Nhà tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp xuống cấp nghiêm trọng

Thứ Hai, 29/08/2016, 12:25
Với giá tiền vừa phải, không xa trung tâm thành phố Hà Nội là bao, nhà tái định cư, nhà thu nhập thấp trở thành sự lựa chọn của nhiều hộ gia đình không có điều kiện kinh tế khá giả nhưng vẫn muốn bám trụ tại Thủ đô.

Thế nhưng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều khu bị rạn nứt, tường bị bong tróc, mất nước, thang máy bị kẹt, đặc biệt là sau vụ sập nền chung cư khu Đồng Tàu, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, nhiều người bắt đầu lo lắng về nguy cơ đổ sập các khu nhà tái định cư và thu nhập thấp.

Muôn kiểu xuống cấp

Đến hôm nay người dân khu chung cư Đồng Tàu, Thịnh Liệt vẫn chưa hết bàng hoàng khi "hố tử thần" xuất hiện ngay tầng 1 chung cư của họ.

Dù đã xảy ra từ hôm 12-8 nhưng việc khắc phục sự cố của các cơ quan chức năng khá chậm. Ông S., cư dân của tòa nhà cho biết: "Khoảng 22h ngày 12-8, tôi nghe thấy tiếng "rắc" rồi "uỳnh" một cái. Cả tòa nhà rung lên.

Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì thấy mọi người ồn ào kéo xuống tầng 1. Đến nơi tôi thấy khoảng sàn gần 20m2 ở lối đi vào tòa nhà bị sập xuống. Hiện tượng lún đã diễn ra mấy tháng nay rồi nhưng đến hôm nay thì bị sập xuống hoàn toàn.

Toàn bộ hệ thống kính ngăn giữ bên ngoài và bên trong vỡ tan. Đường ống nước của các hộ dân cư dưới nền nhà cũng bị vỡ giập hết".

Khu chung cư Đồng Tàu bị sập nền lần thứ 2.

Chung cư Đồng Tàu được đưa vào sử dụng năm 2007, tập hợp 8 dãy nhà được đánh số thứ tự từ N1 đến N10, nằm dưới sự quản lý của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác khu Đô thị (trực thuộc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội). Trước đây khu này là ao hồ được đơn vị thi công lấp cát vượt lên để xây dựng.

Có thể nguyên nhân chính là do quá trình thi công ẩu, việc đầm cát không chặt, lâu ngày chảy dồn về một hướng tạo ra khoảng trống dưới nền sảnh khiến mặt nền yếu, dẫn đến tình trạng sụt lún. Đây không phải là lần đầu tiên khu chung cư Đồng Tàu xuất hiện tình trạng này.

Năm 2014, hầu hết các tòa nhà đều có biểu hiện lún nứt, chính nền sảnh tòa N5 này cũng đã bị sập một lần và đã được thành phố chỉ đạo sửa chữa.

Tình trạng công trình xây dựng xuống cấp cũng đang là vấn đề chung của các khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Nhiều năm nay, tòa nhà A1 khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn không hề được bảo trì, sửa chữa.

Đời sống của người dân sống tại các khu tái định cư này đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Toàn bộ khu nhà đã xuất hiện tình trạng rêu mốc, tường ẩm ướt, có chỗ bong tróc, nứt toác. Gạch nền tầng để xe sụt lún, biến dạng, hở cả đường ống thoát nước ngầm.

Vườn hoa biến thành nơi trồng rau xanh, nhiều nơi trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt. Thang máy luôn trong tình trạng hư hỏng… Đặc biệt toàn bộ khu dịch vụ tầng 1 đã nứt ra khỏi khung nhà. Có những chỗ khoảng trống để lộ nguyên phần lõi gạch bên trong.

Tình trạng này khiến việc buôn bán phải đóng cửa ngừng hoạt động từ 2 năm trước. Thế nhưng, đến nay đơn vị chức năng vẫn chưa tiến hành phá bỏ mà chỉ quây tôn cảnh báo nguy hiểm.

Cách đây vài năm, khu tái định cư Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính được coi là một trong những khu tái định cư kiểu mẫu ở Thủ đô.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình đã bị xuống cấp trầm trọng, rõ nhất là hệ thống tường nhà nhiều chỗ bị bong tróc, nứt nẻ, nước sinh hoạt ngấm từ tầng trên xuống tầng dưới…

Không những vậy, thang máy thường xuyên hỏng, thậm chí không hoạt động cả tuần, hành lang nhem nhuốc bốc mùi xú uế, nước chảy tràn lan, rác rưởi bủa vây..., gây bức xúc cho người dân.

Không chỉ khu tái định cư Nam Trung Yên, mà tình trạng xuống cấp nhanh cũng xảy ra tại nhiều khu tái định cư, chung cư thu nhập thấp ở Hà Nội. Nhiều nơi hộ dân còn tự ý cơi nới thành các chuồng cọp, gây mất cảnh quan toàn bộ khu nhà.

Cần phải quy trách nhiệm

Trước đây, nhà tái định cư, chung cư thu nhập thấp đã từng là niềm hy vọng của khá nhiều người có kinh tế eo hẹp, vì giá bán rẻ, lại được vay lãi suất ưu đãi.

Khu tái định cư Đền Lừ cũng xuống cấp nghiêm trọng.

Hầu hết các dự án nhà tái định cư, nhà dành cho người thu nhập thấp đều áp dụng tiến độ thanh toán chỉ cần đóng tiền khoảng 10% là được nhận nhà, trong khi giá nhà tái định cư thường thấp hơn khoảng 20-30% so với giá sản phẩm tương tự trên thị trường.

Do vậy, có thời điểm, dù tiền chênh xuất hiện ở nhiều dự án nhà tái định cư, nhưng vẫn rất hút người mua, bởi kể cả tiền chênh thì người mua cũng chỉ bỏ ra số tiền ban đầu khoảng 40% giá trị căn hộ là đã có nhà ở. Số tiền còn lại được trả chậm với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, niềm vui của cư dân các khu tái định cư, chung cư dành cho người thu nhập thấp không kéo dài được lâu bởi giá rẻ thường đi liền với chất lượng thấp.

Kiểu xây dựng theo cơ chế bao cấp, bất kể chất lượng thế nào cũng được đưa vào sử dụng, không có chủ quản lý đích thực..., khiến nhà tái định cư, chung cư giá rẻ nằm "bên lề" quản lý và xuống cấp rất nhanh, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.

Ngoài chất lượng xây dựng kém, thì người mua nhà cũng gặp rủi ro khi mua nhà tái định cư, thu nhập thấp bởi quy định hạn chế chuyển nhượng nhà tái định cư trong vòng 10 năm, nên dù bức xúc, cũng khó chuyển đi vì không được chuyển nhượng khi chưa đủ thời gian quy định.

Và khi xuống cấp người dân chẳng biết kêu ai ngoài việc tự bỏ tiền sửa chữa căn hộ của mình. Còn liên quan đến không gian sinh hoạt chung của cả khu dân cư thì đành "sống chết mặc bay".

Phải chăng ngay từ khâu xây dựng, thi công đã không có sự quản lý chặt chẽ khiến các công trình bị rút ruột, kém chất lượng nên chỉ vài năm đưa vào sử dụng là nhà tái định cư, chung cư thu nhập thấp đã xuống cấp nghiêm trọng.

Và khi xuống cấp thì không cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, bảo trì cũng như theo dõi, giám sát khiến tình trạng xuống cấp đang trở thành mối đe dọa thường trực đối với người dân Thủ đô.

Đánh giá về thực trạng xuống cấp của các khu nhà tái định cư, chung cư thu nhập thấp mới hiện nay, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: "Phải xem xét lại từ hệ thống văn bản pháp lý để xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Theo Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo xây dựng lại chung cư cũ và Nghị định 23 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Thành phố Hà Nội cũng đã có một số quyết định cụ thể hóa những nghị định này.

Nhiều nơi vẫn ngang nhiên làm chuồng cọp gây mất mỹ quan đô thị.

Trong đó có nghị định số 01 từ năm 2013 nói về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư. Gần đây Hà Nội lại có một số văn bản khẳng định vai trò của các chủ sở hữu, chủ sử dụng công trình phải có trách nhiệm về an toàn của công trình.

Đối với các công trình sử dụng có chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm duy tu bảo dưỡng công trình đó và có trách nhiệm giám sát an toàn trong thời hạn bảo hành công trình.

Đồng thời trong quy định mới của thành phố Hà Nội cũng nói rõ các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi định kì".

Như vậy ở đây thể chế hiện hành đã khẳng định rõ trách nhiệm thuộc về ai và ai là cơ quan để kết nối những giám sát này để có những giải pháp không an toàn. Thành phố Hà Nội còn nêu rõ, khi cải tạo xây dựng công trình phải đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận.

Qua thực tế của khu nhà chung cư Đồng Tàu này và nhiều khu tái định cư, thu nhập thấp bị xuống cấp nghiêm trọng cho thấy bên cạnh các nhà chung cư cũ đang trở thành gánh nặng cho xã hội thì các nhà tái định cư, thu nhập thấp cũng trở thành một vấn đề cấp bách mà thành phố Hà Nội cần phải quan tâm.

Hiện nay thành phố còn đang chú trọng đến vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ mà chưa chú trọng đến nhà tái định cư, nhà thu nhập thấp".

Bài học nhãn tiền về việc tòa nhà 43 Cửa Bắc bị sập khiến 2 người chết vẫn còn đó như một lời cảnh báo với xã hội, đã đến lúc cần phải quy trách nhiệm đối với tình trạng xuống cấp của các nhà tái định cư, chung cư thu nhập thấp để tránh những tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngọc Trâm
.
.
.