Làn sóng chiến tranh thương mại mới
- Trung Quốc lớn tiếng với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại
- Mỹ - Trung đạt thỏa thuận tránh nguy cơ chiến tranh thương mại
- Nga sẽ là "ngư ông đắc lợi" khi Mỹ-Trung chiến tranh thương mại?
Giới phân tích lập tức cho rằng quyết định của Washingtion có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại với các đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu.
Không chừa đồng minh
Trong bối cảnh lệnh miễn trừ EU trong chính sách áp thuế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nhôm, thép nhập khẩu từ EU hết hiệu lực vào ngày 1-6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đưa ra thông báo: Kế hoạch áp 25% thuế đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sẽ có hiệu lực kể từ 4 giờ GMT ngày 1-6.
Ngay sau thông báo của Mỹ, “Bà Đầm thép” của Đức Angela Merkel khẳng định các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ có đáp trả "kiên quyết và thống nhất" trước việc Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của các nhà sản xuất châu Âu.
Trước đó, EU đe dọa sẽ đáp trả với các biện pháp thuế tương đương, nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu có tính biểu tượng từ Mỹ như xe motor Harley-Davidson, đồ jeans và rượu whisky. Cũng liên quan đến việc Mỹ áp mức thuế mới đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, Chính phủ Canada hôm 30-5 cảnh báo sẽ "trả đũa" thương mại Mỹ trong trường hợp Tổng thống Trump áp mức thuế này đối với quốc gia láng giềng.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ở Paris, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng thương mại thế giới không nên là một cuộc "đọ súng" giữa các nước; đồng thời cảnh báo EU sẵn sàng thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để đáp trả nếu Mỹ áp mức thuế mới đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu. Ông Le Maire nêu rõ các biện pháp thuế cứng rắn là "vô lý và nguy hiểm" đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại tự do.
Chung quan điểm trên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo về mối đe dọa chủ nghĩa bảo hộ, cho rằng cần ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và cô lập trong thương mại tự do. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng EU phải có biện pháp đáp trả mạnh mẽ trước mọi hành động áp thuế của Mỹ.
Tháng 3 vừa qua, Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu thêm 25% đối với thép và 10% đối với nhôm với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ trước sự lấn át của các nhà sản xuất nước ngoài ngay tại "sân nhà”. Tuy nhiên, Mỹ tạm miễn áp mức thuế mới này đối với một số đối tác trong đó có EU để thương lượng thêm cho đến ngày 1-6.
Tấn công thị trường ô tô
Không chỉ nhắm đến thị trường nhôm và thép, chính quyền của Tổng thống Trump còn nhắm vào thị trường ô tô, một ngành xuất khẩu quan trọng của châu Á, đặc biệt là Nhật Bản - một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực.
Hôm 24-5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo mở cuộc điều tra để làm căn cứ cho chính phủ nước này xem xét áp thuế đối với các sản phẩm ô tô nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
Những đồng minh của Mỹ như Mexico cũng không nằm ngoài làn sóng chiến tranh thương mại mới này. |
Giới phân tích nhận định việc Mỹ áp thuế nhập khẩu ôtô lên tới 25% sẽ là "đòn đau" với các nhà sản xuất ôtô châu Á vốn luôn coi Mỹ là thị trường chủ đạo. Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko hôm 31-5 đã lên tiếng cảnh báo kế hoạch áp thuế đối với ô tô nhập khẩu của Mỹ có thể là "một đòn giáng mạnh" vào thương mại thế giới.
Trong tuyên bố chung, Ủy viên Malmstrom và Bộ trưởng Seko nhấn mạnh việc áp thuế trên sẽ gây ra tác động lớn tới một bộ phận rất quan trọng của thương mại toàn cầu. Điều này sẽ gây "rối loạn nghiêm trọng" thị trường toàn cầu, cũng như dẫn tới sự kết thúc của hệ thống thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hai bên cũng chia sẻ những quan ngại sâu sắc trước việc Mỹ áp thuế và hạn nghạch bổ sung đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu.
Quay lại “đánh” Trung Quốc
Trong một động thái tương tự, ngày 29-5 Mỹ cho biết sẽ không thay đổi kế hoạch áp đặt thuế quan hạn mức 50 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh không giải quyết vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo Reuters.
Washington cũng sẽ áp dụng những hạn chế đối với các công ty Trung Quốc đầu tư tại Mỹ cũng như có các biện pháp kiểm soát lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, tuyên bố từ Nhà Trắng cho hay. Chi tiết về chính sách kiểm soát đầu tư và xuất khẩu của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 30-6 và sắc lệnh về thuế sẽ được công bố trước ngày 15-6.
Các quan chức Chính phủ Mỹ cho rằng chính sách thuế và các chế tài sẽ vẫn được duy trì ngay cả sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận làm giảm thặng dư thương mại 375 tỷ USD giữa hai nước. Danh sách các mặt hàng có thể chịu mức thuế mới đã được Đại diện Thương mại Mỹ công bố, phần lớn các mặt hàng này là các sản phẩm mang tính nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất các sản phẩm khác cùng với một số mặt hàng điện tử.
Trung Quốc đe dọa sẵn sàng bảo vệ lợi ích đến cùng nếu Mỹ quyết chiến tranh thương mại. |
Ngay sau khi Nhà Trắng phát đi thông báo, Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt và nói rằng rất ngạc nhiên trước hành động này của Mỹ đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích của mình.
Các mối đe dọa từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động mạnh đến thị trường tài chính, mặc dù nhiều nhà kinh tế tin rằng hai bên sẽ không để xảy ra xung đột lớn về kinh tế.
Trung Quốc nhiều lần nói rằng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao và không quan tâm tới cáo buộc của Washington cho rằng những công ty công nghệ cao của nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Đầu tháng 5, quan ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạm lắng xuống khi 2 bên đã đồng ý xem xét các biện pháp để làm giảm thặng dư thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, diễn biến mới dường như cho thấy 2 bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Mỹ mong muốn thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm 200 tỷ USD trong 2 năm, một con số được xem là không thực tế đối với hầu hết các nhà kinh tế và chuyên gia thương mại.
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn từ nội bộ Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đang muốn tập hợp một nhóm quốc gia để chống lại và phản công các đòn áp thuế từ phía Mỹ.
Hiện tại, tên của những nước nói trên chưa được công bố, nhưng theo tờ WSJ nhận định, các đồng minh mà Bắc Kinh muốn lôi kéo sẽ tập trung chủ yếu ở châu Âu và châu Á.
Bằng lá bài mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp của các quốc gia nói trên, Trung Quốc muốn có hậu phương vững chắc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể sẽ nổ ra bất kỳ lúc nào.