Công an TP HCM đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp cao điểm

Thứ Tư, 05/02/2020, 16:03
Công an TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) phục vụ người dân đi lại an toàn, thông suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội đầu Xuân 2020.


Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã qua, nhưng để đảm bảo cho người dân được an toàn, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) Công an TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) phục vụ người dân đi lại an toàn, thông suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội đầu Xuân 2020; đặc biệt là việc kiểm tra nồng độ cồn đã mang lại những hiệu quả rõ rệt…

Tăng cường kiểm tra, xử lý người vi phạm nồng độ cồn xuyên Tết

Trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, TP HCM đã tổ chức nhiều lễ hội. Công an TP HCM đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), ATGT nhằm phục vụ nhân dân thành phố vui xuân, đón Tết Nguyên đán được an toàn. Qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH), trật tự ATGT trên địa bàn thành phố được đảm bảo ổn định.

Đại diện lãnh đạo Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP HCM cho biết đơn vị đã huy động tối đa lực lượng triển khai đồng bộ các phương án cô lập, phân luồng từ xa, đảm bảo cho người dân vui chơi an toàn, thông suốt, nhất là trong đêm khai mạc đường Hoa, đêm giao thừa lưu lượng người và phương tiện tập trung đông về một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố để tham quan, vui chơi và xem chương trình bắn pháo hoa chào đón năm mới.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, CSGT TP HCM tăng cường kiểm tra, xử lý người vi phạm nồng độ cồn xuyên Tết ở nhiều tuyến đường. Tính riêng trong 5 ngày từ 22-1 đến 29-1 (tức từ 28 đến mùng 5 Tết), Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP HCM đã kiểm tra ngẫu nhiên 1.490 trường hợp, lập biên bản 49 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 6 người lái ôtô và 43 người đi xe máy.

Đa số đều vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất là có nồng độ cồn trong hơi thở nhưng chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở. Với mức vi phạm này, người chạy ôtô sẽ bị phạt 7 triệu đồng, người đi xe máy bị phạt 2,5 triệu đồng; cả hai đều bị tước bằng lái 11 tháng và giữ xe 7 ngày.

Theo Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP HCM, số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn của năm nay đã giảm đáng kể so với mọi năm vì mức phạt rất cao của Nghị định 100 đã giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Những người vi phạm đều giải thích do đi chúc Tết nên uống xã giao vài ba ly bia, rượu đầu xuân. 

Trước đó, nhằm chủ động trong công tác bảo đảm ATGT, trật tự xã hội, phòng ngừa ùn tắc giao thông, TNGT, phục vụ người dân đi lại an toàn, thông suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý và các Lễ hội đầu Xuân 2020, Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP HCM đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm TTATGT.

Đồng thời, bố trí quân số trong thời gian cao điểm từ 6h - 8h30 và 16h - 19h; chủ động trao đổi, liên hệ với các đơn vị có liên quan bố trí quân số đảm bảo theo phương án đã ký kết, phân công nhiệm vụ các lực lượng tham gia phối hợp đảm bảo TTATGT.

Đôn đốc các lực lượng chủ động phối hợp điều tiết giao thông, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tại các vị trí, khu vực là điểm đen TNGT, tăng cường bố trí lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung vào các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT; tiếp tục rà soát, đánh giá về TNGT, số liệu xử lý vi phạm, tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm xóa bỏ điểm đen.

Bên cạnh đó, tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, nắm tình hình TTATGT tại các tuyến đường cửa ngõ thành phố, các bến xe, khu vui chơi… để kịp thời xử lý tình tình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, vui chơi an toàn.

Ngoài ra, Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP HCM cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại mặt đường; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, sai phạm, tiêu cực.

CSGT Công an TP HCM hướng dẫn người dân tham gia giao thông.

Phát huy hiệu quả trong công tác trao đổi, xử lý thông tin trên mạng xã hội

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, người dân quay trở lại thành phố để làm việc, do đó lưu lượng phương tiện có sự gia tăng và tập trung chủ yếu ở các khu vực cửa ngõ ra vào thành phố. 

Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP HCM đã chỉ đạo các đội, trạm chủ động có kế hoạch bố trí lực lượng tại các khu vực cửa ngõ, các tuyến quốc lộ, các điểm phức tạp, khu vực bến xe, nhà ga, sân bay để điều tiết, phân luồng giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Đồng thời, bố trí lực lượng tại khu vực trước các trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo tình hình giao thông thông suốt khi học sinh, sinh viên và người dân đi học, đi làm trở lại.

Theo Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS, Công an TP HCM, để kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông trên địa bàn TP HCM, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã thực hiện nhiều giải pháp trong năm qua. Trong đó, Phòng tiếp tục thực hiện phương án phối hợp, phòng ngừa ùn tắc giao thông theo 3 cấp độ tại 28 điểm trên toàn địa bàn thành phố, trong đó tập trung tại 7 điểm, đoạn phức tạp có sự huy động nhiều lực lượng tham gia. 

Tiếp tục phối hợp với các lực lượng khác trong mô hình tuần tra hỗn hợp 363, tổ chức tuần tra kiểm soát xử lý các phương tiện lưu thông vào TP HCM, nâng cao công tác tuyên truyền và tập trung công tác điều tra cơ bản tại các điểm đen, nhân rộng mô hình xử lý vi phạm qua hình ảnh.  

Đồng thời, Phòng CSGT ĐB-ĐS cũng tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm những hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, lưu thông ngược chiều, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Ngoài các nghiệp vụ chuyên môn, Phòng CSGT ĐB-ĐS luôn tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia giao thông tự giác chấp hành các quy định về TTATGT thay vì vi phạm rồi bị phạt…

Ngoài ra, Phòng CSGT ĐB-ĐS tiếp tục duy trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm Phản ứng nhanh bảo đảm TTATGT tại khu vực cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực trung tâm thành phố và các tuyến đường cửa ngõ ra, vào thành phố; chủ động có phương án phân luồng, phân tuyến khi xảy ra UTGT; bố trí lực lượng trực, ứng trực tại các nút giao trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các điểm đang thi công thường xảy ra ùn tắc, phối hợp tốt giữa các đơn vị trong và ngoài ngành để kịp thời phân luồng, hướng dẫn giao thông khi có ùn tắc giao thông xảy ra.

Phòng CSGT ĐB-ĐS tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác trao đổi, xử lý thông tin trên hệ thống phần mềm Viber, Zalo đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua; phối hợp lực lượng Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương thành lập các tổ kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thi công công trình chiếm dụng mặt đường mà không bố trí đầy đủ hệ thống biển báo, không bố trí hoặc bố trí không đầy đủ người điều tiết giao thông theo phương án thi công và xử lý các hành vi vi phạm khác có liên quan.

Đặc biệt, Phòng đã khai thác hệ thống camera lắp đặt cố định tại các giao lộ và phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn truy cập hệ thống camera của trung tâm để chủ động trong công tác nắm tình hình, kịp thời ghi nhận được những vấn đề phức tạp về TTATGT. Qua đó, chủ động điều tiết lực lượng, giải quyết các sự cố giao thông một cách nhanh nhất, đồng thời phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin, tình hình trật tự giao thông trên tuyến để người dân lựa chọn hướng đi phù hợp…

Phú Lữ
.
.
.