Khi người thân phạm tội

Thứ Hai, 28/12/2020, 07:49
Trong nhiều trường hợp, vì tình cảm gia đình mà bố mẹ không tố giác con dù biết rõ con phạm tội. Theo quy định của pháp luật, bố mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này hay không?


Những năm gần đây, số lượng người phạm tội "Che giấu tội phạm" và "Không tố giác tội phạm" có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động. Nhiều vụ án chỉ có 1, 2 người gây án mà kéo theo 4 đến 5 người thân vào vòng lao lý. Điển hình nhất là vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp tài sản ở Bắc Giang. Ông Lê Văn Miên (bố Lê Văn Luyện), Trương Thanh Hồng (anh họ), Lê Thị Định (cô ruột), Lê Văn Nghi và vợ chồng ông Trương Văn Hợp (bố, mẹ của Hồng) bị truy tố về các tội che giấu, không tố giác tội phạm. Chỉ vì tình thương mù quáng mà họ đã làm ảnh hưởng lớn tới công tác điều tra.

Ngành tư pháp của Việt Nam và thế giới ghi nhận không ít vụ việc về sự khó xử của đương sự khi người thân của họ phạm tội.

William Bulger trên tờ The Boston Globe.

Hai câu chuyện về trách nhiệm pháp luật và tình anh em

Câu chuyện đầu tiên của William (Bill) và James ("Whitey") Bulger. Bill và Whitey cùng lớn lên trong một gia đình có chín người con ở Nam Boston. Bill là sinh viên chăm chỉ học ngành văn học và có một bằng luật của Đại học Boston. Người anh trai Whitey lại bỏ học từ thời trung học, sống bụi đời, ăn cắp và phạm nhiều tội ác khác.

Cả hai người đều nổi bật ở thế giới của mình. William Bulger bước vào chính trường, trở thành Chủ tịch Thượng viện tiểu bang Massachusetts (1978-1996), sau đó làm Hiệu trưởng trường Đại học Massachusetts trong bảy năm. Whitey phải ngồi tù liên bang vì cướp ngân hàng, sau đó trở thành đầu lĩnh của băng Hill Winter dã man, một nhóm tội phạm có tổ chức kiểm soát việc tống tiền, buôn bán ma túy, và các hoạt động bất hợp pháp ở Boston. Whitey bỏ trốn để tránh bị bắt vào năm 1995, Gã vẫn chưa bị bắt, và nằm trong danh sách "10 kẻ bị truy nã gắt gao nhất" của FBI.

Mặc dù có nói chuyện với người anh trai đang chạy trốn của mình qua điện thoại, William Bulger tuyên bố không biết nơi anh trai trốn, và từ chối hỗ trợ chính quyền trong việc tìm kiếm. Khi William điều trần trước bồi thẩm đoàn vào năm 2001, một công tố viên liên bang ép ông (nhưng không thành công) để biết thông tin về người anh trai: "Vậy thành thật mà nói, ông cảm thấy mình trung thành với anh trai hơn hay với nhân dân tiểu bang Massachusetts hơn?". "Tôi không bao giờ nghĩ theo cách đó" Bulger trả lời, "Nhưng tôi trung thành thực sự với anh tôi, và tôi quan tâm đến anh ấy... Tôi hy vọng mình không bao giờ giúp ích cho bất cứ ai chống lại anh ấy. Tôi không có nghĩa vụ giúp bất cứ ai bắt anh ấy".

Trong các quán rượu ở Boston, khách hàng bày tỏ sự ngưỡng mộ với lòng trung thành của Bulger. "Tôi không trách ông ấy đã không tiết lộ về người anh trai", một cư dân nói với tờ The Boston Globe. "Anh em là anh em. Bạn có chỉ điểm gia đình mình không?". Ban biên tập và phóng viên tờ báo thì chỉ trích hơn. Một người phụ trách chuyên mục viết: "Thay vì đi theo con đường chân chính, ông ta đã chọn luật giang hồ". Dưới áp lực công chúng do từ chối hỗ trợ tìm kiếm anh trai, Bulger từ chức Hiệu trưởng trường Đại học Massachusetts vào năm 2003, mặc dù ông không bị buộc tội cản trở việc điều tra.

Ở một câu chuyện khác, có người đã lựa chọn hành động trái ngược hoàn toàn với William Bulger.

Trong hơn mười bảy năm, nhà chức trách Mỹ đã cố gắng truy tìm kẻ khủng bố trong nước chịu trách nhiệm về hàng loạt các vụ gửi bom thư làm chết ba người và bị thương 23 người khác. Bởi vì mục tiêu của gã là các nhà khoa học và các học giả, kẻ đánh bom khó tóm này được gọi là "Sát thủ bom thư". Giải thích nguyên nhân đằng sau những hành động của mình, Sát thủ bom thư đăng một bản tuyên ngôn chống công nghệ 35.000 từ trên Internet, và hứa sẽ ngừng đánh bom nếu hai tờ báo New York Times và Washington Post in bản tuyên ngôn này, và hai tờ báo đã thực hiện.

Khi David Kaczynski, một nhân viên xã hội 46 tuổi ở Schenectady, New York, đọc bản tuyên ngôn, ông thấy nó cực kỳ quen thuộc. Cụm từ và ý tưởng rất giống ý tưởng của anh trai Ted 54 tuổi của mình, một nhà toán học tốt nghiệp Harvard hiện đang sống ẩn dật. Ted khinh miệt xã hội công nghiệp hiện đại và sống trong một túp lều gỗ trên núi ở Montana. David đã không gặp anh trai trong hơn một thập kỷ.

Sau nhiều giằng xé, năm 1996, David thông báo với FBI nghi ngờ của ông rằng Sát thủ bom thư là anh trai mình. Đặc vụ liên bang tìm ra và bắt giữ Ted Kaczynski. Mặc dù David đã được cho biết trước là công tố viên sẽ không đưa ra hình phạt tử hình, nhưng họ đã làm thế. Viễn cảnh đẩy anh trai mình vào chỗ chết là một suy nghĩ đau đớn. Cuối cùng, công tố viên thỏa thuận Ted Kaczynski nhận tội để đổi án chung thân không có quyền kháng án.

Ted Kaczynski từ chối nhận em trai trước tòa và trong bản thảo cuốn sách viết trong tù, ông ta gọi người em là "một Judas Iscariot khác". David Kaczynski đã cố gắng xây dựng lại cuộc sống của mình, một cuộc sống đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ việc này. Sau khi cố gắng vận động chống án tử hình cho người anh trai, ông trở thành Chủ tịch của một nhóm chống án tử hình. "Anh em có nhiệm vụ bảo vệ lẫn nhau", ông nói với một khán giả, mô tả tình trạng khó xử của mình, "và có lẽ, tôi đã đẩy anh trai mình đến chỗ chết".

Ông nhận khoản tiền thưởng một triệu đô la từ Bộ Tư pháp do đã giúp đỡ tóm gọn Sát thủ bom thư, nhưng đã đưa phần lớn số tiền này cho gia đình những người chết và bị thương do anh trai mình gây ra. Và ông thay mặt gia đình xin tha thứ cho các tội ác của người anh trai.

Luật pháp Việt Nam quy định vấn đề này như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, "người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này".

Pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể về tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.

Cụ thể, Điều 390 của Bộ luật này, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội không tố giác tội phạm như sau:

"1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt".

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 19 nêu trên, "người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này (các tội xâm phạm, đe doạ an ninh quốc gia) hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại: Tội phạm ít nghiêm trọng; Tội phạm nghiêm trọng; Tội phạm rất nghiêm trọng; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo điểm d khoản 1 Điều 9 của Bộ luật này, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, "Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình".

Như vậy, ngoài các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Dù tình cảm gia đình có sâu nặng tới đâu, trước pháp luật, mọi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi trái pháp luật của mình. Đừng vì tình thân mà hành động mù quáng để rồi vướng vào vòng lao lý.

Tiến Đỗ
.
.
.