Góp phần làm sạch môi trường trên vùng đất đỏ miền Đông
- Công ty xử lý rác gây ô nhiễm môi trường
- Dân lãnh đủ bởi một công ty ngang nhiên xả thẳng chất thải ra môi trường
Bình Phước có 7 khu công nghiệp tập trung, ngoài ra còn có hàng ngàn doanh nghiệp nằm rải rác trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Đáng nói là một số nhà đầu tư không thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm các mạch nước ngầm và môi trường sống xung quanh…
Để ngăn chặn tình trạng này, trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) đã tích cực vào cuộc, phát hiện, xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm các loại…
Theo Đại tá Lê Trường Sơn, Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Bình Phước, tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải và vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề nhức nhối ở các đô thị, các khu vực có nhiều khu công nghiệp mà còn lan ra đến tận vùng sâu, vùng xa.
Qua phối hợp kiểm tra nhiều đợt, Phòng PC49 đã kịp thời phát hiện và xử lý hàng chục doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật, buộc các đơn vị vi phạm phải dừng sản xuất để khắc phục hệ thống xả thải theo đúng quy định.
Kiểm tra xe tải chở thịt heo không rõ nguồn gốc. |
Trung úy Nguyễn Chí Công, cán bộ Phòng PC49 Công an Bình Phước cho biết, do địa bàn của tỉnh Bình Phước có nhiều rừng, đa số các nhà máy, cơ sở sản xuất, chăn nuôi nằm rải rác trên diện rộng nên công tác kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện một đợt kiểm tra, các trinh sát phải bỏ ra hàng tháng trời lần mò trong các cánh rừng, lội ngang dọc các con suối truy tìm manh mối, lấy mẫu đi phân tích xem loại khí thải, hóa chất nào gây ô nhiễm để có cơ sở phân loại, xử lý vi phạm.
Đầu năm 2017, các trinh sát Phòng PC49 Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện Công ty TNHH TM DV Hoài Như có nhà máy chế biến gỗ cao su đặt tại xã Tân Khai, huyện Hớn Quản có dấu hiệu vi phạm về xả khí thải vượt mức quy định gây ô nhiễm không khí.
Cùng thời điểm này Phòng PC49 cũng nhận được hàng chục lá đơn của bà con nhân dân xã Tân Khai tố cáo Công ty Hoài Như xả khí ô nhiễm làm cho bà con bị các chứng bệnh đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em liên tục phải đến bệnh viện cấp cứu về bệnh viêm tai - mũi - họng và viêm phổi cấp.
Qua kiểm tra, các trinh sát ghi nhận công ty này thải khí, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500m³/giờ đến dưới 5.000m³/giờ. Mặc dù bước đầu đã xác định có vi phạm nhưng Giám đốc Nguyễn Huỳnh Thanh Trọng không chịu hợp tác, đến khi giám định nhanh từ trung tâm 3 cho kết quả thông số CO vượt 3,42 lần so với quy chuẩn quốc gia của Bộ Tài nguyên Môi trường thì ông Trọng mới chấp nhận ký vào biên bản vi phạm.
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền 120 triệu đồng, cơ quan chức năng còn buộc công ty phải dừng hoạt động để khắc phục hệ thống khí thải theo tiêu chuẩn trước khi hoạt động trở lại.
Một vụ xả thải khác ở các con suối chảy ra dòng sông Đồng Nai cũng khiến cán bộ Phòng PC49 Công an tỉnh Bình Phước phải tốn rất nhiều thời gian công sức, nhất là phải nhiều ngày hướng dẫn, giải thích để Văn phòng kinh tế Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) hiểu và cùng phối hợp để xử lý vi phạm, bởi chủ doanh nghiệp là người có quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc.
Theo đó, vào giữa tháng 7-2016 khi rất nhiều bà con nhân dân ở ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước có đơn thư tố cáo Công ty TNHH Nông sản Viện Phước hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo giống, heo thịt nhưng phân và nguồn nước thải từ công tác vệ sinh chuồng trại không được đưa qua hệ thống xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm đối với nguồn nước sinh hoạt của bà con nhân dân trên diện rộng.
Ngoài ra, công ty này còn mang rất nhiều xác heo chết vì dịch heo tai xanh chôn cạnh bờ suối có nguồn nước đổ về sông Đồng Nai. Ngay khi nhận đơn tố cáo, một tổ trinh sát đã được cử đến hiện trường để thu thập chứng cứ điều tra làm rõ.
Đại tá Lê Trường Sơn - Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Bình Phước. |
Qua kiểm tra, các trinh sát xác định công ty này đã xả ra môi trường hàng trăm mét khối nước thải mỗi ngày có thông số Nitơ vượt 2,51 lần quy chuẩn, thông số BDO5 vượt 1,75 lần, Coliforms vượt 1,47 lần, COD vượt 1,46 lần. Với mức độ vi phạm như trên, cơ quan Công an đã buộc Công ty Việt Phước phải khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm và bị xử phạt 298,7 triệu đồng.
Ngoài ra, Phòng PC49 cũng tăng cường công tác đấu tranh với các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ tính từ giữa năm 2016 đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vi phạm, trong đó nhiều nhất là các trường hợp vi phạm về mua bán thực phẩm tươi sống như nội tạng heo không rõ nguồn gốc, đã bị phân hủy bốc mùi hôi thối hoặc ngâm thịt bò vào hóa chất để giữ cho tươi lâu hơn bình thường.
Các trinh sát Phòng PC49 Công an tỉnh Bình Phước phát hiện cơ sở kinh doanh thịt bò do chị Bùi Thị Bích Vân (41 tuổi) thường trú tại khu phố Phước Thiện, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước có số lượng lớn thịt bò được tẩm ướp hóa chất không rõ nguồn gốc trước khi mang ra bày bán cho khách.
Tại cơ quan Công an, lúc đầu chị Vân cho rằng do thấy lượng thịt bán hằng ngày dễ bị hư hỏng, chuyển màu xám nên đã nhờ một người bạn kinh doanh thịt ở TP Hồ Chí Minh hướng dẫn cho cách bảo quản.
Rồi chị Vân đến chợ Kim Biên mua hóa chất mang về tẩm ướp cho thịt luôn đỏ tươi, nhìn bắt mắt nhưng không biết đã vi phạm những điều cấm. Sau khi được các trinh sát giải thích, chị Vân mới nhận ra những việc làm vi phạm pháp luật của mình, đồng thời tự nguyện giao số thịt đang tẩm ướp hóa chất cho cơ quan chức năng tiêu hủy và đến kho bạc Nhà nước nộp phạt theo quy định.
Tương tự, tại cơ sở kinh doanh mua bán thịt heo do bà Nguyễn Thị Kim Thu (49 tuổi), thường trú tại khu phố 1, phường Phước Bình, thị xã Phước Long (Bình Phước) cũng tích trữ buôn bán hơn 300kg thịt và nội tạng heo đang trong giai đoạn phân hủy, chuyển đổi màu sắc, mùi vị, đặc biệt có một số lượng nội tạng đã bốc mùi hôi thối.
Khi bị kiểm tra, mặc dù chủ cơ sở khăng khăng mình đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhưng khi được yêu cầu kiểm tra các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc các loại thực phẩm thì bà Thu không xuất trình được.
Đại tá Lê Trường Sơn cho biết, hiện nay mức chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm còn chưa tương ứng. Nhiều trường hợp mức độ vi phạm ở mức rất cao như công nghệ nhuộm, luyện kim và một vài loại hình sản xuất khác đều sử dụng các loại hóa chất độc hại và lượng nước thải chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường là rất lớn, gây tổn hại đến sức khỏe của nhiều người dân nhưng cũng chỉ dừng lại ở khung xử phạt vi phạm hành chính thay vì có thể đưa ra xử lý hình sự.Trước thực trạng này, Đại tá Lê Trường Sơn cũng đề nghị các ban, ngành chức năng cần phải xây dựng một bộ khung pháp lý với các mức độ xử phạt cao hơn, làm sao đủ mạnh, mang tính răn đe cao mới có thể hạn chế được các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.