Châu Âu muốn Anh đảo ngược Brexit
- Đàm phán Brexit: Leo lên mình hổ
- Europol thời hậu Brexit
- Hội nghị thượng đỉnh EU “nóng” vấn đề Brexit và nhập cư
Lời níu kéo cuối cùng
Trong bài phát biểu trước các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP), ông Donald Tusk, người đứng đầu Hội đồng châu Âu, gợi ý việc đảo ngược Brexit vẫn là một ý tưởng trong đầu ông. "Nếu Chính phủ Anh quyết định ra đi, Brexit sẽ trở thành hiện thực - với tất cả các hậu quả tiêu cực - vào tháng 3 năm sau. Trừ phi có sự thay đổi trong trái tim của những người bạn Anh của chúng tôi".
Ông Tusk nhắc lại lời Thư ký Brexit của Anh, ông David Davis, người đã nói vào năm 2013 rằng "nếu một nền dân chủ không thể thay đổi ý định, nó sẽ không còn là một nền dân chủ nữa". Trích dẫn những nhận xét này, ông Tusk nói: “Chúng tôi, tại châu lục này, thì vẫn chưa đổi lòng. Trái tim chúng tôi vẫn rộng mở với các bạn”.
Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cũng tiếp lời: "Tusk cho biết cánh cửa của chúng tôi vẫn còn mở và tôi hy vọng rằng London sẽ hiểu rõ".
Tuy nhiên, theo tờ Guardian thì sự mềm mỏng của các lãnh đạo EU lại trái ngược với giọng điệu cứng rắn từ nhiều thành viên trong Nghị viện châu Âu, những người đang tham gia quá trình đàm phán Brexit.
Guy Verhofstadt, Điều phối viên Brexit của EP, đã nhắc lại lời cảnh báo rằng các thành viên EP sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào đặt nước Anh lên trên các nước thành viên EU. “Không thể có chuyện kén cá chọn canh bên trong hệ thống”, ông Guy Verhofstadt nói.
Vẫn cương quyết “dứt áo ra đi”
Tuy nhiên, bất chấp sự níu kéo của EU, khi được hỏi về phát biểu của ông Tusk, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng nước Anh sẽ vẫn chọn con đường Brexit, rời EU.
Trước đó, nhân vật ủng hộ mạnh mẽ Brexit đồng thời là cựu lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP), ông Nigel Farage cho hay ông muốn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về vấn đề Brexit, lập luận rằng một cuộc bỏ phiếu nữa sẽ cho thấy phe ủng hộ "rời EU" tiếp tục chiến thắng và chấm dứt tranh cãi trong nước.
Theo ông Farage, nhiều người từng ủng hộ ở lại EU cũng muốn tổ chức cuộc bỏ phiếu lại, cho rằng người dân Anh không được cung cấp mọi thông tin trong cuộc trưng cầu lần thứ nhất và hiện ý kiến của dư luận đang thay đổi. Ông Farage nhận định "tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ rời EU trong lần tới sẽ lớn hơn rất nhiều so với lần đầu".
Phản ứng trước những lời kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân mới, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định sẽ không tổ chức cuộc trưng cầu thứ hai kiểu này. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker đã kêu gọi Chính phủ Anh nên lắng nghe ý kiến của ông Tusk.
Trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit ngày 23-6-2016, 52% người Anh đã ủng hộ "ra đi", trong khi 48% ủng hộ "ở lại" EU. Hiện người dân Anh vẫn đang chia rẽ về việc rời EU. Một số người, trong đó có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, nói rằng quyết định này cần được đảo ngược. Một số nghị sĩ cho rằng nên có một cuộc bỏ phiếu công khai thứ hai về nội dung thỏa thuận Brexit cần đạt tới.
Theo Hãng tin Reuters, trong một báo cáo được Thị trưởng London, ông Sadig Khan, thuê thực hiện, Công ty tư vấn kinh tế Cambridge Econometrics đã xem xét 5 kịch bản Brexit khác nhau. Theo đó, Anh có thể mất khoảng 500.000 việc làm và 50 tỷ bảng vốn đầu tư trong vòng 12 năm tới nếu London không thể đạt một thỏa thuận thương mại với EU khi nước này ra khỏi khối - được gọi là "Brexit cứng".