Hành trình trở về của một cô gái sau 16 năm lưu lạc xứ người

Thứ Năm, 29/11/2018, 14:26
Khi vừa tròn 15 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Xuân (tên nạn nhân đã được thay đổi) bị kẻ xấu dụ dỗ sang Trung Quốc rồi đưa vào một khu nhà chứa, sau 16 năm sống trong tủi nhục ở đất khách quê người, cô bé Xuân năm xưa đã trốn chạy, tìm được đường về nhà.


Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1987, tại gia đình ở một xóm nghèo thuộc huyện An Lão, thành phố Hải Phòng khi chị vừa trốn thoát từ Trung Quốc trở về. 

Trong tâm trạng vẫn còn mệt mỏi, chị kể cho chúng tôi nghe: Vào một buổi chiều tháng 9-2002 (lúc đó chị mới 15 tuổi) khi mẹ đang phơi rơm, một mình, Xuân chơi ngoài ngõ thì gặp Nguyễn Văn M và Trần Thị K mà Xuân đã quen biết từ trước. 2 người này bảo có muốn đi Quảng Ninh phụ việc bán hàng, nhàn mà có lương cao không? 

Đang trong lúc có "tâm trạng buồn", hơn nữa lại là những người quen bảo giúp đỡ nên Xuân đã đồng ý. Sau đó M và K chở xe máy đưa Xuân đến Kiến An gặp hai người phụ nữ tên Hương và Hồng. Ngay tối hôm đó, Xuân được hai người này đưa lên ôtô, chạy thông đêm, khi tỉnh dậy thì thấy mình đang ở một vùng toàn đồi núi. Lúc này, Xuân không thấy hai cô "Hương", "Hồng" đâu nữa. 

Tại đây có một số người lạ mặt đón, đưa qua một con sông rồi leo bộ nhiều giờ đồng hồ qua các dãy núi thì đến một dãy nhà ở một khu cách biệt, có rất nhiều phụ nữ, cả người Việt và người Trung Quốc. Qua tiếp xúc nói chuyện với một số phụ nữ người Việt, Xuân được biết, đây là một khu "nhà chứa", Những phụ nữ đã đến đây thì đều phải "làm gái", dưới sự điều hành của những người Trung Quốc. Lúc này cô rất hoảng sợ nhưng không biết phải làm gì.

Những ngày đầu, họ cho cô ở trong một căn phòng có người canh gác liên tục, không cho ra ngoài nhưng cũng không bắt phải làm gì, đến bữa thì cho ăn, rồi mua sắm cho quần áo mới. Được khoảng vài tuần, họ có đưa cô đi chợ cách đó khá xa nhưng cũng luôn bị giám sát chặt chẽ. Qua đó cô mới biết đây là tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc. 

Được một thời gian sau thì "chủ nhà chứa" bắt đầu ép Xuân phải làm những việc mà cô không mong muốn. Khi cố chống lại thì bị đe dọa, đánh đập, giam giữ không cho ăn... Là thiếu nữ mới lớn, lại ở giữa nơi đất khách quê người, không biết bấu víu, kêu cứu với ai nên đành phải nhắm mắt... 

Bắt đầu từ đây, Xuân phải sống những chuỗi ngày ê chề, tủi nhục, thân xác bị giày vò, nhiều khi đến kiệt sức... cùng với đó là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ và anh chị em không ngừng day dứt. Đã rất nhiều lần cô tìm cách trốn chạy, mong tìm đường trở về với gia đình nhưng đều bất thành vì không biết đường, lại không có tiền...

Đến khoảng đầu tháng 11-2018 khi Công an Trung Quốc đến kiểm tra khu nhà chứa này đã đưa Xuân và một số phụ nữ khác đến một nơi cách đó khá xa để khám, chữa bệnh... Sau khoảng 10 ngày, lợi dụng lúc sơ hở của những người quản lý ở đây, Xuân đã bỏ trốn ra ngoài. 

Trong túi Xuân lúc đó chỉ có vỏn vẹn 250 ngàn tiền Việt tích cóp được từ trước. Sợ bị truy đuổi nên chị không dám đi xe khách mà bỏ chạy thục mạng qua những dãy đồi núi, hướng về phía Việt Nam. Sau mấy ngày đêm đói khát, trong thời tiết mưa gió, chị còn bị ngã lên ngã xuống với thương tích đầy người...

Đến khoảng 9h ngày 15-11 thì Xuân tìm được đến khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Lúc này chị đã gần như kiệt sức và rất hoang mang không biết đi đâu giữa đồi núi hoang vu, thì may mắn được tổ công tác của Trạm kiểm soát  Biên phòng Tân Thanh phát hiện. Chị được tổ công tác đưa về Trạm cho ăn uống, tắm rửa, mua quần áo cho thay, hỏi han động viên rồi liên lạc với gia đình.

Những giây phút xúc động được gặp lại người thân sau 16 năm xa cách gia đình của chị Xuân.

Niềm vui và nước mắt của người mẹ

Gặp bà Nguyễn Thị C, mẹ đẻ của Xuân, nhìn ánh mắt bà chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng khi gặp lại đứa con sau gần 20 năm tưởng như mất tích. Bà cho biết: "Nhà tôi nghèo lắm, sinh được 4 người con, Xuân là thứ 3, nó lại không được khôn ngoan cho lắm. Cháu chỉ học hết lớp 2, chữ viết còn chưa thạo. Bố cháu bị bệnh mất năm 2001. Tôi không thể quên được cái buổi chiều ngày 9-9-2002 ấy, không thấy con đâu tôi tưởng nó chỉ đi chơi với bạn bè, nhưng càng chờ càng mất tăm. 

Cả gia đình, họ hàng bỏ hết công việc, bủa đi khắp nơi hỏi han tìm kiếm nhưng vẫn bặt vô âm tín. Gia đình đã trình báo với chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ, nhưng cũng không thấy tin tức gì... Suốt mười mấy năm qua, cả gia đình tôi luôn sống trong âu lo, mong ngóng tin con... Nhất là khi nghe ở địa phương và mấy xã xung quanh có một số phụ nữ cũng "mất tích" như trường hợp con tôi lại bị lừa bán đi Trung Quốc, chúng tôi lại càng lo sợ cho số phận của nó...

Đến một ngày trong tháng 6-2018 vừa qua, tôi nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ không quen biết gọi đến tự xưng tên là Trang. Chị này nói có biết Xuân và mới cứu được Xuân ra khỏi ''sới làm gái" bên Trung Quốc, hiện đã đưa về Việt Nam. Tôi chỉ cần mang 10 triệu đồng lên địa chỉ ở Hà Nội là sẽ được đưa con về nhưng tôi không được báo cho Công an. 

Sau đó chị này còn đăng lên Facebook có tên Trang Trần và Facebook của một người khác về thông tin và ảnh của con gái tôi với 2 đầu gối thâm tím. Tôi nhìn ảnh con mà xót xa vô cùng, nhưng cũng có chút hy vọng là con mình còn sống. Do Trang có nói những câu như đe dọa nên gia đình không dám báo Công an mà tức tốc vay mượn, mang tiền lên Hà Nội. Đến địa chỉ Trang cho tại một căn phòng ở tầng 15 khu chung cư thuộc quận Cầu Giấy. 

Tại đây gặp được Trang, tôi đề nghị chị ta cho tôi nói chuyện điện thoại với con rồi muốn lấy bao nhiêu tiền tôi cũng lo nhưng không được chị ta đáp ứng. Sau đó Trang và một số người lạ khác tiếp tục gọi điện hẹn gặp tôi ở nhiều điểm khác nhau trên Hà Nội. Mỗi lần như vậy tôi lại cùng với con trai (anh ruột Xuân) khăn gói lên đó nhưng đều không gặp được ai. Lần cuối cùng mẹ con tôi lên thì thấy người này đã chuyển đi nơi khác và tắt luôn các số điện thoại đã gọi đến cho tôi trước đó. 

Gia đình tôi nghĩ bị chúng bày thủ đoạn để lừa…. Cả nhà tôi lại tiếp tục chìm vào vô vọng, hoang mang lo lắng không biết con mình đang ở đâu, sống chết thế nào... Đến hôm vừa rồi khi nhận được điện thoại của Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn báo tin tìm thấy nó, tôi nghe xong mà như sống lại. Cả gia đình, họ hàng tôi cũng mừng lắm, lập tức thuê xe lên làm thủ tục đón nó về... Qua đây, gia đình tôi gửi lời biết ơn chân thành nhất đến các anh bộ đội biên phòng Trạm Tân Thanh Lạng Sơn, chính quyền các địa phương và nhất là những người đã giúp chúng tôi đón được con về...".

PV trao đổi với Xuân tại gia đình.

Những tấm lòng nhân ái

Trong câu chuyện này không thể không nhắc đến đến những người có tâm, nhiệt tình trong việc lặn lội đi tìm địa chỉ giúp chị Xuân nhanh chóng về với gia đình. Đó là chị Phạm Thuý Nga ở quận Ngô Quyền và anh Nguyễn Quí Văn, ở huyện An Lão. 

Theo chị Nga cho biết, sáng 15-11, chị nhận được điện thoại của một người bạn là bộ đội biên phòng Lạng Sơn nhờ tìm giúp địa chỉ gia đình của một phụ nữ ở Hải Phòng mà đơn vị tìm thấy ở khu vực biên giới Lạng Sơn. Do chị này xa nhà đã quá lâu, lại không có giấy tờ tuỳ thân, địa chỉ quê quán cũng không nhớ chính xác, lúc thì bảo ở huyện An Dương, sau lại nói ở huyện An Lão, chị này gần như không biết chữ mà chỉ nhớ tên mẹ là bà C và mang máng nhớ tên thôn, huyện nơi sống lúc còn nhỏ... 

Sau một ngày ròng rã đi tìm ở nhiều xã thuộc huyện An Dương và An Lão, anh Văn và chị Nga đã tìm được mẹ của chị Xuân rồi báo cho bộ đội biên phòng Lạng Sơn. Trạm Biên phòng Tân Thanh đã điện mời gia đình chị Xuân lên, sau khi xác định chính xác nhân thân, thân nhân của chị, Trạm Biên phòng Tân Thanh đã làm các thủ tục theo qui định của pháp luật, bàn giao chị cho gia đình đón về.

Chị Phạm Thuý Nga cũng cho biết thêm: Được biết hoàn cảnh gia đình chị Xuân hiện rất khó khăn, tâm lý của Xuân cũng chưa ổn định, sức khỏe đang còn rất yếu nên chị dự định sẽ cùng một số bạn bè bố trí cho Xuân đi khám, chữa bệnh (nếu bị bệnh) miễn phí vào những ngày tới đây...

Đại tá Hoàng Văn Nam, Trưởng Công an huyện An Lão cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về việc chị Xuân trở về sau 16 năm được cho là mất tích. Lãnh đạo Công an huyện đã báo cáo Giám đốc Công an TP, đồng thời chỉ đạo các đội nghiệp vụ tiến hành xác minh làm rõ bản chất sự việc theo qui định.

Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã nơi gia đình chị Xuân cư trú cũng cho biết, khi nắm được thông tin đã báo cáo lên huyện. Trước mắt, lãnh đạo địa phương đã đến gặp gỡ, thăm hỏi, động viên chị Xuân và gia đình. Tới đây, địa phương cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chị Xuân về các thủ tục pháp lý, hộ khẩu, theo qui định để chị sớm hoà nhập, ổn định cuộc sống…

Văn Thịnh
.
.
.