Đòn gánh: Vật dụng thần diệu của người Việt Nam

Thứ Sáu, 20/03/2020, 17:19
Chỉ với những chiếc đòn gánh mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã "gánh được cả đất nước yêu quý mình" cho đến tận ngày hôm nay.


Đối với những người ngoại quốc, hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé có thể gánh đến hàng chục cân chỉ bằng cây đòn gánh mỏng manh quả là một điều kỳ dị. Ngay cả chiếc ba-lô du lịch hiện đại trên vai của các vị khách cũng không thể nào tải được một khối lượng lớn như thế mà không bị đứt dây hoặc là khiến người bộ hành ngã ra đường chỉ vì mất thăng bằng. 

Đó chính là điều mà James Croft, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Edith Cowan (Mỹ) cảm nhận được khi ông đi du lịch đến Việt Nam. Và kể từ đó ông bắt đầu quan tâm đến chiếc đòn gánh.

"Tôi thật sự muốn tìm hiểu xem khả năng kỳ lạ của cây đòn gánh của người Việt Nam đến từ đâu. - Ông James Croft nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn -Tôi đoán rằng chính sự mềm dẻo của tre là chìa khoá cho vấn đề, nhưng mà lại không có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào để chứng minh cho giả thuyết đó cả. Ở phương Tây cũng có một số khảo cứu về công dụng của những chiếc đòn gánh, nhưng họ đều sử dụng những que sắt và người không quen gánh lấy nó để làm đối tượng nghiên cứu, chứ không phải là những người nông dân với đòn gánh bằng tre như ở Việt Nam".

Cả gia tài trên vai mẹ.

Ông James bị hút hồn bởi những người nông dân tỉnh Thái Nguyên (Việt Nam) khi mà ông bắt gặp họ trên đường du lịch của mình. Tất cả những người nông dân chất phác ấy họ đều nhỏ con hơn ông, nhưng lại có thể gánh trên vai số nông sản nhiều chục cân đi từ làng lên chợ mà không cần dừng lại giữa đường để nghỉ ngơi lấy sức.

Mỗi khi họ cảm thấy mỏi vai, người nông dân chỉ cần đổi chiếc đòn gánh từ vai này sang vai kia. Và, trong khi ông James trở nên chậm chạp với chiếc ba - lô trên mình, thì những người nông dân với cây đòn gánh trên vai vẫn có thể di chuyển bình thường để tránh những chiếc xe lao vùn vụt trên đường cái. Không chỉ cây đòn gánh mà ông James nghi ngờ rằng, cả kỹ năng của những nông dân này là lý do cho cách làm sao mà họ có thể gánh nặng đi xa được đến thế.

Ông James quyết định hợp tác với ba người đồng nghiệp của mình, ông John Bertram ở đại học Calgary (Canada) cùng với hai anh Nguyễn Văn Sơn và Hắc Văn Vĩnh ở Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, để cùng tiến hành nghiên cứu về cây đòn gánh. Họ vừa mới công bố kết quả nghiên cứu của mình hồi đầu tháng 1. 2020 vừa qua. Báo cáo nghiên cứu kết luận rằng, những người sử dụng chiếc đòn gánh bằng tre sử dụng ít hơn 20% năng lượng so với những người sử dụng que sắt trên vai.

Anh Hắc Văn Vĩnh viết trên tờ tạp chí Thí nghiệm Sinh học (Úc) rằng: "Chiếc đòn gánh là một công cụ quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam…Chiếc đòn gánh bằng tre mềm dẻo nên không đè vào xương khớp ở vai người gánh, tạo cho họ sự thoải mái để đi được xa hơn".

Cuộc nghiên cứu được tiến hành theo đúng những nguyên tắc khoa học. Ông John Bertram mô tả lại như sau: "Chúng tôi lái xe từ Hà Nội lên Thái Nguyên để gặp hai anh Nguyễn Văn Sơn và Hắc Văn Vĩnh. Sau đó chúng tôi tuyển được 14 người tình nguyện trong lứa tuổi từ 18 đến 80. Mỗi người được yêu cầu gánh những quả tạ có khối lượng từ 0% đế 50% cân nặng của mình đi trên một đoạn đường dài 20 m. Lần thứ nhất họ gánh bằng đòn gánh tre, còn lần thứ hai thì họ sử dụng một que sắt. Mọi số liệu về tốc độ, trọng lượng, thời gian, v.v…đều được đo bằng các thiết bị điện tử trên người tình nguyện".

Ông John Bertram còn kể lại một chi tiết khiến ông nhớ nhất: "Một ông cụ 80 tuổi còn nói với tôi là tai sao chúng tôi lại cho ông cụ gánh ít thế. Khi đó trên vai ông cụ là hai quả tạ tổng 23 cân, mà ông nặng chỉ gần 50 kg. Kể cả với một người đàn ông trong giai đoạn cường tráng nhất thì cũng khó để anh ta đeo một chiếc ba - lô nặng một nửa trọng lượng của mình".

Sau khi trở lại Mỹ, ông James phân tích chuyển động của những người tình nguyện và nhận ra rằng: khi sử dụng đòn gánh bằng tre, họ thay đổi bước đi của mình khoảng 3,3% (tăng/giảm 0,067 bước/phút). Nếu đem đưa những phân tích này vào chương trình giả lập máy tính thì kết quả nhận được sẽ là khi người gánh bước đi, họ có thể dễ dàng điều chỉnh được sự cân bằng của mình, từ đó giảm đến 18% lực mà số tạ ép lên vai họ.

"Nếu bạn đeo một chiếc ba - lô, thì mỗi bước đi bạn phải tạo ra đủ lực để nhấc người mình lẫn chiếc ba - lô lên khỏi mặt đất. Thế nhưng chiếc đòn gánh bằng tre có tính đàn hồi nên nó nảy lên nảy xuống mỗi khi bạn bước đi. Lượng lực mà bạn phải tạo ra vì thế cũng thấp hơn, bạn lại đi được xa hơn mà không cảm thấy mệt mỏi".


Nhiều khách du lịch đặc biệt ấn tượng với cây đòn gánh Việt Nam.

Việc người Việt sử dụng đòn gánh cũng giống như là người Ấn Độ, người Thái Lan, v.v…đội thúng trên đầu vậy. Nhờ vào chiều lực thẳng đứng như đã nói trên mà trong cả hai trường hợp, người chở đồ có thể mang được khối lượng lớn hơn nhiều so với khi khi xách hay vác. Thế nhưng đòn gánh lại có một lợi thế so với chiếc thúng đội: một người cần ít thời gian để làm quen với chiếc đòn gánh hơn là chiếc thúng đội đầu. Chẳng thế mà ngay cả trẻ con Việt Nam cũng có thể  dùng được đòn gánh.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là hành động đổi vai gánh. Qua phân tích chuyển động, ông James đã nhận ra rằng: cái cách mà một người Việt Nam đổi chiếc đòn gánh từ vai này sang vai khác có nhiều điểm tương đồng với cách mà các tuyển thủ bóng rổ vừa nhảy vừa xoay người 180 độ để ném bóng. Nhiều khả năng chuyển động tự nhiên này là lý do mà người Việt Nam có thể nhẹ nhàng đổi vai gánh mà không cần phải dừng lại một bước.

Hiện có lẽ còn quá sớm để nói về những điều mà nghiên cứu của ông James Croft và các đồng nghiệp sẽ đem lại. Tuy vậy, không thể phủ nhận được rằng tiềm năng có ở đó. Vào ngay lúc này đây, ông John Bertram đang nghĩ đến việc áp dụng sự đàn hồi của chiếc đòn gánh để tạo ra một mẫu ba - lô có thể giảm nhẹ được lực tác động lên vai người đeo.

 Đây sẽ là một vật dụng vô cùng có ích cho khách du lịch và học sinh, những người thường xuyên bị mắc bệnh về cột sống vì đeo ba - lô nặng. Xa hơn nữa, đã có một số ý tưởng trong giới y khoa về việc thiết kế một dụng cụ y tế tương tự như chiếc đòn gánh để sử dụng trong quá trình phục hồi chức năng cho những người bị chấn thương do tai nạn.

Mặt khác thì đối với bản thân những người Việt Nam, thí nghiệm nói trên là một bằng chứng cho thấy khả năng tưởng tượng và tài tháo vát của tổ tiên chúng ta. Cây đòn gánh là một sản phẩm của nền văn hóa lúa nước có lịch sử hàng nghìn năm mà tác động của nó vẫn còn trong mỗi con người Việt Nam hiện đại - thật khó có thể tìm được một đường phố nào ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, v.v… mà không có bóng dáng những người bán hàng rong với cây đòn gánh trên vai.

 Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều người Việt Nam đang quên mất điều đó, nhất là khi mà trong thời kỳ hiện nay người ta đã - đang tiến hành việc "công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn". Mong rằng, những phát hiện về những di sản cổ truyền trong xã hội Việt Nam sẽ đánh thức được ý thức lịch sử - văn hóa trong những cá nhân này và khiến họ thêm phần tự hào về nguồn cội của mình.

Hội Vũ (theo Atlas Obscura)
.
.
.