Đồ giả thời dịch

Thứ Ba, 25/08/2020, 14:11
Hàng nghìn tấn thực phẩm và đồ uống giả đã bị thu giữ trong chiến dịch Opson IX do INTERPOL khởi xướng, INTERPOL và Europol cùng điều phối, trong thời kỳ COVID-19 từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020. Chiến dịch đã triệt phá 19 băng nhóm tội phạm có tổ chức và bắt giữ 407 đối tượng trên toàn thế giới. Trong số hàng này có các sản phẩm sữa bị nhiễm khuẩn, thịt lợn từ các lò giết mổ bất hợp pháp và các loại thực phẩm dán nhãn có tác dụng chữa bệnh.


Chiến dịch đã phát hiện, thu giữ trên 12.000 tấn hàng trị giá trên 40 triệu đô la Mỹ tại các cửa hàng, chợ, hoặc đang kiểm tra để vận chuyển. Số hàng hóa này có khả năng gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, gây nhiễm khuẩn, thậm chí là tử vong. Lực lượng Cảnh sát, Hải quan, các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm và các đối tác tư nhân tại 77 quốc gia đã tham gia chiến dịch.

Tại Bungary, Cảnh sát và Cơ quan an toàn thực phẩm đã tiến hành điều tra một nhà kho bất hợp pháp và phát hiện pho mát có nhiễm vi khuẩn Ecoli. Khoảng 3,6 tấn các sản phẩm sữa bất hợp pháp được chế biến thành pho mát bị thu giữ và tiêu hủy.

Trong các đợt kiểm tra tại Jordan, các nhà chức trách đã thu giữ khoảng 2.000 lít sữa tăng lực đã hết hạn và 4.500 lít soda hết hạn. Hơn 7 tấn sữa và pho mát hỏng cũng bị thu giữ ở nước này.

Kiểm tra rượu bất hợp pháp tại Eswatini, phía Nam châu Phi.

Mối liên hệ với đại dịch COVID-19 

Lưu ý mối liên kết tội phạm giữa các loại tội phạm làm giả hàng hóa, các nhà chức trách cũng phát hiện hàng nghìn sản phẩm y tế, thuốc giả kể cả thuốc chống nhiễm khuẩn và khoảng 17.000 bộ kit phát hiện COVID-19 giả.

Thực tế, chiến dịch đã cho thấy các tuyến đường phân phối hàng hóa trên toàn cầu như thế nào, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đều đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Việc thu giữ hàng hóa hết hạn hoặc hàng đã bị dán lại nhãn với hạn sử dụng mới cao hơn nhiều so với chiến dịch Opson trước đây, có thể có dấu hiệu của tội phạm lợi dụng sự ngắt quãng của các chuỗi cung ứng thực phẩm do các nước đóng của biên giới.

"Khi các nước trên thế giới tiếp tục nỗ lực phòng, chống COVID-19, các mạng lưới tội phạm tranh thủ phân phối, buôn bán các hàng hóa nguy hiểm này nhằm mục đích kiếm lợi nhuận bất hợp pháp. Mức độ và số lượng đồ uống, thực phẩm  bị thu giữ trong chiến dịch này là lời nhắc nhở công chúng cần cảnh giác với những gì mình mua, và sự cần thiết phải tiếp tục cảnh giác và hành động của các cơ quan thực thi pháp luật", Tổng Thư ký INTERPOL Jürgen Stock phát biểu.

Rượu giả và thịt lợn bất hợp pháp

Như trong các chiến dịch trước đây, rượu giả tiếp tục là vấn đề toàn cầu quan tâm. Na Uy đã thu giữ lượng rượu, bia, đồ uống có cồn trong đó có 5.000 lít rượu Vodka trị giá trên 20 triệu đô la Mỹ.

Bà Catherine De Bolle, Tổng Giám đốc Europol nhấn mạnh: "Trong thời gian khủng hoảng, bọn tội phạm luôn tìm cách thức mới để lừa bịp khách hàng và tăng lợi nhuận bất hợp pháp bất chấp việc gây hại cho cộng đồng. Thực phẩm giả và không đảm bảo chất lượng không chỉ lừa dối người tiêu dùng mà còn đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của họ. Chiến dịch Opson hằng năm của chúng tôi đã triển khai đến năm thứ 9 và cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm và lĩnh vực tư nhân là rất quan trọng và thiết yếu trong bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này".

Với trên 5.000 tấn, các sản phẩm từ động vật là loại hàng hóa bị thu giữ nhiều nhất trong chiến dịch Opson năm nay. Xu hướng mới được phát hiện ở châu Âu là làm giả các "hộ chiếu" cho ngựa, tức là trong một vụ việc, khi chuyển ngựa vào Italy bọn tội phạm đã làm giả giấy tờ khai báo rằng đưa ngựa vào để tham gia các trận thi đấu thể thao nhưng thực tế số ngựa này được đưa đến các lò giết mổ. 

Ngoài đồ uống và thực phẩm giả, các sản phẩm bất hợp pháp khác bị thu giữ còn có mỹ phẩm, giày dép, áo quần, túi xách tay, phụ tùng ôtô, đồ điện tử, thuốc lá, dược phẩm, tổng trị giá ước tính 3,1 triệu đô la Mỹ.

Chiến dịch Opson 

Chiến dịch Opson có nghĩa là "thực phẩm" trong tiếng Hy Lạp cổ, là một chiến dịch thực thi pháp luật hằng năm nhằm mục đích phát hiện, thu giữ, tiêu hủy thực phẩm và đồ uống giả hoặc không đảm bảo chất lượng trên thị trường và tiến hành điều tra, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.

Các cơ quan tham gia từ lực lượng thực thi pháp luật, hải quan, thị trường, an toàn thực phẩm quốc gia tiến hành kiểm tra tại các cửa hàng, chợ, sân bay, cảng biển, nhằm xác định và tịch thu các sản phẩm giả, thiếu chất lượng.

Các công ty, tập đoàn tư nhân cũng tham gia chiến dịch bằng cách hỗ trợ công tác giám định, xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm; cung cấp hàng mẫu và chuyên gia để tiến hành giám định, so sánh.

 Do INTERPOL và Europol cùng điều phối, chiến dịch Opson lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2011 chỉ có 10 nước tham gia, chủ yếu là châu Âu. Từ đấy đến nay, chiến dịch Opson đã có được sự tham gia và cam kết của ngày càng nhiều quốc gia thành viên INTERPOL. Chiến dịch Opson vừa qua đã có sự tham gia của 78 quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh, châu Âu và Trung Đông. Vào năm 2018, chiến dịch Opson cũng thu giữa được trên 16.000 tấn thực phẩm và 33 triệu lít đồ uống, trị giá ước tính 117 triệu đô la Mỹ; bắt giữ 672 đối tượng có liên quan.

Kiểm tra nhãn mác hàng hóa khi mua.

Thực phẩm giả và những lưu ý

Thực phẩm giả là hàng kém chất lượng và có thể bị nhiễm bệnh, gây ngộ độc thực phẩm, thậm chí là gây tử vong. Chiến dịch Opson của INTERPOL đã thu giữ hàng trăm ki-lô-gam quả ô liu chứa dung dịch sun-phát đồng, đường bị nhiễm phân bón, và mắm tôm có chứa thuốc trừ sâu.

Có hai nhóm tội phạm liên quan đến thực phẩm bẩn: (i) Bán thực phẩm không phù hợp cho việc tiêu dùng, kể cả bán các sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc hoặc dán lại nhãn cho các sản phẩm đã quá hạn sử dụng; (ii) Làm cho to lên, bơm nước vào, thay thế hàng hoặc dán nhãn sai, bao gồm thay thế toàn bộ thực phẩm hoặc nguyên liệu rẻ hơn có thể gây hại, cố tình dán nhãn sai chất lượng hoặc nguyên liệu, thành phần.

Khi mua thực phẩm, hãy kiểm tra chất lượng đóng gói, danh mục nguyên liệu, thành phần, chi tiết về nhà sản xuất… Hãy tin tưởng vào bản năng của bạn để tránh mua những thứ trông không ổn.

Một số mẹo đối với một số sản phẩm cụ thể

"Dầu ô-liu - Dầu ô-liu là một trong những loại thực phẩm dễ bị làm giả, bọn tội phạm thường pha loãng dầu ô-liu với các loại dầu rẻ tiền hơn, thậm chí là mỡ lợn. Hãy kiểm tra các chi tiết rất cụ thể trên sản phẩm kể cả ngày sản xuất, nước sản xuất, tên nhà sản xuất, ngày hết hạn. Nếu các chi tiết này không rõ ràng, đầy đù thì có thể đó là dầu ô-liu giả. Ngoài ra, cũng nên tìm xem con dấu hay tem xuất xứ hàng hóa mà nên có trên tất cả sản phẩm dầu ô liu hợp pháp sản xuất tại châu Âu.

"Mật ong- Mật ong bất hợp pháp thường có chất kháng sinh gây nguy hại cho con người. Luôn chú ý đọc kỹ thành phần và tránh các sản phẩm đã được thêm đường hoặc si-rô. Hãy mua tại các nhà sản xuất ở địa phương nếu có thể.

"Cá - Hải sản thường bị dán nhãn không đúng, các sản phẩm cá giả thường chứa nhiều thủy ngân và chất kháng histamin có thể gây bệnh.

Quang Anh (tổng hợp)
.
.
.