Những cạm bẫy trong thương mại điện tử

Chủ Nhật, 05/04/2015, 09:58
Chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia là mục đích đưa hoạt động này trở nên phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý TMĐT vẫn còn buông lỏng và các đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở để lừa đảo khách hàng, gây “rào cản” không nhỏ trong việc phát triển TMĐT ...

Để thực hiện ý đồ lừa đảo qua TMĐT, Hồ Văn Ngọc Thạch (ngụ quận Bình Thạnh) cùng một số đối tượng đã mua một công ty với giá 30 triệu đồng, đổi tên thành Công ty TNHH TM Sắt thép Tân Đại Thành (Công ty Tân Đại Thành) do Trần Phát làm Giám đốc, trụ sở ở phường Bình Trưng Đông, quận 2.

Tuy nhiên, thực tế tại địa chỉ này không có Công ty Tân Đại Thành mà là nhà trọ cho thuê của bà H.H.T.

Còn Giám đốc công ty thì được các đối tượng đăng ký khống từ giấy CMND đã mất của người tên Trần Phát.

Sau khi lập công ty “ma”, các đối tượng tiếp tục đến ngân hàng mở tài khoản số 060063978240 mục đích để nhận tiền của khách hàng mua hàng chuyển vào.

Đồng thời, Thạch vào trang web satthep.net quảng cáo Công ty Tân Đại Thành đang kinh doanh các loại sắt thép, nhưng thực tế công ty không có hàng để bán.

Sau khi Công ty Tân Đại Thành được quảng bá trên mạng Internet, do có nhu cầu mua hàng để sản xuất kinh doanh nên Công ty TNHH MTV Thiết bị xây dựng Tam Sanh (quận Tân Bình) đã liên lạc với Phan Anh Đạt đại diện Công ty Tân Đại Thành để mua hàng.

Nhằm tạo lòng tin với Công ty Tam Sanh, Đạt giới thiệu kho hàng của Công ty mình ở quốc lộ 1A (đó là địa chỉ của cơ sở K.M) để người của Công ty Tam Sanh đến coi hàng.

Thấy giá cả khá mềm, có kho hàng hẳn hoi, Công ty Tam Sanh không nghi ngờ gì, đặt mua đơn hàng có tổng trị giá 250 triệu đồng, chuyển tiền cọc 50% trị giá đơn hàng vào tài khoản của Công ty Tân Đại Thành theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cọc, vẫn không thấy đối tác giao hàng, Công ty Tam Sanh liên hệ lại thì liên lạc bị cắt đứt, số tiền đặt cọc cũng bị chiếm đoạt.

Tương tự, DNTN Vi Vân (Đồng Nai) đặt mua 10 tấn tôn đen và đã chuyển vào tài khoản của Công ty Tân Đại Thành tiền cọc 66 triệu đồng (50% giá trị đơn hàng).

Các đối tượng điều hành trang web www.iphonehot.net lừa đảo người tiêu dùng đã bị cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ.

Cũng “chiêu cũ soạn lại”, nhưng lần này Công ty Tân Đại Thành giới thiệu cho DN Vi Vân kho hàng của mình ở tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh (đây là kho hàng của Công ty N.V) để DN Vi Vân đến lấy hàng.

Tuy nhiên, khi biết người của DN Vi Vân đến kho lấy hàng thật, sợ bị lộ, đại diện Tân Đại Thành liên tục yêu cầu DN Vi Vân phải chuyển gấp số tiền còn lại thì mới lấy được hàng. Không một chút nghi ngờ.

DN Vi Vân đã chuyển tiếp 62 triệu đồng và ngay sau đó toàn bộ số tiền của DN Vi Vân chuyển vào tài khoản đã bị Công ty Tân Đại Thành chiếm đoạt.

Với thủ đoạn trên, Công ty Tân Đại Thành còn lừa Công ty CP cơ khí thực phẩm và xây lắp Biên Hòa (Đồng Nai) chiếm đoạt hơn 36 triệu đồng đặt cọc. Chỉ đến khi các DN bị hại trên quá bức xúc, tố cáo đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh thì đường dây lừa đảo này mới bị “đánh sập”.

Theo cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC46), bọn tội phạm đã lợi dụng phương thức thanh toán TMĐT để trộm cắp, lừa đảo, lấy thông tin khách hàng khi tham gia giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ, thanh toán tiền qua tài khoản, qua thẻ khiến hoạt động mua bán trên website TMĐT có nguy cơ mất thông tin.

Thời gian qua, cơ quan này đã tiếp nhận và điều tra nhiều vụ lừa đảo bán hàng qua Internet. Thủ đoạn phổ biến nhất của các đối tượng là tạo một số website giả mạo của một số công ty đang có chương trình khuyến mãi, giảm giá “sốc” để đánh vào lòng tham của người tiêu dùng (NTD) nhằm thực hiện việc lừa đảo.

Lý giải tại sao việc giao dịch, thanh toán TMĐT hiện còn quá thấp, ông Nguyễn Vĩnh Lợi - đại diện Công ty CP chuyển mạch tài chính quốc gia VN (Banknetvn) tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, phần lớn NTD lo ngại sản phẩm mua trực tuyến chất lượng kém hơn so với quảng cáo; NTD cảm thấy nhiều rủi ro, chưa tin tưởng đơn vị cung cấp cũng như chưa đủ thông tin để mua hàng trực tuyến.

Ngoài ra, NTD cũng chưa yên tâm khi một số hành vi gian lận về giao dịch thanh toán trực tuyến chưa được xử lý triệt để.

Thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an (C50) đã cùng Ngân hàng Nhà nước thông báo đến các ngân hàng để cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm.

“Để đảm bảo an toàn thông tin trong thanh toán TMĐT thì đòi hỏi trách nhiệm của 3 phía: Cơ quan quản lý Nhà nước, DN cung cấp dịch vụ, sản phẩm TMĐT và NTD. Đặc biệt, các ngân hàng cũng phải xem xét quản lý chặt chẽ việc đăng ký, sử dụng tài khoản ngân hàng cũng như các loại thẻ tín dụng”, đại diện C50 cho biết.

Thúy Hà
.
.
.