Để giảm thiểu nạn xâm hại trẻ em ở học đường

Thứ Hai, 08/07/2019, 11:42
Đã đến lúc cần phải thay đổi nhận thức và cần có cuộc khảo sát tổng thể về xâm hại trẻ em, từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt nhất là cần hoàn thiện khoảng trống pháp lý về vấn đề này.


Nhân ngày Gia đình Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên CSAGA đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Xâm hại trong học đường”. 

Nội dung buổi tọa đàm nhấn mạnh tới vai trò của gia đình trong việc giảm thiểu tình trạng xâm hại học đường đang trở thành một vấn đề nóng, nhức nhối trong xã hội hiện nay. 

Đã đến lúc cần phải thay đổi nhận thức và cần có cuộc khảo sát tổng thể về xâm hại trẻ em, từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt nhất là cần hoàn thiện khoảng trống pháp lý về vấn đề này.

Chưa kiểm soát tốt tình trạng xâm hại học đường

Thống kê cho thấy, từ năm 2011 - 2015 có 5.300 vụ xâm hại tình dục (XHTD) được phát hiện và xử lý. Năm 2018 có 1.269 vụ XHTD trẻ em được phát hiện và xử lý. 

Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm gồm: Bà Nguyễn Vân Anh - Chuyên gia về giới, Giám đốc CSAGA; bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ban thường trực nhóm Nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci; Thạc sĩ tâm lý học Đinh Đoàn - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Xã Đàn; Nhà báo Quý Hiên - Báo Thanh niên đều có chung một đánh giá, rằng con số nhức nhối trên chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm” thôi. Chúng ta biết rằng nạn nhân trong các vụ XHTD không phải ai cũng sẵn sàng lên tiếng, bởi chưa thực sự xóa bỏ rào cản tâm lý từ chính bản thân, gia đình và xã hội. 

Việc cởi bỏ tâm lý ngại ngùng e dè của các nạn nhân cũng như gia đình nạn nhân là một bước tiến quan trọng, cần thiết trong việc hạn chế, giảm thiểu xâm hại trẻ em. Chuyên gia của Trung tâm CSAGA kể lại, cách đây 15 năm, khi tổ chức hội thảo về quấy rối tình dục, mặc dù Ban tổ chức mời 60 người nhưng số đại biểu có mặt lên tới 120. Dù đông như vậy, nhưng không một ai trong số họ nói lên câu chuyện của chính mình, mặc dù phần lớn những người tự đến đã trải qua hoàn cảnh bị xâm hại hoặc có người thân bị xâm hại. 

Sau nhiều năm tháng kiên trì hành động, CSAGA nhận thấy, những chia sẻ về vấn này hiện nay đã cởi mở hơn rất nhiều. Rất nhiều vụ việc đã được đưa ra ánh sáng nhờ thái độ hợp tác tích cực của nạn nhân và gia đình. Mọi người ý thức tốt hơn về quyền được bảo vệ thân thể, hiểu rõ hơn mức độ nguy hại của quấy rối, XHTD từ đó dẫn tới thay đổi trong hành động. 

Theo bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA, những chia sẻ thông tin của người trong cuộc rất quan trọng, bởi nếu người trong cuộc “giấu nhẹm” khi bị xâm hại thì không thể nào đấu tranh đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng được.

Các chuyên gia trong buổi tọa đàm chủ đề Xâm hại học đường.

Vấn đề xâm hại học đường trong vài ba năm trở lại đây có những diễn biến hết sức lo ngại. Môi trường giáo dục, nhà trường đã không còn là môi trường an toàn tuyệt đối với trẻ em. Liên tiếp các vụ XHTD trẻ em trong trường học xảy ra, gây những hậu quả đau lòng, đáng sợ hơn còn có cả những vụ xâm hại tình dục ngay phía sau cánh cổng trường học. Các em không những bị tổn thương về thể xác mà còn tổn thương về tinh thần sâu sắc. Có những vụ việc đã đẩy các em đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực. 

Các chuyên gia cho rằng, việc các cơ sở giáo dục mở các lớp tập huấn để trang bị cho các em kiến thức về xâm hại để tự bảo vệ mình là rất cần thiết nhưng chưa đủ. 

Bên cạnh đó, điều đầu tiên, ngành giáo dục cần tăng cường các lớp để trang bị kiến thức pháp luật cho những người làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ nhận diện rõ hơn những hành vi vi phạm để tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra. Đã đến lúc, gia đình và nhà trường phải dạy trẻ biết lên tiếng khi cần thiết, chứ không chỉ “ngoan ngoãn vâng lời” thầy cô trong mọi tình huống. 

XHTD không chỉ xảy ra ngoài xã hội mà các em đã từng là nạn nhân của chính người thân quen trong gia đình, thậm chí là thầy cô giáo hay những người phục vụ cho công tác giáo dục ở trường học. Chính vì vậy, trong các lớp đào tạo kỹ năng cho các em, không nên né tránh, mà cần trực diện hơn trong trang bị kiến thức cho trẻ, giúp trẻ biết “cảnh giác” và phản ứng với chính các đối tượng có hành vi xâm hại là người thân của các em.

Quy chuẩn hóa các hành lang pháp lý

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công Ty Luật Fanci cho rằng, trong vấn đề tấn công tình dục, xâm hại quyền được bảo vệ về thân thể thì pháp luật của ta hiện nay còn yếu. Chúng ta chưa có quy định cụ thể thế nào là hành vi quấy rối tình dục, dâm ô. Điều này làm cho các cơ quan áp dụng pháp luật bị vướng trong giải quyết các vụ việc. 

Đơn cử, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường nhưng trong bạo lực nói chung không có bạo lực tình dục trong học đường. 

Từ thực tế đó, Luật sư Nguyễn Văn Tú đề nghị, cần hoàn thiện các quy định pháp lý trong đó có quy định cụ thể về hành vi quấy rối tình dục… Ngoài ra, cần  thiết phải có sự khảo sát xã hội để nhận diện nguy cơ bạo lực, XHTD trẻ em trong môi trường học đường. Chỉ khi nhận diện chính xác, có được bức tranh phản ánh đúng thực trạng thì chúng ta mới có được giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Về phía nhà trường, nhiều vấn đề bất cập liên quan đến xâm hại học đường, bạo lực học đường cũng được các chuyên gia đặt ra. Thạc sĩ tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ, lâu nay chúng ta vẫn có thói quen nghĩ, nhà trường là “thánh đường”, và chúng ta quên rằng, thực tế, trẻ em cũng bị xâm hại bởi chính những người thân quen của mình, kể cả trong môi trường gia đình hay trường học. 

Điều này là hết sức nguy hại. Cần phải xác định lại những ranh giới, những quy chuẩn cần thiết để trẻ em tự nhận diện các hành vi xâm phạm, cũng như có kỹ năng đối phó với các hành vi đó, chứ không răm rắp nghe theo thầy, cô hay người thân như một cái máy, ngay cả khi mình đang bị xâm hại. 

Qua việc trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp tập huấn cho các giáo viên về vấn đề này, ông Đinh Đoàn nhận thấy, không phải giáo viên nào cũng am hiểu pháp luật về vấn đề xâm hại học đường. Khi có những vụ xâm hại nghiêm trọng xảy ra trong trường học, vẫn có giáo viên cho rằng đó là “trò vui” đối với các em. 

Theo chuyên gia, nhất định cần phải có quy định an toàn về thân thể, tinh thần, an toàn về tình dục cụ thể cho giáo viên và những người làm công tác giáo dục, cũng như học sinh nhận diện rõ. Khi đó chúng ta mới có cơ sở khẳng định xem hành vi của ai đó đối với các em có đúng hay không, có vi phạm chuẩn mực hay không. 

Đặc biệt trong nhà trường, phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc để xảy ra xâm hại trẻ em, cụ thể là trách nhiệm của người hiệu trưởng. Chúng ta không thể nói chung chung, qua loa, mà phải có quy định chặt chẽ mang tính pháp lý. Chỉ có như vậy, những người làm giáo dục mới ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ trẻ em.

Tại kỳ họp thứ VII vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, trong đó có nội dung quan trọng là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Điều này cho thấy quyết tâm của cơ quan đứng đầu nhà nước trong kiểm soát, giảm thiểu tình trạng xâm hại học đường. 

Chắc chắn với chương trình hành động quyết liệt của Quốc hội, thực trạng và bản chất vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em sẽ được làm rõ, phân tích các nguyên nhân, tìm giải pháp đích đáng, góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn kịp thời những vụ việc xâm hại trẻ em trong tương lai. 

Và điều quan trọng nhất là khung pháp lý sẽ được hoàn thiện, giúp chúng ta có thể bảo vệ trẻ em được tốt hơn, những kẻ xâm hại trẻ em sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không quên gửi lời đến các phụ huynh, những người làm cha làm mẹ, rằng cho dù pháp luật có nghiêm minh, chặt chẽ đến đâu, thì vai trò của gia đình vẫn là quan trọng nhất. 

“Cha mẹ phải theo sát con trẻ thường xuyên và tuyệt đối không quá tin hay giao phó con mình cho bất kỳ ai, nếu không tình trạng xâm hại tình dục học đường sẽ ngày càng có cơ hội gia tăng” - chuyên gia Đinh Đoàn khuyến cáo.

Đức Học
.
.
.