Chặn "bẫy" trong thương mại điện tử thời hội nhập

Thứ Hai, 25/07/2016, 15:07
Với gần 4.500 website kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT)đã đăng kí hoạt động tại Cục TMĐT và Công nghệ, Bộ Công thương trong đó có hơn 4.100 website bán hàng trực tuyến, hơn 300 website là sàn giao dịch TMĐT đã cho thấy TMĐT đang là một lợi thế cho các doanh nghiệp trong hội nhập phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, người dân cũng được hưởng lợi ích từ hoạt động này bởi chỉ cần nhấp chuột là có thể mua được món đồ mình yêu thích.


Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của TMĐT là sự gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này như lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán hàng đa cấp, bán hàng trực tuyến, kinh doanh vàng tài khoản trái phép, gian lận, trộm cắp trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Để phòng ngừa tội phạm trên, CBCS Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã điều tra, chuyển cơ quan chức năng khởi tố gần 30 vụ án, hơn 100 bị can, góp phần làm lành mạnh hoạt động TMĐT đang còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Theo thống kê của Cục C50, thì ngoài gần 4.500 website đã đăng ký hoạt động TMĐT thì hiện nay đang có hơn 700 website có quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực TMĐT nhưng chưa đăng ký hoạt động. Những website này chứa nguy cơ tiềm ẩn tội phạm rất cao. Bên cạnh đó, còn có 14 website kinh doanh đa cấp có số lượng người tham gia lên đến hàng nghìn người và hằng trăm website là các sàn giao dịch vàng "ảo" có dấu hiệu kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra khám xét, thu giữ tài sản phạm tội tại Công ty Khải Thái.

Sát cánh cùng CBCS Cục C50, chúng tôi được chứng kiến lực lượng này khám phá không ít vụ án lừa đảo trong lĩnh vực TMĐT. Điển hình nhất là chiến công "đánh sập" hàng loạt sàn vàng ảo bất hợp pháp như VGX, Khải Thái, BBG, TC, 24 Gold...

Từ năm 2010, việc kinh doanh vàng tài khoản bị cấm ở Việt Nam dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, nhiều sàn vàng vẫn tiếp tục được mở ra, thu hút một lượng lớn người dân tham gia.

Không chỉ kinh doanh trái phép, các sàn vàng bất hợp pháp này với những mánh lới nhằm đoạt tiền của khách hàng đã đẩy nhiều người dân thiếu hiểu biết vào cảnh trắng tay, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho nhà đầu tư.

Đây là loại tội phạm mới, phương thức thủ đoạn mới, chưa có tiền lệ nhưng với nỗ lực của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, việc "đánh sập" các sàn vàng ảo trên đã góp phần làm lành mạnh thị trường thương mại điện tử còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Sàn vàng đầu tiên bị triệt phá là sàn VGX. Có mặt tại buổi bắt, khám xét trụ sở của "sàn" này tại toà nhà GP, chúng tôi mới hiểu hết được hiệu quả lớn của công tác này, bởi đây dường như là "cú đánh" mạnh vì ngoài việc phanh phui việc kinh doanh trái phép của các đối tượng cầm đầu, còn làm rõ việc gian lận của chúng khi dùng phần mềm can thiệp vào các giao dịch của nhà đầu tư khiến họ chơi phần lớn bị lỗ (chỉ có 638/6.505 tài khoản tham gia giao dịch có lãi, chiếm 9,8%).

Đặc biệt, khi cơ quan Công an triệt phá sàn vàng Khải Thái, đã ngăn chặn, thu giữ được gần 60 tỷ đồng mà đối tượng Hsu Minh Jung (còn gọi là Sa Ga), SN 1975, quốc tịch Trung Quốc đã "gom" của nhà đầu tư, chuẩn bị chuyển ra nước ngoài.

Để thu hút các nhà đầu tư, Sa Ga đã tạo vỏ bọc hoành tráng cho sàn vàng Khải Thái như thuê trụ sở chính và các chi nhánh rộng hàng nghìn mét vuông tại các cao ốc có vị trí đắc địa nhất Hà Nội. Công ty liên tục tuyển hàng trăm nhân viên và cộng tác viên được giao nhiệm vụ lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia ủy thác đầu tư để hưởng lãi suất 3-3,5%/tháng tương đương 36-42%/năm và giới thiệu người khác ủy thác đầu tư để hưởng hoa hồng.

Cũng chính vì số lãi quá lớn như trên, nhiều người đã mờ mắt không hề biết rằng đây chính là thủ đoạn nhằm lừa đảo họ. Chính vì vậy, khi cơ quan Công an bắt giữ các đối tượng cầm đầu, nhiều nhà đầu tư đã đến trụ sở để thanh minh cho việc làm ăn của công ty, thậm chí đề nghị thả người vì "công ty đang làm ăn có lãi, họ vẫn trả đều cho chúng tôi hàng tháng".

Những người này dường như không ý thức được rằng với số lãi khủng như trên, không thể kinh doanh loại hàng hoá gì để có được. Các dự án xây khách sạn, nhà ở tại Quảng Đông, Hồng Kông (Trung Quốc) đều là "bánh vẽ", các đối tượng chỉ lấy tiền của người tham gia sau để trả cho người trước chứ không kinh doanh bất cứ loại hàng hoá gì.

Hay như sàn vàng "ảo" IG của Công ty cổ phần kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (địa chỉ tầng 8, tòa nhà 165 Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) bị C50 và Công an quận Đống Đa, Hà Nội khám phá cũng có thủ đoạn tương tự với sàn vàng VGX.

Khi cơ quan Công an đồng loạt khám xét 5 địa điểm là nơi làm việc và nhà ở của các đối tượng chủ chốt của Công ty IG, thu giữ tang vật gồm 1,49 tỉ đồng tiền mặt, 1.025 tỉ đồng tiền trong tài khoản, 276 lượng vàng miếng SJC, 8kg vàng trang sức các loại, 35 máy tính xách tay, 6 CPU, 1 sổ đỏ, 2 hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất cùng nhiều giấy tờ liên quan nhiều nhà đầu tư mới "ngã ngửa" sàn vàng này không được "bảo kê" như lời của các đối tượng khoe khoang.

Đặc biệt, nhà đầu tư càng "choáng" hơn khi biết các đối tượng đã can thiệp vào máy chủ  để điều chỉnh lệnh nộp, rút tiền của khách hàng. Nếu khách hàng thắng với số lượng ít, chúng để cho khách rút tiền. Nếu khách thắng với số tiền lớn, chúng can thiệp kỹ thuật để đánh sập mạng rồi tự tạo thông báo về nguyên nhân sập là do khách quan.

Lực lượng Công an phối hợp với Viện Kiểm sát kiểm đếm tài sản thu giữ của đối tượng Sa Ga.

Một trong những thủ đoạn tinh vi khác nhằm gian lận trong TMĐT bị lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện, đấu tranh đó là thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên mạng.

Với thủ đoạn này, mặc dù không có hàng hoặc chỉ có hàng kém chất lượng nhưng các đối tượng rao bán điện thoại, kính, quần áo, hàng điện tử… của các hãng có uy tín để đánh vào sự ham rẻ của khách hàng, đồng thời yêu cầu khách chuyển tiền trước. Khi nhận được tiền, các đối tượng lập tức tắt máy không liên lạc được hoặc gửi hàng kém cho khách.

Điển hình là vụ các trinh sát Cục C50 bắt quả tang Nguyễn Văn Đô, (SN 1994), quê Quảng Ngãi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu đang cùng bạn gái giao dịch với khách hàng trên mạng với mục đích lừa đảo.

Mở rộng vụ án trên, lực lượng chức năng đã bắt giữ thêm nhiều đối tượng khác trong ổ nhóm. Thủ đoạn chung mà băng nhóm này sử dụng là rao bán các mặt hàng điện tử trên mạng với giá rẻ hơn nhiều lần so với giá trị thật trên thị trường, để đánh vào lòng tin mù quáng, hám rẻ của khách hàng.

Ngoài ra, chúng còn rao hàng loạt thông tin nhận làm bằng cấp các loại, lo thủ tục cấp giấy tờ nhà đất... Khi nạn nhân đồng ý mua hàng hoặc muốn làm giấy tờ thì phải chuyển trước cho chúng một số tiền (từ 30 đến 50% tổng trị giá sản phẩm).

Sau khi nhận được tiền do khách hàng gửi vào tài khoản ngân hàng của chúng, các đối tượng lừa đảo lập tức rút tiền rồi tiếp tục làm các vận đơn giả (hóa đơn giả xác nhận đã vận chuyển hàng) gửi cho khách hàng khiến các khách hàng tin rằng đã được chuyển hàng nên gửi hết số tiền mua hàng còn lại sau đó mất tích.

Để phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực TMĐT, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng 4, Cục C50 đề nghị Nhà nước cần kịp thời ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ đồng thời, cần xây dựng phát triển lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách chọn mua sản phẩm tại các website có uy tín, có tích hợp của Cục TMĐT và Công nghệ, không nên tham gia đầu tư vào các công ty, lĩnh vực mà mình chưa hiểu biết rõ ràng, đặc biệt cần tỉnh táo trước những lời mời đầu tư "không phải làm gì" mà vẫn được hưởng lãi suất cao...

Thu Hằng - Phương Thuỷ
.
.
.