tên ấy, bởi từ nhiều năm qua, họ thực sự là những người lính trên “mặt trận” khoa học công nghệ, khi đã làm chủ và ứng dụng sáng tạo nhiều công nghệ mới vào sản xuất. Giờ đây, Lilama không chỉ làm nhà thầu phụ cho các tập đoàn nước ngoài mà còn làm tổng thầu nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực dầu khí, nhiệt điện, thủy điện, xi măng ở Việt Nam và bắt đầu tham gia các dự án ở nước ngoài…

1. Chúng tôi có mặt tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vào những ngày cuối cùng của năm 2018 và chứng kiến không khí làm việc hối hả bởi theo kế hoạch, vào ngày 25-1-2019, nhà máy sẽ đốt lò. 

Giám đốc Ban dự án Lilama Nguyễn Hồng Sỹ cho biết, Dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Liên danh  DOOSAN – MITSUBISHI - PECC2 - PACIFIC làm tổng thầu; Lilama là nhà thầu lắp đặt toàn bộ thiết bị cơ điện của hai nhà máy. Vì vậy dù là thầu phụ nhưng phần việc của Lilama lại quan trọng nhất và quyết định tiến độ của cả dự án.

Chế tạo linh kiện cẩu cảng tại nhà máy cơ khí - Công ty Cổ phần Lilama 18

Sau khi khoác đủ bộ giầy, áo, mũ bảo hộ và khoác vào người bộ dây bảo hiểm nặng trịch vì lỉnh kỉnh các loại móc kim loại, chúng tôi mới được vào công trường. Nói không quá, quy định an toàn ở các công trình này nghiêm không kém nội quy doanh trại quân đội. 

6 giờ sáng tất cả từ Giám đốc tới công nhân đã phải có mặt để… tập thể dục, sau đó vào làm việc đến 11 giờ trưa mới nghỉ; chiều làm việc từ 13 giờ đến 18 giờ là tất cả phải ra khỏi công trường; cứ 50 công nhân sẽ có một người làm công tác đảm bảo an toàn lao động theo đúng chuẩn mực thế giới; ai vi phạm là phạt, lần thứ nhất sẽ bị phạt đi làm vệ sinh công trường, lần thứ 2 vi phạm là bị đuổi chứ không có chuyện “thông cảm”. 

Giám đốc Nguyễn Hồng Sỹ cho biết thời điểm này đã là giai đoạn thi công cuối cùng nên Lilama còn 1.300 kỹ sư, công nhân đang làm việc, chứ lúc cao điểm có lúc tới  hơn 3.000 người nên phải kỷ luật sắt mới quản lý được. Với Dự án Vĩnh Tân 4 mở rộng, Doosan từng thuê một đơn vị độc lập về kiểm tra an toàn sang kiểm tra công trường, lần thứ nhất đơn vị kiểm định chấm điểm đạt đạt điểm an toàn 87/100 - cao nhất trên các công trường của tổng thầu Doosan trên toàn thế giới.

Chúng tôi theo Nguyễn Hồng Sỹ leo hết một lượt lên tháp lò hơi cao tới 73m chỉ toàn sắt thép. Khởi công từ ngày 11-5-2017, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng có 1 tổ máy công suất 600 MW. Để dựng lên khối sắt thép này, hơn 1 năm rưỡi qua, những người thợ Lilama đã lắp đặt 23.500 tấn thiết bị, 780km cáp điện và điều khiển. Còn nếu tính cả Dự án Vĩnh Tân 4 bên cạnh đã phát điện thương mại thì 4 năm qua, lính thợ Lilama lắp đặt 66.300 tấn thiết bị, 1.550 km cáp điện.

Thấy khách leo một lúc đã kêu mỏi chân, Nguyễn Hồng Sỹ cười bảo rằng ngày nào anh cũng leo ít nhất 2 lần, có ngày 4 lần vừa để kiểm tra, vừa là một cách… thể dục. 

Nguyễn Hồng Sỹ tự hào “khoe” sở dĩ Lilama được chủ đầu tư và tổng thầu chọn là nhà thầu cho hạng mục lắp đặt cơ điện của Vĩnh Tân 4 mở rộng bởi trước đó đưa Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hoàn thành trước tới 2 tháng so với kế hoạch. 

Và một lần nữa Lilam đã chứng minh cái sự “chọn mặt gửi… dự án” ấy là không sai khi ngày 25-1-2019 này, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng sẽ bắt đầu đốt lò, hoàn thành trước kế hoạch 1 tháng. 

“Bí quyết của chúng tôi là luôn phối hợp chặt chẽ với tổng thầu để làm chủ tiến độ. Làm việc với tổng thầu Doosan Hàn Quốc, chúng tôi học được tinh thần làm việc nỗ lực chăm chỉ, cần mẫn, nỗ lực trong công việc. Về mặt kỹ thuật những người thợ Lilama hoàn toàn không hề thua kém”.

2. Để có thể tự tin khẳng định trình độ mình không hề thua kém các nhà thầu nước ngoài như bây giờ, nhiều năm qua, Lilama đã có chiến lược đào tạo nhân lực, đặc biệt là lực lượng kỹ sư, công nhân trẻ bởi đó là những người luôn cập nhật và làm chủ công nghệ mới nhanh nhất. Vì thế mà những năm gần đây, ngoài làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài, Lilama còn trở thành tổng thầu EPC nhiều dự án trong nước. 

Công nhân kỹ thuật lắp đặt thiết bị tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng.
Và đặc biệt là tháng 6-2018, lần đầu tiên Lilama đã trúng thầu hợp đồng gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí cho Dự án Nhà máy phân bón A/U Brunei tại Brunei với Tổng thầu Thyssenkrupp Industrial Solution AG (tkIS) - Đức, đây là nhà máy có vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. 

Theo hợp đồng ký kết, với thời gian thi công 23 tháng, Lilama thực hiện gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí, chiếm khoảng 80% phần công việc cơ khí của dự án và có thể tăng thêm trong quá trình thực hiện. 

Nhà máy phân bón A/U Brunei là dự án đầu tiên của Lilama đầu tư ở nước ngoài với phạm vi công việc hoàn chỉnh gồm cung cấp vật tư, sắp xếp và cung ứng nhân lực, cung cấp máy móc thi công. Để trúng gói thầu này, Lilama đã phải vượt qua nhiều nhà thầu quốc tế và trở thành nhà thầu đầu tiên của Việt Nam thực hiện dự án với phạm vi công việc như vậy ở nước ngoài. 

Đây là dự án có yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng, tiến độ và đặc biệt là công tác an toàn trong thi công. Để hoàn thành khối lượng công việc, vào lúc cao điểm nhất, Lilama sẽ phải huy động tới 1.200 kỹ sư và công nhân từ các đơn vị thành viên của tổng công ty để thực hiện lắp đặt tại Brunei.

3. Nói đến những người thợ góp phần làm nên thương hiệu Lilama như hôm nay, ngoài lực lượng lắp máy, còn có những người thợ ở mảng cơ khí chế tạo. Bởi từ nhiều năm nay, các công ty Lilama 69-1, 69-3, Lisemco, Lilama 18 đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Hôm đến Nhà máy cơ khí của Công ty CP Lilama 18, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy anh Nguyễn Khắc Thành, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc nhà máy đưa cho cái list dài những khách hàng đang đặt hàng sản phẩm, trong số đó có rất nhiều tập đoàn lớn quốc tế như  SMS Group, Danieli Corus, Takraf, Kocks Crane, Jhonzink… Đặc biệt Tập đoàn Kocks Crane từ nhiều năm nay đã đưa Lilama 18 vào nhóm các nhà cung ứng thiết bị thường xuyên cho họ. 

Hiện nay, Lilama 18 có khoảng 40 khách hàng lớn là các tập đoàn cơ khí tập trung ở các mảng sản phẩm: cẩu cho cảng biển, thiết bị của các nhà máy lọc hoá dầu và thiết bị cho các dây chuyển vận chuyển và khai khoáng. Ngoài ra còn thường xuyên cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, nhà máy thép… Với số lượng khách hàng ổn định như vậy, hiện mỗi năm doanh thu từ xuất khẩu sản phẩm cơ khí của Lilama 18 đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lilama 18 Nguyễn Duy Lợi kể rằng để có thể trụ vững và phát triển như hôm nay, công ty đã từng phải trải qua giai đoạn “định vị” lại mình. Thực tế ngành chế tạo, gia công cơ khí ở Việt Nam hầu như không có thuận lợi gì vì thép phục vụ cho sản xuất công nghiệp vẫn phải nhập khẩu 100%. Vì vậy các doanh nghiệp sản xuất cơ khí Việt Nam luôn thua Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Âu với các hợp đồng sản xuất hàng loạt bởi họ có nguyên liệu sẵn, sản xuất được số lượng lớn, giá thành rẻ hơn. Vì thế Lilama 18 chọn đi “đường ngách” là sản xuất sản phẩm đơn lẻ, phi tiêu chuẩn và luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất. 

“Để làm được điều đó, trước hết phải nâng cao tay nghề của người thợ, nâng cao hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế đặc biệt là các tiêu chuẩn châu Âu vì đây là thị trường Lilama18 hướng đến”.

Năm 2009, Lilama 18 nhận gia công chế tạo sản phẩm băng chuyền cho dự án Nhà máy Xi măng Hà Tiên và được khách hàng ghi nhận sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng. Từ đây công ty bắt đầu tập trung đầu tư thêm nhân lực, cơ sở vật chất cho việc gia công chế tạo các sản phẩm phục vụ công nghiệp khai khoáng và bốc dỡ hàng hóa như stacker, reclaimer, ship unloader…

Sau 10 năm kể từ đơn hàng đầu tiên, giờ đây Lilama 18 đã chủ động nắm vững công nghệ và tổ chức sản xuất, đáp ứng đơn hàng với chất lượng ổn định và tiến độ mà nhiều đơn vị trong nước chưa làm được. 

Nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu thì nay được giao cho Lilama 18 gia công chế tạo ngay trong nước, thậm chí xuất khẩu đi thị trường châu Á như Myanmar rồi vươn xa đến những thị trường khó tính như Trung Đông, Nga, Canada, Hoa Kỳ… 

Cùng với các sản phẩm truyền thống của Nhà máy Chế tạo cơ khí Lilama 18 như cẩu container cho các cảng biển, sông; các sản phẩm thiết bị áp lực cho các nhà máy lọc hóa dầu thì giờ đây các sản phẩm bốc dỡ như Stacker, Reclaimer, Ship unloader phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, cảng xuất liệu và ngành công nghiệp khai khoáng sẽ ngày càng góp phần đa dạng hóa sản phẩm cơ khí của công ty. Trong số những đối tác mới, có những khách hàng đã tự tìm đến vì được chính khách hàng cũ giới thiệu. 

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Khắc Thành thì tiếc rẻ kể rằng mới đây công ty đã phải từ chối một đơn hàng của Nhật chỉ vì họ yêu cầu bàn giao sản phẩm tổng thành chứ không nhận từng gói phụ kiện rời. Mà để lắp tổng thành như vậy thì phải ở gần cảng biển mới làm được, trong khi nhà máy sản xuất lại đặt ở… Bình Dương, cách cảng gần trăm cây số, rất khó vận chuyển đường bộ nên đành chịu…

Ai đó đã nói rằng để đến đích mỗi người phải tự chọn cho mình con đường phù hợp. Trong cuộc cạnh tranh trên thương trường, những người thợ Lilama đã chọn được cho mình con đường phù hợp để đưa sản phẩm “Made in Việt Nam” đi ra thế giới.

Nguyễn Thiêm
.
.
.