Phòng chống xâm hại trẻ em Cha mẹ đừng im lặng

Chủ Nhật, 12/05/2019, 11:28
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ xâm hại trẻ em khiến xã hội bất an, bởi việc xâm hại trẻ em xảy ra ở cả thang máy chung cư, trong trường học; thủ phạm của những vụ này có cả những người có học thức cao, thầy giáo. Để chống lại việc xâm hại trẻ em, ngoài trang bị kỹ năng chống xâm hại cho con trẻ, các bậc phụ huynh cũng không nên chọn cách im lặng, thỏa hiệp…


Bi kịch của nữ sinh bị thầy giáo lạm dụng tình dục

Nằm cách thị trấn Bảo Yên gần 30km, gia đình của nữ sinh N.T.H, nạn nhân của vụ việc này cho biết, sau khi sự việc xảy ra, tâm lý của cháu bị ảnh hưởng nặng nề nên gia đình chưa muốn cho cháu đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Đ., chị dâu của H. cho biết, từ ngày xảy ra sự việc, H. ít nói hẳn và không muốn gặp người lạ, kể cả khi bạn bè đến thăm thì cô bé cũng trốn đi không tiếp chuyện vì xấu hổ. Nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình, chị Đ. buồn bã nói: “Tôi về làm dâu được một năm rồi, giờ còn mang bầu nên không giúp gì cho gia đình được, mọi việc trong nhà đều dựa vào chồng tôi. Từ nhỏ chồng tôi cùng H. đã bị bố bỏ rơi, chẳng biết mặt bố, mẹ thì câm điếc nên cũng không lo được cho các con tử tế”.

Từ khi biết chuyện, người mẹ câm điếc ấy chỉ biết khóc lóc vì thương con. Ngày đầu mới biết chuyện, bà cuống cuồng nhờ con dâu đưa xuống nhà thầy giáo đã xâm hại con mình để đòi lại công bằng cho con. Nhưng do sức khỏe yếu, không ai dám cho bà đi nên người mẹ này chỉ biết nằm khóc vì uất ức cho đứa con gái nhỏ.

“H. mang bầu, tôi cũng mang bầu, còn phải lo cho cả ông bà ngoại đang ốm đau. Ông bà nhà tôi cũng câm, điếc và sức khỏe rất yếu nên tôi không cho ông bà biết. Giờ sự việc xảy ra như vậy, tôi cũng chẳng biết phải làm sao. Hôm trước khi đi khám và xét nghiệm AND về, nó chẳng nói gì, chỉ ngồi trong góc nhà. Hôm trước cô giáo đến thăm thì H. bảo muốn đi học. Nhưng khi cô về nó lại nói với tôi là không muốn đến trường vì sợ bạn bè trêu, xấu hổ. Em tôi mang thai như thế, bỏ đi thì tội mà giữ lại thì gia đình không biết xoay sở sao”, chị Đ. rớt nước mắt nói.

Theo lá đơn tố cáo của gia đình em H.T.H. Thầy giáo Nguyễn Việt Anh (SN 1983) hiện đang giảng dạy môn Toán - Tin học tại trường đã có hành vi "hiếp dâm" em H.

Khi bị cơ quan chức năng triệu tập và tạm giữ hình sự, Nguyễn Việt Anh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đối tượng này khai nhận rằng mình đã phát sinh quan hệ tình cảm với học sinh là em H. từ khi được phân công trực bán trú từ năm học trước. Ngày 25-4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bảo Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Việt Anh về hành vi "Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi", theo điều 145 Bộ Luật hình sự.

Cha mẹ hãy lên tiếng để bảo vệ con mình

Nhưng N.T.H không phải trường hợp duy nhất bị xâm hại trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018 có tới 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Các đối tượng có hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau, đa số có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn rất hạn chế. Nhưng cũng không hiếm đối tượng có trình độ học vấn cao, hiểu biết pháp luật nhưng vẫn có hành vi xâm hại trẻ em. 

Mỗi ngày có một giáo viên được cắt cử quản lý khu nội trú.

Số liệu thống kê cũng phân tích, số đông các đối tượng là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế. Các nạn nhân thường là trẻ em nhỏ tuổi được cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế… Các trường hợp khác nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân nên bị các đối tượng xâm hại. 

Bên cạnh đó, một số vụ việc do hoàn cảnh khó khăn, người mẹ sinh con ngoài ý muốn lo sợ ảnh hưởng đến bản thân, danh dự gia đình đã vứt bỏ con khi mới sinh hoặc cố ý bỏ con tại các nơi công cộng, nơi hoang vắng, các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà chùa, nhà thờ…

Nơi ngủ và sinh hoạt của các em học sinh nữ.

Tuy nhiên, các vụ xâm hại trẻ em ngày càng có chiều hướng phức tạp. Không ít gia đình có đầy đủ cha mẹ và hết lòng yêu thương, chăm lo giáo dục con cái, nhưng rủi ro xâm hại lại xảy ra với con em mình ở trong những tình huống khác. Gần đây có thể kể ra như các vụ trẻ em bị xâm hại trong thang máy, trong khi đang vui chơi ở công viên, đi chơi hay đi học về bị kẻ xấu cưỡng bức. Thậm chí nhiều vụ trẻ em bị xâm hại ở ngay trong trường học, bởi thầy giáo hay bảo vệ nhà trường. Những trường hợp như vậy, rất cần đến sự hợp tác của cha mẹ, các bậc phụ huynh.

Camera được lắp để đảm bảo an ninh.

Điều đáng nói là một số bậc phụ huynh có tâm lý em ngại, xấu hổ, không dám lên tiếng tố cáo kẻ xâm hại con mình vì cho rằng như thế là giữ thể diện cho trẻ, cho gia đình mình. Thực ra điều này là không tốt, và nó có thể làm cho nỗi đau của trẻ ngày càng lớn hơn. Lấy ví dụ về câu chuyện bé gái 13 tuổi ở Cà Mau đã tự tử, để lại thư tuyệt mệnh vì uất ức khi kẻ xâm hại em không bị trừng trị. Em đã bị tổn thương rất nặng trong tâm hồn và luôn cảm thấy căm hận kẻ xâm hại, nhưng kẻ đó vẫn nhởn nhơ, không bị trừng trị.

Theo các chuyên gia về tâm lý, nếu kẻ xấu không bị trừng trị, mặc cảm tội lỗi của đứa trẻ sẽ còn kéo dài mãi. Chỉ khi kẻ ác bị trừng phạt trước pháp luật, trẻ mới được giải tỏa tâm lý phần nào. Vì vậy, việc cha mẹ cần phải lên tiếng tố cáo kẻ xấu đã xâm hại con mình là vô cùng cần thiết. Ngay cả khi kẻ xấu là họ hàng cũng cần lên tiếng tố cáo họ để mọi người đề phòng, để kẻ xấu không còn cơ hội gây hại cho những đứa trẻ khác. 

Sự im lặng của cha mẹ chính là dung túng cho cái ác, từ đó kẻ xấu có cơ hội tiếp tục phạm tội. Im lặng không phải là giải pháp tối ưu trong mọi vụ việc. Khi con không may bị xâm hại, hãy chuẩn bị tâm lý cho con vượt qua dần những mặc cảm của bản thân, để khi cần có thể ra tòa tố cáo hành vi phạm tội của kẻ xấu.

Các bậc phụ huynh hãy tích cực giáo dục giới tính cho con. Hãy dành thời gian cho con nhiều hơn, dạy con các hành động tự vệ khi chẳng may con gặp kẻ xâm hại. Con bị xâm hại là điều không ai mong muốn, nhưng tự vệ phòng thân là điều không bao giờ thừa. Nếu chẳng may con rơi vào trường hợp xấu nhất thì bố mẹ là chỗ dựa duy nhất để giúp con vượt qua nỗi đau, và thông minh nhất để lưu giữ đầy đủ các chứng cứ pháp lý, đưa kẻ xấu ra nhận tội trước pháp luật.

Lê Hiền _ Cát Vũ
.
.
.