Ghi nhận ở một Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ

Thứ Bảy, 10/12/2016, 09:20
Chúng tôi đến Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ (PX14)- Công an tỉnh Lào Cai khi các hoạt động chào mừng "sinh nhật" lần thứ 5 của trung tâm đang diễn ra sôi động. Dù về mặt tổ chức, đây chỉ là một đơn vị thuộc Công an tỉnh, nhưng đã mang dáng dấp của một trường CAND chính quy.


Cảm giác về tính chuyên nghiệp tại cơ sở đào tạo này, không chỉ đến bởi cảnh tượng những lớp học luôn đầy ắp học viên, với những "diễn giả" là giảng viên đến từ các Học viện, trường Đại học hàng đầu, mà còn hiện ra ở phong cách quản lý, tổ chức công việc của những người thầy "không chuyên", đã gắn bó với sự nghiệp đào tạo trong suốt hành trình 5 năm qua.

"Vạn sự khởi đầu nan"

Đi cùng với Trung tá Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc trung tâm, qua thăm các lớp học, nghe học viên đủ các sắc phục Cảnh sát, An ninh, Công an xã, CSGT, CSCĐ… râm ran chào thầy, sao thật vui tai.

Trung tá Hải cười, bảo: "Đấy, cái "số" làm thầy không tránh được, chứ chúng tôi đều là "lính nghiệp vụ" ở các đơn vị chiến đấu hoặc cơ quan tổ chức cán bộ, chứ có ai học sư phạm để ra làm thầy đâu. Vậy mà, kể từ lúc trung tâm được thành lập, chúng tôi trở thành thầy. Mới đấy mà đã thấm thoát 5 năm. Dù nghiệp "làm thầy" đến khá bất ngờ theo yêu cầu nhiệm vụ, nhưng khi đã "sống chết" với nó, thì chính công việc đã đem lại niềm vui sống và trở thành đam mê lúc nào chẳng hay. Chính lòng yêu nghề, đã giúp chúng tôi vượt qua rất nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ".

Kể về buổi đầu khởi nghiệp, Trung tá Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Giám đốc trung tâm, bộc bạch: "Ngày ấy trước bề bộn công việc, lại chưa từng có kinh nghiệm gì, nên ai cũng lo lắng, vì chưa thể hình dung được phải… bắt đầu từ đâu. Lo, vì đối tượng phục vụ của trung tâm rất đa dạng.

Không chỉ là đào tạo CBCS trong biên chế, mà còn bồi dưỡng, huấn luyện số chiến sỹ nghĩa vụ; số cán bộ cấp cơ sở như trưởng, phó trưởng Công an các xã; lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách trong cơ quan, doanh nghiệp và bảo vệ dân phố; cán bộ chủ chốt các ngành và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Chính sự đa dạng của đối tượng đào tạo, đã quyết định chương trình, giáo án đào tạo, huấn luyện… cũng hết sức đa dạng và có mục đích, yêu cầu khác nhau…

Công việc thì mới mẻ, chưa có kinh nghiệm, hệ thống giáo án, bài giảng, khung chương trình đào tạo… phải xây dựng bắt đầu từ con số  "0", trong điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo chưa hoàn thiện… nên khó khăn càng thêm chồng chất.

Do điều kiện tiếp quản, cải tạo lại trụ sở làm việc của Công an tỉnh, nên hiện nay phòng học của trung tâm còn thiếu, công năng sử dụng chưa phù hợp, nhiều lớp tập huấn không bố trí được phòng học phải thuê hội trường bên ngoài; sân bãi tập luyện điều lệnh, thể thao chưa đảm bảo; chưa có trường bắn, bể bơi để phục vụ công tác huấn luyện thường xuyên phải thuê ngoài; phòng thư viện còn thiếu nhiều đầu sách, chủng loại sách còn nghèo nàn, ít tài liệu tham khảo để các học viên nghiên cứu, nên chưa đáp ứng được công tác phục vụ giảng dạy, tập luyện…

Thật khó kể cho hết những khó khăn trong "buổi ban đầu ấy" và chúng tôi tìm cách khắc phục dần. Chẳng hạn như để tạo ra các lớp học, chúng tôi đã phải đục thông nhiều phòng làm việc cũ, rồi thì đầu tư mua sắm các trang thiết bị, giáo cụ trực quan cùng hệ thống âm thanh, máy chiếu, mô hình học cụ, dụng cụ tập luyện võ thuật, thể chất… phục vụ việc dạy và học.

Từ sự chỉ đạo sát sao, đầu tư quyết liệt cho chất lượng nguồn cán bộ của Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, cùng với nỗ lực tập thể, tinh thần "đồng cam cộng khổ", ý thức đoàn kết nhất trí, tất cả vì nhiệm vụ… mà thầy trò trung tâm đã hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu công tác được giao qua các năm".

Một buổi huấn luyện bắn súng tại Trung tâm HL&BDNV - Công an tỉnh Lào Cai.­

Tâm tình người học

Gặp chúng tôi ở cửa lớp học nhân giờ giải lao, Đại úy Vũ Thế Anh (Đơn vị PK20- Công an tỉnh Lào Cai) vui vẻ giới thiệu: "Đây lớp Đại học Cảnh sát khóa 2, hệ "Vừa làm vừa học", do Học viện CSND phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai tổ chức tại trung tâm này.

Theo kế hoạch khóa học của chúng tôi khai giảng từ năm 2011, đến 2017 thì bế giảng. Cả lớp tôi đều là CBCS thuộc nhiều đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Lào Cai. Việc lớp học được tổ chức ngay tại TP Lào Cai đã tạo thuận lợi lớn cho anh em học viên. So với việc phải xuống Hà Nội học chương trình này, thì việc được học ở địa phương, đã giúp chúng tôi tranh thủ được tối đa thời gian để giải quyết công việc cơ quan.

Mặt khác, những kiến thức được trang bị trên lớp, có thể được áp dụng, vận dụng ngay vào thực tế công việc hằng ngày. Những vấn đề phức tạp phát sinh trong công việc, chúng tôi có thể mang đến lớp trao đổi với bạn bè hoặc nhờ các thầy tư vấn, giải đáp, hướng dẫn cách xử lý. Đó là một lợi thế rất lớn cho những người vừa làm vừa học mà các hình thức học tập tập trung khác không có.

Ngoài ra, về mặt kinh tế thì đương nhiên việc đi học gần nhà sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều khoản chi phí, nếu so với việc phải trọ học xa nhà, lại có thời gian chăm sóc gia đình. Qua mấy năm học tập tại trung tâm, tôi thấy các thầy cô giáo nơi đây hết sức tận tâm với công việc. Việc tổ chức lớp rất khoa học, bài bản. Đặc biệt là định hướng đào tạo, huấn luyện đi sâu vào trang bị, cung cấp cho người học các kỹ năng làm việc.

Trung tâm còn mời nhiều báo cáo viên là lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ chiến đấu của Công an tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành… trong tỉnh đến lớp nói chuyện chuyên đề, chia sẻ kỹ năng… Đây là điều mà chúng tôi rất cần và hứng thú tiếp thu vì phục vụ ngay công việc hằng ngày. Điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm tuy còn một số khó khăn thiếu thốn do điều kiện khách quan, nhưng các thầy cô giáo của trung tâm đã hết sức cố gắng đáp ứng nhu cầu học tập của học viên, nên các khoa mục đào tạo đều được triển khai đúng chương trình".

Trung tá Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Trung tâm HL&BDNV - Công an tỉnh Lào Cai.

Những con số "biết nói"

Lào Cai là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, với đường biên giới dài 185,7 km tiếp giáp với Trung Quốc. Dân số gần 65 vạn người, gồm 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 60%.

Từ nhiều năm qua, vấn đề đào tạo nâng cao trình độ cho CBCS Công an tỉnh Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đào tạo trình độ đại học. Do mặt bằng trình độ kiến thức của học sinh, nhất là con em đồng bào thiểu số của Lào Cai không bằng các tỉnh vùng xuôi, vì vậy hằng năm số lượng thi trúng tuyển vào đại học ở các trường CAND còn rất ít, thậm chí nhiều năm không có thí sinh nào thi đỗ đại học tại các trường CAND. Chính vì vậy, đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng cho CBCS để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT được Công an tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Được biết, trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, Trung tâm HL&BDNV đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch về đào tạo, huấn luyện. Đồng thời năng động trong việc vận dụng mọi nguồn lực để tổ chức các loại hình đào tạo; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành tích cực triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho CBCS và nhiều đối tượng xã hội khác nhau.

Đại tá Nguyễn Văn Tân Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: "Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm theo đúng chỉ tiêu kế hoạch được giao, đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy trình, thủ tục và đối tượng, tiêu chuẩn. Ưu tiên đào tạo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ cho lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ quy hoạch, cán bộ nguồn có triển vọng; kế hoạch giảng dạy, học tập và công tác quản lý các lớp đã được phối hợp tổ chức một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo quy chế ; tích cực cải tiến phương pháp giảng dạy, huấn luyện, vận dụng nhiều kinh nghiệm thực tiễn như mời lãnh đạo các đơn vị báo cáo thực tế; đưa học viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở...

Kết quả, sau 5 năm dù hoạt động trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng trung tâm đã liên kết đào tạo 4 lớp Đại học hệ "Vừa làm vừa học" cho CBCS của Công an tỉnh Lào Cai và các tỉnh trong khu vực (trong đó có 3 lớp Đại học Cảnh sát gồm 383 học viên); 2 lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ tốt nghiệp ngoài ngành được tuyển vào CAND; 2 lớp Trung cấp lý luận chính trị; 3 lớp bổ sung kiến thức tương đương Trung cấp lý luận chính trị; 2 lớp Trung cấp Trưởng Công an xã; 10 lớp ngoại ngữ, tin học cho CBCS; 2 lớp đào tạo tiếng dân tộc cho CBCS; 4 lớp huấn luyện 45 ngày điều lệnh, quân sự, võ thuật cho cán bộ tốt nghiệp ngoài ngành được tuyển vào CAND; 11 khóa huấn luyện chiến sỹ nghĩa vụ.

Ngoài ra trung tâm còn mở nhiều lớp bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng CSKV, Công an phụ trách xã, lực lượng QLHC, CSGT..., các lớp tập huấn cho lực lượng Công an xã, các lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ các cơ quan doanh nghiệp, các lớp tập huấn về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng, các lớp lái xe ô tô, mô-tô... Chỉ tính riêng trong năm 2016, hiện có 22 lớp với tổng số 2.802 lượt học viên đã và đang tham gia học tập, huấn luyện tại trung tâm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Nhận thức rõ chất lượng cán bộ là khâu quyết định thành bại của sự nghiệp bảo vệ ANCT và TTATXH tại địa phương, nên mỗi cán bộ, giảng viên, nhà quản lý của trung tâm trong từng công việc dù là nhỏ nhất, cũng luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Đó là gián tiếp phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ giữ gìn ANTT tại dải đất địa đầu Tổ quốc này, bằng việc cung cấp những người lính vừa "hồng" vừa "chuyên" cho cuộc chiến đấu chống tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống nhân dân.

Đào Trung Hiếu
.
.
.