Hội nghị thượng đỉnh EU “nóng” vấn đề Brexit và nhập cư

Thứ Sáu, 15/12/2017, 09:09
Ngày 14-12, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại Brussels (Bỉ), với chương trình nghị sự xoay quanh nhiều chủ đề “nóng”, từ vấn đề nhập cư cho tới gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga hay công bố một dự thảo về Hiệp ước Brexit vào đầu năm 2018.

Liên quan tới vấn đề Brexit, Hội nghị thượng đỉnh lần này được đánh giá là cơ hội thúc đẩy đàm phán Brexit giai đoạn hai, đặc biệt là sau khi nước Anh và EU hôm 8-12 đạt được thỏa thuận về các “điều khoản ly hôn”. 

Ngay trước thềm Hội nghị, Nghị viện châu Âu hối thúc các nhà lãnh đạo của EU “bật đèn xanh” cho việc khởi động giai đoạn tiếp theo trong tiến trình đàm phán giữa EU và Anh về vấn đề Brexit. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, cũng tỏ ý muốn các nhà đàm phán EU có thể bắt đầu thương thuyết ngay với phía Anh về giai đoạn chuyển tiếp. 

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của EU về vấn đề Brexit, ông Michel Barnier, tuyên bố EU sẽ không rút lại bản báo cáo công bố ngày 8-12 vừa qua, trong đó đánh giá các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU đã đạt được những “tiến bộ đầy đủ” để mở ra giai đoạn 2 bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh. 

Hội nghị thượng đỉnh EU được đánh giá là cơ hội thúc đẩy đàm phán Brexit giai đoạn hai. Ảnh: Reuters.

Ông Barnier nêu rõ những tiến triển đạt được đều đã được nhất trí và sẽ nhanh chóng được chuyển thành một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý trong cả 3 lĩnh vực cũng như một số vấn đề cần được đàm phán khác. 

Trưởng đoàn đàm phán của EU nhấn mạnh giai đoạn tiếp theo của tiến trình đàm phán Brexit sẽ tập trung về một giai đoạn chuyển tiếp “ngắn và rõ ràng” cũng như các cuộc thảo luận sơ bộ về mối quan hệ trong tương lai.

Về phía Anh, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May hôm 13-12 đã bị đánh bại trong trong cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội liên quan đến kế hoạch Brexit. 

Cụ thể, Quốc hội Anh đã nhất trí ủng hộ một nội dung sửa đổi Dự luật Brexit của Chính phủ, theo đó yêu cầu bao hàm cả một sự đảm bảo pháp lý để các nghị sĩ được quyền bỏ phiếu đối với bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào giữa Anh và EU. 

Với kết quả này, chính quyền của Thủ tướng May giờ sẽ phải chấp nhận quyền kiểm soát của Quốc hội đối với tiến trình Brexit. Đây được xem là thất bại và là đòn giáng mạnh vào Chính phủ Anh trước khi họ chuẩn bị thảo luận Brexit với các đối tác châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra. 

Cũng có bình luận rằng, những người đứng đằng sau quyết định sửa đổi này đang tâm gây khó dễ cho Brexit và có thể làm phức tạp nỗ lực của Thủ tướng May trong việc đưa Anh rời EU.

Bên cạnh Brexit, một trong những tâm điểm nổi bật nhất của hội nghị lần này vẫn là “gánh nặng người nhập cư”. Việc tiếp nhận và số lượng người nhập cư được tiếp nhận lâu nay vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi và mâu thuẫn trong lòng châu Âu quanh vấn đề này càng gây chia rẽ sâu sắc hơn sau khi Chủ tịch Donald Tusk đưa ra nhận định phản bác chương trình tái phân bổ người di cư giữa các nước EU. 

Trong một bức thư gửi tới các lãnh đạo châu Âu trước thềm Hội nghị, ông Tusk cho rằng, chương trình tái phân bổ người di cư giữa các nước EU được nhất trí trước đó là “không hiệu quả” và “vô cùng gây chia rẽ”, gợi ý rằng các bên nên tập trung vào việc bảo vệ các đường biên giới của châu Âu. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng đề xuất đưa một công cụ tài chính mới vào gói ngân sách của EU bắt đầu từ năm 2021 để chống nạn di cư trái phép. 

Cho tới nay và kể cả về sau này, lẽ việc lựa chọn 1 chính sách sao cho vừa hiệu quả, vừa đáp ứng được vấn đề nhân đạo vẫn luôn là 1 bài toán hóc búa cho các lãnh đạo EU, nhất là khi ở châu Phi và Trung Cận Đông, bên kia cửa ngõ vào châu Âu, vẫn còn biết bao nhiêu con người đang bất chấp nguy hiểm để trốn chạy khỏi thảm cảnh chiến tranh và xung đột. 

Hôm 13-12, 2.500 người đã tập trung gần các cơ quan của EU tại thành phố Brussels, kêu gọi hỗ trợ người nhập cư tới châu Âu. Họ nhấn mạnh rằng, đã đến lúc cần một châu Âu hiếu khách, mở cửa tiếp nhận người nhập cư và tị nạn - những người muốn đặt chân tới châu Âu, tìm kiếm sự tị nạn ở đây.

Ngoài hai vấn đề “nóng” trên, các nhà lãnh đạo EU cũng dự kiến sẽ gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế - chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính, đối với Liên bang Nga đến giữa năm 2018. Đây cũng được xem là vấn đề hết sức tế nhị khi các lệnh trừng phạt nặng nề của EU đã làm trầm trọng hơn các mối quan hệ giữa khối này với Moscow. 

Bên cạnh đó, tại Hội nghị thượng đỉnh này, EU cũng được trông đợi sẽ có phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.