Chung nhịp đập trái tim miền Trung!
- Cựu sinh viên Đại học CSND quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung “ruột thịt”
- EVNNPC ủng hộ đồng bào miền Trung 1 tỷ đồng
- Bạn đọc Báo CAND và doanh nghiệp ủng hộ đồng bào miền Trung gần 3,3 tỷ đồng và 200 tấn gạo
- Cục Y tế phát động ủng hộ đồng bào miền Trung
- Quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung
Không chỉ riêng con em miền Trung đang sinh sống và lao động trên toàn thế giới, mà còn rất nhiều người chưa từng một lần đến miền Trung, cũng chung nỗi lo lắng với từng ngày lũ đến, lũ dâng, rồi lũ rút.
Nhưng lũ vừa rút, hậu quả còn quá nặng nề và chưa đủ thời gian để khắc phục thì bão ào đến. Chưa kể nhà cửa, vườn tược tan hoang, mà riêng trong chiều 28-10, một quả đồi đã sạt lở, vùi lấp cả một làng có 11 hộ dân với 45 người tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Rồi cùng lúc đó, ở tỉnh này, tại xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) cũng sạt lở đất vùi lấp 8 người.
Đau thương tràn lấp, thiệt hại chồng thiệt hại. Đây là lúc rất cần đến tinh thần "tương thân tương ái". Tinh thần ấy thấy rất rõ qua những thông tin về quyên góp, hỗ trợ. Có người lặn lội mang tiền, hàng, quà về tận từng thôn xóm, vùng sâu vùng xa để giúp đỡ người dân, ngay cả khi nước lũ vẫn còn. Có người suốt ngày đêm miệt mài kết nối những tấm lòng thơm thảo. Chính phủ cũng đã xuất hàng trăm tỉ đồng để cứu trợ, và nguồn lực ấy đã được cộng hưởng thêm từ tấm lòng của cộng đồng.
Trung tướng Mai Văn Hà cùng lãnh đạo Cục Truyền thông CAND quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung. |
Chỉ có thể nói là rất tuyệt vời. Dĩ nhiên, sẽ không thể tránh khỏi có những chuyện này chuyện khác phát sinh, nhưng tấm lòng nhân ái của cộng đồng dành cho người dân miền Trung thì không thể phủ nhận. Thật đáng trân trọng.
Ai đã từng ở vùng lũ hẳn đều thấm thía cái sự khó khăn, thiếu thốn khi bị bão lũ. Giàu có đến mấy mà bão lũ bất ngờ, sạt lở ụp xuống thì tan nát hết. Có phòng ngừa, có dự trữ, có đề phòng cả đấy, nhưng thiên tai thì vô cùng vô tận, không lường hết mọi nhẽ. Vì vậy mà đói, rét, thậm chí tán gia bại sản là thường. Ở trong cảnh này thì cái gì cũng cần, ai giúp gì cũng quí, từ lon gạo, chai nước cho tới áo quần, chăn màn, tiền bạc…
Nhưng nói chuyện giúp thì cũng cần lại phải nói đến chuyện của cho và cách cho. Trong bão lũ, và cả ngay khi bão lũ đã tan thì cái cần cứu nhất vẫn là sinh mạng. Miền Trung có nhiều vùng trũng thấp, nếu có các phương tiện giúp dân tự cứu nhau trong bão lũ thì sẽ cứu được rất nhiều người. Phương tiện cứu hộ của các lực lượng chức năng tất nhiên là rất hiệu quả nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn, có đủ, nên phao cứu sinh, xuồng nhỏ là rất hiệu quả đối với các cụm dân cư.
Sau sinh mạng là chuyện ăn ở. Mỳ gói, bánh chưng, nước uống, thuốc bổ, thực phẩm… đều quí cả, nhưng chỉ cần thiết ở lúc cao điểm. Cái cần hơn đó là nguồn lực giúp dân ổn định lại cuộc sống và sinh kế. Một con trâu giống, vài chục gà con, một khoản tiền để phục hồi đồng ruộng là… rất quí, vì sẽ giúp người dân tự giải quyết sinh kế.
Đến tận nơi, phát cho tất cả mọi người ai cũng 5 triệu, 10 triệu đồng thì rất quí, nhưng không hẳn đã hiệu quả. Vì cũng là vùng lụt nhưng có nơi nước chỉ dâng cao rồi rút, không ảnh hưởng gì nhiều. Rồi ngay trong một địa bàn, có người sống rất thoải mái với nguồn lực từ con cháu hay lương hưu, không hề chăn nuôi sản xuất gì thì mức độ khó khăn sẽ không như những nông dân chỉ quanh năm trông chờ vào đồng ruộng.
Lòng người thì vô cùng vô tận. Chuyện "Người ăn không hết, kẻ lần không ra" là có thật. Có nơi do đi lại thuận lợi, được nhiều người kêu gọi nên hết đoàn này đến đoàn khác kéo đến, trong khi nhiều nơi đứt bữa mà rất ít người đến. Người cho thì không phải ai cũng chịu liên lạc với chính quyền, đoàn thể ở địa phương để biết nơi cần mà đến hỗ trợ. Cán bộ địa phương cũng không phải ai cũng công tâm giới thiệu cho các đoàn đúng nơi cần đến.
Vì thế mới có chuyện trong cùng một thôn mà có người nhận quà hết lần này đến lượt khác, có người mãi chẳng thấy gì. Cho nên, không chỉ người già, người tàn tật, ốm đau, mà cả người tự trọng cao nhiều khi lại thiệt chỉ vì không kêu ai được hoặc không muốn than vãn, kêu ca như người khác. Cũng đừng trách chính quyền và các lực lượng tại chỗ đã không bao quát hết tình hình, không sâu sát hết mọi nhẽ. Là vì chính gia đình họ cũng gian nan trong bão lũ. Có người chỉ vì trực bão lụt, rồi cứu người… hàng đêm liền mà kiệt sức. Lụt bão lui, họ bối rối vì đủ thứ chuyện phải lo.
Dĩ nhiên, đòi hỏi công bằng trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng là rất khó.
Nhiều người đến cứu trợ vùng lũ Quảng Bình trở về kể khi thuyền họ đến vùng huyện Lệ Thủy đang ngập sâu trong nước. Từ trong rất nhiều gia đình, thôn xóm đã có những cánh tay vẫy, những tiếng gào to trong mưa rằng "thôn bên kia, xóm bên kia bị nặng hơn chúng tôi, hãy đến đó giúp họ trước đi".
Quảng Trị, vợ chồng ông Ăm Diệu (người dân tộc Vân Kiều, trú bản Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa) thuộc diện nghèo khó, vợ chồng chỉ làm nương rẫy để nuôi mẹ già và 3 đứa con nhỏ. Nhưng khi nhận túi quần áo cứu trợ từ đoàn xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) thấy trong một túi áo có 10 triệu đồng, họ đã gặp chính quyền để tìm người trả lại.
10 triệu đồng với gia đình ông Ăm Diệu là rất lớn, càng lớn hơn nữa trong hoàn cảnh bão lụt, nhưng không thể lớn bằng tấm lòng của đồng bào gửi tặng ông dù chỉ một chiếc áo cũ. Càng không thể lớn bằng tấm lòng chân thật không tham lam của chính vợ chồng ông.
Những chuyện người thực, việc thực như thế khác hẳn với trường hợp những người đã nhận hàng chục phần quà, có khi nhiều quá dùng không hết, bán không ai mua vẫn cứ kêu than, không từ chối.
Nói là vùng sâu vùng xa nhưng có những người hưởng lương hưu rất cao vẫn đòi nhận hàng quà cho bình đẳng với những người chỉ trông cậy vào hạt lúa củ khoai. Có người nhà sập, tiền hỗ trợ nhận được đã gấp nhiều lần giá trị căn nhà mà vẫn không chịu dựng lại, để trông chờ thêm những món hỗ trợ tiếp. Cho là lấy, họ không quan tâm đến chuyện còn bao nhiêu người khác, nơi khác đang trong cảnh vật vã, đói khát.
Hàng quà hỗ trợ không phải là thứ vô cùng vô tận, nên một lời từ chối là quí lắm. Cá nhân, rồi thôn, xã, huyện, tỉnh rất cần biết công bố dừng việc nhận hàng quà đúng lúc, để chia sẻ cho nơi khác. Đó chính là tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều", rất cần được nhóm lên trong hoàn cảnh "tối lửa tắt đèn".