Giải pháp nào cho nhà tái định cư bỏ hoang?
- “Cò” làm loạn giá nhà tái định cư
- Người dân dửng dưng với nhà tái định cư
- Nhà tái định cư xuống cấp trầm trọng
Và khi Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) đề xuất phá dỡ 3 tòa nhà TĐC tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) được xây dựng cách đây nhiều năm bỏ hoang không có người đến ở thì một lần nữa vấn đề về nhà TĐC lại nóng lên.
Vừa qua, Hanco 3 đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà TĐC tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Lý do được Hanco3 đưa ra là cả 3 tòa nhà này xây dựng hơn 10 năm nay nhưng không có người nhận và đến ở.
Đây là dự án nhà TĐC tại chỗ của dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến đường Sài Đồng nằm trong Khu đô thị Sài Đồng do Hanco 3 làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2001-2006 nhưng sau hơn 10 năm, 150 căn hộ của 3 tòa nhà vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài, mọi hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.
Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa, giữa khu đô thị đông đúc, gần hồ điều hòa, gần đường phố lớn, xung quanh các khu chung cư thương mại và khu nhà ở xã hội đều tấp nập người đến ở thì ba tòa nhà TĐC nằm im ỉm, không bóng người qua lại.
Ba tòa chung cư của Hanco3 đang đề xuất đập bỏ. |
Dạo quanh một vòng chúng tôi thấy nhiều tấm nẹp cửa, thùng đựng rác, tủ đựng công tơ điện sau nhiều năm đã rệu rã, bong tróc, vỡ vụn. Do lâu không được vệ sinh nên rác thải ngập quanh khu nhà, cỏ mục um tùm che lấp cả lối đi khiến nơi đây càng thêm hoang tàn, hôi hám.
Nguyên nhân dẫn đến việc 150 căn hộ TĐC Sài Đồng do Hanco3 làm chủ đầu tư bị bỏ hoang cả chục năm qua vì chất lượng xây dựng và hạ tầng của khu nhà khá thấp so với các dự án nhà thương mại giá rẻ kề bên. Sau nhiều năm triển khai dự án, đến nay, khu nhà thực sự trở nên quá lạc hậu và càng không thể đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trên thực tế, còn nhiều nhà TĐC cũng trong tình trạng xuống cấp, lác đác có người đến ở tuy không đến mức bỏ hoang như ba tòa nhà Hanco3 nhưng thực sự cũng là con số đáng báo động khi gây thất thoát, lãng phí lớn. Điển hình như dự án 4 tòa nhà tại A14 Nam Trung Yên. Nơi tiếp nhận hồ sơ bàn giao căn hộ A14 Nam Trung Yên cửa đóng then cài, không một bóng người.
Toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C của Khu TĐC Thành phố giao lưu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn thưa thớt người ở. Nhiều căn hộ vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Người dân ở đây cho biết, do chất lượng xây dựng chung cư quá kém, tình trạng thấm dột, thang máy hay hỏng… khiến nhiều người không muốn về ở.
Nhà A14 khu đô thị Nam Trung Yên vẫn còn nhiều căn hộ chưa bàn giao. |
Bất kỳ ai ngang qua phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều ngỡ ngàng trước một khối nhà chung cư cao hơn 20 tầng xây dựng khá khang trang lại không có người về ở. Đây là dự án TĐC với gần 150 căn hộ do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án sau nhiều năm gián đoạn nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dù "khát" nhà nhưng nhiều hộ dân vẫn không chịu đến ở các khu TĐC thứ nhất là do đền bù chưa thỏa đáng, bố trí nhà ở không hợp lý. Ví dụ, người trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ nhưng lại bố trí tái định cư tận Hà Đông, hay giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đình nhưng đưa người dân tái định cư sang Gia Lâm… đi vài chục cây số mới tới nơi thì không phù hợp, nên người dân không nhận tái định cư hoặc có nhận thì cũng không ở.
Những vị trí người dân phải bàn giao mặt bằng đều là những vị trí đắc địa nhưng lại bị thu hồi, đền bù với giá thấp, hoặc theo kiểu "hàng đổi hàng" nghĩa là thu nhà và trả lại căn nhà khác nhưng thậm chí chất lượng kém hơn, không có trường học, không có chợ búa, không có đường vào…
Trong khi Nhà nước thu hồi lại bán cho tư nhân hoặc làm những dự chung cư thương mại có giá cao dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, người dân không chịu di dời hoặc chuyển đến nơi ở mới.
Thứ 2 là do chất lượng xây dựng của nhà TĐC quá kém. Nhất là những khu nhà xây dựng cách đây chục năm trở lên thì không có thang máy, chưa quy hoạch được điện, đường, trường, trạm… Nhiều khu nhà TĐC sau một thời gian sử dụng không được duy tu, bảo dưỡng, bảo trì nên xuống cấp nghiêm trọng.
Tại hàng loạt khu nhà TĐC lớn như Nam Trung Yên, khu 7,2 ha thuộc quận Ba Đình, khu tái định cư Đền Lừ, Lê Văn Lương... tình trạng xuống cấp công trình, dịch vụ quản lý khá nhếch nhác và không đáp ứng được yêu cầu đã gây bức xúc nhiều năm qua.
Mặc dù quỹ nhà TĐC nhiều năm nay giao cho Ban quản lý dự án các quận, huyện, sở, ngành triển khai theo hình thức đầu tư công rồi chuyển giao cho Công ty quản lý, nhà Hà Nội quản lý vận hành, nhưng không hiểu vì lý do gì không gắn được trách nhiệm của các bên triển khai xây dựng dự án với quản lý vận hành, chất lượng nhiều khi bị thả nổi!
Một số nhà TĐC xuống cấp trầm trọng. |
Ngày 24-10 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, qua các lần kiểm tra, giám sát, thực trạng chất lượng và quản lý vận hành nhà TĐC bộc lộ nhiều tồn tại lớn. Cử tri nhiều xã, phường, quận, huyện phản ánh về thực trạng này và kiến nghị cần phải điều chỉnh quy định về nhà TĐC. Theo quy định khi giải phóng mặt bằng phải có nhà tái định cư. Nhưng dự án GPMB thường chậm nên nhà đành "để hoang".
Trước đề xuất phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà của chủ đầu tư, Sở Xây dựng đã họp với chủ đầu tư và có đề nghị Hanco3 thuê đơn vị tư vấn để xây dựng, đồng thời so sánh giữa 2 phương án một là, cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội. Hai là, phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.
Trả lời báo chí về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, bản thân khu TĐC Sài Đồng khi thực hiện đã quá rập khuôn. Thứ nhất, chủ đầu tư xây dựng tòa nhà TĐC một cách máy móc, không tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư tại đó.
Tất yếu, người dân quay lưng vì không đáp ứng được nhu cầu bức thiết của họ. Thứ hai, chủ đầu tư cho rằng tòa nhà bỏ trống 10 năm nên giờ xuống cấp cần phá đi là một đề xuất nguy hiểm. Một khu TĐC lúc xây dựng xong đã báo cáo là bền vững. Vậy mà 10 năm đã xuống cấp, đòi phá là nghịch lý.
Lật ngược lại: Nếu người dân vào ở được 10 năm và xuống cấp, ai đảm bảo an toàn cho họ? Cần đặt câu hỏi lớn về vấn đề quản lý của đơn vị này? Ai chịu trách nhiệm 148 căn hộ này trước Thành ủy, HĐND, UBND TP? Vì vậy, chủ đầu tư phải đề ra phương án rõ ràng. Nếu dân không đến ở, cần sửa chữa, làm lại hạ tầng thật tốt và có thể bán các căn hộ đó.
Còn đề xuất phá đi, xây chung cư cao tầng cao cấp, kinh doanh theo kiểu "đếm cua trong lỗ" là vi phạm pháp luật. Dù chủ đầu tư bỏ tiền ra, nhưng suy cho cùng cũng là tiền của dân, của Nhà nước.
Theo một số chuyên gia cho biết, một nguyên nhân khiến tình trạng các chung cư TĐC có chất lượng thấp như hiện nay đó là vì đang được xây dựng theo hình thức đầu tư công.
Tại Hà Nội, mỗi năm thành phố phải chi hàng trăm tỉ đồng để duy trì gần 166 tòa nhà TĐC, nhưng vẫn chưa được sự ủng hộ của người dân. Mặc dù chi nhiều ngân sách cho các cơ quan triển khai các dự án TĐC như vậy nhưng cuối cùng số người dân thực sự sống lâu dài tại các khu này vẫn rất ít, chỉ chiếm khoảng 30%.
Còn lại đều đã bán để chuyển đến nơi phù hợp hơn. Như vậy, trước mắt không nên cấp tập xây dựng thêm quá nhiều các dự án mà nên dùng nguồn kinh phí đó để khắc phục sự xuống cấp các tòa nhà TĐC hiện có.
Tiếp theo nên làm rõ nguyên nhân vì sao quỹ nhà này còn bỏ trống bằng cách tham khảo ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân.
Đích đến của các tòa nhà TĐC là phục vụ cho dân cư ở các dự án đô thị cần giải phóng mặt bằng nên việc xây dựng xong trước là đúng đắn. Tuy nhiên khoảng thời gian hoàn thành đó không nên quá xa, dẫn đến việc chậm đưa vào khai thác gây hoang phế.
Hiện nay còn gần 1.000 căn hộ TĐC đã xây xong từ lâu nhưng chưa bàn giao được cho người dân. Nguyên nhân do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện như: Dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng); đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội; một phần đường vành đai 3. Như dự án N07 Dịch Vọng sau gần chục năm triển khai đến nay vẫn còn hàng trăm căn hộ chưa bàn giao được cho người dân, trong khi tường nhà đã có dấu hiệu xuống cấp, chuyển màu.
Nằm ở vị trí đắc địa, ngay trung tâm quận Cầu Giấy, dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên UBND quận Cầu Giấy, đề nghị sớm bàn giao nhà để yên tâm làm ăn sinh sống nhưng đến nay, dù tòa nhà đã xây dựng xong gần 1 năm vẫn trong tình trạng niêm phong, chưa biết bao giờ đi vào hoạt động.