Du lịch Formosa: Ðừng cứa thêm vào nỗi đau

Chủ Nhật, 23/10/2016, 13:00
Du lịch ư, du lịch không chỉ đơn thuần là kinh tế mà nó còn phải hàm chứa văn hóa, lịch sử và tính nhân văn… Lý luận rằng mong mỏi để làm điều gì đó cải thiện và phát triển kinh tế cho vùng biển miền Trung vừa qua cơn đau thương ư? Tốt thôi, nhưng ngẫm mà xem, không có sự bền vững nào cân đo được với sự bền vững truyền đời của biển với con người, nhất là những ngư dân gắn bó với biển.


Một sự việc đang làm nóng dư luận đó là Liên hiệp Khoa học Phát triển bền vững (STDe) đã đưa ra ý tưởng lập một "Tour du lịch Formosa" với 4 điểm tham quan tại 4 tỉnh miền Trung, nơi gánh chịu thảm họa nước thải của Formosa thời gian qua. 

Có thể cái tổ chức ấy, hiệp hội ấy khi bỏ tiền tỷ ra để làm cái đề án ấy người ta cũng đã tính toán nhiều nhẽ thiệt hơn. Nhưng nhẽ nào thì cũng vẫn là hiệu quả kinh tế là họ chốt hạ. Người dân 4 tỉnh miền Trung đang bị tổn thương nặng nề cả về tinh thần, cũng như cuộc sống mưu sinh. 

Cái tên Formosa đã trở thành một nỗi ám ảnh, một nỗi đau. Người dân có thể không còn sợ hãi  nữa, nhưng lo lắng thì khôn cùng, và chưa biết bao giờ kết thúc. Lo lắng cho đời sống hiện tại, và lo lắng cả cho tương lai. 

Cả 4 tỉnh miền Trung hiện đang là “vùng cấm” dùng hải sản nhiễm độc. Biển ở đây chưa biết đến bao giờ mới “tự thải độc” để trả người dân về với cuộc mưu sinh truyền đời qua bao thế kỷ. Không hiểu những người đang tính toán tour du lịch thần thánh kia, người ta có đủ văn hóa và lòng tự trọng để tính đến những cái nhẽ vừa phân tích không- cái nhẽ thật buồn, là người dân thì bị tổn thương và cá thì chịu tang tóc?

Người ta đang “thần thánh” hóa một ý tưởng cọp - py từ đâu đó, nhằm ngụy tạo một tư duy khác, rằng “trong họa có phúc”. Nhưng xin thưa, đó chỉ là một sự học đòi, một sự ngộ nhận thậm chí là ngu dốt. Nếu ở đâu đó trên thế giới này có điều gì tương tự xảy ra, nhưng đó là thảm họa của tự nhiên mang tới, chứ không phải do chủ ý tồi tệ của con người gây ra, và gây ra trong sự biết mà vẫn làm theo kiểu “được tao kệ mày” thì còn có thể cân nhắc.  

Đằng này, thử hỏi xem sau thảm họa kinh khủng đó, Formosa đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Nhìn lại, ngay khi chưa hoạt động chính thức mà Formosa đã không chỉ thải chất độc ra biển, mà họ còn chôn lấp chất thải ở nhiều nơi trên đất liền, với sự tiếp tay của không ít kẻ tham lam khác vô lương tâm. 

Vậy khi họ hoạt động chính thức thì việc khí thải sẽ ra sao, có độc hay không và lượng hóa chất, nước thải, bùn thải, khí thải còn tăng lên nữa thì sẽ phải giải quyết ra sao? Cho đến giờ này kho chứa chất thải của họ còn ùn ứ hàng ngàn tấn mà chưa biết sẽ xử lý bằng cách nào.

Liệu Formosa có thực sự muốn minh bạch vấn đề chất thải ra không, hay tiếp tục tìm chỗ này chỗ kia để giấu giếm, gieo rắc độc hại cho hàng triệu người dân ở nhiều vùng đất khác nhau, chứ không chỉ miền Trung nói riêng.

Cái ý tưởng “cá-thép hóa rồng” từ cái đề án du lịch cười ra nước mắt kia là thứ văn hóa nói cho vần mồm, theo kiểu trọc phú hay trưởng giả học làm sang thôi. Thực chất của câu chuyện này, người ta đang muốn chuyển đổi ý thức của mọi người từ “chọn cá” sang “chọn thép”. 

Đã thế, lại còn mang hình tượng cá gỗ của người xứ Nghệ để gắn vào như muốn nhắc nhở cái nghèo cái khổ ngày xưa, ngõ hầu gõ cửa trái tim người khác hãy rưng rưng mà “ôn cố tri tân”.

Từ ý tưởng đến đề án, rồi từ đề án đến bát gạo đồng tiền, miếng cơm manh áo là một khoảng thời gian dài, chứ không phải nay nói mai bốc ngay ra được mà sử dụng. Lại nữa, nếu như đề án được hình thành đi vào hoạt động cũng còn phải hóng dài, kèm với bao nhiêu điều kiện, nỗ lực, may ra nó mới “hóa rồng”. Bởi nó phải được thẩm định, được chấp pháp, qui hoạch, thiết kế, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và những hình tượng, biểu tượng, hệ thống dịch vụ…

Chuyện dài lắm, phức tạp lắm, chứ đâu phải cứ lập ra một tour, rồi thu tiền khách du lịch, đưa người ta đến ngắm Formosa. Thực chất người ta sẽ ngắm nghía những gì ở những điểm du lịch chết người đó? Và gắn chữ Formosa vào để làm gì, để thời sự hóa một nỗi đau, một vết thương chăng?

Tôi luôn cảm thấy quặn lòng khi hình dung, những ngày này, người dân nơi ven biển miền Trung đang đói, đang ăn nhạt. Vì cá, mắm, muối đều phải kiêng hoặc phải mang về từ nơi khác. Xin hỏi trong thời gian chờ “cá- thép hóa rồng” đó, người dân sẽ hóa gì khi mà họ đang không thể tiếp tục cuộc sống bằng biển cả. Nguồn sống của họ bao đời đã mất đi rồi. Họ phải loay hoay hỏi chuyển đổi nghề, phải chờ đợi trong mỏi mòn. Liệu khi “cá-thép hóa rồng” thì người dân có hóa rồng được chăng hay họ vẫn cứ phải đối mặt với cái nghèo, cái khó, cái rủi ro?

Cần phải thừa nhận rằng, về mặt khách quan mà nói, nếu như khu vực 4 tỉnh miền Trung có được dự án lớn về du lịch hay những dự án về kinh tế mà đảm bảo an toàn cho môi sinh môi trường; đồng thời mang lại lợi ích cho đất nước, cho địa phương cũng như việc làm nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân một cách bền vững thì nên khuyến khích.

Nhưng đó không phải là câu chuyện Formosa. Bởi lẽ, hậu quả nặng nề mà doanh nghiệp Formosa đã gây ở 4 tỉnh miền Trung là đã quá ngưỡng chịu đựng rồi. Và cái tên Formosa đang còn là nỗi ám ảnh với người dân, đừng sử dụng cái tên đó vào một mục đích có vẻ như tích cực nhằm thay đổi hay đánh tráo khái niệm như vậy.

Du lịch thì cứ du lịch, miền Trung có quá nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch. Formosa là một nỗi đau, một sự tổn thương chưa hề nguôi ngoai đối với biển, và với người Việt nói chung, người dân 4 tỉnh miền Trung nói riêng. Hậu quả của nó vẫn chưa được xử lý, thậm chí đang còn tiềm ẩn nhiều bất an, lo lắng. 

Vậy thì những người hiểu lòng dân, hãy khoan đã, đừng vội mang cái ý tưởng dở khóc dở cười kia, hay nói đúng hơn là đừng mang ý muốn của một vài cá nhân gắn với cái tên Formosa đầy ám ảnh kia, như thể thêm một lần cứa vào nỗi đau của hàng triệu ngư dân. Đừng dội thêm sự nghi ngờ vào lòng người dân nữa. Đừng du lịch trên nỗi đau của người dân. Phản cảm lắm, đau lòng lắm.

Du lịch Formosa, ngắm cái gì đi nữa, thì bây giờ vẫn chưa phải lúc đâu.

Ðinh Nam Nghị
.
.
.